Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết về cơ cấu, tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của Ban Dân nguyện

23/02/2016

Tiếp tục Chương trình phiên họp thứ 45, sáng 23/2 Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến dự thảo Nghị quyết về cơ cấu, tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của Ban Dân nguyện. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì phiên họp.

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền trình bày tờ trình tại phiên họp                               Ảnh: Đình Nam

Trình bày Tờ trình về việc ban hành Nghị quyết về cơ cấu, tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của Ban Dân nguyện, Trưởng ban Nguyễn Đức Hiền cho biết: Ban Dân nguyện được thành lập trên cơ sở Nghị quyết số 370/2003/UBTVQH11 ngày 17 tháng 3 năm 2003 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XI với vị trí, chức năng là cơ quan chuyên môn trực thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có trách nhiệm giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác dân nguyện, đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XII sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ của Ban Dân nguyện tại Nghị quyết số 695/2008/NQ- UBTVQH12 ngày 15 tháng 10 năm 2008.

Qua hơn 13 năm hoạt động, về cơ bản, chức năng, nhiệm vụ của Ban Dân nguyện đã được triển khai thực hiện toàn diện và đồng bộ; tổ chức của Ban từng bước được củng cố, kiện toàn; chất lượng, hiệu quả hoạt động ngày càng được nâng cao lên. Thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII về tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới của Ban Dân nguyện cần thiết phải hoàn thiện các quy định của pháp luật về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Ban Dân nguyện.

Dự thảo Nghị quyết quy định Ban Dân nguyện có 10 nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể, so với Nghị quyết hiện hành bổ sung thêm 2 nhiệm vụ và chỉnh sửa một số nội dung.

Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu tại phiên họp

Thảo luận tại phiên họp, đa số các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với việc ban hành Nghị quyết về cơ cấu, tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của Ban Dân nguyện để khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong hoạt động cũng như nâng cao chất lượng, tăng cường hiệu quả, hiệu lực của công tác dân nguyện, góp phần để Quốc hội thực sự gắn bó mật thiết với cử tri, với người dân.

Một nội dung được nhiều ý kiến quan tâm là khoản 2 Điều 2 dự thảo Nghị quyết quy định: Ban Dân nguyện nghiên cứu, chuyển đơn, thư gửi đến Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, Phó chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đến cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền giải quyết. Tuy nhiên, hiện nay tại Nghị quyết 694/2008/NQ-UBTVQH12 ngày 15/10/2008 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của công dân gửi Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội quy định “Ban Dân nguyện giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội xử lý đơn, thư của công dân có nội dung liên quan đến lĩnh vực phụ trách của nhiều Ủy ban và Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, đơn, thư không thuộc lĩnh vực phụ trách của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội và Ban công tác đại biểu” (Điều 14). Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị chỉnh lý lại khoản này cho thống nhất với quy định nêu trên của Nghị quyết 694 nhằm tránh chồng chéo, trùng lắp với nhiệm vụ của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.

Về nhiệm vụ quyền hạn của Ban Dân nguyện, dự thảo Nghị quyết bổ sung khoản 7 quy định thêm nhiệm vụ “Tổ chức và tiến hành các công việc phục vụ liên quan đến trưng cầu ý dân theo sự phân công của Ủy ban Thường vụ Quốc hội", Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng đây không phải là nhiệm vụ thường xuyên, cố định nên nhiệm vụ này đã được quy định tại khoản 10 Điều 2 dự thảo Nghị quyết. Do đó, đề nghị bỏ quy định tại khoản 7 Điều 2 dự thảo Nghị quyết để tránh trùng lắp.

Tại phiên họp, sau khi thống nhất các nội dung Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Ban Dân nguyện. 

Thanh Tâm