Cùng với nhiều hoạt động hết sức có ý nghĩa được tổ chức nhân chuyến thăm Việt Nam của Đoàn đại biểu cấp cao Đảng và Nhà nước Lào do Chủ tịch Quốc hội Lào Pany Ya-tho-tu dẫn đầu, đặc biệt là Lễ khánh thành Khu di tích lịch sử cách mạng Việt Nam- Lào tại Bản Lao Khô vào sáng nay, Hội thảo về “Kinh nghiệm thực hiện chức năng quyết định và giám sát về lĩnh vực đất đai của Hội đồng nhân dân” giữa hai Quốc hội là bằng chứng sinh động, thể hiện tình hữu nghị đoàn kết đặc biệt giữa hai dân tộc Việt Nam- Lào đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Kaysone Phomvihane đặt nền móng và được các thế hệ lãnh đạo của hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước dày công vun đắp ngày càng phát triển và đơm hoa kết trái.
Tiếp nối sự thành công của Hội thảo chuyên đề “Quản lý nợ công” tổ chức vào tháng 9/2016 tại Viêng chăn và Hội thảo chuyên đề “Phân cấp quản lý ở Lào và Việt Nam” tổ chức vào tháng 3/2017 tại Hà Nội, cả hai Quốc hội đã thu nhận được nhiều kinh nghiệm quý, giúp cho việc nâng cao hoạt động của cơ quan dân cử nói riêng và hoạt động của các cơ quan Nhà nước nói chung của hai nước.
Đồng thời, trong bối cảnh Lào vừa tổ chức bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh vào cuối tháng 3/2016, việc tổ chức Hội thảo lần này có ý nghĩa thiết thực trong việc giúp hai bên học tập và trao đổi kinh nghiệm trong công tác quản lý đất đai, góp phần thúc đẩy và nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác giữa các tỉnh biên giới Việt Nam- Lào, qua đó góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước, hai Quốc hội và nhân dân hai nước.
Nội dung chính của Hội thảo nhằm trao đổi thông tin về tình hình quản lý nhà nước về đất đai và những vấn đề đặt ra trong công tác quản lý nhà nước về đất đai tại Việt Nam và Lào; trao đổi kinh nghiệm về vai trò của Quốc hội và Hội đồng nhân dân của hai nước trong việc thực hiện chức năng quyết định và giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai. Bên cạnh đó, Hội thảo cũng nhằm đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện chức năng quyết định và giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai của Quốc hội và Hội đồng nhân dân tại hai nước.
Tham dự Hội thảo, về phía nước ta có: Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu; Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc; Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến; Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga; Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Sơn La Hoàng Văn Chất.
Về phía nước Bạn có: Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Chủ tịch Quốc hội Lào Pa-ny Ya-tho-tu; các Ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào: Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại, Tiến sĩ Ệch-xạ-vàng Vông-vi-chít; Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch, Tài chính và Kiểm toán, Chủ tịch Trung ương Hội Hữu nghị Lào- Việt Nam, Tiến sĩ Vi-lay-vông Bút-đa-khăm; Ủy viên dự khuyết Trung ương, Tổng Thư ký Quốc hội Xuổn-xa-vẳn Vi-nha-kệt; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa- xã hội, Tiến sĩ Xổm-phu Đuông-xa-vẳn; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, Công nghệ và Môi trường Bun-pon Xỉ-xụ-lạt.
Ngoài ra còn có lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội, các bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương, lãnh đạo Hội đồng nhân dân một số tỉnh của hai nước cùng nhiều chuyên gia, các nhà quản lý, nhà khoa học, nhà nghiên cứu về lĩnh vực đất đai.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại Hội thảo Ảnh: Văn Điệp
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, Hội thảo “Kinh nghiệm thực hiện chức năng quyết định và giám sát về lĩnh vực đất đai của Hội đồng nhân dân” không những thể hiện vai trò, trách nhiệm của Quốc hội hai nước đối với những vấn đề hệ trọng của đất nước mà còn là biểu hiện sinh động của quan hệ hợp tác ngày càng thiết thực, hiệu quả giữa Quốc hội và Chính phủ hai nước Việt Nam và Lào. Chủ tịch Quốc hội bày tỏ tin tưởng tại Hội thảo này, các cơ quan của Chính phủ, các vị đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các địa phương nước Việt Nam và nước Lào sẽ cùng nhau trao đổi kinh nghiệm thực tiễn và làm rõ các vấn đề còn vướng mắc trong công tác của mình để cùng tìm ra phương hướng nâng cao hiệu quả hoạt động trong thời gian tới.
