Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Điện Biên

13/03/2017

Tiếp tục chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Điện Biên, sáng 13/3, tại thành phố Điện Biên Phủ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn công tác Trung ương đã làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Điện Biên. Tham dự còn có: Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường; lãnh đạo một số Bộ, ngành, các Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và tỉnh Điện Biên.

Báo cáo tình hình phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Trần Văn Sơn cho biết, Điện Biên có 19 dân tộc anh em. Là tỉnh miền núi Tây Bắc, trong những năm qua, sản xuất nông, lâm nghiệp được duy trì và có bước phát triển khá. Các loại cây công nghiệp dài ngày như: Cà phê, cao su, chè tiếp tục được phát triển, mở rộng theo quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Hiện nay, toàn tỉnh có 5.172ha cao su, 4.051ha cà phê và 60ha chè. Một số diện tích vườn cây cao su trồng năm 2008 đã bắt đầu mở cạo cuối năm 2016, cho kết quả khả quan. Tỉnh tích cực chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu sản xuất, gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, bước đầu đã thu hút được một số nhà đầu tư tham gia trồng, chế biến, phân phối gạo đặc sản tại cánh đồng Mường Thanh, chăn nuôi gia súc với qui mô công nghiệp, trồng cây ăn quả, cây mắc ca... để khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai, nâng cao chuỗi giá trị trong sản xuất nông, lâm nghiệp gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Điện Biên                  Ảnh: Trọng Đức

Ghi nhận những kết quả kinh tế- xã hội mà Điện Biên đã đạt được, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, Điện Biên đã tập trung vào các lĩnh vực tiềm năng, thế mạnh như phát triển sản xuất nông lâm nghiệp, phát triển du lịch, bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc gắn với phát triển kinh tế- xã hội. Nổi bật trong bức tranh tổng thể là hoạt động thương mại, dịch vụ tăng trưởng khá, năm 2016 vừa qua khu vực dịch vụ chiếm tới hơn 48%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 8.047 tỷ đồng, tăng 11,69% so với năm trước, đạt gần 94% kế hoạch. Trong năm 2016 vừa qua, số thu trên địa bàn đã đạt trên 1.017 tỷ đồng, vượt 10,8% dự toán giao, là năm đầu tiên tỉnh Điện Biên đạt mức thu ngân sách trên địa bàn vượt ngưỡng 1.000 tỷ đồng.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Điện Biên cần bảo tồn và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ gắn với du lịch. Với một tỉnh có 19 dân tộc anh em sinh sống có những nét bản sắc văn hóa đa dạng. Hoa ban được xem là biểu trưng cho cả vùng Tây Bắc, Điện Biên cũng cần quan tâm hơn nữa trong việc mở rộng diện tích loài hoa này, góp phần làm đẹp cảnh quan cũng như tạo nên nét đặc thù. Từ đó, tỉnh liên kết với các địa phương, doanh nghiệp quảng bá để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Điện Biên cần thực hiện tốt công tác quy hoạch, kêu gọi các nhà đầu tư theo hình thức BOT (hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), BT (hợp đồng xây dựng - chuyển giao) trong xây dựng cơ sở hạ tầng để cùng khai thác du lịch.

Nhấn mạnh là tỉnh vẫn còn nghèo và khó khăn với tỷ lệ hộ nghèo còn cao, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Điện Biên cần bám sát nghị quyết, chủ trương, kết luận của Trung ương, của Ban Bí thư về khu vực Tây Bắc nói chung, Điện Biên nói riêng, có những nỗ lực phát huy thế mạnh của mình, tập trung đẩy nhanh tiến độ, nâng cao hiệu quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình, dự án trọng điểm, phấn đấu đạt mức trung bình trong khu vực miền núi phía Bắc. Điện Biên cần nâng cao hiệu quả công tác xóa đói giảm nghèo gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới; thực hiện việc lồng ghép các chương trình, dự án; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ giảm nghèo.

Lưu ý về phát triển nông lâm nghiệp, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, mặc dù không trực tiếp có nhà máy thủy điện nhưng là tỉnh đầu nguồn, Điện Biên chú trọng bảo vệ, khai thác lợi thế của rừng đầu nguồn. Với độ cao trên 1.000 mét so với mặt nước biển, đây là lợi thế của tỉnh. Cùng với thổ nhưỡng và khí hậu đa dạng, tỉnh cần tập trung phát triển lâm nghiệp, nông nghiệp hữu cơ, trong đó có gạo đặc sản...

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội là yếu tố rất quan trọng để đồng bào yên tâm phát triển kinh tế, hưởng thụ đời sống văn hóa tinh thần. Thời gian tới, Điện Biên cần chú trọng triển khai Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII, đồng thời coi trọng và tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý nhà nước, thực hiện tốt công tác dân tộc, tôn giáo và giải quyết dứt điểm tồn đọng trong thực hiện những chương trình, chính sách cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn.

Chủ tịch Quốc hội ghi nhận các kiến nghị của Điện Biên về: Sửa đổi nâng mức ưu đãi, hỗ trợ trong chính sách thu hút đầu tư đối với các tỉnh Tây Bắc; đưa Điện Biên vào diện được hưởng chính sách hỗ trợ đặc thù, đặc biệt của Trung ương, để tạo điều kiện giúp địa phương thực hiện nhiệm vụ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo bền vững; bổ sung vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương trong năm 2017 và giai đoạn 2017 - 2020 cho đề án xây dựng nông thôn mới vùng đồng bào dân tộc ít người, khu vực biên giới; kiến nghị về đầu tư nâng cấp sân bay Điện Biên Phủ; bố trí vốn còn thiếu cho Dự án tái định cư Thủy điện Sơn La để đầu tư dứt điểm dự án hạ tầng trọng điểm tại các khu điểm tái định cư hiện còn dở dang, trong đó có dự án tu bổ tuyến đường nối từ đường Võ Nguyên Giáp đến khu tái định cư Noong Bua...

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu đại diện các cơ quan của Quốc hội và các bộ, ngành tham gia đoàn công tác phân loại, xử lý các kiến nghị, bảo đảm đúng quy định pháp luật, có bước đi cụ thể để tháo gỡ khó khăn cho địa phương. Tổng Thư ký Quốc hội sẽ gửi thông báo kết luận cuộc làm việc của Chủ tịch Quốc hội với Điện Biên tới các cơ quan liên quan, yêu cầu các cơ quan rà soát việc thực hiện các kiến nghị của địa phương để báo cáo khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp cho ý kiến về kế hoạch đầu tư công trung hạn sắp tới.

Theo TTXVN