Các đại biểu tham dự buổi lễ Ảnh: Trọng Đức
Cùng dự còn có các đồng chí nguyên Ủy viên Bộ Chính trị: nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Trưởng ban Tổ chức Trung ương Lê Phước Thọ, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng, nguyên Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải; các đồng chí lãnh đạo một số bộ, ban, ngành Trung ương, các địa phương; các bậc lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang cùng đông đảo nhân dân trong và ngoài tỉnh.
Thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bạc Liêu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu Lê Minh Khai đã điểm lại quá trình hình thành, phát triển của Bạc Liêu. Theo đó, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội khóa IX về việc chia tỉnh Minh Hải thành 2 tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau, từ ngày 1/1/1997 tỉnh Bạc Liêu chính thức tái lập và đi vào hoạt động.
Cách đây 20 năm, Bạc Liêu là tỉnh còn nhiều khó khăn, điểm xuất phát thấp và lạc hậu trên nhiều lĩnh vực. Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội còn nhiều yếu kém. Cơ sở vật chất cho y tế, giáo dục và điều kiện đảm bảo hoạt động các cơ quan trong hệ thống chính trị thiếu trầm trọng. Lực lượng cán bộ, công chức thiếu về số lượng, chưa đáp ứng yêu cầu về chất lượng. Đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn...
Sau ngày tái lập tỉnh, Đảng bộ và các tầng lớp nhân dân đã nỗ lực phấn đấu tái thiết tỉnh nhà với quyết tâm cao. Hai mươi năm qua là thời gian đầy khó khăn, thử thách và trưởng thành của Đảng bộ, nhân dân Bạc Liêu trong quá trình phấn đấu vươn lên. Các chỉ số trong sản xuất nông nghiệp so với năm 1997 tăng cao, sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy, hải sản tăng gấp 6 lần; diện tích sản xuất lúa, mặc dù được thu hẹp nhưng sản lượng đạt trên 1 triệu tấn/năm, tăng gấp 2 lần. Tổng sản phẩm trong tỉnh năm 2016 ước đạt gần 23.000 tỷ đồng, tăng 10 lần so với năm 1997. Tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt 33,2 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 8 lần so với năm 1997. Tổng thu cân đối ngân sách năm 2016 ước đạt 2.567 tỷ đồng, tăng 20 lần so với năm 1997...
Song song với phát triển kinh tế, tỉnh đã chủ trương tập trung nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm xây dựng kết cấu hạ tầng, văn hóa, xã hội khu vực nông thôn, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Hệ thống đường giao thông nông thôn, thủy lợi, điện, trường học, trạm y tế, bưu điện... ở các xã đã được xây dựng cơ bản; hạ tầng điện lưới quốc gia được đầu tư phủ khắp các vùng, tỷ lệ hộ sử dụng điện đạt trên 98%. Sau gần 6 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, toàn tỉnh đã có 9/49 xã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại buổi Lễ
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định nhân dân Bạc Liêu có truyền thống lịch sử rất đáng tự hào, giàu lòng yêu nước và cách mạng.
Đánh giá thành tựu rất đáng tự hào của tỉnh Bạc Liêu trong suốt 20 năm qua, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, để Bạc Liêu thời gian tới phát triển nhanh và bền vững, đạt mức tăng trưởng khá ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh cần tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, tái cơ cấu nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới, theo hướng hiệu quả, bền vững; chú trọng phát triển nhanh các vùng sản xuất hàng hóa, nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; phấn đấu xây dựng Bạc Liêu cơ bản trở thành một tỉnh có nền nông nghiệp công nghệ cao, phát triển bền vững.
Bạc Liêu cần tiếp tục phát triển và nhân rộng các mô hình lúa-tôm kết hợp, lúa chất lượng cao, nuôi tôm bán công nghiệp, công nghiệp, nuôi tôm siêu thâm canh,… đưa ngành nuôi trồng thủy sản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Bạc Liêu cũng cần tiếp tục đổi mới công nghệ hiện đại, ứng dụng mạnh mẽ tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất, tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao, xây dựng thương hiệu một số mặt hàng nông-thủy sản xuất khẩu.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đề nghị Bạc Liêu cần đẩy mạnh liên kết vùng, phù hợp với quy hoạch xây dựng vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050; tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng, bình đẳng để thu hút đầu tư; phát huy tối đa nội lực và huy động các nguồn lực bên ngoài, coi trọng xã hội hóa đầu tư để phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội, nhất là giao thông, thủy lợi, điện, làm cơ sở để đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Bạc Liêu cũng cần chú trọng phát triển nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng giáo dục và dạy nghề, gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm; cần quan tâm đầu tư cho khoa học, công nghệ, đáp ứng nhu cầu phát triển và công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh; thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân...
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đề nghị Bạc Liêu cần tiếp tục làm tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh; đảm bảo an ninh chính trị trật tự, an toàn xã hội, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc; chủ đồng phòng ngừa, đấu tranh với các tệ nạn xã hội, các loại tội phạm, nhất là các băng nhóm, tội phạm có tổ chức…
Với truyền thống cách mạng, bản sắc văn hóa và những thành tựu đã đạt được trong suốt 20 năm qua, cùng với sự quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong tỉnh, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tin tưởng Bạc Liêu sẽ thực hiện thắng lợi, hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đã đề ra, xây dựng quê hương Bạc Liêu ngày càng giàu đẹp, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.
+ Tại buổi Lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã trao Huân chương Lao động hạng Nhất tặng Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bạc Liêu và Đảng bộ, nhân dân thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu.