PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI, THƯỢNG TƯỚNG TRẦN QUANG PHƯƠNG GẶP MẶT NGUYÊN ỦY VIÊN ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI TẠI KHU VỰC PHÍA NAM
Toàn cảnh Tọa đàm
Tham gia Tọa đàm có các đồng chí Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh: Trung tướng Nguyễn Minh Đức và Trung tướng Đỗ Quang Thành. Đồng chí Nguyễn Trường Giang, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Phó Tổng Thư ký Quốc hội. Cùng dự buổi Tọa đàm có các đồng chí Ủy viên Thường trực, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh, các vị đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà khoa học.
Về phía đại diện Ban soạn thảo Luật, có Thiếu tướng Phạm Thanh Khiết, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng. Cuộc Tọa đàm thu hút sự tham gia của đại diện các cơ quan của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, các Viện, Nhà máy trực thuộc Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng. Về phía lãnh đạo Viettel, có Thiếu tướng Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội, Thiếu tướng Nguyễn Đình Chiến, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn.
Trung tướng Nguyễn Hải Hưng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh phát biểu đề dẫn khai mạc Tọa đàm
Phát biểu đề dẫn khai mạc Tọa đàm, Trung tướng Nguyễn Hải Hưng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho biết, đây là cuộc Tọa đàm thứ 3 được Ủy ban tổ chức kết hợp với khảo sát ở 3 miền để có thêm cơ sở vững chắc hoàn thiện dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, báo cáo UBTVQH tại Phiên tháng 02 sẽ diễn ra ngay sau Tết Nguyên đán. Việc xây dựng các quy định về Tổ hợp công nghiệp quốc phòng trong dự thảo Luật là sự thể chế hóa Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 26/01/2022 về đẩy mạnh phát triển CNQP đến năm 2030 và những năm tiếp theo, Nghị quyết 44-NQ/TW, ngày 24/11/2023 của Ban CHTW Đảng khóa XIII về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới và nhiều quan điểm, chỉ đạo quan trọng của Đảng như: Xây dựng, phát triển CNQPAN tự lực, tự cường…hiện đại, lưỡng dụng; …trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia; chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nguồn lực khoa học – công nghệ phục vụ cho CNQP; nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, thực hiện mục tiêu quốc gia khởi nghiệp từ phát triển CNQP…
Các đại biểu Quốc hội tham dự Tọa đàm
Đây là nội dung không do Chính phủ trình nhưng được đề nghị quy định trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh và nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu Quốc hội. Tổ hợp CNQP là hạt nhân nòng cốt để thu hút sự tham gia của các tổ chức, doanh nghiệp trong nghiên cứu sản xuất hệ thống vũ khí trang bị kỹ thuật, Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho sự tham gia liên kết, hợp tác này. Thường trực Ủy ban đã phối hợp chặt chẽ với Ban soạn thảo dự án Luật và các cơ quan hữu quan tập trung đầu tư nghiên cứu, xây dựng mới 03 Điều (34, 35, 36) tại Mục 7 Chương II dự thảo 6. Tuy nhiên, nội dung này cần được tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng để bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiêm của các nước, bảo đảm tính khả thi, tạo hành lang pháp lý cho việc xây dựng và phát triển Công nghiệp QPAN góp phần thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp quốc gia, đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Theo dự thảo Luật, Tổ hợp CNQP là hệ thống (phương thức) liên kết, hợp tác của các cơ sở CNQP, lấy cơ sở CNQP nòng cốt làm hạt nhân để hình thành chuỗi sản xuất sản phẩm quốc phòng, dân dụng theo quy hoạch của Công nghiệp quốc gia. Các chuyên gia, nhà khoa học đồng tình với việc cần phải luật hóa các quy định để tạo liên kết theo chuỗi phát triển CNQP. Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế Trung ương cho rằng: “Chúng ta nên tính toán các đơn vị tư nhân nào tham gia vào khâu nào trong chuỗi giá trị, để họ có lợi nhuận tương đương như lợi nhuận họ làm các sản phẩm dân sự. Bên cạnh đó, thu hút các Viện nghiên cứu khoa học công nghệ, các trường tham gia, thúc đẩy hợp tác quốc tế…”.
Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương đóng góp ý kiến
Còn theo Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương, dự thảo Luật cần làm rõ hơn định nghĩa, địa vị pháp lý, hình thức liên kết của Tổ hợp CNQP cũng như cách thức hình thành. Trong xây dựng chính sách, có 3 nhóm chính sách gồm: Nhóm chính sách Nhà nước định hướng dẫn dắt, giao nhiệm vụ, đặt hàng; nhóm chính sách thúc đẩy và thu hút; nhóm chính sách đầu tư.
Các chuyên gia cũng cho rằng, Tổ hợp CNQP không phải là 1 tổ chức mà là 1 mạng lưới. Do đó, cần xây dựng về các cơ chế ưu tiên phát triển Tổ hợp CNQP để tạo ra sự vượt trội, CNQP phát triển hiện đại, lưỡng dụng và trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia. Ý kiến khác cho rằng, cần quan tâm đến vấn đề hợp tác quốc tế, có chính sách riêng để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân lực trình độ cao. Để phát triển CNQP tự lực, tự cường, hiện đại, lưỡng dụng, cần phát huy được nền quốc phòng toàn dân, có chính sách liên kết giữa các doanh nghiệp trong và ngoài quân đội.
Tiến sỹ Nguyễn Đức Kiên, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Tổ trưởng Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng phát biểu tại Tọa đàm
Tiến sỹ Nguyễn Đức Kiên, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Tổ trưởng Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, nội dung trong dự thảo Luật về Tổ hợp CNQP có liên quan đến 4 luật gồm: Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý sử dụng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và Luật Đấu thầu. Vì vậy, cách xử lý để tránh mâu thuẫn, đó là ghi luôn các quy định trong Điều Luật về Tổ hợp CNQP. Đối với các nhóm chính sách, Tiến sỹ Kiên cho rằng, nên chia CNQP, CNAN thành 3 nhóm, trong đó, nhóm 1 là về vũ khí truyền thống mà CNQP hiện nay đang làm; nhóm thứ 2 là công nghiệp đóng tàu; nhóm thứ 3 là lĩnh vực liên quan đến tác điện tử.
Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu Kết luận Tọa đàm.
Kết luận buổi Tọa đàm, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương đồng tình với các ý kiến cho rằng, trên cơ sở thực tiễn, cần luật hóa và xác định mô hình Tổ hợp CNQP với mục tiêu hướng đến để tạo ra chuỗi giá trị trong phát triển CNQP. Tuy nhiên, các chính sách vừa phải giải quyết được tính đặc thù, vừa thống nhất trong hệ thống pháp luật nên dự luật cần thiết kế 1 Điều về nguyên tắc áp dụng pháp luật.
Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: “Phải rà soát kỹ quyền tự chủ của doanh nghiệp, chứ không như cách tự chủ của doanh nghiệp Nhà nước vừa qua. Vì vậy, chính sách phải có tính đột phá. Cái đặc thù ở đây là phải có tính vượt trội hơn đối với hệ thống pháp luật hiện nay, như về các lĩnh vực: đất đai, thuế, phí, nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học, chính sách đối người lao động, với doanh nghiệp không là doanh nghiệp nòng cốt tham gia CNQP”. Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh phối hợp với Ban soạn thảo quan tâm đến các quy định về hợp tác quốc tế. Các chính sách vừa bảo đảm tính vượt trội đối với phát triển Tổ hợp CNQP, vừa bao quát, cụ thể, đáp ứng yêu cầu cơ bản lâu dài, rất cấp thiết khi xây dựng Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.