Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu tại phiên hop
Thay mặt Ban tổng kết công tác của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, trên cơ sở ý kiến góp ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 45, Ban tổng kết đã tổ chức hai Hội nghị góp ý kiến cho dự thảo Báo cáo tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh để lấy ý kiến các đại biểu Quốc hội, lãnh đạo Hội đồng dân tộc và các Ủy ban, đại diện Thường trực Hội đồng nhân dân một số tỉnh, thành phố trên cả nước, các nhà khoa học, các chuyên gia nhằm tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện cho Báo cáo.
Trên cơ sở đó, dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIII của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có bố cục gồm: Phần thứ nhất, giới thiệu khái quát bối cảnh của Quốc hội khóa XIII; Phần thứ hai, tổng kết 3 chức năng hoạt động quan trọng của Quốc hội gồm lập hiến, lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, giám sát tối cao và hoạt động đối ngoại; Phần thứ ba, đánh giá những đổi mới, cải tiến hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội; Phần thứ tư, rút ra những bài học kinh nghiệm.
So với dự thảo Báo cáo tại phiên họp trước, dự thảo Báo cáo lần này đã được viết lại một cách khái quát, nêu bật hơn nữa chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội theo quy định của Hiến pháp 2013 và Luật tổ chức Quốc hội 2014. Đồng thời, phần bài học kinh nghiệm cũng được bổ sung thêm 3 bài học, nâng tổng số bài học kinh nghiệm lên thành 8.
Phát biểu tại phiên họp, đánh giá cao việc dự thảo Báo cáo đã được thể hiện lại một cách khái quát hơn, trình bày ngắn gọn, súc tích hơn so với lần trước, tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, trong phần bài học kinh nghiệm, cần thể hiện được sâu sắc vai trò của đại biểu Quốc hội; cần thể hiện rõ hơn hoạt động của đại biểu Quốc hội mang tinh thần là đại biểu của nhân dân, mang trong mình sức mạnh, ý chí của nhân dân tới diễn đàn của Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, Quốc hội xây dựng pháp luật, giám sát hay quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước cũng để nhằm phục vụ lợi ích của nhân dân, của cử tri; Quốc hội bám sát đời sống nhân dân để tạo thành sức mạnh; nhân dân, cử tri chính là những người sáng suốt bầu ra đại biểu Quốc hội; là những người ủng hộ, đồng tình, khích lệ, giám sát, đóng góp ý kiến cho Quốc hội để hoạt động ngày càng tốt hơn. Vì vậy, đây là một tinh thần, một sự tinh túy, một bài học sâu sắc cần được đưa vào trong dự thảo Báo cáo. Đồng thời phần cuối của Báo cáo cần tóm lại toàn bộ các nội dung trên tinh thần là lời cảm ơn của Quốc hội khóa XIII tới Đảng, Nhà nước và cử tri, nhân dân.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại phiên họp Ảnh: Đình Nam
Bên cạnh đó, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn, dự thảo Báo cáo cần bổ sung, nói rõ thêm việc Quốc hội đã tích cực, chủ động giải quyết các vấn đề về Biển Đông bằng nhiều biện pháp hiệu quả, thiết thực. Phó Chủ tịch Huỳnh Ngọc Sơn cũng đề nghị xem xét lại cách diễn đạt, sử dụng câu, từ trong dự thảo Báo cáo, nhất là những từ như “hơi thở cuộc sống”; đề nghị bổ sung việc kiện toàn hoạt động của Đảng đoàn Quốc hội, các Tổ đảng trong các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội đã góp phần vào thành công chung trong hoạt động của Quốc hội nhiệm kỳ vừa qua.
Nhất trí cao với nhiều nội dung trong dự thảo Báo cáo, đặc biệt là việc tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 45 và việc lấy ý kiến góp ý tại 2 Hội nghị vừa qua, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền cũng đề nghị trong phần mở đầu của Báo cáo cần bổ sung một số nội dung: Thứ nhất, trên cơ sở tổng kết việc thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 10 và xuất phát từ tình hình thực tế của đất nước, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 11 đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm; chiến lược phát triển kinh tế 10 năm, qua đó đòi hỏi toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, các cấp, các ngành trong đó có Quốc hội phải nỗ lực đưa Nghị quyết của Đại hội vào cuộc sống.
Thứ hai, cùng với tình hình kinh tế- xã hội trên thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, bên cạnh những thuận lợi là khó khăn, thách thức, do đó đòi hỏi Quốc hội phải có những quyết sách nhằm góp phần đưa đất nước chuyển biến, tạo tiền đề cho các nhiệm kỳ tiếp theo. Thứ ba, Quốc hội ta sau 65 năm hình thành và phát triển đã để lại nhiều bài học quý báu, đòi hỏi Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII tiếp tục kế tục, xứng đáng với các nhiệm kỳ khóa trước, từ đó tiếp tục tạo tiền đề cho các nhiệm kỳ Quốc hội khóa sau.
Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền cũng đề nghị, trong phần nội dung của dự thảo Báo cáo cần tổ chức theo “hình thức mũ”, tức là có đánh giá, tạo điểm nhấn sau đó phân tích, chứng minh. Nội dung cần tập trung vào 4 điểm: Thứ nhất, Quốc hội đã tập trung xây dựng Hiến pháp 2013 và các văn bản pháp luật nhằm cụ thể Hiến pháp, tạo cơ sở pháp lý vững chắc để xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước trong quá trình hội nhập quốc tế; Thứ hai, trên cơ sở quy định của Hiến pháp, pháp luật, Quốc hội đã thảo luận xem xét nhiều vấn đề quan trọng của đất nước, qua đó bảo đảm tính đúng đắn, phát huy hiệu quả hoạt động của Quốc hội trong cuộc sống; Thứ ba, Quốc hội tăng cường giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật trên tất cả các lĩnh vực của đời sống, góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ việc thực thi pháp luật trong bộ máy nhà nước, bảo đảm Hiến pháp, pháp luật phát huy hiệu quả trong cuộc sống; Thứ tư, Quốc hội không ngừng đổi mới, cải tiến mạnh mẽ phương thức hoạt động, tăng cường mối quan hệ công tác để đạt kết quả cao nhất trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
Đồng tình với ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã nêu trước đó, Trưởng ban Nguyễn Đức Hiền cũng cho rằng, dự thảo Báo cáo cần nhấn mạnh việc Quốc hội luôn quán triệt tư tưởng “lấy dân làm gốc”, luôn gần dân, hiểu dân, lắng nghe dân, việc phục vụ nhân dân là mục tiêu quan trọng nhất trong hoạt động của Quốc hội.
Đánh giá cao trong những năm qua, các quyết định của Quốc hội về vấn đề nông nghiệp đã mang lại nhiều kết quả tích cực, đóng góp vào sự phát triển của nông nghiệp- nông thôn, đặc biệt ở các khu vực vùng sâu, vùng xa của đất nước, do đó, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước đề nghị bổ sung thêm nội dung này vào dự thảo Báo cáo.
Phát biểu kết luận nội dung trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị Ban tổng kết công tác của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu toàn bộ ý kiến của thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội để chỉnh sửa, hoàn thiện trước khi trình ra Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 11 sắp tới./.