Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Phiên thảo luận tại Tổ 10
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Hồ sơ Quy hoạch tổng thể quốc gia được chuẩn bị cơ bản, công phu, nghiêm túc, có kết cấu phù hợp và bám sát vào ý kiến của các bộ, ngành, địa phương.
Qua ý kiến phản biện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, những vấn đề chính trong quy hoạch, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh tính cấp bách cần xem xét, thông qua Quy hoạch tổng thể quốc gia.
Đánh giá cao nỗ lực, cố gắng của Chính phủ trong việc phấn đấu hoàn thành Quy hoạch tổng thể quốc gia theo yêu cầu tiến độ tại Nghị quyết số 61/2022/QH15 của Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho rằng, cần tiếp tục bổ sung phân tích, đánh giá ưu điểm, lợi thế của điều kiện tự nhiên, khoa học công nghệ,… làm cơ sở xây dựng phương án quy hoạch.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng lưu ý, mối quan hệ giữa quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch, kế hoạch khác có liên quan như: quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh đã được cấp có thẩm quyền quyết định phê duyệt, quy hoạch khác chưa được quyết định phê duyệt,... Trong đó, quan trọng nhất là kế hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch này gắn liền với việc sửa đổi Luật đất đai.
Về quan điểm phát triển, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị cần cụ thể hơn quan điểm phát triển đã được nêu tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030, cần bổ sung lợi thế địa chính trị Việt Nam trong bối cảnh khu vực và thế giới diễn biến phức tạp, khó lường để chuẩn bị tốt nguồn lực, thúc đẩy phát triển đất nước.
Ngoài ra, Phó Chủ tịch Quốc hội Thường trực cũng yêu cầu, thời kỳ quy hoạch cần làm rõ, gắn kết những đột phá với những lợi thế so sánh và cơ hội phát triển. Đồng thời, nhận diện rõ khó khăn, thách thức để có các giải pháp đồng bộ.
Để tăng tính khả thi, hiệu quả, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý cần chú trọng một số nội dung cơ bản, như sau:
Một là, xác định rõ quan điểm quy hoạch cốt lõi và xuyên suốt để làm kim chỉ nam trong toàn bộ quy hoạch;
Hai là, sự kết nối tác động qua lại giữa một số ngành, lĩnh vực như văn hóa, du lịch, phát triển đô thị gắn với bảo vệ môi trường đô thị, phát triển ngành, lĩnh vực với nhu cầu sử dụng quỹ đất, cơ cấu đầu tư và hiệu quả đầu tư.
Ba là, phương án phân vùng quy hoạch với quy mô diện tích vườn nhỏ hơn như các tiểu vùng để xác định nhiệm vụ, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển cụ thể hơn, sát với thực trạng và tính khả thi cao.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng bày tỏ tin tưởng với sự chuẩn bị công phu của Chính phủ cùng với các ý kiến thảo luận, góp ý kỹ lưỡng của các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận tại Tổ và Hội trường, cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan trình sẽ phối hợp tiếp thu, hoàn thiện đảm bảo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đáp ứng yêu cầu thực tiễn, yêu cầu phát triển của đất nước.
Trước đó, ngày 5/1, tại Phiên khai mạc, báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Quy hoạch tổng thể quốc gia được xây dựng căn cứ vào Luật Quy hoạch; cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội đất nước thời kỳ 2021-2030, các nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội... về phát triển kinh tế-xã hội đất nước trong thời gian tới.
Quá trình lập Quy hoạch tổng thể quốc gia được thực hiện theo đúng quy trình của Luật Quy hoạch, đã huy động sự tham gia của các bộ, ngành, địa phương, các viện nghiên cứu, các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước.
Về những nội dung chủ yếu của Quy hoạch tổng thể quốc gia, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ quan điểm, tầm nhìn và mục tiêu phát triển. Trong đó, quan điểm phát triển và tổ chức không gian phát triển thời kỳ 2021-2030, Quy hoạch đã quán triệt và cụ thể hóa rõ hơn 5 quan điểm về tổ chức không gian phát triển.
Quy hoạch tổng thể quốc gia cũng nêu tầm nhìn đến năm 2050, Việt Nam là nước phát triển, thu nhập cao, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Giai đoạn 2031-2050, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 6,5-7,5%/năm. GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đến năm 2050 đạt khoảng 27.000-32.000 USD. Tỉ lệ đô thị hóa đến năm 2050 đạt 70-75%. Chỉ số phát triển con người ở mức rất cao, đời sống của người dân hạnh phúc; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc...
Trong đó, mục tiêu tổng quát đến năm 2030 phấn đấu là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, tăng trưởng kinh tế dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; mô hình tổ chức không gian phát triển quốc gia hiệu quả, thống nhất, bền vững, hình thành được các vùng, trung tâm kinh tế, đô thị động lực, có mạng lưới kết cấu hạ tầng cơ bản đồng bộ, hiện đại; bảo đảm các cân đối lớn, nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế; môi trường sinh thái được bảo vệ, thích ứng với biến đổi khí hậu; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng cao; quốc phòng, an ninh được bảo đảm. Các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu: Phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) cả nước bình quân đạt khoảng 7,0%/năm giai đoạn 2021-2030, trong đó vùng Đông Nam Bộ tăng khoảng 8-8,5%/năm, vùng Đồng bằng sông Hồng khoảng 9%/năm. Đến năm 2030, GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 7.500 USD…