Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Đức Hải trình bày báo cáo thẩm tra Ảnh: Đình Nam
Tiến độ thu Ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm đạt thấp
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo về tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các biện pháp thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2016, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, thu Ngân sách nhà nước (NSNN) ước thực hiện 6 tháng đạt 476,8 nghìn tỷ đồng, bằng 47% dự toán, tăng 6,1% so cùng kỳ năm 2015, là mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ 2 năm gần đây. Trong đó, thu nội địa ước đạt 383,2 nghìn tỷ đồng, bằng 48,8% dự toán, tăng 13,8% so cùng kỳ năm 2015, đạt thấp cả về tiến độ thực hiện dự toán và mức tăng trưởng so với cùng kỳ 2 năm gần đây. Thu về dầu thô, ước đạt 20,3 nghìn tỷ đồng, bằng 37,2% dự toán, giảm 44,8% so với cùng kỳ năm 2015. Thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 72 nghìn tỷ đồng, bằng 41,9% dự toán, giảm 2,2% so với cùng kỳ năm 2015.
Báo cáo chỉ rõ, tiến độ thu NSNN, đặc biệt là thu cân đối ngân sách trung ương 6 tháng dầu năm đạt thấp cả về tiến độ thực hiện và mức tăng so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do tăng trưởng kinh tế còn chậm, giá dầu thô giảm và các tác động bất lợi khi tham gia các Hiệp định Thương mại tự do (FTAs). Với mức giá dầu hiện tại và kết quả thực hiện thu NSNN 6 tháng như trên, dự toán NSNN cả nước năm 2016 về tổng thể có khả năng sẽ hoàn toàn vượt mức dự toán NSNN mà Quốc hội đã quyết định. Trong đó thu cân đối ngân sách địa phương có khả năng vượt dự toán. Tuy nhiên, riêng thu ngân sách trung ương 6 tháng cuối năm cần tiếp tục phấn đấu quyết liệt mới có thể hoàn thành.
Chi Ngân sách nhà nước đảm bảo thanh toán đầy đủ các khoản nợ, viện trợ
Về chi ngân sách nhà nước, ước thực hiện 6 tháng đạt 562,5 nghìn tỷ đồng, bằng 44,2% dự toán, tăng 4,9% so cùng kỳ năm 2015. Trong đó, chi đầu tư phát triển ước đạt 82,2 nghìn tỷ đồng, bằng 32,2% dự toán, tăng 4,6% cùng kỳ năm 2015. Chi trả nợ và viện trợ, ước đạt 77,5 nghìn tỷ đồng, bằng 50% dự toán, tăng 5,2% so cùng kỳ năm 2015, đảm bảo thanh toán đầy đủ, kịp thời các khoản nợ đến hạn theo cam kết, không để tác động xấu đến kinh tế vĩ mô. Chi thường xuyên ước đạt 399,4 nghìn tỷ đồng, bằng 48,5% dự toán, tăng 5% so cùng kỳ năm 2015.
Về cân đối ngân sách nhà nước, bội chi NSNN ước thực hiện 6 tháng là 85,6 nghìn tỷ đồng, bằng 33,7% dự toán năm. Công tác phát hành trái phiếu Chính phủ năm 2016 có thuận lợi. Trong 6 tháng đã phát hành được 187,7 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, giải ngân vốn vay ODA và vay ưu đãi được 1.687 triệu USD, đảm bảo nguồn đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ chi ngân sách theo dự toán và đầu tư các chương trình, dự án. Thực hiện phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường vốn quốc tế để cơ cấu lại nợ trong nước của Chính phủ do điều kiện thị trường chưa thuận lợi.
8 giải pháp chủ yếu để hoàn thành nhiệm vụ NSNN năm 2016
Để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội và NSNN năm 2016, chủ động ứng phó với việc giảm thu ngân sách do giá dầu giảm cũng như các yếu tố không thuận lợi của thiên tai, dịch bệnh và những tác động bất lợi của kinh tế, thị trường thế thới, giữ vững cân đối NSNN năm 2016, Báo cáo của Chính phủ đã đề ra 8 giải pháp chủ yếu nhằm khẩn trương triển khai có hiệu quả công tác điều hành ngân sách 6 tháng cuối năm 2016 như:
Một là, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nhất là trong lĩnh vực thuế, hải quan; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Hai là, triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp về quản lý thu NSNN, chủ động xử lý các tác động do biến đổi giá dầu thô, quyết tâm thu đạt và vượt dự toán Quốc hội quyết định.
