Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng dự Lễ khai trương trang thông tin điện tử của Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới 132 (IPU-132).
(Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)
Đoàn Quốc hội Việt Nam đã đề xuất chủ đề của Đại hội đồng IPU-132 là "Nghị viện và việc thực hiện Chương trình phát triển bền vững sau 2015," với mong muốn tạo cơ hội cho Nghị viện các nước cùng chia sẻ những quan điểm, ưu tiên của quốc gia, khu vực về vấn đề phát triển hậu 2015 đồng thời thể hiện được vai trò, tiếng nói của Nghị viện trong việc giải quyết những vấn đề thuộc ưu tiên toàn cầu thông qua việc định hướng, tăng cường các hoạt động lập pháp, giám sát, quyết định và biện pháp thực hiện đối với Chương trình Nghị sự phát triển sau 2015.
Trên tinh thần đó, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Trần Văn Hằng chia sẻ Quốc hội Việt Nam dự định Đại hội đồng IPU-132 sẽ ra Tuyên bố Hà Nội như một trong những văn kiện chính thức, phản ánh tóm tắt của Phiên Thảo luận chung, đồng thời khẳng định IPU và Nghị viện các nước thành viên nỗ lực thúc đẩy hòa bình, dân chủ, hợp tác và phát triển bền vững phù hợp với Chương trình Nghị sự sau 2015 trên phạm vi toàn cầu.
Ngoài ra, đoàn Quốc hội Việt Nam còn đề xuất thêm một số chủ đề thảo luận tại IPU-132 như “Phụ nữ và các quyền kinh tế” tại Hội nghị Nữ nghị sỹ; “Việc làm bền vững và quyền con người;” “Quyền của người khuyết tật và quyền con người” ... tại Ủy ban 3 về Dân chủ và Nhân quyền.
Tổng Thư ký Martin Chungong đánh giá việc đề xuất các chủ đề nêu trên thể hiện tinh thần và trách nhiệm của Việt Nam với tư cách là một thành viên của IPU mong muốn đóng góp ý kiến, trao đổi kinh nghiệm với nghị viện các nước về các mối quan tâm chung của khu vực và thế giới.
Trao đổi với các phóng viên sau cuộc hội đàm, Tổng thư ký Martin Chungong đã bày tỏ ấn tượng sâu sắc trước những nỗ lực của Việt Nam chuẩn bị nhằm đảm bảo các điều kiện tốt nhất cho việc tổ chức Đại hội đồng IPU-132. Tổng Thư ký hy vọng sẽ đến Việt Nam trong thời gian sớm nhất để có thể tiếp tục bàn thảo mọi công việc về một loạt các phiên họp quan trọng của các Ủy ban thường trực thuộc IPU trong kỳ họp Đại hội đồng tới đây tại Hà Nội.
Ông Martin Chungong, người Cameroon có hơn hai mươi năm kinh nghiệm hoạt động trong IPU, đã chính thức giữ chức Tổng Thư ký cơ chế hợp tác liên nghị viện lâu đời nhất này từ ngày 30/6/2014, thay thế ông Anders B.Johnsson sau phiên bầu chọn Tổng thư ký mới tại Đại hội đồng IPU lần thứ 130. Ông là người châu Phi đầu tiên giữ cương vị Tổng Thư ký trong lịch sử 125 hoạt động của IPU./.