Phó chủ tịch QH Tòng Thị Phóng phát biểu tại Hội nghị Ảnh: Quang Khánh
Cùng dự có: Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên UBTVQH, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương; Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Nguyễn Văn Vịnh; Chủ tịch HĐND, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai Phạm Văn Cường; Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sĩ Dũng và Thường trực HĐND 14 tỉnh trung du và miền núi phía Bắc.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó chủ tịch QH Tòng Thị Phóng đánh giá cao việc lựa chọn thảo luận chủ đề HĐND các cấp trong tổ chức bộ máy chính quyền địa phương. Đây là vấn đề quan trọng, đang được thảo luận trong quá trình xây dựng dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương và cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về HĐND và chính quyền địa phương. Phó chủ tịch QH đã gợi mở một số nội dung để Thường trực HĐND các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc trao đổi như: về mô hình tổ chức chính quyền địa phương, Hiến pháp đã quy định tất cả các đơn vị hành chính đều tổ chức HĐND và UBND vì UBND do HĐND bầu, nhưng cần làm rõ những điểm khác biệt về cơ cấu, tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của chính quyền địa phương ở nông thôn, đô thị và hải đảo như thế nào? Về phân định thẩm quyền giữa Trung ương với địa phương và giữa các cấp chính quyền địa phương cần quan tâm những vấn đề gì? Về tổ chức và hoạt động của HĐND, nếu không có Ủy viên Thường trực thì nên có bao nhiêu Phó chủ tịch HĐND? Có bao nhiêu ban thì phù hợp? Trưởng, phó ban có nên hoạt động chuyên trách không?...
Các đại biểu tham dự Hội nghị
Để HĐND cấp tỉnh thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, các đại biểu cho rằng, cần phải có những điều kiện tương xứng bảo đảm cho việc thực thi nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, từ quy định cụ thể về cơ chế, chính sách, về bộ máy, cán bộ đến cơ sở vật chất, tài chính, đội ngũ cán bộ làm công tác tham mưu, giúp việc cho HĐND... Đồng thời, cần tiếp tục đổi mới công tác lãnh đạo của cấp ủy đối với hoạt động HĐND các cấp, thường xuyên quan tâm lãnh đạo việc tổ chức bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và lý luận chính trị để nâng cao trình độ và kỹ năng hoạt động của đại biểu dân cử.Các đại biểu tham dự Hội nghị đều cho rằng, trong những năm gần đây, HĐND các tỉnh đã thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ theo Luật định; phương thức hoạt động của HĐND không ngừng được đổi mới; kỳ họp của HĐND tỉnh đã có những cải tiến về công tác chuẩn bị, cách thức điều hành; hoạt động giám sát của HĐND đã có những chuyển biến tích cực, có trọng tâm, trọng điểm; nhiều đại biểu HĐND, các ban HĐND hoạt động linh hoạt, sáng tạo và ngày càng hiệu quả. Tuy nhiên, sau 12 năm thực hiện Luật Tổ chức HĐND và UBND đã bộc lộ những vướng mắc, hạn chế cần phải tiếp tục nghiên cứu và điều chỉnh, nhất là về cơ cấu tổ chức, bộ máy, thành phần đại biểu, kể cả cơ chế hoạt động của HĐND, các ban HĐND và đại biểu HĐND.