Đề nghị điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2016-2020

07/03/2016

Sáng 7/3, tại phiên họp thứ 46 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang đã trình bày báo cáo của chính phủ về việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016- 2020) cấp quốc gia.

Chính phủ đề nghị điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đối với đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối trong nhóm đất nông nghiệp. Đối với nhóm đất phi nông nghiệp có sự điều chỉnh đối với đất quốc phòng, đất an ninh, đất khu công nghiệp, đất giao thông, đất thủy lợi, đất cơ sở văn hóa, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục- đào tạo, cơ sở thể dục- thể théctao, đất di tích danh thắng, đất bãi thải và xử lý chẩt thải. Quy hoạch một số loại đất sử dụng đa mục đích gồm đất khu công nghệ cao, đất khu kinh tế và đất đô thị.

Giảm diện tích đất trồng lúa

Theo quy hoạch đã được Quốc hội quyết định thì đến năm 2020, diện tích đất trồng lúa là 3.812,43 nghìn hécta (trong đó, đất chuyên trồng lúa nước từ 2 vụ trở lên là 3.221,91 nghìn hécta). Chính phủ đề nghị điều chỉnh đến năm 2020, diện tích đất trồng lúa là 3.760,39 nghìn hécta (giảm 52,04 nghìn hécta), trong đó, đất chuyên trồng lúa nước giảm 92,95 nghìn hécta. Trong số 3.760,39 nghìn hécta được giữ lại, có khoảng 400 nghìn hécta được quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhưng khi cần thiết có thể quay lại trồng lúa.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên- Môi trường Nguyễn Minh Quang                                                     Ảnh: Đình Nam

Tán thành với đề xuất của Chính phủ về điều chỉnh diện tích đất trồng lúa và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cho rằng, diện tích đất trồng lúa mà Chính phủ đề nghị chuyển mục đích sử dụng chủ yếu là phục vụ nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng, công nghiệp, đô thị, xây dựng nông thôn mới và chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Về diện tích điều chỉnh giảm 52,04 nghìn hécta đất trồng lúa (đất chuyên trồng lúa nước giảm 92,95 nghìn hécta) là do hạn hán, nhiễm mặn, ngập lụt, thoái hóa đất... sản xuất lúa kém hiệu quả so với các cây trồng khác để chuyển sang nuôi trồng thủy sản, trồng cây lâu năm.

Đối với diện tích 400 nghìn hécta đất lúa chuyển sang trồng các loại cây hàng năm chủ yếu gồm ngô (khoảng 150 nghìn hécta), đậu tương, cây công nghiệp ngắn ngày (khoảng 80 nghìn hécta), trồng rau, hoa, cây cảnh (khoảng 110 nghìn hécta) và kết hợp nuôi trồng thủy sản (khoảng 50 nghìn hécta)… Phần diện tích chuyển đổi là những diện tích bị hạn hán, xâm nhập mặn do chịu tác động của của biến đổi khí hậu, không thể tiếp tục trồng lúa hoặc trồng lúa không hiệu quả thì chuyển đổi nhằm nâng cao giá trị, cải thiện thu nhập và đời sống của người nông dân.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế phân tích, diện tích đất trồng lúa còn lại cùng với áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật thâm canh tăng vụ, nâng cao hệ số sử dụng đất, diện tích đất lúa dự kiến đạt trên 7 triệu hécta, năng suất lúa bình quân hàng năm khoảng 60 tạ/hécta, sản lượng đạt khoảng 42 triệu tấn/năm (bình quân khoảng 420 kg/người/năm) sẽ bảo đảm an ninh lương thực hiện tại, ngay cả khi dân số tăng và giữ ổn định ở mức 120 triệu dân trong tương lai.

Ngoài ra, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng bày tỏ tán thành với nhiều đề xuất của Chính phủ trong việc điều chỉnh đến năm 2020 diện tích đất rừng phòng hộ là 4.618,44 nghìn hécta (giảm 1.223,25 nghìn hécta so với Nghị quyết của Quốc hội), trong đó, một phần chuyển sang rừng đặc dụng và chủ yếu chuyển sang rừng sản xuất (1.100 nghìn hécta); Điều chỉnh quy hoạch đất rừng đặc dụng đến năm 2020 là 2.358,87 nghìn hécta (tăng 87,67 nghìn hécta so với Nghị quyết Quốc hội do chủ yếu chuyển từ đất rừng phòng hộ sang); Tăng diện tích đất nuôi trồng thủy sản tăng là 767,96 nghìn hécta (tăng 18,85 nghìn hécta so với năm 2015, mức tăng thấp hơn mức Nghị quyết của Quốc hội giao là 22,04 nghìn hécta).

Đối với nhóm đất phi nông nghiệp, theo điều chỉnh quy hoạch đến năm 2020, diện tích đất phát triển hạ tầng là 1.561,39 nghìn hécta; diện tích đất quốc phòng là 340,96 nghìn hécta (giảm 47,07 nghìn hécta so với Nghị quyết của Quốc hội), đất an ninh là 71,14 nghìn hécta (giảm 10,70 nghìn hécta so với Nghị quyết của Quốc hội). Ủy ban Kinh tế tán thành việc điều chỉnh giảm héctai loại đất này.

Thách thức trong bố trí sử dụng đất

Có thể thấy việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2016- 2020 là cần thiết nhằm triển khai thực hiện Luật đất đai 2013; đồng thời đáp ứng yêu cầu về đất đai cho các mục tiêu, chiến lược phát triển kinh tế- xã hội, quốc phòng an ninh trong tình hình mới; sử dụng đất hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả.

Tuy nhiên, với điều kiện đất đai hạn chế, dân số gia tăng thì áp lực sử dụng đất của Việt Nam là rất lớn. Trong khi đó, Việt Nam là một trong 5 nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng do tác động của biến đổi khí hậu, nhất là nước biển dâng. Theo kịch bản biến đổi khí hậu, đến năm 2020 nước biển dâng lên khoảng 12cm, diện tích đất lúa bị ảnh hưởng 6 nghìn hécta (vùng Đồng bằng sông Cửu Long gần 4 nghìn hécta); đến năm 2030, nước biển dâng 17 cm, diện tích đất lúa bị ảnh hưởng khoảng 20 nghìn hécta (vùng Đồng bằng sông Cửu Long khoảng 15 nghìn hécta). Theo cảnh báo của Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), nếu mực nước biển tăng 1m, Việt Nam sẽ mất 5% diện tích đất đai, 11% người mất nhà cửa, giảm 7% sản lượng nông nghiệp và 10% thu nhập quốc nội.

Tại đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long, diện tích đất canh tác và đời sống người dân lại chịu tác động lớn bởi việc khéctai thác sử dụng nguồn nước ở khu vực thượng nguồn như xây dựng hồ, đập, công trình thủy điện

Bên cạnh đó, quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước tiếp tục đòi hỏi phải chuyển một phần diện tích đất nông nghiệp đặc biệt là đất trồng lúa ở các vùng đồng bằng để phát triển công nghiệp, đô thị, cơ sở hạ tầng, các khu kinh tế đã tạo ra mâu thuẫn giữa việc bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, bảo vệ môi trường sinh thái với việc phát triển kinh tế - xã hội.

Do vậy, thời gian tới cần phải tính đến những yếu tố tự nhiên, xã hội ảnh hưởng đến diện tích và nhu cầu sử dụng đất để việc lập và thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phù hợp, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Bảo Yến