Trong không khí trang trọng và thắm tình hữu nghị anh em của Hội thảo này, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, nhân dân Việt Nam tự hào có người bạn láng giềng gần gũi thân thiết, đó là nhân dân các dân tộc Lào anh em. Quốc hội Việt Nam tự hào có những người đồng chí thủy chung, trong sáng, luôn đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi, kề vai, sát cánh bên nhau trong quá khứ đấu tranh gian khổ, cũng như trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước ngày nay. Quốc hội Việt Nam trân trọng và vui mừng trước những thành tựu mà nhân dân các dân tộc Lào đã đạt được trong thời gian qua. Việt Nam tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào do đồng chí Tổng Bí thư Bounnhang Volachith đứng đầu, nhân dân các dân tộc Lào anh em sẽ đạt được nhiều thành tựu to lớn hơn nữa, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ mà Đại hội X Đảng Nhân dân Cách mạng Lào đã đề ra.
"Đảng, Nhà nước và Quốc hội Việt Nam luôn phối hợp chặt chẽ với Đảng, Nhà nước và Quốc hội Lào, kế thừa và phát huy những kinh nghiệm, kết quả hợp tác mà hai bên đã đạt được, tích cực góp phần củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam- Lào trong giai đoạn mới”- Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội Lào Pa-ny Ya-tho-tu phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, thay mặt Đoàn đại biểu cấp cao Đảng và Nhà nước Lào, Chủ tịch Quốc hội Lào Pa-ny Ya-tho-tu cho rằng, đất đai là nguồn tài nguyên cơ bản của quốc gia là nơi sinh sống của nhân dân, là phương tiện sản xuất và có vai trò vô cùng quan trọng phát triển kinh tế- xã hội của mỗi nước. Từ xưa tới nay do đất đai có vai trò quan trọng như vậy, công tác quản lý và sử dụng đất đai trở thành vấn đề lớn của mỗi quốc gia.
Thời gian qua hai nước Lào- Việt Nam đều trải qua những giai đoạn lịch sử thay đổi chế độ quản lý, sử dụng và chế độ sở hữu đất đai. Giai đoạn hiện nay, hai nước cùng hướng tới xây dựng con đường chủ nghĩa xã hội, vận dụng cơ chế thị trường, công tác quản lý và sử dụng đất đai dần trở thành nguyên tắc và chính sách quan trọng mà hai Đảng, hai nhà nước quan tâm xác định phù hợp với thực tiễn yêu cầu của thời kỳ để phục vụ phát triển kinh tế xã hội của quốc gia.
Việc xác định đường lối của Đảng để tổ chức triển khai thành pháp luật của nhà nước đáp ứng được mong muốn nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân trong xã hội là một vấn đề khó khăn và tỉ mỉ mà hai nước đều đã đối mặt trong nhiều năm. Dù hai nước đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ trên nhiều mặt trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước trong thời kỳ mới bao gồm cả công tác quản lý, sử dụng và chuyển đất đai thành nguồn vốn để xây dựng và phát triển nhưng hai nước vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức trong việc xây dựng quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai cho các chủ sở hữu đặc biệt là mâu thuẫn giữa nhà nước, cá nhân, tập thể và tư nhân, cá thể; giữa trong và ngoài nước, giữa cá thể và tập thể.
Chủ tịch Quốc hội Lào Pa-ny Ya-tho-tu cho biết, ở Lào luật đất đai đã được thông qua lần đầu tiên năm 1997 và đã qua 1 lần sửa đổi vào năm 2003. Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện luật đất đai vẫn chưa được thấu đáo, đầy đủ, do liên quan tới nhiều vấn đề chồng chéo và văn bản dưới luật chưa chính xác. Đây là vấn đề mà trước đây là Việt Nam và giờ là Lào đang phải đối diện.
