Thành lập 184 Ban bầu cử ĐBQH, 1096 Ban bầu cử đại biểu HĐND cấp Tỉnh
Tính đến thời điểm hiện nay, trên 63 tỉnh, thành phố của cả nước đã có tổng số 184 Ban bầu cử đại biểu Quốc hội; 1096 Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp Tỉnh; 6.721 Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện; 79.988 Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã; 91.221 Tổ bầu cử.
Phiên họp của Ủy ban bầu cử tỉnh Quảng Nam Ảnh: Sở Nội vụ Quảng Nam
Việc lập và niêm yết danh sách cử tri cũng đã được Ủy ban bầu cử các tỉnh, thành phố chỉ đạo thực hiện đúng theo thời hạn luật định, phân loại cử tri được quyền bầu cử đối với từng cấp đại biểu Hội đồng nhân dân và các trường hợp không được tham gia bỏ phiếu. Các xã, phường, thị trấn tiến hành rà soát những người có đăng ký thường trú, tạm trú, những người đang đi lao động xa; yêu cầu các cơ quan, đơn vị, trường học báo cáo đầy đủ danh sách cán bộ, công nhân viên, học sinh, sinh viên; nắm bắt số cử tri có nguyện vọng đi bỏ phiếu ở nơi khác để lập danh sách cử tri đầy đủ, tránh sai sót, bảo đảm quyền bầu cử của công dân. Theo số liệu thống kê, ước tính tỉnh Long An có 1.233.850 cử tri; tỉnh Tiền Giang có 1.370.259 cử tri; tỉnh Sơn La có 787.314 cử tri…
Cùng với đó, trên cơ sở các văn bản, kiến nghị của địa phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng bầu cử quốc gia, các Tiểu ban của Hội đồng và các cơ quan hữu quan tiếp tục ban hành các văn bản để giải đáp những vướng mắc, kiến nghị về công tác bầu cử của các địa phương, cơ quan, tổ chức, cá nhân. Đến nay, đã ban hành 50 văn bản để hướng dẫn, trả lời các cơ quan, địa phương và một số công dân về những vấn đề liên quan đến công tác bầu cử.
Lập danh sách sơ bộ 1.146 người ứng cử ĐBQH, trong đó 154 người tự ứng cử
Đến nay, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các tỉnh, thành phố đã hoàn thành xong việc tổ chức Hội nghị Hiệp thương lần thứ hai để lập danh sách sơ bộ những người ứng cử. Sau khi kết thúc Hội nghị hiệp tương lần thứ hai, tổng số người được lập danh sách sơ bộ ở cả Trung ương và địa phương là 1.146 người. Trong đó, ở Trung ương là 197 người, địa phương là 949 người, trong đó có 154 người tự ứng cử, đạt tỷ lệ 2,29 người ứng cử trên 01 đại biểu được bầu.
Cơ cấu kết hợp chung của người ứng cử trên cả nước như sau: phụ nữ là 420 người, tỉ lệ 36,65%; người dân tộc thiểu số là 240 người, tỉ lệ 20,94%; người ngoài Đảng là 226 người, tỉ lệ 19,72%; đại biểu Quốc hội khóa XIII tái cử là 187 người, tỉ lệ 16,32%; người trẻ tuổi (dưới 40 tuổi) là 428 người, tỉ lệ 37,35%.
Ủy ban bầu cử tỉnh Tây Ninh công bố các đơn vị bầu cử và số đại biểu được bầu Ảnh: TTXVN
Đối với đại biểu Hội đồng nhân dân Tỉnh, tổng số đại biểu được bầu theo luật định là 3.919 người. Tổng số người ứng cử sau Hội nghị hiệp thương lần thứ hai thỏa thuận lập danh sách sơ bộ là 7.552 người, tăng 1.317 người so với dự kiến tại Hội nghị Hiệp thương lần thứ 1, đạt tỷ lệ 1,92%. Ở cấp huyện, tổng số đại biểu được bầu theo luật định là 21.949 người. Tổng số người ứng cử sau Hội nghị Hiệp thương lần thứ hai thỏa thuận lập danh sách sơ bộ là 47.842 người. Ở cấp xã, tổng số đại biểu được bầu theo luật định là 263.144 người. Tổng số người ứng cử sau Hội nghị hiệp thương lần thứ hai thỏa thuận lập danh sách sơ bộ là 553.830 người.
Tổ chức 6 Đoàn kiểm tra, giám sát Đợt 1 tại 16 tỉnh, thành phố trên cả nước
Ở cả Trung ương và địa phương công tác chuẩn bị bầu cử đã bước vào giai đoạn quan trọng, khẩn trương với việc tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ hai chuẩn bị nhân sự tham gia ứng cử, tổ chức lấy ý kiến cử tri nơi cư trú đối với người tham gia ứng cử, chuẩn bị rà soát danh sách cử tri, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về cuộc bầu cử, kịp thời giải quyết, xử lý và trả lời đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân về những người tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp…
Trong giai đoạn này, thực hiện Kế hoạch số 1054/KH-UBTVQH ngày 5/3/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát, kiểm tra công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016- 2021, trong các ngày từ 10/3 đến 18/3, Ủy ban thường vụ Quốc hội và Hội đồng bầu cử quốc gia đã thành lập 6 Đoàn đi giám sát, kiểm tra công tác bầu cử đến làm việc tại 16 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Đoàn giám sát của Hội đồng bầu cử quốc gia làm việc tại tỉnh Quảng Nam Ảnh: Thành Nam
Theo dự kiến, Đợt 2 sẽ thành lập 8 Đoàn kiểm tra, giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội và Hội đồng bầu cử quốc gia để giám sát, kiểm tra công tác bầu cử ở 23 tỉnh, thành phố trong khoảng thời gian từ 15/4 đến 23/4. Nội dung kiểm tra, giám sát tập trung chủ yếu vào việc thành lập Tổ bầu cử để thực hiện công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; việc giải quyết các ý kiến của cử tri nơi cư trú về những người ứng cử đại biểu Quốc hội đã được Hội nghị Hiệp thương lần thứ 2 lập danh sách sơ bộ; việc tổ chức Hội nghị Hiệp thương lần thứ ba và lập danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân; việc lập và niêm yết danh sách cử tri; việc chia khu vực bỏ phiếu; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân về công tác bầu cử, về những người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân; việc chuẩn bị các điều kiện bảo đảm, cơ sở vật chất, kỹ thuật chuẩn bị cho cuộc bầu cử; công tác thông tin, tuyên truyền trong cuộc bầu cử; công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong cuộc bầu cử; những vấn đề nổi lên và ý kiến, kiến nghị của địa phương…