Đại diện Cơ quan soạn thảo trình bày Tờ trình
Trình bày Tờ trình dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi), đại diện Cơ quan soạn thảo cho biết, Luật Dân quân tự vệ được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 23/11/2009, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2010. Sau hơn 9 năm thực hiện đã đạt nhiều kết quả quan trọng, tạo cơ sở pháp lý để xây dựng dân quân tự vệ vững mạnh và rộng khắp, nâng cao chất lượng tổng hợp và khả năng sẵn sàng chiến đấu của dân quân tự vệ; góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, củng cố và tăng cường tiềm lực quốc phòng, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương, cơ sở.
Tuy nhiên, nhiều chủ trương, quan điểm mới của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến dân quân tự vệ chưa được thể chế và cụ thể hóa. Một số quy định của Luật Dân quân tự vệ chưa thống nhất, chưa đồng bộ với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quốc phòng và pháp luật có liên quan. Nhiều vấn đề mới phát sinh trên thực tiễn liên quan đến dân quân tự vệ chưa được điều chỉnh hoặc điều chỉnh chưa đầy đủ, đã bộc lộ nhiều hạn chế, vướng mắc, bất cập về xây dựng, huấn luyện, dào tạo, hoạt động và đảm bảo chế độ, chính sách cho dân quân tự vệ. Do đó, việc sửa đổi Dự án Luật là cần thiết.
Đại diện Cơ quan soạn thảo cũng cho biết, Dự án Luật được xây dựng với mục đích xây dựng dân quân tự vệ vững mạnh và rộng khắp, nâng cao chất lượng tổng hợp, sẵn sàng khả năng chiến đấu, phục vụ chiến đấu, làm lòng cốt cùng toàn dân đánh giặc ở địa phương, cơ sở khi có chiến tranh; cùng với quân đội nhân dân làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Qua trình soạn thảo, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Quốc phòng tiến hành soạn thảo theo đúng trình tự, thủ tục của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Ngày 31/01/2019, tại Phiên họp thường kỳ tháng 01/2019, Chính phủ đã thông qua Dự án Luật Dân quân tự vệ sửa đổi để trình Quốc hội.
Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh phát biểu
Thẩm tra sơ bộ Dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi) tại phiên họp, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và an ninh bày tỏ sự nhất trí về sự cần thiết phải sửa đổi Luật với những lý do đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ để nhằm thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013 về các nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, lĩnh vực quốc phòng; khắc phục được những tồn tại, hạn chế, vướng mắc trong hệ thống pháp luật, góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý về dân quân tự vệ, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ tổ quốc và hội nhập quốc tế.
Thường trực Ủy ban nhận thấy, hồ sơ dự án Luật cơ bản soạn thảo theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện để báo cáo Ủy ban Thường vụ quốc hội cho ý kiến. Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, thể hiện sâu sắc hơn trong Tờ trình về quan điểm, nguyên tắc sửa đổi bổ sung, về những nội dung mới của Dự thảo Luật, nhất là về tổ chức của dân quân tự vệ và mở rộng lực lượng dân quân tự vệ; đánh giá rõ hơn tác động ủa một số chính sách mới; bổ sung nội dung dự thảo Nghị định quy định chi tiết về tổ chức tự vệ trong doạnh nghiệp và dự thảo các văn bản của Bộ Quốc phòng quy định chi tiết các nội dung của luật giao; đồng thời cung cấp thêm thông tin về pháp luật của nước ngoài có liên quan để nghiên cứu, cho ý kiến về dự án Luật.
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ phát biểu chỉ đạo tại phiên họp
Về Bố cục của dự thảo Luật, một số ý kiến thường trực Ủy ban cho rằng Luật còn nhiều nội dung Giao chính phủ hoặc Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định chi tiết nên đề nghị nghiên cứu theo hướng hạn chế việc ủy quyền để bảo đảm các yêu cầu cần quy định cụ thể, rõ ràng ngay trong luật; đồng thời cần Luật hóa các văn bản dưới luật.
Ngoài các nội dung nêu trên, Thường trực Ủy ban đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát, bổ sung về nội dung và chỉnh lý về mặt kỹ thuật lập pháp để đảm bảo tính thống nhất ngay trong dự thảo Luật và với hệ thống pháp luật hiện hành.
Cho ý kiến tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đánh giá cao Ban soạn thảo đã tích cực chuẩn bị Dự án Luật với hồ sơ đầy đủ, công phu, dự án trình đúng tiến độ; Thường trực Ủy ban QP&AN đã chủ động cho việc thẩm tra sơ bộ. Phó Chủ tịch Quốc hội đánh giá các quy định của Luật cơ bản đảm bảo và phù hợp với chủ trương phát triển dân quân tự vệ; tuy nhiên Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Cơ quan soạn thảo phối hợp với Cơ quan thẩm tra cần tiếp tục hoàn thiện nhiều nội dung của Luật để hài hòa giữa việc xây dựng lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh nhưng tinh gọn trong việc tổ chức bộ máy./.