Thay mặt Ủy ban Pháp luật trình bày Báo cáo xin ý kiến về một số vấn đề lớn của dự thảo Luật về hội, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Khắc Định cho biết, tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, các vị đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại Tổ và Hội trường về dự án Luật về hội. Ngay sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Pháp luật, cơ quan soạn thảo dự án Luật và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị ĐBQH. Việc nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật được thực hiện dựa trên nguyên tắc bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng về tổ chức và hoạt động của hội; bảo đảm tính thống nhất với Hiến pháp năm 2013 và các luật đã được Quốc hội ban hành; không vượt quá phạm vi, đối tượng điều chỉnh của dự thảo Luật mà Chính phủ đã trình và Quốc hội khóa XIII đã thảo luận.Theo đó, sau khi tiếp thu chỉnh lý, kết cấu của dự thảo Luật có sự thay đổi từ 8 chương với 36 điều thành 7 chương với 43 điều.
Cơ bản nhất trí với Báo cáo của Ủy ban Pháp luật, tuy nhiên, các đại biểu cũng đã xem xét, thảo luận và đóng góp thêm nhiều ý kiến nhằm hoàn thiện cho dự thảo Luật được trình ra tại Hội nghị lần này.
Xác định rõ phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
Theo Điều 1, phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng trong dự thảo Luật quy định: “1. Luật này quy định về lập hội; tổ chức, hoạt động của hội và quản lý nhà nước về hội. 2. Luật này cũng áp dụng đối với tổ chức phi chính phủ nước ngoài đăng ký hoạt động tại Việt Nam. 3. Luật này không áp dụng đối với: a) Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Công đoàn Việt Nam, Hội nông dân Việt Nam, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội cựu chiến binh Việt Nam; b) Cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo tại Việt Nam”.
Phân tích quy định tại Điều này, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị Việt Nam Đôn Tuấn Phong cho rằng, bản chất dự thảo đã cố gắng bao trùm các nhóm đối tượng, dự thảo cũng đã quy định áp dụng đối với tổ chức phi chính phủ nước ngoài đăng ký hoạt động tại Việt Nam. Tuy nhiên, đại biểu Đôn Tuấn Phong đặt câu hỏi, nếu đã bao trùm hết các nhóm đối tượng, tại sao dự thảo không quy định các tổ chức phi chính phủ ở trong nước? Đại biểu đề nghị cần xem xét, xác định rõ lại quy định trên.
Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An Trần Văn Mão cũng cho rằng, phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của dự thảo luật còn thể hiện một cách lúng túng, chưa rõ ràng. Do đó, đại biểu đề nghị, nếu cần thiết, Điều 1 nên được tách ra thành hai Điều riêng biệt: một Điều về Phạm vi điều chỉnh và một Điều về Đối tượng áp dụng.
Ngoài ra, tán thành quy định của dự thảo Luật là không áp dụng Luật này đối với các tổ chức chính trị- xã hội được quy định trong Hiến pháp, đa số các đại biểu cho rằng, đây là các tổ chức chính trị- xã hội có vị trí, vai trò đặc biệt trong hệ thống chính trị ở nước ta, được giao thực hiện các nhiệm vụ chính trị quan trọng và được Đảng bố trí các cán bộ chủ chốt trong ban lãnh đạo, được Nhà nước bảo đảm cơ sở vật chất, ngân sách hoạt động; có cơ cấu tổ chức chặt chẽ, có đội ngũ cán bộ chuyên trách. Nếu xác định vị trí, vai trò của các tổ chức này là các hội thuần tuý mang tính chất xã hội tự nguyện, tự quản, tự chịu trách nhiệm và chịu sự điều chỉnh của Luật về hội là chưa phản ánh đúng bản chất và thực tế sự phát triển lịch sử của các tổ chức này trong hệ thống chính trị ở nước ta. Hơn nữa, một số tổ chức chính trị- xã hội đã được điều chỉnh trong các luật, pháp lệnh khác như Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật công đoàn, Pháp lệnh cựu chiến binh.
Tuy nhiên, nguyên Chủ nhiệm Khoa Luật- Đại học Quốc gia Hà Nội, GS.TS. Phạm Hồng Thái cho rằng, Điều 1 của dự thảo Luật chỉ nên tập trung quy định về các đối tượng của Hội, không cần quy định việc “Luật này không áp dụng đối với ai”. GS. TS. Phạm Hồng Thái chỉ rõ, theo cách hiểu trong dự thảo Luật, Hội ở đây là các tổ chức xã hội, còn các đối tượng quy định ở khoản 3 Điều 1 như Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Công đoàn Việt Nam, Hội nông dân Việt Nam…là các tổ chức chính trị- xã hội. Tương tự đối với các “cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo tại Việt Nam” cũng không cần quy định trong dự thảo Luật.
