CHỦ TỊCH QUỐC HỘI KẾT THÚC TỐT ĐẸP CHUYẾN THAM DỰ MSEAP 3 VÀ THĂM CHÍNH THỨC THỔ NHĨ KỲ

13/10/2018

Tối 12/10, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã về đến Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến tham dự Hội nghị Chủ tịch Quốc hội các nước Á - Âu lần thứ 3 (MSEAP3) và thăm chính thức Cộng hoà Thổ Nhĩ Kỳ theo lời mời của Chủ tịch Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim.

Chuyến thăm đã đạt được kết quả quan trọng trên cả bình diện đa phương và song phương, bởi sau 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, lần đầu tiên, lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước Việt Nam thăm chính thức Thổ Nhĩ Kỳ. Những tình cảm đặc biệt và trọng thị của lãnh đạo cấp cao Thổ Nhĩ Kỳ dành cho Việt Nam cũng như kết quả đạt được sau chuyến thăm đã tạo được lòng tin và sẽ thúc đẩy tăng trưởng thương mại hai nước lên tầm cao mới.

NỖ LỰC CHUNG VÌ HỢP TÁC VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG KHU VỰC Á - ÂU

Hội nghị MSEAP là cơ chế được hình thành theo sáng kiến của Chủ tịch Duma Quốc gia Nga và Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc. Nếu như Hội nghị đầu tiên được tổ chức tại Liên bang Nga năm 2016 chỉ có 18 lãnh đạo Nghị viện các nước tham dự thì lần thứ hai được tổ chức tại Hàn Quốc đã thu hút 22 lãnh đạo Nghị viện các nước. Hội nghị lần thứ 3 tổ chức tại Thổ Nhĩ Kỳ đã có sự tham gia của đại diện 35 nghị viện các nước thành viên, trong đó có 22 Chủ tịch Quốc hội và 12 Phó Chủ tịch Quốc hội trực tiếp tham dự Diễn đàn Quốc hội của khu vực. Đây là thành phần  quan trọng, thể hiện sự quan tâm rất lớn của Nghị viện các nước thành viên. Lần này, theo sáng kiến của 3 nước đồng chủ trì đã chọn chủ đề “Hợp tác kinh tế, môi trường và phát triển bền vững ở khu vực Á Âu”. Chủ đề này vừa bàn những vấn đề có thể xử lý ngay trong hiện tại vừa mang tính chất chiến lược dài hạn mà nhiều nước trong khu vực rất quan tâm.

Toàn cảnh phiên khai mạc Hội nghị Chủ tịch Quốc hội các nước Á - Âu lần thứ 3 (MSEAP3). Ảnh: Trọng Đức/TTXVN

Tham dự Hội nghị MSEAP có thể dễ dàng nhận thấy điểm tương đồng giữa các Quốc gia, dù ở các cấp độ phát triển chưa đồng đều, thể chế, phương cách, con đường phát triển của mỗi nước có thể khác nhau. Để các sáng kiến cấp độ quốc gia khu vực Á - Âu được triển khai thành công, các nhà lãnh đạo Quốc hội thống nhất nhận định: Điều quan trọng là cần duy trì hợp tác và trao đổi ý kiến giữa Quốc hội - Nghị viện các nước ở khu vực lục địa lớn nhất của thế giới và có quy mô dân số đông nhất – Khu vực Á - Âu. Trong  các phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim, Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Moon Hee Sang và Chủ tịch Duma Quốc gia Nga Vyacheslav Volodin cùng Chủ tịch Quốc hội của 35 Nghị viện thành viên cũng tái khẳng định tinh thần cơ bản của Cơ quan Lập pháp các nước trong khu vực “Bằng vị thế, vai trò của mình, sẵn sàng hợp tác trên các lĩnh vực mới, hướng tới quan hệ hợp tác toàn diện và đối tác kinh tế chặt chẽ hơn”.

Các nhà lãnh đạo Quốc hội khu vực ủng hộ xu hướng phát triển công bằng, cởi mở, phát triển theo định hướng sáng tạo và bao trùm, nhằm đạt các mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030 ở cả ba khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường trên cơ sở cân bằng. Đồng thời, ghi nhận nguyện vọng của các nước mong muốn khuyến khích sử dụng các biện pháp mới nhằm hỗ trợ các hoạt động kinh tế, thương mại thông qua các phương thức kết nối nội khối. Như lời chia sẻ tâm huyết của Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Moon Hee Sang: “Nếu chúng ta muốn đi nhanh thì đi một mình, còn nếu muốn đi xa thì hãy đi cùng nhau!”. Đó cũng là tinh thần chung của các nghị viện Á - Âu trong hành trình hướng tới tương lai.

Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Moon Hee Sang nhấn mạnh: “Việc chủ động trao đổi thông tin giữa Quốc hội sẽ giúp tìm ra các biện pháp lập pháp quan trọng và đáp ứng hiệu quả trước các vấn đề ta phải đối mặt như bạo lực, di cư, kể cả vấn đề nhạy cảm hiện nay như bảo hộ thương mại". Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc đề xuất nguyện vọng: Từ Hội nghị MSEAP lần 4 trở đi, cần có 2 tới 3 phiên quốc hội riêng rẽ ngoài phiên toàn thể và coi đây là nền tảng cho các nhà lập pháp của các quốc gia thành viên thảo luận các vấn đề còn tồn đọng và các vấn đề cụ thể liên quan đến hợp tác khu vực Á - Âu. Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc bày tỏ hi vọng có thể đưa ra quy chế và quy định cho MSEAP để củng cố nền tảng thế chể và thúc đẩy sự phát triển, để MSEAP có những đóng góp mang tính hệ thống hơn vào thịnh vượng và sự phát triển của khu vực Á - Âu.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại Hội nghị Chủ tịch Quốc hội các nước Á - Âu lần thứ 3 (MSEAP3). Ảnh: Trọng Đức/TTXVN

Trưởng đoàn Quốc hội Việt Nam - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, đã có phát biểu khá toàn diện tại Hội nghị, tập trung vào những vấn đề lớn về an ninh, chính trị, kinh tế, môi trường và các vấn đề mới phát sinh trong khu vực Á - Âu.. Chủ tịch Quốc hội hoan nghênh chủ đề của hội nghị lần này là “Hợp tác kinh tế, môi trường và phát triển bền vững ở Á - Âu”, khẳng định với vai trò của mình, các nghị sỹ sẽ đóng góp cho sự phát triển, thông qua hoạt động lập pháp, giám sát và quyết định các nguồn lực; đồng thời còn là cầu nối với người dân của mỗi quốc gia, thúc đẩy ban hành và thực thi các chính sách hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững”. Khẳng định Việt Nam đang tiếp tục hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện hơn, chủ động, tích cực tham gia, đóng góp vào các tiến trình hội nhập khu vực và trên thế giới,  Chủ tịch Quốc hội nêu rõ Việt Nam mong muốn tiếp tục hợp tác chặt chẽ hơn nữa với các nước Á - Âu trên các lĩnh vực, nhất là đổi mới sáng tạo gắn với công nghệ số hóa, kết nối thông minh, phát triển bền vững, bao trùm. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đưa ra 5 đề xuất, trong đó có việc tăng cường hơn nữa việc hợp tác Á Âu, đẩy mạnh liên kết về kinh tế trong khu vực và liên khu vực, hợp tác thương mại đa phương toàn cầu trên cơ sở cùng có lợi và dựa trên luật pháp quốc tế. Thúc đẩy hợp tác Á - Âu trong chuyển giao công nghệ, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu, nâng cao vai trò tiên phong của các nước phát triển hỗ trợ, tăng cường năng lực đối với các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Những đề xuất của Quốc hội Việt Nam được Nghị viện các nước đành giá cao, thống nhất xây dựng cơ chế hợp tác nghị viện Á - Âu thành một diễn đàn mạnh mẽ, hoạt động chặt chẽ hơn; mở rộng kết nối với các diễn đàn, tổ chức hợp tác liên nghị viện khác trên thế giới nhằm bổ sung và tăng cường hoạt động ngoại giao nghị viện, song hành cùng các tổ chức quốc tế và khu vực. Tăng cường xây dựng lòng tin, sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, cùng nhau hợp tác vì các mục tiêu phát triển bền vững, đem lại hòa bình, ổn định và thịnh vượng cho mọi người. Tiếp tục ủng hộ cải cách các cơ chế quản trị toàn cầu theo hướng công bằng, dân chủ và hiệu quả hơn, phù hợp với sự thay đổi của tương quan lực lượng và vai trò ngày càng tăng của các nền kinh tế đang phát triển”.

Bế mạc Hội nghị với Tuyên bố Antalia, các nhà lãnh đạo Quốc hội khu vực thống nhất 18 nội dung chính là kết quả quan trọng đánh dấu thành công của Hội nghị. Nghị viện các nước Á - Âu cùng thống nhất cam kết cùng đẩy mạnh các nỗ lực chung về hỗ trợ lập pháp và tìm kiếm các khả năng mở rộng tăng cường quạn hệ đối tác ở khu vực Á - Âu vì một tương lai chung, tăng trưởng, bao trùm. Thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu mở, phân phối hiệu quả nguồn lực, đảm bảo tự do hàng hoá và dịch vụ cạnh tranh công bằng và có trật tự, ủng hộ phát triển bền vững và thịnh vượng cho tất cả các Quốc gia, chống lại chủ nghĩa bảo hộ. Để củng cố lòng tin giữa các Nghị viện, cơ chế mới này phải gắn kết với các cơ chế đang có như các hoạt động của liên minh nghị viện khu vực cũng như Liên minh Nghị viện thế giới (IPU).

Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu.

Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu đánh giá: "Chủ tịch Quốc hội các nước cũng rất quan tâm là muốn tiến tới và tăng cường đổi mới quản trị toàn cầu. Vấn đề lớn nhất của quản trị toàn cầu chính là công bằng, dân chủ và hiệu quả cao. Mặc dầu diễn đàn nghị viện này chỉ diễn ra trong một ngày, nhưng tất cả các Chủ tịch Quốc hội các nước trong khu vực là trưởng đoàn đều dành thời gian phát biểu ở phiên toàn thể. Kết quả của hội nghị, cũng như 2 lần họp trước, hội nghị đã ra tuyên bố chung. Tuyên bố chung là văn kiện rất quan trọng, tổng kết lại toàn bộ các ý kiến thảo luận tại phiên toàn thể. Tại MSEAP3, đoàn Việt Nam cũng tham gia nhóm soạn thảo Tuyên bố chung. Những đóng góp của Việt Nam vào Tuyên bố chung được các nước thành viên rất ủng hộ. Đặc biệt, Đoàn Việt Nam nêu ra vấn đề rất lớn là mọi tranh chấp đều phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình và xử lý theo luật pháp quốc tế, bao gồm cả vấn đề Biển Đông". 

Trong khuôn khổ Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã có cuộc gặp song phương với Chủ tịch Duma Quốc gia Nga, Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc, Chủ tịch Hạ viện Belarus và Chủ tịch Hạ viện Kazakhstan. Các Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao những đề xuất, đóng góp của Đoàn Quốc hội Việt Nam vào thành công chung của hội nghị, khẳng định mong muốn tiếp tục phát triển mối quan hệ với Việt Nam nói chung và Quốc hội Việt Nam nói riêng với nhiều đề xuất, ý tưởng mới để hai bên nghiên cứu, hợp tác để thúc đẩy phát triển kinh tế mỗi nước.

Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết: Lần này, Chủ tịch Duma Quốc gia Nga mong muốn thành lập Ủy ban Liên nghị viện cấp cao Quốc hội Việt Nam và Duma Quốc gia Nga. Sáng kiến này rất hay. Chủ tịch Duma Quốc gia Nga muốn làm ngược với tập quán cũ, thường thăm song phương với nhau nhưng liền sau đó là kết quả triển khai công việc hiệu quả không cao nên muốn có một cơ chế mới thiết lập hằng năm, Ủy ban Liên nghị viện cấp cao hai nước thường xuyên gặp nhau, mỗi năm một lần để giải quyết vấn đề hợp tác giữa hai nước, kèm theo đó là lộ trình cũng như đề án để triển khai thì hiệu quả hơn. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng rất tâm đắc với vấn đề do Chủ tịch Duma Quốc gia Nga đề xuất, đồng thời đề nghị giao cơ quan chuyên môn của Quốc hội Việt Nam và Duma Quốc gia Nga tiếp tục nghiên cứu, đề xuất.

