Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng gắn Huân chương Hồ Chí Minh lên lá cờ truyền thống của ngành điện lực Việt Nam |
Cùng dự có: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch QH Tòng Thị Phóng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải; nguyên Chủ tịch Nước Trần Đức Lương; nguyên Chủ tịch QH Nguyễn Văn An; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và một số địa phương.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang; các nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh; nguyên Chủ tịch Nước Lê Đức Anh và cùng nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã gửi lẵng hoa chúc mừng.
Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), sau 60 năm hình thành và phát triển, ngành điện đã có hệ thống cơ sở hạ tầng điện lực tương đối quy mô với tổng công suất của toàn hệ thống điện tới cuối năm 2014 đạt 34.000MW, có khả năng sản xuất cung cấp cho đất nước tới 160 tỷ kWh/năm. Việt Nam hiện xếp thứ 3 về quy mô nguồn điện và lưới điện trong khu vực Đông Nam Á và thứ 31 trên thế giới. Đặc biệt, từ năm 2013 hệ thống điện đã đạt mức dự phòng công suất phát điện trên 20%. Hệ thống lưới điện quốc gia đã vươn tới mọi miền đất nước với trên 6.000km đường dây 500kV và 30.000km đường dây 110kV-220kV, hơn 430.000km lưới phân phối từ 0,4kV tới 35kV và hàng trăm nghìn trạm biến áp truyền tải - phân phối. Năm 2014, sản lượng điện thương phẩm cung cấp phục vụ phát triển KT- XH đạt 127 tỷ kWh, mức sử dụng điện bình quân trên người dân đạt trên 1.400kWh/người/năm; tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm bình quân giai đoạn 2000 - 2014 là 13,2 %/năm, bằng 2 lần tăng trưởng GDP bình quân hàng năm.
Về định hướng phát triển, trong những năm tới, EVN sẽ tập trung mục tiêu bảo đảm đáp ứng nhu cầu điện phục vụ phát triển đất nước. Hoàn thành nhiệm vụ đầu tư, phát triển nguồn và lưới điện theo Quy hoạch điện VII. Trong giai đoạn 2016 - 2020, EVN sẽ đưa vào vận hành 18 tổ máy thuộc 10 dự án nguồn điện với tổng công suất lắp đặt 5.175MW. Xây dựng hệ thống lưới điện truyền tải và phân phối hiện đại, đồng bộ với nguồn điện và bảo đảm kết nối đến hộ tiêu thụ. Đồng thời, hoàn thành chương trình đưa điện về nông thôn để đến năm 2015 đạt 98,6% số hộ dân nông thôn có điện và phấn đấu đến năm 2020 đạt mục tiêu hầu hết số hộ dân nông thôn có điện; tiếp tục đầu tư đưa điện lưới đến các huyện đảo. Từ năm 2015-2016, EVN sẽ tiến hành cổ phần hóa 3 tổng công ty phát điện; bắt đầu giai đoạn thí điểm thị trường bán buôn điện và tiến tới thị trường điện bán lẻ sau năm 2020.
Tập đoàn EVN đã được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh (năm 1996) và Huân chương Sao Vàng (năm 2004); 11 đơn vị và 6 cá nhân của EVN được vinh dự trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.
Tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đã trao Huân chương Hồ Chí Minh (lần thứ hai) tặng Tập đoàn Điện lực Việt Nam, ghi nhận những đóng góp to lớn của ngành điện lực Việt Nam đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải biểu dương những thành tựu và công lao to lớn của các thế hệ ngành điện trong 60 năm qua; chúc mừng EVN được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ hai, đây là sự đánh giá, ghi nhận của Đảng, Chính phủ đối với những thành tích mà Tập đoàn đã đạt được trong thời gian qua.
Phó thủ tướng nêu rõ, phát triển điện đi trước một bước để đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH và bảo đảm AN-QP của đất nước trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế là nhiệm vụ quan trọng của ngành điện lực Việt Nam. Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16.1.2012, Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI đã xác định: Hạ tầng cung cấp điện là một trong 4 lĩnh vực trọng tâm cần được tập trung nguồn lực để phát triển nhằm bảo đảm cung cấp đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt; để đưa nhu cầu điện bình quân đầu người của Việt Nam khoảng trên 1.500 kWh/năm hiện nay lên 8.000 – 10.000kWh/năm như các nước đang phát triển là một thách thức lớn, đòi hỏi ngành điện cần nỗ lực hơn nữa, tiếp tục phát triển nhanh và mạnh để đáp ứng yêu cầu cao cho phát triển KT-XH của đất nước. Ngoài nhiệm vụ phải bảo đảm cung cấp đủ điện cho sản xuất và đời sống nhân dân, ngành điện phải tiếp tục nâng cao chất lượng điện năng để cung cấp dịch vụ điện với chất lượng ngày càng cao; phải có giải pháp sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng của đất nước, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia; phát triển điện gắn với bảo vệ tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm phát triển bền vững đất nước.
Để thực hiện tốt được các mục tiêu và nhiệm vụ nêu trên, Phó thủ tướng yêu cầu ngành Điện Việt Nam cần tập trung đầu tư phát triển nguồn và hệ thống lưới điện, bảo đảm cung cấp đầy đủ, vững chắc nhu cầu điện cho phát triển KT-XH. Thực hiện thị trường hóa giá điện nhằm đạt mục tiêu khuyến khích đầu tư cho phát triển ngành điện. Thực hiện tái cơ cấu, tiếp tục quá trình phát triển thị trường điện lực theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (thị trường bán buôn từ năm 2015, thị trường bán lẻ điện từ năm 2021). Thực hiện các giải pháp tổng thể để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tăng năng suất lao động; thu hẹp, tiến tới đuổi kịp các nước tiên tiến trong khu vực về năng suất lao động. Tăng cường công tác sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả để bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Hoàn thành chương trình đưa điện về nông thôn để đến năm 2020 đạt mục tiêu hầu hết số hộ dân nông thôn có điện, góp phần hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn thôn mới của Chính phủ; hoàn thành Điện khí hóa toàn quốc, làm nền tảng cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế.