Gìn giữ nền văn hiến giàu bản sắc hàng nghìn năm, hun đúc thành sức mạnh để dân tộc ta trường tồn và phát triển

06/12/2015

Tối 5/12, Lễ kỷ niệm cấp quốc gia 250 năm Ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du- Danh nhân văn hóa thế giới (1765- 2015) đã được tổ chức trọng thể tại Quảng trường trung tâm thành phố Hà Tĩnh. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã tới dự và phát biểu tại Lễ kỷ niệm. Cổng thông tin điện tử Quốc hội xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. Toàn văn như sau:

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại Lễ kỷ niệm 250 năm Ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du           Ảnh: Thanh Tùng

Thưa quý vị đại biểu, các vị khách quý cùng toàn thể đồng bào, đồng chí thân mến! 

Hôm nay, với cả tấm lòng ngưỡng mộ, thay mặt đồng bào cả nước, chúng ta long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm cấp quốc gia 250 năm ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du, nhà văn hóa, nhà thơ lớn của dân tộc Việt Nam, danh nhân văn hóa thế giới. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi nhiệt liệt chào mừng quý vị đại biểu, các vị khách quý cùng toàn thể đồng bào, đồng chí đã về với Hà Tĩnh, quê hương của Đại thi hào Nguyễn Du nhân sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng này. 

Thưa các vị đại biểu, thưa đồng bào, đồng chí, 

Nguyễn Du là nhà thơ thiên tài của dân tộc Việt Nam với tầm vóc và vị thế khó ai sánh nổi. Tên tuổi và sự nghiệp của ông, đặc biệt là tác phẩm Truyện Kiều- đỉnh cao của nền văn học cổ điển nước nhà đã góp phần đưa văn học Việt Nam vượt ra khỏi bờ cõi quốc gia, trở thành một phần của tinh hoa văn hóa nhân loại, ghi dấu ấn của văn học Việt Nam trên thi đàn quốc tế. 

Nguyễn Du sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống khoa bảng tại kinh thành Thăng Long. Sống trong thời kỳ đầy biến động của lịch sử Việt Nam cuối thời Hậu Lê, đầu thời Nguyễn thế kỷ 18-19, ông là nhân chứng của những thăng trầm, rối ren của đất nước. Bản thân Nguyễn Du đã trải qua “15 năm gió bụi” l­ưu lạc nơi quê vợ, quê cha, rồi gần 20 năm làm quan bất đắc chí với nhà Nguyễn, chứng kiến biết bao thân phận bị vùi dập, đọa đày đã gieo vào tâm hồn nhà thơ nỗi đau trần thế, lòng xót xa vô hạn đối với những kiếp người đau khổ, phẫn uất trước những cảnh đời ngang trái. Trải qua cuộc sống thăng trầm, bể dâu của thời cuộc, kế thừa truyền thống gia đình và dòng họ, hội tụ tinh hoa văn hóa Hà Tĩnh quê cha và Kinh Bắc quê mẹ. Với tài năng thiên bẩm, Nguyễn Du đã để lại cho hậu thế một di sản văn học vô cùng quý giá. Với hàng trăm tác phẩm của mình, Nguyễn Du đã phác họa, chiêm nghiệm sâu sắc về đời sống xã hội đương thời, xót thương cho những thân phận khổ đau, lên án bất công xã hội, ước mơ giải phóng con người, tiêu biểu như Thanh hiên thi tập, Nam trung tạp ngâm, Bắc hành tạp lục và đỉnh cao là Truyện Kiều, một kiệt tác thơ của mọi thời đại, có tầm ảnh hưởng sâu rộng bởi giá trị tư tưởng cao đẹp và giá trị nghệ thuật đặc sắc của một thiên tiểu thuyết bằng thơ. Truyện Kiều là tác phẩm đạt đến mẫu mực tuyệt vời về sự kết hợp giữa ngôn ngữ bác học với ngôn ngữ bình dân, giữa vẻ đẹp của tiếng Việt và thể thơ lục bát dân tộc, là đỉnh cao của nghệ thuật thi ca. Nguyễn Du chính là người đã kế thừa một cách sáng tạo truyền thống văn hóa tốt đẹp của văn học dân tộc và đã nâng truyền thống ấy lên một cách chói lọi.

Các đại biểu tham dự Lễ kỷ niệm 250 năm Ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du                   Ảnh: Báo Hà Tĩnh

Sinh thời, Nguyễn Du từng băn khoăn, tự hỏi: 

Bất tri tam bách dư niên hậu 

Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như. 

(Nghĩa là: Không biết chừng ba trăm năm nữa, thiên hạ có còn ai khóc Tố Như?). 

Hơn hai trăm năm mươi năm đi qua, Truyện Kiều và các tác phẩm của ông đã gắn bó với đời sống của nhân dân ta từ Bắc chí Nam, từ thành thị đến nông thôn, vượt qua biên giới đến với kiều bào ta ở xa Tổ quốc và bạn bè quốc tế. Tư tưởng triết học nhân sinh đã đưa tác phẩm của Nguyễn Du vượt qua thời gian, vượt mọi giới hạn của ngôn ngữ, bắt gặp sự chia sẻ, đồng điệu của mọi người. Nhiều câu thơ của Nguyễn Du khái quát thành những triết lý nhân sinh sâu sắc về cuộc đời, về con người, đề cao cái thiện, coi cái thiện là gốc rễ đã lay động trái tim bao thế hệ người Việt Nam, tạo cảm hứng sáng tác cho nhiều tác phẩm thi ca, nhạc họa. Người dân ta, từ trẻ đến già hầu như ai cũng biết đến truyện Kiều, nhiều loại hình như ngâm, vịnh thơ Kiều, ru Kiều, bói Kiều, diễn trò Kiều, lẩy Kiều, tập Kiều... đã trở thành nét văn hóa dân gian trong sáng của Việt Nam. 

