PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI TRẦN QUANG PHƯƠNG GIÁM SÁT VIỆC THỰC HIỆN 3 CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA TẠI TỈNH CAO BẰNG

25/07/2023

Ngày 24/7, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Trưởng Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội đã giám sát thực tế và làm việc với UBND tỉnh Cao Bằng...

ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI LÀM VIỆC VỚI TỈNH CAO BẰNG VỀ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA

ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI LÀM VIỆC VỚI HUYỆN NGUYÊN BÌNH (CAO BẰNG) VỀ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA

Cuộc giám sát tập trung vào nội dung về “Việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về Xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”.

Toàn cảnh cuộc làm việc của Đoàn giám sát do Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương dẫn đầu. 

Tham dự và đồng chủ trì buổi làm việc có bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Phó trưởng Đoàn giám sát; ông Trần Hồng Minh, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng.

Cao Bằng là tỉnh miền núi, biên giới, nằm ở vùng Đông Bắc của Tổ quốc. Toàn tỉnh có hơn 530.000 người, trong đó tỷ lệ đồng bào các dân tộc ít người chiếm 95%. Theo Báo cáo của UBND tỉnh, trong thời gian qua, Ban Chỉ đạo Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) và bộ máy giúp việc ở các cấp đã được thành lập, kiện toàn. Sau khi Quốc hội ban hành chủ trương đầu tư, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các chương trình MTQG, UBND tỉnh Cao Bằng đã ban hành các kế hoạch thực hiện đảm bảo theo quy định.

Đến hết ngày 30/6/2023, tỉnh cơ bản hoàn thành nhiệm vụ ban hành các cơ chế chính sách thuộc thầm quyền của địa phương theo quy định tại Nghị định số 27/2022/NĐ-CP. Tuy nhiên, các văn bản hướng dẫn của Trung ương chưa được ban hành kịp thời, đầy đủ; một số văn bản có sự mâu thuẫn, nội dung hướng dẫn chưa rõ ràng, nhất là các văn bản hướng dẫn thực hiện vốn sự nghiệp.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Trưởng Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội phát biểu tại cuộc làm việc với UBND tỉnh Cao Bằng.

Trong giai đoạn 2021-2025, tổng số vốn Ngân sách nhà nước thực hiện các Chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh là hơn 6.600 tỷ đồng. Giai đoạn 2021-2023, việc thực hiện các Chương trình MTQG đã đạt được một số kết quả nổi bật. Đến cuối năm 2022, toàn tỉnh còn hơn 37.400 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 28,94%), giảm 4,29% so với đầu kỳ rà soát; có hơn 19.000 hộ cận nghèo chiếm tỷ lệ 14,76%.

Trong các năm 2021, 2022 và đầu năm 2023, tỉnh đã huy động lồng ghép nhiều nguồn vốn để thực hiện các Chương trình MTQG, với tổng số vốn thực hiện hơn 14.600 tỷ đồng. Vốn giao năm 2021, 2022 tính đến 31/1/2023 giải ngân được hơn 745 tỷ đồng, bằng 44,86% kế hoạch. Đối với tình hình giải ngân vốn năm 2023, đến thời điểm 30/6/2023, giải ngân được hơn 678 tỷ đồng, bằng 20,59% kế hoạch.

Cũng theo UBND tỉnh Cao Bằng, việc triển khai thực hiện các Chương trình MTQG luôn được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và được các cấp ngành xác định là nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm trên 4%. Tuy nhiên, việc thực hiện lồng ghép còn khó khăn do thời điểm giao nguồn vốn ngân sách trung ương muộn hơn so với các nguồn vốn khác. Mặt khác, một số Chương trình MTQG quy định không đầu tư trùng địa bàn với Chương trình MTQG khác nên khó khăn cho việc lồng ghép nguồn vốn thực hiện các Chương trình. Kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh còn cao, vẫn còn có hộ tái nghèo. Tỷ lệ xã đạt chuẩn Nông thôn mới thấp (12,2%), chưa có xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu; chưa có đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới; còn 2 huyện trắng xã Nông thôn mới.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh.