Không thể “bao cấp” mãi cho các Hội để hoạt động
Về vấn đề chính sách của Nhà nước đối với Hội, tán thành với quy định của Dự thảo về việc: “Nhà nước hỗ trợ và tạo điều kiện hoạt động khi hội thực hiện nhiệm vụ được Nhà nước giao”, đa số các đại biểu cho rằng, những năm gần đây Đảng và Nhà nước ta đã có những chủ trương, chính sách rõ ràng và nhất quán trong việc định hướng đổi mới về tổ chức và hoạt động của các hội. Cụ thể tại Kết luận số 102-KL/TW ngày 22/9/2014 của Bộ Chính trị về hội quần chúng đã xác định “Đối với các hội đã được giao biên chế, kinh phí hoạt động giữ ổn định đến hết năm 2016; từ năm 2017 đến năm 2020 từng bước thực hiện khoán kinh phí hoạt động cho hội theo lộ trình phù hợp. Các hội còn lại hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự chủ, tự quản, tự trang trải kinh phí hoạt động, Nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động gắn với nhiệm vụ được giao”.
Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cũng chỉ rõ “Giữ ổn định biên chế của các tổ chức xã hội, xã hội- nghề nghiệp đến hết năm 2016. Từ năm 2017, thực hiện khoán hoặc hỗ trợ kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao” và tại Quy định về quản lý biên chế thống nhất của hệ thống chính trị (ban hành kèm theo Quyết định số 253-QĐ/TW ngày 21/7/2014 của Bộ Chính trị), Bộ Chính trị đã không đặt vấn đề tiếp tục cấp kinh phí hoạt động và không giao biên chế cho các tổ chức hội. Mặt khác, Luật ngân sách nhà nước năm 2015 cũng quy định “Kinh phí hoạt động của các tổ chức chính trị xã hội- nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội- nghề nghiệp được thực hiện theo nguyên tắc tự bảo đảm; ngân sách nhà nước chỉ hỗ trợ cho các nhiệm vụ Nhà nước giao theo quy định của Chính phủ”.
Đồng tình với quan điểm trên, Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh, trong tình hình ngân sách nước ta hiện còn nhiều khó khăn, do đó không thể “bao cấp” mãi cho các Hội để hoạt động. Vì vậy, Nhà nước chỉ nên hỗ trợ hoặc bảo đảm chi phí, kinh phí cho các nhiệm vụ mà Nhà nước giao, không cấp kinh phí một cách tràn lan.
Đưa ra con số thống kê việc ngân sách Nhà nước hiện phải chi khoảng 14.000 tỷ cho hoạt động của các tổ chức Đoàn thể, Viện trưởng Viện Chính sách, pháp luật và phát triển TS. Hoàng Ngọc Giao cho rằng, mặc dù “tiêu xài” ngân sách lớn nhưng các đối tượng này đang hoạt động một cách “hành chính hóa” và kém hiệu quả. TS. Hoàng Ngọc Giao đề nghị nên có chủ trương giảm “bao cấp”, dần chấm dứt việc trợ cấp ngân sách Nhà nước và để các tổ chức đặc thù này tự lo về tài chính.
Cũng bày tỏ ủng hộ phương án dần xóa bỏ việc “bao cấp” ngân sách đối với các tổ chức Đoàn thể, tuy nhiên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh Đỗ Thị Lan cho rằng, khi dự án Luật đưa ra trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến, cần có sự giải thích rõ ràng trong Báo cáo việc hỗ trợ kinh phí, ngân sách Nhà nước đối với các tổ chức đặc thù, tránh gây sự so sánh giữa các Hội.
Một số ý kiến khác cũng đề nghị so sánh một cách khách quan giữa những kết quả đạt được của các tổ chức Đoàn thể với việc được Nhà nước trợ cấp nguồn ngân sách để có những quy định cụ thể về chính sách của Nhà nước đối với Hội; xem xét từ “cấp” và “hỗ trợ” tại điểm b, khoản 1, Điều 28 dự thảo Luật: “kinh phí Nhà nước cấp để thực hiện nhiệm vụ do Nhà nước giao (nếu có)” với quy định tại khoản 5, Điều 6: “Nhà nước hỗ trợ và tạo điều kiện hoạt động khi hội thực hiện nhiệm vụ được Nhà nước giao”.
Bên cạnh các nội dung trên, các đại biểu cũng đề nghị xem xét lại việc giải thích từ ngữ tại Điều 2; xem xét quy định tại Điều 14 về thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký thành lập hội; Điều 17 về thẩm quyền công nhận điều lệ hội và người đại diện theo pháp luật của hội, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, đình chỉ hoạt động có thời hạn, giải thể, đổi tên hội; Khoản 2, Điều 7 về các trường hợp bị hạn chế quyền lập hội đối với cán bộ, công chức; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng….; đề nghị bổ sung quy định về chế độ khen thưởng trong dự thảo Luật; xem xét sửa thay thuật ngữ “Ban lãnh đạo hội” bằng “Ban chấp hành hội”; bổ sung một số đối tượng như người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, người bị đưa vào trại cai nghiện…vào Điều 7; xem xét quy định tại Chương V về đăng ký và quản lý hoạt động của các tổ chức phi Chính phủ nước ngoài tại Việt Nam…
Cũng có ý kiến khác cho rằng, với ý nghĩa, tầm quan trọng của dự án Luật về hội, vì vậy cần xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng và chưa nên trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2 sắp tới.
+ Sáng mai- ngày 9/9, Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tiếp tục xem xét, cho ý kiến đối với dự án Luật về hội.