Tại hội nghị, Thường trực Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố tập trung trình bày tham luận, cho ý kiến trao đổi về các vấn đề: kinh nghiệm và giải pháp trong việc giải quyết một số vấn đề bức xúc của người dân địa phương trên lĩnh vực đất đai, ô nhiễm môi trường, trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; kinh nghiệm và giải pháp trong giám sát việc thực hiện công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, giám sát việc triển khai xây dựng các khu tái định cư của các dự án ngoài đầu tư ngoài ngân sách nhà nước trên địa bàn….
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu và Trưởng ban Công tác đại biểu Trần Văn Tuý chủ trì Hội nghị
Đánh giá cao chủ đề hội nghị là “Kinh nghiệm và giải pháp của Thường trực Hội đồng nhân dân trong việc giải quyết những vấn đề phát triển kinh tế- xã hội của địa phương”, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, nội dung thảo luận sẽ góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân, góp phần tháo gỡ những khó khăn của địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Qua các tham luận cũng như các ý kiến phát biểu của các đại biểu, Phó Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao việc Hội đồng nhân dân cả nước nói chung và các tỉnh, thành phố trong khu vực Đông Nam bộ đã phấn đấu làm tròn chức năng đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, thực hiện tốt nhiệm vụ của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. Nhân dân ngày càng đặt niềm tin vào cơ quan dân cử. Hoạt động giám sát của Hội đồng Nhân dân có những ý kiến phản biện xác đáng như ở TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa- Vũng Tàu, Tây Ninh, Lâm Đồng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố còn tồn tại, hạn chế, vướng mắc. Trong đó có nguyên nhân cả về mặt pháp luật do một số quy định còn chưa đầy đủ, rõ ràng, nhưng cũng có cả nguyên nhân do quá trình tổ chức thực hiện. Vì vậy, đề nghị các đại biểu, đặc biệt là Thường trực Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trong khu vực nghiêm túc rút kinh nghiệm, đánh giá đúng nguyên nhân khách quan, chủ quan và có các đề xuất cụ thể để khắc phục.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu tại hội nghị
Để việc giải quyết những vấn đề phát triển kinh tế- xã hội của địa phương đạt kết quả cao, đáp ứng sự kỳ vọng của cử tri, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị:
Một là, Hội đồng nhân dân cần bám sát đặc điểm, điều kiện đặc thù của địa phương, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ được pháp luật quy định để khi thực hiện bảo đảm tính thời điểm, tính khả thi trong việc giải quyết các vấn đề. Các chủ trương, chính sách của Hội đồng nhân dân khi ban hành phải đúng và trúng vấn đề đã được cử tri và nhân dân quan tâm. Để làm được điều này, cần có sự đánh giá tác động kỹ lưỡng, dự báo đầy đủ các thuận lợi, khó khăn, dự báo đầy đủ các cơ sở pháp lý, nguồn lực, đề ra các Nghị Quyết, thực hiện nghiêm túc việc lấy ý kiến các cơ quan tổ chức có liên quan và nhất là ý kiến của người dân.
Hai là, những vấn đề bức xúc trong phát triển kinh tế- xã hội của địa phương phải được thảo luận công khai tại các Kỳ họp Hội đồng nhân dân. Để làm được việc này, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân cần phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp ngay từ việc đề xuất, đến việc chuẩn bị nội dung và chương trình của kỳ họp. Thường trực Hội đồng nhân dân cần chuẩn bị kỹ lưỡng chương trình để lựa chọn những vấn đề đưa ra tại kỳ họp Hội đồng nhân dân. Đối với những vấn đề cấp thiết, cấp bách phát sinh giữa hai kỳ họp của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân cần chủ động đề xuất, phối hợp chặt chẽ với Uỷ ban nhân dân các cơ quan tổ chức liên quan để tổ chức kỳ họp bất thường của Hội đồng nhân dân xem xét quyết định, bảo đảm yêu cầu quản lý, kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh ở địa phương. Đồng thời, bảo đảm tính dân chủ và nguyên tắc hoạt động của Hội đồng nhân dân như Nghị quyết 629 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành ngày 30/01/2019.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu và đoàn công tác của Quốc hội chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu dự Hội nghị
Ba là, công tác thẩm tra các báo cáo, dự thảo Nghị quyết của các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh cần tiếp tục đổi mới theo hướng các Ban phải chủ động phối hợp với cơ quan soạn thảo ngay từ đầu để xử lý các vấn đề thuộc nội dung của báo cáo, dự thảo Nghị quyết. Báo cáo thẩm tra cần tập trung phân tích nội dung, đánh giá các vấn đề đã thực sự sát với tình hình kính tế xã hội của địa phương chưa và đưa ra các kiến nghị thể hiện rõ chính kiến, đồng thời đề xuất giải pháp cho những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau để trình Hội đồng nhân dân xem xét, thảo luận.
Bốn là, Thường trực Hội đồng nhân dân cần có kế hoạch cụ thể tổ chức giám sát việc thực hiện Nghị quyết của Hội đồng nhân dân, làm rõ trách nhiệm, lộ trình và nguồn lực thực hiện. Thông tin kịp thời kết quả giải quyết trên hệ thống phương tiện thông tin đại chúng để cử tri biết và giám sát. Đối với các nội dung đang giải quyết, cần yêu cầu Ủy ban nhân dân chỉ đạo quyết liệt các cơ quan, đơn vị tập trung thực hiện, nhất là những vấn đề có nhiều bức xúc, có phạm vi ảnh hưởng rộng, tác động đến nhiều người và các kiến nghị đã xác định mốc thời gian cụ thể để góp phần đảm bảo an ninh trật tự, ổn định tình hình.
Năm là, cần tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của đại biểu Hội đồng nhân dân trong việc giải quyết những vấn đề phát triển kinh tế- xã hội của địa phương, nhất là đại biểu Hội đồng nhân dân chuyên trách. Đại biểu Hội đồng nhân dân cần phải thường xuyên tiếp dân, tiếp xúc cử tri để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; nâng cao ý thức trách nhiệm, thể hiện rõ quan điểm, chính kiến và theo đến cùng các vụ việc.
Cũng tại Hội nghị, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã chuyển giao đăng cai tổ chức Hội nghị Thường trực Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố khu vực Đông Nam Bộ lần thứ 5 cho Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu./.