Ba là, tổ chức điều hành, quản lý chi NSNN chặt chẽ, tiết kiệm, đúng quy định, chống lãng phí; nâng cao hiệu quả sử dụng NSNN.
Bốn là, quản lý kiểm soát chặt chẽ nợ công trong giới hạn cho phép. Thực hiện đồng bộ các giải pháp huy động vốn theo kế hoạch vay nợ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tăng cường kiểm tra, giám sát việc vay, sử dụng vốn vay và trả nợ. Kiểm soát chặt chẽ nợ của chính quyền địa phương; tăng mức cho vay lại chính quyền địa phương đối với vốn vay ODA và vay ưu đãi.
Năm là, tăng cường và đẩy mạnh công tác quản lý, kiểm tra thị trường. Tiếp tục thực hiện nhất quán chủ trương quản lý giá theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước đối với các mặt hàng quan trọng, thiết yếu phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2016.
Sáu là, tiếp tục xây dựng các Nghị quyết quy định về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong các lĩnh vực. Xây dựng, ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN; sắp xếp, giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập. Tiếp tục thí điểm cổ phần hóa một số đơn vị sự nghiệp công lập có đủ điều kiện; đa dạng hóa các loại hình liên doanh, liên kết giữa đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp ngoài công lập nhằm nâng cao số lượng và chất lượng cung ứng dịch vụ công.
Bảy là, tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế một cách tổng thể, nhất là tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Tiếp tục triển khai thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước theo Quyết định số 929/QĐ-TTg ngày 17/7/2012 tháo gỡ các khó khăn vướng mắc nhằm đẩy mạnh tiến trình cổ phần hóa và thoái vốn đầu tư. Tăng cường chức năng quản lý, giám sát, kiểm tra của cơ quan quản lý tài chính và của chủ sở hữu nhà nước.
Tám là, tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, đẩy mạnh cải cách hành chính. Thực hiện kiểm tra, giám sát và công khai, minh bạch việc sử dụng ngân sách nhà nước; triệt để tiết kiệm, chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng. Thực hiện nghiêm kết luận, kiến nghị của các cơ quan thanh tra, kiểm toán.
Chỉ đạo quyết liệt công tác tổ chức thu- quản lý chi NSNN
Thay mặt Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Đức Hải nêu rõ, Ủy ban cơ bản thống nhất với 8 nhóm giải pháp nêu trong Báo cáo của Chính phủ, đồng thời nhấn mạnh thêm một số nội dung như: Trong thời gian tới, Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo quyết liệt công tác tổ chức thu NSNN, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chống buôn lậu, gian lận thương mại, chống thất thu, trốn lậu thuế, xử lý dứt điểm nợ đọng tiền thuế. Tăng cường công tác quản lý chi NSNN, thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí, tăng thu để đảm bảo nhiệm vụ chi ngân sách; quản lý chặt chẽ việc mua sắm tài sản công; xem xét việc thực hiện khoán xe công đối với một số chức danh nhằm đảm bảo việc quản lý, sử dụng tiết kiệm chi tiêu cho NSNN; hạn chế mua xe công trong 6 tháng cuối năm 2016.
Tiếp tục triển khai quyết liệt Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; tập trung chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về quy trình, thủ tục triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ bản, bảo đảm giải ngân các nguồn vốn đúng tiến độ cho các dự án, công trình ngay trong năm 2016, hạn chế tối đa việc chuyển nguồn; phấn đấu đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế theo Nghị quyết của Quốc hội, góp phần tăng thu NSNN. Quản lý chặt chẽ nợ công, cơ cấu nợ theo quy định tại Nghị quyết số 99/2015/QH13 của Quốc hội về Dự toán NSNN năm 2016, trong đó cần tăng cường vay dài hạn, lãi suất thấp; quản lý chặt chẽ bảo lãnh Chính phủ, vay về cho vay lại, đảm bảo sử dụng đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả, không chuyển thành nợ công.
Đồng thời với việc triển khai các giải pháp đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn, đấu giá công khai tài sản nhà nước, Chính phủ cần tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong quản lý vốn, cổ tức tại các doanh nghiệp nhà nước, đảm bảo công tác cổ phần hóa hiệu quả, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Thực hiện thu, nộp đầy đủ, kịp thời vào NSNN cổ tức được chia cho phần vốn nhà nước tại các công ty cổ phần có vốn góp của Nhà nước do Bộ, ngành địa phương đại diện chủ sở hữu.