Tỉnh Cao Bằng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép các tỉnh chủ động thực hiện điều chuyển nguồn vốn giữa các dự án của từng Chương trình MTQG phù hợp với tình hình thực hiện thực tế tại địa phương. Đối với Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, tỉnh đề nghị Thủ tướng Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương tiếp tục quan tâm chỉ đạo, bố trí nguồn vốn hỗ trợ Cao Bằng thực hiện dứt điểm việc thí điểm xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn.

Đối với Chương trình MTQG xây dựng Nông thôn mới, tỉnh Cao Bằng đề nghị Thủ tướng tiếp tục quan tâm hỗ trợ tỉnh về nguồn vốn đầu tư phát triển, vốn sự nghiệp trung ương và các nguồn vốn tài trợ khác; có cơ chế cho người dân tại các xã đặc biệt khó khăn sau khi đạt chuẩn Nông thôn mới tiếp tục được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về Thẻ Bảo hiểm y tế, chính sách hỗ trợ học sinh bán trú, miễn giảm học phí…; hướng dẫn thu hồi Quyết định xã đạt chuẩn Nông thôn mới đối với các xã không còn đạt chuẩn Nông thôn mới sau khi sáp nhập năm 2020.

Về Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP, tỉnh đề nghị Thủ tướng cho phép tỉnh khó khăn như Cao Bằng được sử dụng nguồn lực hỗ trợ từ Trung ương thực hiện Chương trình MTQG xây dựng Nông thôn mới để triển khai Chương trình OCOP trên khu vực đô thị là phường, thị trấn.

 Ông Trần Hồng Minh, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng.

Các thành viên Đoàn giám sát cho rằng, việc triển khai thực hiện các Chương trình MTQG được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Cao Bằng quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Mặc dù cơ quan Trung ương phân bổ vốn, ban hành văn bản hướng dẫn chậm hoặc chưa ban hành đã ảnh hưởng đến việc thực hiện các nhiệm vụ của các Chương trình nhưng với sự quyết tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các Chương trình đã đạt được những kết quả bước đầu là tích cực.

So với kết quả rà soát đầu kỳ, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm 4,29% (mục tiêu cả nước là giảm 1-1,5%); tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 4,5% (mục tiêu cả nước là giảm 3%/năm). Các kết quả này vượt mục tiêu Nghị quyết 24, Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022. Tuy nhiên, tỉnh Cao Bằng cần chú ý đến tính bền vững trong thực hiện. Kết quả thực hiện phần lớn các dự án, tiểu dự án còn hạn chế.

Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới đã có một số kết quả bước đầu, như: Có 17/139 xã đạt chuẩn nông thôn mới, giữ nguyên so với giai đoạn 2016-2020. Tuy nhiên, tình hình giải ngân đạt kết quả thấp: vốn giao năm 2021, 2022 giải ngân được 38,61% kế hoạch; vốn năm 2023 đến thời điểm 30/6/2023 mới giải ngân được 22,33% kế hoạch.

Sau 02 năm triển khai, Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số bình quân giảm trên 4%/năm; 100% đồng bào dân tộc thiểu số tham gia bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân Chương trình thấp, đạt 31,1%. Trong đó, vốn sự nghiệp đạt 9,7% kế hoạch.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương tặng quà và chụp ảnh lưu niệm với các đồng chí lãnh đạo tỉnh Cao Bằng.

Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, Quốc hội khóa XIV, XV đã ban hành Nghị quyết về chủ trương đầu tư 3 Chương trình MTQG. Đây là lần đầu tiên Quốc hội tổ chức giám sát việc thực hiện cả 3 Chương trình MTQG. Đây cũng là lần thứ 2 Quốc hội tổ chức giám sát nội dung “đang làm” trên tinh thần đổi mới để kiến tạo phát triển, đồng hành cùng Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương và địa phương. Cao Bằng là địa phương có nhiều địa danh lịch sử cách mạng, địa chỉ “đỏ” thể hiện tình cảm gắn bó keo sơn của đồng bào các dân tộc theo Đảng, theo Bác Hồ. Vì vậy, việc triển khai các Chương trình MTQG là việc hết sức quan trọng; thể hiện tình cảm với các thế hệ đi trước và các đồng bào dân tộc sau này.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng đề nghị địa phương đánh giá thực chất, tính bền vững kết quả thực hiện 3 Chương trình MTQG; mô hình chỉ đạo, điều hình của từng chương trình và cả 3 Chương trình từ Trung ương đến tỉnh, huyện, xã. Bên cạnh đó, rà soát những khó khăn, bất cập trong triển khai thực hiện và giải ngân vốn 3 Chương trình, đặc biệt là nguồn vốn sự nghiệp; đánh giá kết quả thực hiện theo Công điện 71/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 – 2025.

Qua giám sát thực tế và làm việc với UBND tỉnh Cao Bằng, Trưởng Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội đánh giá cáo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Cao Bằng đã vào cuộc với 1 quyết tâm chính trị cao, nhiều nỗ lực, hành động quyết liệt, có một số cách làm tương đối sáng tạo trong thực hiện các Chương trình MTQG. Chính vì vậy, đến nay trên địa bàn, hạ tầng nông thôn được tăng cường đầu tư; đời sống vật chất, tinh thần của người dân, nhất là vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số từng bước cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm, văn hóa xã hội có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội cơ bản được đảm bảo; quốc phòng, an ninh được giữ vững; hệ thống chính trị các cấp được quan tâm củng cố, kiện toàn, hoạt động ngày càng hiệu quả.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc của tỉnh Cao Bằng, nhất là đối với áp lực giải ngân, cân đối vốn địa phương; đề nghị Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh chỉ đạo tiếp thu, giải trình đầy đủ các ý kiến của Tổ Công tác, thành viên Đoàn giám sát; tổng hợp các vướng mắc, kiến nghị về từng Chương trình, các dự án, tiểu dự án gửi Đoàn giám sát; tiếp tục quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác tham mưu, hướng dẫn ban hành đầy đủ hệ thống văn bản về cơ chế, quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình MTQG.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương và các Tổ của Đoàn giám sát đi thực tế giám sát việc triển khai các Chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.

Trưởng Đoàn giám sát cũng đề nghị tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, có giải pháp cụ thể quyết liệt thúc đẩy công tác giải ngân nguồn vốn của các Chương trình; xác định trọng tâm trong thực hiện các Chương trình MTQG, trong đó trước mắt tập trung vào các giải pháp đột phá để giảm nghèo như: cơ sở hạ tầng, xóa nhà tạm, quan tâm vấn đề sinh kế, đất ở, nhà ở và đất sản xuất cho người dân. Trưởng Đoàn giám sát cũng gợi ý địa phương nghiên cứu thành lập Tổ công tác có trình độ chuyên môn sâu xuống cơ sở để hướng dẫn, trên tinh thần “cầm tay, chỉ việc” từ tỉnh xuống xã, đây chính là kinh nghiệm quý để giải quyết các khó khăn trên địa bàn.

Nhân dịp chuyến công tác, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đã tặng quà và chị ảnh lưu niệm với các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Cao Bằng và các đồng chí lãnh đạo Quân đội, Công an và Biên phòng tỉnh. Trước đó, trong sáng 24/7, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương và các Tổ của Đoàn giám sát đã đi thực tế giám sát việc triển khai các Chương trình MTQG trên địa bàn các huyện: Trùng Khánh, Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng./.

Khắc Phục

Các bài viết khác