Cơ bản thực hiện được mục tiêu tổng quát đề ra
Trình bày dự thảo báo cáo, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Khắc Định cho biết, nhìn lại 5 năm qua, mặc dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn thách thức, nhưng nhờ sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, chúng ta cơ bản thực hiện được mục tiêu tổng quát đã đề ra, nhất là: kiềm chế được lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân; duy trì được tăng trưởng ở mức hợp lý và đạt tăng trưởng cao hơn ở những năm cuối.
Phó Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp Ảnh: Đình Nam
Chính phủ đã chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện có kết quả bước đầu các đột phá chiến lược và tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ quốc gia và giữ được hòa bình, hữu nghị với các nước; bảo đảm ổn định chính trị xã hội; nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế; tạo tiền đề thuận lợi cho phát triển cao hơn trong giai đoạn tới. Trong số 26 chỉ tiêu chủ yếu của Kế hoạch 5 năm 2011- 2015, có 17 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, 9 chỉ tiêu không đạt.
Cụ thể, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành, triển khai Chương trình hành động toàn khóa, trong đó xác định 10 nhóm nhiệm vụ chủ yếu, với 637 đề án lớn, cụ thể hóa thành trên 2.600 đề án thành phần để tổ chức thực hiện. Đến năm 2015 đã cơ bản hoàn thành, chỉ còn 59 đề án chuyển sang năm 2016.
Về nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, nhiệm kỳ qua, môi trường đầu tư kinh doanh và năng lực cạnh tranh của nước ta đã có bước tiến mới. Năm 2015, các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh đạt và vượt mức trung bình của các nước ASEAN- 6. Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam trong 5 năm tăng 19 bậc. Mức hữu dụng và chất lượng kết cấu hạ tầng giao thông của Việt Nam tăng 36 bậc trong 5 năm 2011- 2015. Đóng góp của yếu tố năng suất tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng giai đoạn 2011-2015 khoảng 24,94%.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính. Từ năm 2011 đến nay đã đơn giản hóa 4.471/4.723 thủ tục hành chính (đạt tỷ lệ 94,7%). Đồng thời, chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử, cơ sở dữ liệu phục vụ nhân dân, doanh nghiệp và công tác quản lý, điều hành.
7 hạn chế trong hoạt động của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ
Bên cạnh những tiến bộ và kết quả đạt được, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng nghiêm túc nhìn nhận còn những hạn chế trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật. Một số lĩnh vực trong công tác chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế- xã hội còn những hạn chế, yếu kém và gặp nhiều khó khăn, thách thức. Tổ chức bộ máy hành chính nhà nước ở nhiều bộ ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị vẫn chưa tinh gọn, hiệu quả và còn chồng chéo. Công tác phối hợp trong giải quyết các vấn đề liên ngành, liên vùng còn nhiều vướng mắc. Công tác cải cách hành chính trên nhiều lĩnh vực chưa đáp ứng yêu cầu, nhiều quy định về thủ tục hành chính còn phức tạp. Công tác quản lý công chức, viên chức còn hạn chế. Việc đánh giá cán bộ, công chức, viên chức còn lúng túng, bất cập.
Cùng đó, công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại tố cáo ở một số bộ ngành, địa phương còn thiếu quyết liệt, chưa sâu sát; đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí chưa đạt mục tiêu đề ra là ngăn chặn, đẩy lùi. Công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế có mặt chưa thật chủ động, chưa phát huy hết các lợi thế. Công tác chuẩn bị để chủ động hội nhập còn nhiều hạn chế, truyền thông về hội nhập hiệu quả chưa cao…
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu tại phiên họp
Từ thực trạng đó, Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nêu ra 6 bài học kinh nghiệm cần rút kinh nghiệm, làm cơ sở cho Chính phủ nhiệm kỳ tới và các Bộ, cơ quan, chính quyền địa phương nghiên cứu, tham khảo nhằm nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước, trong chỉ đạo, điều hành thực hiện các nhiệm vụ trong tình hình mới.
Thẩm tra sơ bộ về báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với nhiều nội dung trong Báo cáo của Chính phủ. Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Pháp luật cũng cho rằng Báo cáo cần bổ sung nêu bật được kết quả tổ chức thực hiện những chủ trương lớn về tăng cường hiệu lực, hiệu quả tổ chức và hoạt động của Chính phủ với tư cách là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, thực hiện quyền hành pháp và là cơ quan chấp hành của Quốc hội; vấn đề thực hiện chủ trương bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực; việc thực hiện tách quản lý nhà nước với quản lý sản xuất kinh doanh; việc tổ chức các bộ, cơ quan ngang bộ và đội ngũ cán bộ, công chức theo yêu cầu tinh gọn, hiệu quả; đưa ra đánh giá, nhận định khái quát nhất về tổ chức và hoạt động của Chính phủ trong nhiệm kỳ với những phụ lục kèm theo, rà soát số liệu bảo đảm để không chồng chéo, mâu thuẫn.
Làm rõ vấn đề cần tập trung giải quyết trong nhiệm kỳ tới.
Tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao nội dung báo cáo của Chính phủ, cơ bản nhất trí với 07 hạn chế và 06 bài học mà Chính phủ nêu ra trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ nhiệm kỳ vừa qua.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII (2011-2016) đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều cố gắng trong việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, Hiến pháp và pháp luật, cũng như các nhiệm vụ, quyền hạn của mình để bảo đảm phát triển kinh tế- xã hội, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, phát triển văn hóa, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập kinh tế quốc tế… Sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ, các cơ quan, tổ chức hữu quan đã góp phần quan trọng tạo nên bước phát triển đáng ghi nhận trong đời sống kinh tế- xã hội của đất nước.
Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội phát biểu tại phiên họp
Bên cạnh đó, thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện báo cáo trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp tới về một số nội dung như mối quan hệ trong thực hiện nhiệm vụ giữa Chính phủ và Quốc hội; thống kê và tổng kết kết quả giải quyết, thực hiện nghị quyết chất vấn của Quốc hội; đề cập thêm về chiến lược biển; giải pháp thúc đẩy phát triển nông nghiệp...
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc K’sor Phước cho rằng Báo cáo cần bổ sung những tồn tại, thách thức từ các nhiệm kỳ trước để lại, công tác khắc phục những yếu kém tồn tại đó, đồng thời đề cập đến những vấn đề cần tập trung giải quyết trong nhiệm kỳ tới.
Phân tích một số dấu ấn trong thực hiện nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong nhiệm kỳ vừa qua như về từng bước thiết lấp thị trường lao động, hoàn thiện chính sách an sinh xã hội,... Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cũng cho rằng báo cáo cần có thêm nội dung tổng kết thực hiện nhiệm vụ, chính sách trong 5 năm qua và định hướng trong 5 năm tiếp theo.
Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị báo cáo cần bổ sung một số định hướng phát triển trong tương lai như vai trò của doanh nghiệp tư nhân; hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước; quan tân đến kinh tế hợp tác; quyết tâm trong xây dựng và thực hiện quy hoạch, bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế và an sinh xã hội; xây dựng lộ trình tăng lương khoa học.