THÚC ĐẨY QUAN HỆ VIỆT NAM - THỔ NHĨ KỲ LÊN TẦM CAO MỚI

Lần đầu tiên sau 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Thổ Nhĩ Kỳ đón lãnh đạo cấp cao của Việt Nam sang thăm chính thức. Vì vậy, các nhà lãnh đạo của Thổ Nhĩ Kỳ đã dành cho Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam sự đón tiếp trọng thị, chu đáo. Thổ Nhĩ Kỳ có vị trí đặc biệt quan trọng, là nơi giao thương hai châu lục Á – Âu; là 1 trong những nước có nền kinh tế phát triển nhanh của thế giới. Thổ Nhĩ Kỳ hiện là đối tác thương mại hàng dầu của Việt Nam tại Trung  Đông và là thị trường còn rất nhiều tiềm năng cho Việt Nam. Thổ Nhĩ Kỳ hiện có 15 dự án với tổng số vốn đăng ký trên 700 triệu USD, Thổ Nhĩ Kỳ đã phê chuẩn Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ đầu tư (vào tháng 5/2017), tạo cơ sở pháp lý cho các doanh nghiệp Việt Nam hợp tác, đầu tư tại Thổ Nhĩ Kỳ. Do đó, thời gian các cuộc hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ và Hội kiện với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã kéo dài hơn dự kiến với nhiều nội dung quan trọng được trao đổi, thống nhất. Hai bên cùng thông báo tình hình kinh tế mỗi nước,  thống nhất tiếp tục coi trọng, củng cố quan hệ hai Quốc hội, thúc đẩy trao đổi đổi đoàn cấp cao và nhóm Nghị sỹ hữu nghị, ủng hộ Chính phủ hai nước thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực giao thông vận tải, đặc biệt là hợp tác hàng hải, đóng tàu, trao đổi công nghệ, kỹ thuật hàng hải; thúc đẩy hợp tác hàng không giữa Hãng hàng không Turkish Airline và Vietnam Airlines; tăng cường hơn nữa hợp tác về an ninh - quốc phòng, khoa học - công nghệ. Phía Thổ Nhĩ Kỳ tin tưởng kim ngạch thương mại hai chiều của năm nay có thể đạt 3 tỉ USD và bạn muốn tăng tốc độ lên lên hơn nữa.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hội kiến Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh: Cả ngài Tổng thống và Chủ tịch Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đều đánh giá rất cao, coi chọn lựa quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam là rất quan trọng, nhất là trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Về kinh tế, bạn cũng muốn rằng hai nước có phát triển gia tăng mạnh mẽ hơn. Các bạn nhìn về tương lai có thể nói đầu tư vào du lịch Việt Nam còn khả nang rất lớn hay những lĩnh vực khác như đầu tư bất động sản, dầu khí và nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo. Trong chuyến hợp tác lần này thì có thể nói tổng thông và Chủ tịch Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đánh giá cao chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam mang dấu ấn rất đặc biệt vì từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao đến nay là tròn 40 năm thì chuyến thăm lần này của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam là lãnh đạo cao cấp nhất từ trước đến nay đến Thổ Nhĩ Kỳ. Ngài Chủ tịch Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần điều này và phía bạn mong muốn thăm lại Việt Nam, muốn nâng  quan hệ lên tầm cao mới”.

Để cụ thể hoá cho giao thương hai nước phát triển hơn nữa trong thời gian tới, Hội đồng kinh tế đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ đã tổ chức diễn đàn Doanh nghiêp Thổ Nhĩ Kỳ - Việt Nam với sự tham gia của hơn 160 doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ quan tâm muốn tìm hiểu đầu tư tại Việt Nam vì bạn cho rằng Việt Nam hiện còn nhiềm tiềm năng và là cửa ngõ quan trọng của khu vực Asean, phấn đấu đền năm 2020 kim ngạch xuât nhập khẩu sẽ nâng lên 4 tỷ USD. Các doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ cùng bày tỏ ấn tượng khi  Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định Quốc hội, Chính phủ Việt Nam luôn ủng hộ các doanh nghiệp của Thổ Nhĩ Kỳ, tiếp tục tạo hành lang pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu nước ngoài trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ đến làm ăn lâu dài tại Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN

Ông Gun Kurt Kueataran - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty năng lượng Egerest, Thổ Nhĩ Kỳ cho biết: Qua toạ đàm đã mở ra nhiều triển vọng cho 2 Quốc  gia và các doanh nghiệp hai nước. Hai ba năm trở lại đây chúng tôi đã mở rộng các hoạt động hợp tác với Việt Nam nhất là điện gió và công nghiệp năng lượng tái tạo. Chúng tôi nhận thấy Viêt Nam là Quốc gia đông dân số mở ra triển vọng cho phát triển năng lượng điện gió. 2 năm trước đây trước khi vào Việt Nam, chúng  tôi đã nhận được sự đầu giúp đỡ của Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam, nhất là hiệp định FDI giữa 2 nước. Điều đó đã mở cho chúng tôi cơ hội đầu tư vào Viêt Nam. Hiện nay chúng tôi đang mở rộng đầu tư vào các thành phố  như Hạ Long - Quảng Ninh phục vụ và người dân ở đây và nhân rộng mô hình liên quan đến năng lượng gió tại Việt Nam và sẽ tiếp tục phát triển  mô hình này”.

Chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc họi Việt Nam đến Thổ Nhĩ Kỳ đã thành công tốt đẹp với  dấu ấn  đặc biệt mở ra cơ hội mới đưa quan hệ hai nước phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai, xứng đáp với truyền thống hợp tác nhiều mặt, có bền dày 40 năm giữa Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ, đáp ứng lòng mong mỏi cũa lãnh đạo và nhân dân hai nước. Chuyến tham dự Hội nghị MSEAP 3 và thăm chính thức Thổ Nhĩ Kỳ của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn Đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã đạt được nhiều kết qủa quan trọng trên cả bình diện song phương và đa phương có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu mốc mới trong việc tăng cường và phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Quốc hội nước ta và Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ, thể hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ tích cực hội nhập Quốc tế với phương châm Việt Nam sẵn sàng là bạn và là đối tác tin cậy của tất cả các nước trong cộng đồng thế giới vì hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và thế giới./.

Hải Yến