Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý cho phép Đà Nẵng được tăng mức huy động vốn lên 40%

11/07/2016

Chiều 11/7, tiếp tục Chương trình phiên họp thứ 50, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với Thành phố Đà Nẵng. Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều khiển phiên họp.

Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tại phiên họp                              Ảnh: Đình Nam

Trình bày Tờ trình xin ý kiến về dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với thành phố Đà Nẵng, Bộ trưởng Bộ tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, tại Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 16/10/2003 của Bộ Chính trị “Về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” và  Kết luận số 75-KL/TW ngày 12/11/2013 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, Bộ Chính trị đã giao Ban Cán sự Đảng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành trung ương thực hiện tốt các cơ chế, chính sách hiện hành, kiểm tra, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, ban hành các cơ chế chính sách mới nhằm tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy thành phố Đà Nẵng phát triển; phân cấp mạnh hơn, toàn diện hơn cho Thành phố, nhất là về thẩm quyền quyết định đầu tư, tài chính, ngân sách, tạo cơ sở để giải quyết các khó khăn về nguồn lực, huy động nguồn lực để triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ được đặt ra, đặc biệt trong việc xây dựng Đà Nẵng với vị trí là thành phố động lực của khu vực, trở thành thành phố công nghiệp trước năm 2020.

Vì vậy, nhằm tạo điều kiện, tăng tính “đột phá” thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Đà Nẵng; Chính phủ nhận thấy cần ban hành Nghị định quy định về một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với thành phố Đà Nẵng.

Thẩm tra dự thảo Nghị định, Ủy ban Tài chính- Ngân sách cho rằng, để tạo thuận lợi hơn cho Đà Nẵng trong quá trình thu hút nguồn lực đầu tư phát triển thì cần tăng tính “đột phá” về đầu tư, tài chính, ngân sách, phân cấp quản lý và thể chế hóa các nội dung đã được thể hiện trong Kết luận số 75-KL/TW thì việc ban hành Nghị định của Chính phủ thay thế Quyết định số 13/2006/QĐ-TTg ngày 16/01/2006 của Thủ tướng Chính phủ là cần thiết. Do đó, đa số ý kiến Ủy ban nhất trí về sự cần thiết ban hành cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách đối với Đà Nẵng. Tuy nhiên, một ý kiến cho rằng, Chính phủ cần cân nhắc thận trọng, hạn chế ban hành những quy định về cơ chế đặc thù với nhiều tỉnh, Thành phố vì sẽ tạo nên sự không công bằng giữa các địa phương. Ngoài ra, căn cứ vào quy định của Luật ngân sách nhà nước hiện hành và Luật ngân sách nhà nước năm 2015 thì chỉ quy định cho phép Chính phủ ban hành cơ chế đặc thù về tài chính, ngân sách. Do đó, việc quy định đặc thù trong các lĩnh vực khác như quản lý đất đai cần được cân nhắc thận trọng, bảo đảm phù hợp, thống nhất với các văn bản pháp luật liên quan về thẩm quyền, phân cấp quản lý.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Đức Hải trình bày báo cáo thẩm tra

Về tổng mức huy động vốn đầu tư trong nước, Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng, việc Chính phủ đề nghị nâng mức dư nợ của Thành phố Đà Nẵng từ 30% theo quy định hiện hành lên mức 100% cho địa phương với các lý do như Chính phủ trình là cần thiết và nhất trí với đề nghị của Chính phủ nhằm tạo thuận lợi trong huy động nguồn lực.

Tuy nhiên, việc nâng mức dư nợ vay lên 100% cũng chỉ tương đương với mức dư nợ vay không quá 30% tổng số thu Thành phố Đà Nẵng được hưởng theo phân cấp quy định tại Luật Ngân sách nhà nước năm 2015. Do đó, đề nghị Đà Nẵng áp dụng mức dư nợ vay này từ năm 2017 theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, chứ không được áp dụng từ năm 2016.

Thảo luận tại phiên họp, đa số các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng cơ bản đồng tình với Tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với thành phố Đà Nẵng. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, Chính phủ cần cân nhắc thận trọng, hạn chế ban hành những quy định về cơ chế đặc thù với nhiều tỉnh, Thành phố để có sự hài hòa, tránh tạo nên sự không công bằng giữa các địa phương.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, việc xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những đô thị lớn của cả nước, một trung tâm kinh tế- xã hội lớn của miền Trung là rất cần thiết. Tuy nhiên, Chính Phủ cần rà soát lại Tờ trình của Chính phủ để đảm bảo chặt chẽ sự phù hợp với các văn bản Luật có liên quan.

Đà Nẵng đã huy động bao nhiêu thì cố gắng trả nợ đúng hạn. Còn tất cả những các vấn đề khác liên quan đến phân cấp, quản lý đất đai thì phải thực hiện đúng theo các văn bản pháp luật liên quan về thẩm quyền, phân cấp quản lý. Chủ tịch Quốc hội đề nghị, nên có đặc thù cho Đà Nẵng huy động vốn, mức độ nào thì xem xét nhưng phải đảm bảo được mức bội chi và nợ vay theo luật ngân sách, để tạo động lực tăng tính sáng tạo năng động cho Thành phố Đà Nẵng phát triển.

Đồng tình với điều này, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng chấp nhận đề nghị của Chính Phủ từ 1/1/2017 thực hiện theo luật Ngân sách mới áp dụng đặc thù với Đà Nẵng nhằm xây dựng Thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những đô thị lớn của cả nước, một trung tâm kinh tế- xã hội lớn của miền Trung với vai trò là trung tâm dịch vụ, thành phố cảng biển, đầu mối giao thông quan trọng, trung tâm bưu chính viễn thông- công nghệ thông tin và tài chính- ngân hàng; một trong những trung tâm y tế, văn hóa- thể thao, giáo dục- đào tạo và khoa học- công nghệ của miền Trung.

Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý cho phép Đà Nẵng được áp dụng đặc thù huy động vốn, tăng mức huy động vốn lên không quá 40%, với điều kiện phải kiểm soát chặt chẽ nợ công theo quy định của Luật ngân sách nhà nước 2015. Còn các cơ chế phân cấp, quản lý đất đai, đô thị… thì Chính phủ áp dụng theo đúng tinh thần quy định của các Luật có liên quan hiện hành.

Đặng Mai