Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu tại phiên họp Ảnh: Đình Nam
Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật tín ngưỡng, tôn giáo, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho biết, dự thảo Luật tín ngưỡng, tôn giáo đã được các đại biểu Quốc hội Khóa XIII cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 10 vào cuối năm 2015 và đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách đầu tháng 9 vừa qua.
Dự thảo Luật tín ngưỡng, tôn giáo được tiếp thu, chỉnh lý có kết cấu gồm: 9 chương, 69 điều, quy định về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo; tổ chức tôn giáo; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo; áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm và thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
Đánh giá dự thảo Luật tín ngưỡng, tôn giáo đã tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ các ý kiến đại biểu thảo luận tại các Hội nghị tham vấn chuyên gia và Hội nghị đại biểu chuyên trách, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với nhiều nội dung trong Báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng về tên gọi và bố cục dự thảo Luật, các hành vi bị nghiêm cấm, hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo có yếu tố nước ngoài…
Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo
Thảo luận về cơ quan chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, việc quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo hiện nay còn phân tán và đề nghị quy định ngay trong Luật cơ quan có chức năng quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở trung ương để bảo đảm sự thống nhất và thuận lợi trong quản lý về lĩnh vực này.
Theo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng về vấn đề này cho thấy, hiện nay, theo phân công của Chính phủ, Bộ Nội vụ được giao thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tôn giáo; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được giao thực hiện việc quản lý lễ hội tín ngưỡng; chưa có cơ quan nào quản lý nhà nước về tín ngưỡng. Việc giao chức năng quản lý nhà nước về tôn giáo cho Bộ Nội vụ cũng chưa thật sự phù hợp, vì mới chỉ dựa trên sự tiếp cận theo góc độ quản lý tổ chức mà chưa chú trọng việc bảo đảm cho hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo như là hoạt động văn hóa, tinh thần. Do đó, quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo trong thực tiễn còn phân tán, thiếu đồng bộ và chưa hiệu quả.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Phan Thanh Bình phát biểu tại phiên họp
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho biết, hiện vẫn còn ba loại ý kiến về vấn đề này. Loại ý kiến thứ nhất là đề nghị phải có một cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo độc lập để phản ánh đúng tính phức tạp, quan trọng của lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo trong đời sống xã hội hiện nay. Loại ý kiến thứ hai đề nghị khi chưa thể sắp xếp được thì giữ nguyên như hiện nay. Loại ý kiến thứ ba đề nghị đưa chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để thống nhất quản lý và bảo đảm cho hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo như là hoạt động văn hóa, tinh thần.
Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cho rằng, tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV đã xem xét, quyết định cơ cấu tổ chức Chính phủ nhiệm kỳ 2016- 2021. Vì vậy, việc quy định trong Luật cơ quan quản lý nhà nước độc lập cần được xem xét thận trọng, kỹ lưỡng.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, nếu đứng trên phương diện văn hóa tinh thần thì giao chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo cho Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch quản lý là hợp lý. Nhưng nếu đứng trên phương diện tổ chức thì giao cho Bộ Nội Vụ đảm nhiệm chức năng này lại tốt hơn. Do vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị nên giữ nguyên quy định như hiện nay. Nghĩa là, Bộ Nội vụ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tôn giáo; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện việc quản lý lễ hội tín ngưỡng.
Nhấn mạnh là quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo trong thực tiễn còn phân tán, thiếu đồng bộ và chưa hiệu quả, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, nếu Chính phủ không có quan điểm rõ ràng thì sau khi, Luật ra đời quản lý nhà nước về lĩnh vực này lại vẫn tiếp tục không hiệu quả. Do vậy, đề nghị, Ban soạn thảo và Ủy ban thẩm tra nghiên cứu, phân tích kỹ ưu, nhược điểm của cả 3 phương án trên để có quan điểm dứt khoát về vấn đề này.
Trước nhiều ý kiến khác nhau về việc giao chức năng quản lý nhà nước về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo cho cơ quan nào là phù hợp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh đồng tình với Điều 62 của dự thảo Luật quy định Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo trong phạm vi cả nước. Nghĩa là, Chính phủ sẽ nhận chức năng này và thực hiện việc phân công, điều hòa các cơ quan khác để đảm bảo quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo sao cho hợp lý.
Cần thiết cho phép các tổ chức tôn giáo được thực hiện hoạt động giáo dục
Điều 55 của dự thảo Luật tín ngưỡng, tôn giáo quy định về hoạt động giáo dục của các tổ chức tôn giáo hiện có 2 phương án. Phương án 1 là “Tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc được thực hiện các hoạt động giáo dục theo quy định của pháp luật về giáo dục”; Phương án 2 quy định “Tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc được thành lập cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và thực hiện các hoạt động giáo dục theo quy định của pháp luật về giáo dục”
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho biết, qua khảo sát, quan điểm chung của nhiều nước trên thế giới về vấn đề này là: mặc dù đều cho phép các tổ chức tôn giáo được thực hiện hoạt động giáo dục nhưng các nước này đều không công nhận các cơ sở giáo dục của các tổ chức tôn giáo nằm trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải phát biểu tại phiên họp
Theo Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải, cả 2 phương án nêu trong dự thảo Luật đều cho phép các tổ chức tôn giáo thành lập các cơ sở giáo dục và được thực hiện các hoạt động giáo dục. Tuy nhiên, vấn đề cần cân nhắc là có nên coi các cơ sở giáo dục này là một trong những cơ sở giáo dục chính thức trong hệ thống giáo dục quốc dân hay không? Theo Trưởng Ban Dân nguyện cần phải có sự cân nhắc thận trọng đối với vấn đề này.
Đối với nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, nước ta đang thực hiện xã hội hóa về giáo dục cho nên việc cho phép Tổ chức tôn giáo được thực hiện hoạt động giáo dục là cần thiết. Theo Chủ tịch Quốc hội, phương án 2 thể hiện rõ ràng hơn khi quy định tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc được thành lập cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và thực hiện các hoạt động giáo dục theo quy định của pháp luật về giáo dục. Nghĩa là, các tổ chức tôn giáo thành lập các cơ sở giáo dục và được thực hiện các hoạt động giáo dục. Tuy nhiên chương trình học tại các cơ sở này phải tuân thủ theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, không được phép đào tạo và truyền bá những nội dung ngoài chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là được.
Ngoài các nội dung trên, thảo luận về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, các nội dung quy định về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người và sự bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Nhà nước trong dự thảo Luật còn chưa tương xứng và thiếu cụ thể. Vì vậy, các đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần quy định cụ thể hơn nội hàm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của tổ chức, cá nhân, và người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt nam. Các đại biểu cũng đề nghị, bổ sung quy định về trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm quyền quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người.