Quốc hội bầu Phó Chủ tịch nước, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao

27/07/2016

Sáng 27/7, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội tiến hành bầu Phó Chủ tịch nước, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và thông qua Nghị quyết bầu Phó Chủ tịch nước, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Mở đầu phiên họp, Quốc hội nghe Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội và giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự kiến nhân sự bầu Phó Chủ tịch nước, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Quốc hội đã thông qua danh sách bầu Phó Chủ tịch nước với 95,95% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành; thông qua danh sách bầu Chánh án Tòa án nhân dân tối cao với 97,37% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành; thông qua danh sách bầu Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao với 93,93% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành.

Sau đó, Quốc hội tiến hành bầu Phó Chủ tịch nước, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao bằng hình thức bỏ phiếu kín.

Thay mặt ban kiểm phiếu, Trưởng ban kiểm phiếu Bùi Văn Cường công bố kết quả: Đối với bầu chức danh Phó chủ tịch nước, số phiếu đồng ý là 478, bằng 96,76% tổng số đại biểu Quốc hội; số phiếu không đồng ý là 9, bằng 1,82% tổng số đại biểu Quốc hội. Như vậy, căn cứ Nội quy kỳ họp, bà Đặng Thị Ngọc Thịnh đã đã trúng cử chức vụ Phó chủ tịch nước nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2016- 2021.

Đối với bầu chức danh Chánh án tòa án nhân dân tối cao, số phiếu đồng ý là 473, bằng 95,75% tổng số đại biểu Quốc hội; số phiếu không đồng ý là 15, bằng 3,04% tổng số đại biểu Quốc hội. Như vậy, căn cứ Nội quy kỳ họp, ông Nguyễn Hòa Bình đã đã trúng cử chức vụ Chánh án Tòa án nhân dân tối cao nhiệm kỳ 2016- 2021.

Đối với bầu chức danh Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, số phiếu đồng ý là 448, bằng 90,69% tổng số đại biểu Quốc hội; số phiếu không đồng ý là 39, bằng 7,89% tổng số đại biểu Quốc hội. Như vậy, căn cứ Nội quy kỳ họp, ông Lê Minh Trí đã đã trúng cử chức vụ Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhiệm kỳ 2016- 2021.

Sau khi Ban kiểm phiếu công bố kết quả kiểm phiếu, Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc trình bày dự thảo Nghị quyết bầu Phó Chủ tịch nước, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết bầu Phó Chủ tịch nước với 482/483 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, bằng 97,57% tổng số đại biểu Quốc hội. Nghị quyết bầu Chánh án Tòa án nhân dân tối cao được thông qua với 476/477 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, bằng 96,36% tổng số đại biểu Quốc hội. Nghị quyết bầu Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao được thông qua với 466/480 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, bằng 94,33% tổng số đại biểu Quốc hội.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình tuyên thệ nhậm chức                                  Ảnh: Đình Nam

Ngay sau đó, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình tuyên thệ nhậm chức. Lễ tuyên thệ được tổ chức trang trọng, thiêng liêng tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội.

Trước Quốc hội, cử tri và đồng bào cả nước, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình nêu rõ: “Dưới cờ đỏ sao vàng thiêng liêng, trước Quốc hội, đồng bào cử tri cả nước, tôi- Chánh án Tòa án nhân dân tối cao nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tuyên thệ: tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, nhà nước và nhân dân giao phó”.

Phát biểu trước Quốc hội ngay sau lễ nhậm chức, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trân trọng cám ơn Quốc hội tiếp tục bầu giữ chức vụ Chánh án tòa án nhân dân tối cao. Nhận thức rõ trách nhiệm nặng nề trước Đảng, Quốc hội và cử tri, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nguyện đem hết sức lực, trí tuệ phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, đảm nhiệm trọng trách mà Quốc hội giao phó.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình khẳng định: “Là người đứng đầu cơ quan xét xử thực hiện quyền tư pháp của nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tôi sẽ cùng tập thể lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao phát huy truyền thống đoàn kết một lòng, đề cao kỷ luật, xây dựng Tòa án nhân dân trong sạch và liêm chính; thực hiện tốt nhiệm vụ Hiến pháp quy định, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ Xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; chăm lo xây dựng đội ngũ Thẩm phán giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh để nhân danh Nhà nước đưa ra những phán quyết tự tôn pháp luật, nghiêm minh và công bằng. Trân trọng đề nghị Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội ủng hộ và tăng cường giám sát hoạt động của Tòa án các cấp, cùng chúng tôi xây dựng Tòa án nhân dân trở thành biểu tượng của công lý, lẽ phải và niềm tin cũng như mong đợi của nhân dân”.

Cũng trong phiên họp sáng nay, Quốc hội đã nghe Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày Tờ trình Quốc hội về cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ, nghe  Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày Báo cáo thẩm tra về cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ. Sau đó, Quốc hội thảo luận tại Đoàn về cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ.

Thanh Tú- Vân Ngọc