Do đó, Chủ tịch Quốc hội Lào hy vọng rằng qua trao đổi tại Hội thảo lần này, qua những chia sẻ từ kinh nghiệm vô cùng quý báu của Việt Nam, Lào sẽ nghiên cứu và vận dụng vào điều kiện thực tế ở đất nước mình. Bên cạnh đó, phía Lào cũng sẽ trình bày các lý luận và một số thực tiễn để trao đổi với Việt Nam. Chủ tịch Pa-ny Ya-tho-tu nhấn mạnh, qua trao đổi, thảo luận giữa hai bên sẽ góp phần quan trọng vào việc tăng cường chức năng quyết định và giám sát của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ở Lào và Việt Nam về công tác đất đai cũng như công tác khác nhằm thực hiện các chức năng, nhiệm vụ đã được Hiến pháp và pháp luật quy định.
Tại Hội thảo, đã có nhiều ý kiến thảo luận rất sôi nổi, cởi mở, mang tính lý luận và thực tiễn cao, qua đó các đại biểu đã hiểu rõ hơn về thực trạng, kết quả, cùng những hạn chế, tồn tại trong công tác hoàn thiện thể chế, chính sách và quản lý đất đai của hai nước. Hội thảo đã lắng nghe các ý kiến tham luận và trao đổi về các chủ đề như tình hình quản lý Nhà nước về đất đai; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; đăng ký đất đai; tài chính đất đai, giá đất… Các đại biểu cũng đã trao đổi kinh nghiệm trong việc thực hiện chức năng quyết định các vấn đề quan trọng liên quan đến đất đai và giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai từ góc độ của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.
Bên cạnh đó, Hội thảo cũng đã tập trung làm rõ tình hình quản lý Nhà nước về đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp và những vấn đề đặt ra trong giai đoạn hiện nay. Đây cũng là chủ đề rất thiết thực với cả hai nước Việt Nam- Lào trong bối cảnh nông nghiệp vẫn chiếm một tỷ trọng không nhỏ trong cơ cấu kinh tế của hai quốc gia, tác động, ảnh hưởng đến phần lớn người dân và yêu cầu đặt ra là phải đưa tài nguyên đất đai thật sự trở thành động lực để phát triển khu vực nông nghiệp, nông thôn.
Hội thảo là dịp để các đại biểu hai nước trao đổi, chia sẻ nhiều thông tin hữu ích trong công tác quản lý đất đai
Các đại biểu, các nhà quản lý, các nhà khoa học, chuyên gia của hai nước cũng đã trao đổi nhiều thông tin hữu ích, nhiều bài học kinh nghiệm quý báu trong công tác quản lý đất đai cũng như các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện chức năng quyết định và giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai của Quốc hội và Hội đồng nhân dân hai nước.
Phát biểu bế mạc Hội thảo, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, đây là Hội thảo lần thứ ba mà Quốc hội Việt Nam và Quốc hội Lào cùng nhau tổ chức trong nhiệm kỳ Quốc hội Việt Nam khóa XIV và Quốc hội Lào khóa VIII. Điều này cho thấy việc hai Quốc hội phối hợp tổ chức các Hội thảo chuyên đề đã và đang hướng tới thành cơ chế thường xuyên, đem lại hiệu quả thực chất và phù hợp với tinh thần hợp tác giữa hai Bộ Chính trị, hai Quốc hội về việc trao đổi kinh nghiệm trong công tác xây dựng pháp luật. Với tinh thần đó, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ ủng hộ và đề nghị hai Quốc hội tiếp tục phối hợp cùng nhau tổ chức các Hội thảo chuyên đề khác trong thời gian tới.
+ Tối cùng ngày, tại thị trấn Mộc Châu- Sơn La, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã chủ trì Tiệc chiêu đãi Đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước và Quốc hội nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào do Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Chủ tịch Quốc hội Pa-ny Ya-tho-tu dẫn đầu nhân dịp sang thăm nước ta và dự các hoạt động kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam- Lào và 40 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam- Lào.