KHAI MẠC PHIÊN HỌP THỨ 29 CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI: TẬP TRUNG CHUẨN BỊ CHO KỲ HỌP BẤT THƯỜNG LẦN THỨ 5 CỦA QUỐC HỘI

08/01/2024

Chiều 8/1, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thường kỳ thứ 29 – phiên họp đầu tiên của năm 2024 với nội dung trọng tâm để tập trung chuẩn bị nội dung cho Kỳ họp bất thường lần thứ 5 của Quốc hội.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 08/01: KHAI MẠC PHIÊN HỌP THỨ 29 CỦA UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 29 là phiên họp thường kỳ đầu tiên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong năm 2024 với nội dung trọng tâm là cho ý kiến các nội dung chuẩn bị cho Kỳ họp bất thường lần thứ 5 của Quốc hội dự kiến khai mạc vào 15/01 tới.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 29

Chủ tịch Quốc hội cho biết trong 1,5 ngày làm việc, Ủy ban Thường vụ Quố hội xem xét cho ý kiến đối với các nội dung gồm: Cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia;  Xem xét việc giải thích quy định tại khoản 1 Điều 6 của Luật Đầu tư công.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét một số nội dung về tài chính, ngân sách gồm: việc bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công và bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Tập đoàn điện lực Việt Nam từ nguồn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV và xem xét công tác nhân sự thuộc thẩm quyền.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc

Liên quan đến dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội cho biết đây là dự án luật hết sức quan trọng, có tác động sâu rộng đến mọi mặt kinh tế - xã hội và đến mọi tầng lớp Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp về cả trước mắt và lâu dài.

Dự thảo Luật đã được cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra đã chuẩn bị một cách kỹ lưỡng và công phu. Các cơ quan đã tiến hành xin ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học nhiều vòng, nhiều lần; đã tổ chức lấy ý kiến đông đảo Nhân dân và đã nhận được với trên 12 triệu lượt ý kiến tham gia. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã họp để cho ý kiến 5 lần đối với dự án luật này. Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đã trực tiếp chủ trì các buổi làm việc với các cơ quan của Chính phủ và cơ quan hữu quan. Dự án Luật được thảo luận tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách  Quốc hội khóa XV cũng đã cho ý kiến xem xét tại 3 kỳ họp. Đến nay, về cơ bản, dự án Luật là luật đã được hoàn thiện và đã thể chế hóa, bao quát được tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW và bám sát tinh thần của Hiến pháp, Cương lĩnh của Đảng và hệ thống pháp luật hiện hành.

Chủ tịch Quốc hội làm rõ, theo dự kiến ban đầu dự án Luật được xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, nhưng để có thể chuẩn bị một cách kỹ lưỡng hơn, nhất là một số nội dung lớn một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất với Chính phủ trình với Quốc hội cân nhắc xem xét để thông qua tại kỳ họp gần nhất.

Với hồ sơ chuẩn bị cho đến nay, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tại phiên họp lần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu kỹ lưỡng, bám sát các tinh thần, nguyên tắc, quan điểm, yêu cầu xây dựng luật từ đầu để tập trung cho ý kiến đối với những nội dung quan trọng còn có ý kiến khác nhau.

Một là vấn đề thu hồi đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở và thương mại dịch vụ.

Hai là phương pháp định giá đất; thẩm quyền, trách nhiệm lựa chọn phương pháp định giá đất.

Ba là dự án tạo quỹ đất, Quỹ phát triển đất chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham dự phiên họp

Về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội nêu rõ đây là dự án luật rất quan trọng, có tính chuyên môn cao, tác động sâu rộng đến nhiều đối tượng mà trực tiếp là đến chính sách tài chính, tiền tệ, ổn định, kinh tế vĩ mô, an toàn, an ninh hệ thống tài chính, tiền tệ quốc gia.

Quốc hội cũng đã cho ý kiến tại 2 kỳ họp; Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội cũng đã cho ý kiến nhiều lần và có nhiều chỉ đạo cụ thể qua nhiều cuộc họp khác nhau. Để bảo đảm dự án Luật được thông qua với chất lượng tốt nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật như Bộ luật Dân sự, Luật Thi hành án dân sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Quản lý thuế…và đáp ứng được yêu cầu thực tiễn về tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng và ngân hàng trong thời gian tới đây, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung phân tích cho ý kiến để hoàn thiện thêm đối với vấn đề can thiệp sớm và vấn đề kiểm soát đặc biệt. Đồng thời đề nghị rà soát các vấn đề về quản lý tập đoàn tài chính, vấn đề giải quyết vấn đề sở hữu chéo, vấn đề các quy định chuyển tiếp, xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh đây là những nội dung cần được xem xét kỹ lưỡng thận trọng từ nay đến khi khai mạc kỳ họp bất thường để bảo đảm chất lượng trình Quốc hội xem xét thông qua.

Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham dự phiên họp

Về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, Chủ tịch Quốc hội cho biết đây là nội dung để thực hiện Nghị quyết của Quốc hội. Tại Kỳ họp thứ 6 vừa qua, qua công tác giám sát, Quốc hội nhận thấy cần phải có ban hành một số cơ chế, chính sách có tính chất đặc thù để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Chủ tịch Quốc hội cho biết trong dự thảo Nghị quyết hiện còn ý kiến khác nhau đối với nội dung về việc thực hiện cơ chế khoán chương trình mục tiêu quốc gia phân cấp, phân quyền cho cấp huyện đối với 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, trước mắt cần phải đưa nội dung này vào Nghị quyết để thể chế hóa tinh thần Kết luận của Trung ương và cũng như Nghị quyết chung của kỳ họp Quốc hội. Tuy nhiên về thời điểm thực hiện có thể cân nhắc áp dụng quy định này cho việc xây dựng chương trình và tổ chức thực hiện của nhiệm kỳ tới./.

Bảo Yến

Các bài viết khác