Tiếp tục chương trình làm việc, sáng nay (8/10), tại phiên họp thứ 32, Ủy ban thường vụ Quốc hội nghe Đoàn giám sát báo cáo; Chính phủ báo cáo (bổ sung) về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống biến đổi khí hậu (BĐKH) ở đồng bằng Sông Cửu Long và thảo luận về vấn đề này.
Theo Báo cáo giám sát, hiện nay, nhận thức về nguyên nhân, tác động của BĐKH mới quan tâm chủ yếu đến các tác động tiêu cực của BĐKH mà chưa quan tâm đúng mức tới việc chuyển đổi lối sống, tập quán sản xuất và tiêu thụ theo định hướng các-bon thấp.
Việc lồng ghép kế hoạch, chiến lược ứng phó với BĐKH vào các chương trình dự án, kế hoạch phát triển KT-XH trên thực tế còn nhiều hạn chế; việc đánh giá kết quả triển khai các chương trình dự án chưa được tiến hành thường xuyên, kịp thời điều chỉnh; khả năng liên kết vùng, liên kết ngành trong việc triển khai các chính sách về ứng phó với BĐKH còn yếu, chưa có cơ chế liên kết giữa các tỉnh cũng như trong toàn vùng một cách hiệu quả.
Bà Trương Thị Mai – Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội đặt vấn đề: “Chúng ta cần tính đến khả năng đáp ứng của ngân sách, nguồn lực và nhu cầu là bao nhiêu thì đáp ứng được. Ngoài ra, mục tiêu gần là đến năm 2020 như thế nào và đến 2030 ra sao. Thực tế, chúng ta có khá nhiều chiến lược, chương trình đối với biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh… nhưng chưa thấy có sự lồng ghép thành nhóm chính sách. Nếu để như hiện nay thì rất dàn trải. Đề nghị đưa ứng phó BĐKH thành chỉ tiêu trong kinh tế-xã hội thì mới thúc đẩy phát triển mạnh mẽ”.
Cùng chung quan điểm này, Đại biểu Ksor Phước cho rằng, Chính phủ cần lồng ghép chương trình ứng phó BĐKH với hàng loạt các chương trình khác như xây dựng nông thôn mới, các chương trình trọng điểm về phát triển kinh tế-xã hội…
Phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà thừa nhận, nguồn lực cho ứng phó với BĐKH còn rất hạn chế, phân tán từ nhiều nguồn, cơ chế phân bổ vốn cho BĐKH còn bất cập. Bộ TN&MT là cơ quan quản lý nhà nước có nhiệm vụ giúp Chính phủ thống nhất quản lý, chỉ đạo tổ chức thực hiện ứng phó với BĐKH nhưng lại không phải là cơ quan chủ trì phân bổ các nguồn vốn ứng phó với BĐKH từ ngân sách Trung ương. Việc cắt giảm vốn CTMTQG ứng phó với BĐKH năm 2014 dẫn đến tình trạng nhiều dự án đang triển khai thực hiện nhưng không được bố trí vốn đã gây lãng phí lớn.
“Hiện có tới 63 dự án đề xuất lên, tập trung ở 29 địa phương ven biển và các địa phương khác liên quan đến rừng phòng hộ đầu nguồn,vùng núi… kinh phí lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng. Các tổ chức quốc tế cho rằng việc xây dựng, triển khai chính sách của chúng ta chưa tính toán được nhu cầu nên hiệu quả chưa cao; chưa có sự điều phối nên việc sử dụng nguồn lực chưa hiệu quả” – Thứ trưởng Trần Hồng Hà nói.
Cũng theo Thứ trưởng Trần Hồng Hà, Chính phủ đã lượng hóa được nhu cầu đến 2020. Theo đó, các dự án thích ứng (đê, kè…) cỡ khoảng 17.000 tỷ, kèm theo đó là các dự án về rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn… thì kinh phí dự báo 1,7 tỷ USD. Đầu tư từ 2015 trở đi phải kèm theo cả giá giảm phác thải nhà kính thì phải cải tổ kinh tế, KHCN… thì chưa thể tính được. Nhưng kinh phí đó phải do DN và Nhà nước phải chung tay.
Một yếu kém nữa, được Đoàn giám sát đưa ra là ở địa phương, cán bộ phụ trách công tác ứng phó với BĐKH chủ yếu là kiêm nhiệm, chưa được đào tạo chuyên môn về lĩnh vực BĐKH. Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH còn nhiều điểm bất cập, chưa đáp ứng được các yêu cầu thực tế. Một số tỉnh chưa thành lập Ban chỉ đạo về ứng phó BĐKH để thống nhất chỉ đạo, điều hành công tác ứng phó với BĐKH ở địa phương.
Kịch bản BĐKH chưa được cập nhật, hoàn thiện kịp thời để bảo đảm độ tin cậy cao, khách quan, cụ thể; hệ thống thông tin và dữ liệu về BĐKH, nước biển dâng (NBD) gắn với mô hình số độ cao và hệ thống thông tin địa lý, viễn thám phục vụ hoạch định chính sách, quy hoạch phát triển KT-XH trong điều kiện BĐKH và NBD từ trung ương đến địa phương chưa được tăng cường; Atlas BĐKH và rủi ro thiên tai, hệ thống giám sát BĐKH và NBD cho Việt Nam chưa được triển khai xây dựng.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, các giải pháp được đưa ra đều đã được nhắc nhiều nhưng không biết phải bằng cơ chế gì, pháp luật gì, nội dung ra sao. Một trong các giải pháp là phải đưa ý tưởng ứng phó BĐKH vào từng dự án đầu tư.
Kết luận phiên thảo luận này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng: Nội dung, nhiệm vụ, ứng phó BĐKH phải lồng ghép trong nhiệm vụ phát triển KT-XH 5 năm và dài hạn, vào các chương trình và từng dự án đầu tư ở từng khu vực và địa phương. Phải hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật để làm tốt công tác ứng phó BĐKH, khắc phục tình trạng quá nhiều văn bản pháp luật vừa chồng chéo, vừa không rõ ràng.
Về nguồn lực, Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị phải lồng ghép từ các chính sách, chương trình; phải làm rõ nguồn nhân lực từ Nhà nước, doanh nghiệp, dân cư.
“Quan điểm của Đảng, Nhà nước là phải có nguồn lực cho ứng phó BĐKH. Nguồn lực này từ hợp tác quốc tế và vốn viện trợ không hoàn lại, vốn vay nước ngoài; cơ chế, chính sách khuyến khích xã hội hóa để tăng cường nguồn lực” – Phó Chủ tịch Quốc hội Kim Ngân nói./.