Khai mạc phiên họp thứ 7 Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XIV

20/02/2017

Sáng 20/2, tại Hà Nội, dưới sự Chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân Ủy ban thường vụ Quốc hội đã khai mạc phiên họp thứ 7. Phiên họp kéo dài trong 2 ngày (từ ngày 20 đến ngày 21/2).

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc phiên họp                                     Ảnh: Đình Nam

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, trong phiên họp này, Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ cho cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của 2 dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến: dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH14 và dự án Luật Thủy lợi. Đồng thời, cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội về chế độ và các điều kiện bảo đảm hoạt động của đại biểu Quốc hội.

Bên cạnh đó, Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về một số nội dung để làm cơ sở cho Chính phủ triển khai thực hiện, trong đó gồm có danh mục dự án và mức bố trí vốn cụ thể cho từng dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016- 2020; cho ý kiến về việc ban hành nghị định của Chính phủ về một số cơ chế, chính sách, tài chính-ngân sách đặc thù đối với đối với thành phố Hồ Chí Minh; cho ý kiến về việc cho phép áp dụng hệ số đặc thù ưu tiên phân bổ vốn ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016- 2020 đối với các xã vùng đồng bằng sông Cửu Long;...

Ngay sau phần khai mạc, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về các vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên họp

Báo cáo một số vấn đề lớn về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nêu ra 13 vấn đề lớn. Đó là về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi (khoản 2 Điều 12 BLHS năm 2015); trách nhiệm hình sự của pháp nhânVề không tố giác tội phạm (Điều 19); một số tội xâm phạm an ninh quốc gia (các điều 109, 112 và 113 của BLHS năm 2015); tình tiết định tội “tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ, tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về tinh thần đối với người bị hại” (các điều 172, 173, 174 và 178 của BLHS năm 2015); quy định giá trị đối với hàng cấm làm căn cứ  định tội, định khung hình phạt (các điều 190 và 191 của BLHS năm 2015); Tội vi phạm quy định trong hoạt động ngân hàng của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (Điều 206 của BLHS năm 2015); Tội gây ô nhiễm môi trường (Điều 235 của BLHS năm 2015); quy định xác định hàm lượng chất ma túy để quy ra khối lượng hoặc thể tích (các điều 248, 249, 250, 251 và 252 của BLHS năm 2015); việc bổ sung quy định “lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định” vào các điều 249, 250, 251 và 252 của BLHS năm 2015; Tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông (Điều 292 của BLHS năm 2015); Tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm (Điều 317 của BLHS năm 2015); và về các điều luật có hai cấu thành cơ bản.

Cần thiết lấy ý kiến đại biểu Quốc hội về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi

Trình bày báo cáo của Ủy ban Tư pháp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết so với BLHS năm 1999 thì BLHS năm 2015 đã hình sự hóa theo hướng nặng hơn đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi về 03 tội danh Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, Tội hiếp dâm và Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, theo đó, ngoài việc phải chịu trách nhiệm hình sự về tội rất nghiêm trọng do cố ý và tội đặc biệt nghiêm trọng thì những người này còn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng ở 03 tội danh nêu trên. Quy định này là chưa phù hợp với chính sách hình sự của Nhà nước ta từ trước đến nay và xu hướng chung của quốc tế.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu tại phiên họp

Tuy nhiên, kết quả thăm dò ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV, có 266/397 ĐBQH lại đồng ý với phương án vẫn cần thiết xử lý người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi về cả trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng và tội nghiêm trọng ở 03 tội danh trên. Vì vậy thường trực Ủy ban Tư pháp trình Ủy ban thường vụ Quốc hội hai phương án. Phương án 1 là giữ như quy định của BLHS năm 2015, theo đó đối với 03 tội: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, Tội hiếp dâm và Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản thì người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về cả tội ít nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng. Phương án 2 là giữ như dự thảo Chính phủ trình, theo đó người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về loại tội rất nghiêm trọng do cố ý và tội đặc biệt nghiêm trọng đối với 03 tội danh trên.

Cho ý kiến về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình bày tỏ quan điểm tán thành phương án 2 của giải trình của Ủy ban Tư pháp và cho rằng theo công ước về quyền trẻ em của Liên Hợp Quốc thì tuổi trẻ em được xác định là dưới 18 tuổi. Dưới tuổi này, về hình thái có thể các em phát triển nhưng thần kinh lại chưa hoàn toàn phát triển đầy đủ. Do đó chưa có sự nhận thức và kiểm soát hoàn toàn đầy đủ hành vi. Bên cạnh đó, các biện pháp xử lý đối với các em chưa thành niên phải nhìn đến tương lai của các em. Liệu có chắc chúng ta điều chỉnh được hành vi sau khi đưa vào môi trường trại giam hay không. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cũng cho rằng để có cơ sở chính xác và thuyết phục trong việc quy định tội phạm cần có thống kê số lượng trẻ em phạm tội, trong các tội phạm nghiêm trọng có bao nhiêu phần trăm là trẻ em... thay vì nhận định chung chung về hiện tượng trẻ hóa tội phạm để tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với các em.

