Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng rình bày Báo cáo công tác nhiệm kỳ khoá XIII của Quốc hội Ảnh: Đình Nam
Tạo lập nền tảng pháp lý đáp ứng yêu cầu của đất nước
Báo cáo công tác nhiệm kỳ khoá XIII của Quốc hội nêu rõ, lập hiến, lập pháp luôn được xác định là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của Quốc hội. Trong nhiệm kỳ, Quốc hội đã thông qua Hiến pháp năm 2013 và căn bản hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các đạo luật theo tinh thần của Hiến pháp.
Đến thời điểm hiện tại, có thể khẳng định thành tựu nổi bật của nhiệm kỳ khóa XIII là Quốc hội đã làm tròn trọng trách ban hành Hiến pháp năm 2013 và căn bản hoàn thành việc cụ thể hóa tinh thần Hiến pháp trong các đạo luật về tổ chức bộ máy nhà nước; bảo vệ công lý, quyền con người, quyền công dân; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; củng cố quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội; bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Cùng với đó, quy trình lập pháp có nhiều cải tiến, đổi mới theo hướng nâng cao chất lượng, tăng tính dân chủ, công khai, minh bạch, cụ thể trong các văn bản pháp luật. Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật được thông qua với nhiều nội dung đổi mới, tạo khuôn khổ pháp lý cho việc cải tiến, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động lập pháp. Công tác soạn thảo, thẩm tra, lấy ý kiến Nhân dân, các ngành, các cấp, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật có nhiều cải tiến, chất lượng được nâng lên. Việc thảo luận, thông qua dự án luật tại kỳ họp Quốc hội đi vào nề nếp, đúng quy trình và bảo đảm chất lượng. Các vị đại biểu Quốc hội đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động nghiên cứu, đóng góp ý kiến để nâng cao chất lượng văn bản ban hành.
Bám sát đời sống của dân trong việc đưa ra các quyết sách
Quốc hội đã dành nhiều thời gian tập trung thảo luận, lắng nghe, gạn lọc, tiếp thu ý kiến, kiến nghị, đề xuất của các ngành, các cấp và đồng bào, cử tri cả nước; kịp thời ban hành các quyết sách đưa đất nước vượt qua khó khăn, thách thức. Trong nhiệm kỳ, Quốc hội đã ban hành nhiều nghị quyết quan trọng về nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội; nhiều lần điều chỉnh mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2011- 2015 và hằng năm sát hợp với thực tiễn; đề ra những chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể đối với các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp nhằm tạo sự chuyển biến tích cực, hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Bên cạnh đó, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành; điều chỉnh một số nội dung và giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh và xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng khác.
Yếu tố trọng dân, vì dân, bám sát đời sống của dân trong việc đưa ra các quyết sách của Quốc hội nhiệm kỳ này đã được thể hiện rõ nét. Mỗi phát biểu của đại biểu Quốc hội trên diễn đàn đều xuất phát từ đời sống thường nhật, thể hiện tâm tư, nguyện vọng và ý chí của người dân, lấy mục tiêu lo việc của dân để xem xét, quyết định các vấn đề hệ trọng của đất nước. Vì vậy, các quyết định của Quốc hội ngày càng hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, vì lợi ích chung của đất nước, phù hợp với ý chí và nguyện vọng của Nhân dân.
Giám sát “đến cùng” việc thực hiện Nghị quyết Quốc hội
Cùng với hoạt động lập pháp, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, hoạt động giám sát của Quốc hội đã có nhiều đổi mới, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động của bộ máy nhà nước từ trung ương đến cơ sở; bảo đảm để pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh, đồng thời chỉ ra những vấn đề nổi cộm trong đời sống kinh tế- xã hội, những bất cập về chính sách, pháp luật cần sớm được khắc phục, sửa đổi, bổ sung. Trong nhiệm kỳ, Quốc hội tiếp tục có nhiều cải tiến, đổi mới hoạt động giám sát. Việc “tái” giám sát được tiến hành thường xuyên, trước hết là xem xét kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn. Theo đó, kỳ họp sau phải báo cáo kết quả thực hiện những điều đã hứa, những giải pháp đã đưa ra trong lần chất vấn trước.
Đặc biệt, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội đã tiến hành “chất vấn toàn khóa” đối với những người đứng đầu các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, về chất vấn và trả lời chất vấn từ đầu nhiệm kỳ. Như vậy, có thể nói Quốc hội đã theo dõi, giám sát “đến cùng” việc thực hiện nghị quyết Quốc hội, rút ra những bài học cần thiết để tiếp tục hoàn thiện chức năng quan trọng này.
