Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng và Đoàn công tác nghe giới thiệu về Sân bay Tà Cơn và Khu căn cứ Khe Sanh
Sân bay Tà Cơn là một trong những căn cứ điểm quân sự chiến lược của quân đội Mỹ trong những năm 1966 -1968 tại chiến trường Khe Sanh. Đây đươc xem là cái lõi của tập đoàn cứ điểm tại Khe Sanh. Cụm cứ điểm đã này gắn liền với nhiều chiến tích trong chiến dịch giải phóng Khe Sanh vào năm 1968 và gắn với liền câu nói của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lúc đó là James R. Schlesinger: “Tuy chúng ta đã ném cả danh dự của nước Mỹ ra để giữ (Khe Sanh) và buộc hội đồng tham mưu trưởng liên quân cam kết bằng máu, nhưng cuối cùng chúng ta cũng phải rút chạy”.
Khu căn cứ Khe Sanh tọa lạc trên một vùng cao nguyên giáp danh giữa biên giới Việt Nam – Lào, cắt tuyến vận chuyển đường mòn Hồ Chí Minh đồng thời ngự trị trên trục đường QL. 9 nối từ Đông Hà – Savannakhẹt (Lào) nên có một vị trí chiến lược hết sức quan trọng. Đây là một vị trí đặc biệt trong chiến lược phòng ngự, ngăn chặn ở phía Tây – Bắc chiến trường Trị Thiên, như một “cái mỏ neo” về phía Tây cho hệ thống phòng thủ chiến lược ở vùng Nam Khu phi quân sự đồng thời đây là một căn cứ tuần tra để phong tỏa vùng biên giới nhằm ngăn chặn đối phương từ Lào sang và cũng là căn cứ phục vụ cho các hoạt động biệt kích nhằm “quấy nhiễu đối phương” dọc biên giới Việt – Lào. Khe Sanh được quân đội Mỹ sử dụng như một bàn đạp cho các cuộc hành quân càn quét trên bộ, cho xây dựng ở đây một sân bay (sân bay Tà Cơn) cho các máy bay trinh sát kiểm tra, tìm và diệt bộ đội chủ lực của Quân đội nhân dân Việt Nam, chỉ điểm cho nhiều họat động đánh phá, ngăn chặn và cắt đứt các tuyến đường Hồ Chí Minh.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nghe giới thiệu về một số hình ảnh, hiện vật tại Khu di tích
Hiện nay, nằm trên con đường 9 huyền thoại, Khu di tích lịch sử sân bay Tà Cơn thuộc xã Tân Hợp, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Khu di tích cách Thị trấn Khe Sanh khoảng 5km, cách cửa khẩu Lao Bảo khoảng 20km về phía Tây Nam và cách Thành phố Đông Hà khoảng 65km về phía Đông Bắc. Nơi đây đã được Bộ Văn hóa - Thể thao xếp hạng di tích quốc gia theo Quyết định số 236/QĐ-BVHTT vào ngày 12/12/1986.
Trong khuôn viên Khu di tích có một nhà Bảo tàng, một số hầm hào, công sự, đường băng đã được phục dựng lại cùng với các hiện vật thể khối lớn như máy bay, trực thăng, đại bác, xe tăng...được trưng bày để phục vụ nhu cầu tham quan du lịch của khách tham quan. Nơi đây được xem như một trong những điểm dừng chân quen thuộc với nhiều du khách trong và ngoài nước trong hành trình khám phá “Tour DMZ – Thăm lại chiến trường xưa”.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng ghi Sổ lưu niệm tại Khu di tích
Tới thăm Khu di tích, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng bày tỏ vô cùng xúc động trước ý nghĩa, hình ảnh, hiện vật nơi đây. Thay mặt Đoàn công tác ghi Sổ lưu niệm tại Khu di tích, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội viết: "Ngày 17 tháng 6 năm 2018, Đoàn Ủy ban Thường vụ Quốc hội đến thăm Di tích sân bay Tà Cơn, càng cảm phục trước ý chí cách mạng, anh dũng hy sinh của bao lớp cán bộ, chiến sĩ cách mạng, quân và dân ta chiến đấu giải phóng dân tộc thống nhất Tổ quốc. Chiến thắng đường 9 - Khe Sanh khẳng định chính nghĩa đã đập tan chiến lược, chiến tranh kiểu Mĩ. Góp phần thúc đẩy cách mạng giải phóng miền Nam vào mùa Xuân năm 1975".
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng và Đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm tại Khu di tích
Thăm hỏi, động viên các cán bộ, nhân viên công tác tại Khu di tích, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội mong muốn Khu di tích sẽ tiếp tục được giữ gìn và ngày càng phát huy giá trị, ý nghĩa lịch sử, là địa chỉ thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước tới tham quan trong thời gian tới./.