Nửa thế kỷ trước đây, năm 1965, tại Berlin, Đoàn chủ tịch Hội đồng hòa bình thế giới đã ra quyết định kỷ niệm trọng thể 200 năm Ngày sinh Nguyễn Du với tư cách một danh nhân văn hóa thế giới. Đến nay, Truyện Kiều đã được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới, trở thành biểu tượng tinh hoa của văn chương, văn hóa Việt Nam. Nhiều bạn bè quốc tế đến với Việt Nam, hiểu Văn hóa đất nước con người Việt Nam bắt đầu từ sự yêu mến những câu Kiều, Truyện Kiều của Nguyễn Du. Và cũng thật thú vị, trong quan hệ ngoại giao rộng mở, hội nhập quốc tế sâu rộng ngày nay, nhiều nguyên thủ quốc gia khi gặp gỡ giao lưu với Việt Nam đã mượn hình thức lẩy Kiều thể hiện sự hiểu biết, tôn trọng văn hóa, con người Việt Nam, coi văn hóa là cầu nối để xây đắp hòa bình, hữu nghị, hướng tới tương lai. 

Chúng ta có thể thấy: Vượt qua thăng trầm lịch sử, Truyện Kiều và Nguyễn Du đã sống một đời sống đích thực trong lòng của nhân dân; trong thời đại Hồ Chí Minh, tên tuổi, di sản của ông không chỉ được ngư­ời Việt Nam mãi mãi tôn vinh, tự hào, mà còn được bạn bè năm châu biết đến và ngưỡng mộ. 

Thưa các vị khách quý, thưa đồng bào, đồng chí, 

Kế thừa và phát huy truyền thống của cha ông, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã ra khỏi kiếp nô lệ, vượt qua muôn vàn gian nguy, thử thách, viết nên những trang sử vẻ vang dựng nước và giữ nước vĩ đại. Sau gần ba mươi năm đổi mới, đất nước đã đạt được những thành tựu hết sức to lớn; nền văn hiến giàu bản sắc hàng nghìn năm tiếp tục được gìn giữ, hun đúc thành sức mạnh để dân tộc ta trường tồn và phát triển.

Tiết mục văn nghệ tại Chương trình nghệ thuật "Tiếng thơ ai động đất trời"                Ảnh: Thành Sen

Trở về Hà Tĩnh- quê hương của Đại thi hào Nguyễn Du, chúng ta vui mừng nhận thấy sự đổi mới, phát triển rõ nét. Những năm gần đây, cùng cả nước, Hà Tĩnh đã tạo bước phát triển vượt bậc về kinh tế, xã hội. Khu kinh tế được đầu tư, các ngành kinh tế phát triển với các dự án lớn về công nghiệp luyện cán thép, nhiệt điện, cảng nước sâu đang được đẩy nhanh tiến độ xây dựng. Phong trào xây dựng nông thôn mới được đẩy mạnh, truyền thống văn hóa được bảo tồn, phát huy, đời sống vật chất tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao. Những kết quả đó đã góp phần vào thành tựu chung của đất nước và đã thể hiện bản sắc văn hóa, bản lĩnh, trí tuệ, khát vọng vươn lên của cán bộ, quân và dân tỉnh nhà, mở ra một thời kỳ phát triển mới đầy triển vọng, xây dựng quê hương Đại thi hào Nguyễn Du có đô thị cũng như nông thôn ngày càng giàu đẹp, văn minh, đời sống nhân dân ngày càng ấm no hạnh phúc. 

Kỷ niệm 250 năm Ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du, chúng ta bày tỏ lòng tự hào, tôn vinh những cống hiến to lớn của Nguyễn Du đối với văn hóa Việt Nam và văn hóa nhân loại. Đây cũng là dịp để chúng ta làm sáng tỏ hơn tầm cao tư tưởng và các giá trị nghệ thuật của di sản Nguyễn Du; tuyên truyền, giáo dục truyền thống văn hiến của dân tộc, đề cao vai trò của văn học nghệ thuật đối với việc nuôi dưỡng tâm hồn, tình cảm con người, quảng bá bản sắc văn hóa Việt Nam. Tôi tin tưởng rằng nhân dân cả nước cũng như người dân Hà Tĩnh sẽ tiếp tục phát huy, giữ gìn, trao truyền di sản văn hóa vô giá của Nguyễn Du đến các thế hệ mai sau; tích cực giới thiệu, quảng bá tác phẩm của ông đến với công chúng trong nước và nước ngoài, làm rạng danh văn hóa Việt Nam. 

Xin chúc các quý vị đại biểu, các vị khách quý cùng toàn thể đồng bào, đồng chí sức khỏe, hạnh phúc, thành công. 

Xin trân trọng cảm ơn!