Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh dự và phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp toàn thể thứ 13 của Ủy ban Xã hội

26/09/2024

Chiều 26/9, tại trụ sở các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Xã hội tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 13 nhằm chuẩn bị các nội dung dự kiến trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 sắp tới. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh dự và phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp.

Thường trực Ủy ban Xã hội thẩm tra sơ bộ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế

Toàn cảnh phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh chủ trì Phiên họp. Dự họp có các thành viên Ủy ban Xã hội; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và một số Ủy ban của Quốc hội; Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; đại diện Bảo hiểm xã hội Việt Nam cùng đại diện một số cơ quan hữu quan.

Phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, năm 2024 là năm tăng tốc đột phá để về đích trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của cả nhiệm kỳ. Qua tổng hợp, theo dõi, đánh giá kết quả hoạt động, có thể thấy, trong năm qua Ủy ban Xã hội tiếp tục đạt được các thành quả quan trọng, phát huy truyền thống đoàn kết, tận tâm, tận lực, trách nhiệm, đổi mới, sáng tạo, linh hoạt, Thường trực Ủy ban Xã hội, toàn thể Ủy ban Xã hội cũng như Vụ Xã hội của Văn phòng Quốc hội đã nỗ lực, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu chỉ đạo

Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Ủy ban Xã hội đã tham gia đầy đủ các dự án luật trong tổng thể công tác xây dựng pháp luật của Quốc hội. Với hoạt động giám sát, quyết định vấn đề quan trọng của đất nước, Ủy ban cũng đã tham gia tích cực, chủ động. Chất lượng tham gia hoạt động của Ủy ban Xã hội đang ngày một nâng lên, trách nhiệm, sự tâm huyết của từng thành viên Ủy ban, của Thường trực Ủy ban Xã hội đã được các cơ quan, đơn vị phối hợp công tác đánh giá cao.

Về nội dung Phiên họp toàn thể thứ 13 của Ủy ban Xã hội, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, tại Phiên họp này Ủy ban Xã hội sẽ cho ý kiến vào các dự án luật sẽ được xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8. Đây là những dự thảo luật có độ nhạy cảm cao, độ khó lớn, có tính chất biến động nhiều, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần quán triệt chủ trương, tư tưởng của các đồng chí trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác xây dựng pháp luật trong thời kỳ mới, đảm bảo hệ thống pháp luật đồng bộ, thích ứng, ổn định, hiện đại, khả thi, dễ tiếp cận, tạo bước đột phá mới nhằm xây dựng thương hiệu Việt Nam trong các nước có nền kinh tế lớn của thế giới.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh

Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, công tác xây dựng pháp luật cần thực hiện theo định hướng, vấn đề nào thuộc thẩm quyền của Quốc hội thì Quốc hội ban hành, vấn đề nào thuộc thẩm quyền của Chính phủ, của các Bộ, ngành thì giao các cơ quan đó ban hành, không luật hóa các vấn đề thuộc Nghị định, Thông tư.

Cho biết lĩnh vực xã hội có liên quan đến nhiều vấn đề quan trọng về con người, tâm lý xã hội, ảnh hưởng lớn tới đời sống từng người dân, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, trong quá trình xây dựng pháp luật, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng, các thành viên Ủy ban Xã hội cần ngày càng thực hiện tốt hơn nữa việc nắm bắt tình hình thực tiễn, phát hiện các vấn đề phát sinh, nghiên cứu và tìm hiểu sâu hơn tâm trạng xã hội, các vấn đề liên quan đến sinh kế, việc làm, an sinh xã hội để kịp thời phản ánh thực trạng tình hình, đưa ra phản ứng chính sách phù hợp để chủ động trong việc phản ánh, đề xuất, kiến nghị, kiến tạo cho các nhiệm vụ mới trong phát triển xã hội.

Các đại biểu tại phiên họp

Tại Phiên họp, Ủy ban Xã hội sẽ tiến hành thẩm tra một số nội dung thuộc thẩm quyền, gồm: dự án Luật Việc làm (sửa đổi); báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, việc quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội năm 2023; báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững năm 2024; báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước năm 2024; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 thuộc lĩnh vực Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phụ trách; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; báo cáo của Chính phủ về việc quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm y tế năm 2023; báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước năm 2024; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 thuộc lĩnh vực Bộ Y tế phụ trách; xem xét, thông qua Chương trình hoạt động giám sát năm 2025; dự thảo Báo cáo kết quả công tác của Ủy ban năm 2024 và dự kiến chương trình công tác năm 2025; xem xét, cho ý kiến thẩm tra lồng ghép vấn đề bình đẳng giới; tham gia thẩm tra, góp ý kiến một số dự án luật trình tại Kỳ họp thứ 8.

Ngoài ra, Ủy ban còn cho ý kiến bằng văn bản với một số nội dung gồm dự thảo Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi); dự thảo Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược và dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược./.

Hồ Hương - Minh Thành

Các bài viết khác