Hội nghị góp ý kiến về dự thảo Báo cáo công tác của QH, UBTVQH khóa XIII tại Tp. Hồ Chí Minh Ảnh: Hà Thu
Tham dự Hội nghị có đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; đại diện các Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố ở khu vực phía Nam, các đồng chí nguyên lãnh đạo Quốc hội, nguyên thành viên Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ, việc Tổng kết công tác của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội nhằm làm rõ những mặt được, chưa được trong hoạt động của Quốc hội, qua đó rút ra những bài học kinh nghiệm để tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội trong nhiệm kỳ sắp tới. Với ý nghĩa quan trọng đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu tham dự Hội nghị cần tập trung thảo luận, trao đổi, thẳng thắn, chỉ ra những hạn chế, bất cập, góp ý trực tiếp vào dự thảo Báo cáo để giúp Ban chỉ đạo tổng kết công tác của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII tới đây.
Sau khi nghe Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Báo cáo tóm tắt công tác nhiệm kỳ khóa XIII của Quốc hội, các đại biểu tham dự Hội nghị đã thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến trực tiếp vào dự thảo Báo cáo.
Về bố cục của báo cáo, đa số các đại biểu đều nhất trí cho rằng bố cục của báo cáo là hợp lý, phản ánh và đánh giá được các mặt hoạt động của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị Báo cáo cần tập trung làm rõ hơn về một số điểm còn hạn chế và những nguyên nhân của những hạn chế này trong hoạt động của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội trong nhiệm kỳ vừa qua.
Về việc thực hiện chức năng lập pháp, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH thành phố Cần Thơ Huỳnh Văn Tiếp cho rằng, Báo cáo cần làm rõ hơn một số hạn chế trong công tác lập pháp trong nhiệm kỳ vừa qua như Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội còn có nhiều thay đổi, tạo sự bị động trong hoạt động của Quốc hội; một số đạo luật cần được sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn nhưng chưa kịp thời được đưa vào Chương trình; việc gửi tài liệu đến các Đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội còn chậm, không bảo đảm theo đúng thời hạn pháp luật quy định; các dự án luật trình Quốc hội còn thiếu các văn bản hướng dẫn kèm theo.
Bổ sung ý kiến đánh giá về nội dung này, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận Nguyễn Thị Phúc cho rằng, trong nhiệm kỳ vừa qua còn có một số dự thảo luật được Quốc hội thông qua có chất lượng không cao, tính khả thi thấp, đặc biệt có những đạo luật vừa được Quốc hội thông qua, chưa có hiệu lực thi hành nhưng đã phải sửa đổi, bổ sung. Do đó, đại biểu Nguyễn Thị Phúc cho rằng, cần tiếp tục đổi mới quy trình, thủ tục thông qua các dự án luật của Quốc hội, tránh tình trạng có những nội dung của dự thảo có tính chất quan trọng nhưng không được thảo luận kỹ, không được đưa ra biểu quyết riêng trước khi thông qua toàn văn dự thảo.
Bình luận thêm về vấn đề này, Nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Trương Mỹ Hoa cho rằng, đây là những hạn chế “kinh điển” của nhiều nhiệm kỳ Quốc hội. Do vậy, nhiệm vụ của Báo cáo là cần phải có những đánh giá một cách sâu sắc để có thể tìm ra các giải pháp cụ thể, giải quyết dứt điểm.
Về chức năng giám sát của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau Trương Minh Hoàng đề nghị bổ sung một dấu ấn trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII là việc Quốc hội đã tập trung giám sát, giải quyết được một số vụ án oan, sai của người dân, góp phần đưa lại công bằng cho Nhân dân, tạo ra sự tin tưởng của người dân vào công lý, vào Quốc hội. Thành công của hoạt động lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn trong nhiệm kỳ này cũng được nhiều đại biểu phân tích, bổ sung thêm. Tuy nhiên, một số đại biểu cũng thẳng thắn nhận xét hoạt động giám sát của Quốc hội nhiều lúc còn hình thức, chưa đi sâu, làm rõ nguyên nhân của một số vấn đề bức xức trong xã hội như về nợ công, về quy hoạch và sử dụng đất đai v.v… Việc không giải quyết triệt để những kiến nghị giám sát của Quốc hội có thể dẫn đến việc hiệu lực giám sát của Quốc hội bị ảnh hưởng, không được coi trọng. Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu Võ Thị Hồng Thoại đã mạnh dạn đề xuất một trong những bài học kinh nghiệm trong việc tổ chức hoạt động giám sát của Quốc hội là cần phải chú trọng hoạt động giám sát việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, qua đó bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và chất lượng của các dự án luật được Quốc hội thông qua.
Về phương thức hoạt động của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, các đại biểu tham dự Hội nghị cũng đã có những góp ý thẳng thắn, đánh giá một cách khách quan về cách thức tổ chức công việc của Quốc hội, trong đó có đề xuất bổ sung đánh giá về hoạt động của các đại biểu Quốc hội, nhất là các đại biểu Quốc hội chuyên trách ở địa phương; hoạt động của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh đề xuất Quốc hội cần có những giải pháp để hỗ trợ hoạt động của các nữ đại biểu Quốc hội, tăng cường việc bảo đảm lồng ghép giới trong hoạt động của Quốc hội.
Ngoài ra, các đại biểu tham dự hội nghị còn góp ý một số ý kiến liên quan đến bộ máy giúp việc của Quốc hội; về việc tăng cường hoạt động thông tin công chúng của Quốc hội; đánh giá hoạt động của Kênh truyền hình Quốc hội; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động của Quốc hội; tăng cường việc bảo đảm tính công khai, minh bạch trong hoạt động của Quốc hội; bổ sung quy định về thi đua, khen thưởng trong hoạt động của Quốc hội.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu bày tỏ cảm ơn những đóng góp nhiệt tình, thẳng thắn và có chất lượng của các đại biểu tham dự đối với dự thảo Báo cáo công tác của Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XIII, đồng thời cũng giải trình thêm một số vấn đề liên quan đến cấu trúc và một số nhận định được đề cập trong Báo cáo.
Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu đề nghị Ban biên tập Báo cáo cần nghiên cứu một cách sâu sắc các ý kiến góp ý tại Hội nghị, trong đó tập trung làm rõ bối cảnh của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII; khái quát những điểm nổi bật trong hoạt động lập Hiến, lập pháp của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII và những tác động của nó đến tình hình kinh tế xã hội của đất nước; phân tích, đánh giá rõ trách nhiệm của Quốc hội đối với một số tồn tại trong tình hình kinh tế - xã hội của đất nước trong nhiệm kỳ; bổ sung các số liệu, ví dụ cụ thể để rút ra những nhận định, đánh giá một cách khoa học./.