Hoạt động giải trình tại Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội được quan tâm, tiến hành thường xuyên hơn, đạt kết quả thiết thực, góp phần nâng cao trách nhiệm của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các bộ, ngành trong giám sát và tổ chức thực thi pháp luật; nâng cao tính minh bạch, công khai trong hoạt động của các cơ quan nhà nước.
Trong nhiệm kỳ, Quốc hội hai lần thay mặt nhân dân cả nước thực hiện quyền giám sát tối cao trong việc đánh giá tín nhiệm đối với các chức danh lãnh đạo chủ chốt trong bộ máy nhà nước. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm đã thúc đẩy những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn không ngừng phấn đấu, rèn luyện phẩm chất, nâng cao năng lực, hiệu quả công tác, tạo chuyển biến rõ rệt trong trong một số ngành, lĩnh vực.
Hoạt động đối ngoại được tăng cường, đạt kết quả thiết thực
Với vai trò là Chủ tịch, Việt Nam đã tổ chức thành công Đại hội đồng liên minh nghị viện Thế giới (IPU-132) với chủ đề Các mục tiêu phát triển bền vững: biến lời nói thành hành động và thông qua Tuyên bố Hà Nội đã góp phần thúc đẩy hoạt động ngoại giao nghị viện, khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, đánh dấu tiến trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của đất nước chúng ta.
Nhiều hoạt động đối ngoại song phương, đa phương được đẩy mạnh, góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị hợp tác nhiều mặt với nghị viện các nước và các tổ chức quốc tế, đưa các mối quan hệ này phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu, ưu tiên phát triển quan hệ với các đối tác quan trọng, truyền thống như Lào, Campuchia, Trung Quốc, Liên bang Nga, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nghị viện Châu Âu…; tạo môi trường quốc tế thuận lợi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
ĐBQH thực sự trở thành trung tâm hoạt động của Quốc hội
Đại biểu Quốc hội khóa XIII có cơ cấu khá hợp lý, luôn giữ gìn phẩm chất đạo đức; có năng lực, trình độ, kỹ năng hoạt động ngày một nâng cao; có bản lĩnh vững vàng, tinh thần trách nhiệm; luôn tâm huyết, trăn trở trước những khó khăn, bức xúc của đời sống xã hội; những nguy cơ, thách thức đặt ra trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Các vị đại biểu Quốc hội thực sự trở thành trung tâm hoạt động của Quốc hội, các kỳ họp Quốc hội.
Cùng với các hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIII đã có nhiều đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động, nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, trí tuệ, hoàn thành tốt nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
Nhận rõ phần trách nhiệm trước tồn tại, yếu kém của đất nước
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Báo cáo công tác nhiệm kỳ khoá XIII của Quốc hội cũng nêu rõ, hoạt động lập pháp còn không ít hạn chế. Việc thường xuyên phải điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh chưa được khắc phục.Quốc hội cũng nhận rõ phần trách nhiệm trước những tồn tại, yếu kém của đất nước. Đó là: chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp; sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn; cơ cấu ngân sách chưa hợp lý, bội chi cao, nợ công tăng; tái cơ cấu kinh tế chậm; ô nhiễm môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm đang là những vấn đề bức xúc; cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng…
Mặc dù có nhiều cải tiến, đổi mới, nhưng hoạt động giám sát của Quốc hội vẫn còn không ít hạn chế, bất cập. Trong một số trường hợp, chưa có cơ chế xác định rõ trách nhiệm của các chủ thể liên quan, quy trình xử lý và chế tài phù hợp; việc theo dõi, đôn đốc thực hiện kết luận, kiến nghị sau giám sát chưa thực sự quyết liệt, không ít vụ việc chậm được giải quyết, gây bức xúc trong dư luận; hoạt động đối ngoại của Quốc hội còn một số hạn chế, bất cập. Công tác tham mưu, dự báo chiến lược còn bị động; hoạt động của tổ chức nghị sĩ hữu nghị không thường xuyên, hình thức và nội dung hoạt động chưa phong phú…
Kết luận Báo cáo của Quốc hội, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng bày tỏ tin tưởng chắc chắn rằng, với truyền thống và kinh nghiệm tích lũy qua 70 năm, với ý thức trách nhiệm trước Nhân dân và tiền đồ của đất nước, nhất định Quốc hội khóa XIV và các khóa tiếp theo sẽ tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
+ Theo Chương trình kỳ họp thứ 11, Quốc hội sẽ tiến hành thảo luận Báo cáo công tác nhiệm kỳ khoá XIII của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII (2011-2016) ở Tổ vào ngày 23/3 và ở Hội trường vào ngày 28/3.