Đồng quan điểm, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến phân tích, trong hai phương án Ủy ban Tư pháp đưa ra thì phương án 2  là phù hợp với tinh thần nhân đạo của Hiến pháp 2013, chính sách thu hẹp đối tượng chịu trách nhiệm hình sự và xu hướng quốc tế. Tuy nhiên, phương án 1 lại dựa trên kết quả thăm dò ý kiến của đại biểu Quốc hội từ khóa XIII. Vì vậy, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đề nghị cơ quan thẩm tra và các cơ quan liên quan tiếp tục giải trình và làm rõ vấn đề này theo hướng bảo đảm tinh thần nhân đạo của Hiến pháp 2013, thu hep phạm vi chịu trách nhiệm hình sự và có thể lấy phiếu xin ý kiến của đại biểu Quốc hội.

Vừa bảo đảm đấu tranh phòng chống tội phạm vừa tránh xử lý hình sự tràn lan trong các vi phạm về an toàn thực phẩm

Về Tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm (Điều 317 của BLHS năm 2015), có ý kiến cho rằng, cần bổ sung định lượng vào điểm a và điểm b khoản 1 Điều 317 nhằm tránh việc xử lý hình sự quá rộng. Ý kiến khác đề nghị không sửa điều này để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về an toàn thực phẩm đang xảy ra phổ biến hiện nay.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, vấn đề an toàn thực phẩm là rất bức xúc hiện nay. Đó cũng là lý do Quốc hội lựa chọn an toàn thực phẩm là chuyên đề giám sát tối cao. Qua giám sát cho thấy, vấn đề an toàn thực phẩm ở mức độ báo động, một số địa phương đã đến giới hạn đỏ. Điển hình như vụ ngộ độc thực phẩm ở Lai Châu khiến 8 người chết, 27 người nhập viện; ở Hà Giang hơn 60 người ngộ độc thực phẩm…

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Tư pháp đang hướng sửa đổi Điều 317 theo hướng giảm nhẹ đi và bày tỏ lo ngại nếu theo quy định trong dự thảo luật sửa đổi sẽ không xử lý được ai. Phó Chủ tịch Quốc hội đề giữ nguyên khoản 1 Điều 317 như bộ luật cũ. Theo đó, hành vi vi phạm đã bị xử lý vi phạm hành chính mà tiếp tục vi phạm thì sẽ xử lý hình sự.

Thực tế, thời gian qua dư luận xã hội bức xúc với thực trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, để xảy ra thực trạng này có nguyên nhân không nhỏ từ quản lý nhà nước và xử phạt hành chính chưa nghiêm, nếu làm tốt hơn nữa công tác quản lý nhà nước và tăng cường hiệu quả xử lý hành chính thì sẽ góp phần hạn chế đáng kể tình trạng này.

Tán thành với ý kiến của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho rằng việc quy định về các tội vi phạm quy định an toàn thực phẩm phải tránh tràn lan, cần tập trung vào các đối tượng cố ý vi phạm quy định về an toàn thực phẩm nhằm thu lợi bất chính lớn hoặc gây hậu quả trên diện rộng, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, đặc biệt phải xử lý nghiêm đối với các trường hợp cố tình sử dụng chất cấm trong lĩnh vực thực phẩm. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần phải có ý kiến thống nhất, chính thức về nội dung này để trình ra Quốc hội.

Đề xuất bổ sung trách nhiệm hình sự đới với pháp nhân ở tội danh tài trợ cho khủng bố và rửa tiền

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, có ý kiến đề nghị mở rộng trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với tội tài trợ khủng bố (Điều 300) và tội rửa tiền (Điều 324). Thường trực Ủy ban Tư pháp thấy, việc bổ sung trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với hai tội trên đã được Quốc hội khóa XIII cân nhắc và xin ý kiến trước khi quyết định. Thường trực Ủy ban Tư pháp cũng đã đề nghị Chính phủ có quan điểm chính thức về vấn đề này trước khi Ủy ban thường vụ Quốc hội tiếp tục cho ý kiến.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, nếu không quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với 2 tội danh trên, có thể dẫn đến gây bất lợi cho Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết quốc tế.

Tán thành quan điểm của Ủy ban Tư pháp về việc quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với tội tài trợ khủng bố và tội rửa tiền, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hoà Bình nhấn mạnh, nếu một tổ chức tài chính nào rửa tiền ở ngân hàng của ta thì cả ngân hàng của ta và của ngân hàng thế giới đều bị phạt. Điều này cũng thể hiện cam kết của Việt Nam với tư cách là quốc gia thành viên như Công ước về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, Công ước về chống tài trợ khủng bố... cũng như chuẩn mực quốc tế về chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố.

Theo Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến, việc quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân với tội rửa tiền và tài trợ khủng bố đã được xem xét trước đây. Trong đó, đã nêu nghĩa vụ của Việt Nam khi cam kết thực hiện công ước quốc tế. Thực tế, theo đánh giá của các tổ chức quốc tế thì Viết Nam bị xếp vào nhóm các nước có nguy cơ không tuân hoặc thiếu hụt các các cơ chế về phòng chống rửa tiền. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết thêm, Thủ tướng chính phủ đã giao cho Ngân hàng Nhà nước thay mặt Chính phủ cam kết với các tổ chức quốc tế sẽ xây dựng các cơ chế để phòng chống rửa tiền. Nếu chúng ta không xử lý chặt chẽ vấn đề này thì sẽ có bất lợi về kinh tế. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước bày tỏ quan điểm tán thành ý kiến của Ủy ban Tư pháp,đồng thời cần xem xét thận trọng, phù hợp với luật pháp của Việt Nam.

Bảo Yến