CTQH Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch IPU Saber Chowdhury và các đại biểu tại Khu di tích lịch sử Rừng Sác- Cần Giờ Ảnh: Trọng Đức
Tham dự buổi Lễ có: Chủ tịch Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) Saber Chowdhury, Tổng thư ký IPU Martin Chungong, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh và các đại biểu đến từ Quốc hội của 24 nước trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương...
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch IPU Saber Chowdhury nhấn mạnh, Hội nghị chuyên đề IPU khu vực châu Á- Thái Bình Dương về “Ứng phó với biến đổi khí hậu- Hành động của các nhà lập pháp nhằm thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững” không chỉ đơn thuần là một cuộc đối thoại, mà đây còn là sự thể hiện hành động của các đại biểu Quốc hội để đối mặt với một trong những thách thức thời đại, đó là vấn đề biến đổi khí hậu. Các đại biểu quốc tế, các nhà lãnh đạo Quốc hội, nghị viện các nước đến đây, có mặt tại lễ trồng cây hôm nay đã được tận mắt chứng kiến những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Những cộng đồng dân cư ở huyện Cần Giờ- TP Hồ Chí Minh đã phải di chuyển nơi ở, thay đổi cuộc sống của mình. Mỗi năm con người trên toàn thế giới đốn hạ hàng hàng chục vạn km2 cây xanh, con người đã hủy hoại tương lai của chúng ta. Chủ tịch IPU khẳng định, bên cạnh việc cây xanh và môi trường là không gian sống cho các loài động vật, bảo đảm cho hệ sinh thái thì cây xanh còn duy trì cuộc sống của con người. Do đó, việc trồng cây xanh chính là đầu tư cho tương lai của cuộc sống con người, làm giàu thêm hệ sinh thái, giúp làm giảm khí CO2, các loại khí gây hiệu ứng nhà kính…
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trồng cây tại Công viên văn hóa Rừng Sác
Chủ tịch IPU Saber Chowdhury mong rằng, sau khi kết thúc Hội nghị chuyên đề IPU khu vực châu Á- Thái Bình Dương tại TP. Hồ Chí Minh, mỗi đại biểu khi trở về đất nước mình với tư cách là đại biểu Quốc hội, nghị sĩ hãy tham gia tích cực vào sự nghiệp trồng cây xanh, thể hiện sự quan tâm và ý thức, trách nhiệm đối với tương lai, thể hiện sự cam kết không chỉ đối với nhân dân của mỗi địa phương, quốc gia, mà còn cả nhân loại trên toàn cầu.
Tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hồ Chí Minh Lê Thanh Liêm bày tỏ niềm vui mừng và vinh dự khi Công viên Văn hóa Rừng Sác, huyện Cần Giờ, TP. Hồ Chí Minh được chọn làm nơi để các đại biểu tham dự Hội nghị chuyên đề IPU khu vực châu Á- Thái Bình Dương tổ chức Lễ trồng cây. Điều này cho thấy sự ghi nhận của các nhà lập pháp quốc tế về nỗ lực của Việt Nam, trong đó có TP. Hồ Chí Minh, trong việc tích cực thực hiện các giải pháp góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu nói chung, khu vực châu Á- Thái Bình Dương nói riêng.
Chủ tịch IPU Saber Chowdhury trồng cây tại Công viên văn hóa Rừng Sác
Đánh giá tình hình biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại trong thế kỷ 21 và sẽ tác động nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống và môi trường, Phó Chủ tịch Lê Thanh Liêm cho biết, nhận thức sâu sắc về những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và để thích ứng, giảm thiểu những tác động bất lợi của biến đổi khí hậu với đời sống nhân dân và quá trình phát triển kinh tế- xã hội của thành phố trong tương lai, trong những năm qua, TP. Hồ Chí Minh và người dân thành phố luôn quan tâm tới việc trồng rừng, trồng cây xanh, bảo vệ rừng và bảo vệ cây xanh...
Ngay sau đó, tại Công viên văn hóa Rừng Sác mỗi Đoàn đại biểu tham dự Hội nghị, đại diện các tổ chức quốc tế đã trồng một cây Bàng vuông- loài cây có sức sống mãnh liệt, có khả năng chịu hạn tốt, thích ứng với điều kiện khí hậu khắc nghiệt, giông bão, luôn mạnh mẽ đương đầu với sóng gió.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch IPU Saber Chowdhury và các đại biểu tại Cầu Dần Xây
+ Sáng cùng ngày, các đại biểu tham dự Hội nghị đã đi thăm khu dân cư Cầu Dần Xây- khu vực sạt lở đất do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu; thăm rừng phòng hộ Cần Giờ để có những trải nghiệm thực tế về tác động của biến đổi khí hậu ở Việt Nam, cũng như chứng kiến sự tích cực, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu của người dân Việt Nam nói chung và của TP. Hồ Chí Minh nói riêng.