PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN KHẮC ĐỊNH: PHỐI HỢP BÀI BẢN, ĐỒNG THUẬN CAO CỦA UBTVQH VÀ CHÍNH PHỦ GÓP PHẦN THÀNH CÔNG SẮP XẾP ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH GIAI ĐOẠN 2019-202

12/09/2022

Để chuẩn bị cho phiên họp thứ 15 của UBTVQH tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021", Đoàn giám sát đã có buổi làm việc với Chính phủ để rà soát hoàn thiện các nội dung báo cáo. Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định ghi nhận các kết quả đạt được đồng thời nhấn mạnh bài học kinh nghiệm về sự phối hợp chuẩn bị từ sớm, tạo sự đồng thuận từ cơ sở trong quá trình thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính.

Đoàn giám sát việc thực hiện Nghị quyết của UBTVQH về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021 làm việc với Chính phủ

Thực hiện Chương trình giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) năm 2022, ngày 06/9/2021, UBTVQH đã ban hành Nghị quyết số 288/NQ-UBTVQH15 thành lập Đoàn giám sát “Việc thực hiện các nghị quyết của UBTVQH về việc sắp xếp các đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021” nhằm xem xét, đánh giá khách quan, toàn diện kết quả tổ chức thực hiện các nghị quyết của UBTVQH về sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021, rút ra các bài học kinh nghiệm, đề xuất các kiến nghị để tiếp tục thực hiện việc sắp xếp ĐVHC trong giai đoạn 2022 - 2030. 

Đoàn giám sát đã ban hành Kế hoạch giám sát chi tiết, xây dựng đề cương yêu cầu Chính phủ, các Bộ, ngành có liên quan và UBND, HĐND, Đoàn đại biểu Quốc hội tại 45 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021 báo cáo. Đến hết tháng 02/2022, Đoàn giám sát đã nhận được đầy đủ báo cáo của các cơ quan theo yêu cầu.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định chủ trì buổi làm việc của Đoàn giám sát với Chính phủ 

Đoàn giám sát đã tổ chức 03 đoàn công tác để khảo sát, làm việc trực tiếp tại 06 tỉnh (Cao Bằng, Quảng Ninh, Hòa Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Trị); trực tiếp làm việc và gửi văn bản xin ý kiến Chính phủ, các Bộ, ngành: Nội vụ, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Công an, Lao động, Thương binh và Xã hội, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Tư pháp, Thông tin và Truyền thông, Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban Dân tộc; Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; tổ chức lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý để có thêm thông tin, luận cứ phục vụ việc xây dựng Báo cáo kết quả giám sát. Các cơ quan của Quốc hội trong lĩnh vực phụ trách đã tham gia ý kiến về các nội dung của chuyên đề giám sát. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã có báo cáo riêng về công tác tuyên truyền, vận động người dân và tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, công chức, người lao động ở các ĐVHC thực hiện sắp xếp. Các cơ quan truyền thông đã tích cực tham gia và phản ánh kịp thời các hoạt động của Đoàn giám sát đến cử tri. Lãnh đạo Quốc hội đã tham dự nhiều cuộc làm việc với Chính phủ, các Bộ, ngành địa phương và trực tiếp chỉ đạo hoạt động của Đoàn giám sát. Đồng thời, Đoàn giám sát đã tổ chức nhiều cuộc họp, làm việc của bộ phận thường trực Đoàn giám sát với Tổ giúp việc, họp toàn thể Đoàn giám sát để bàn về công tác triển khai, phân công trách nhiệm đến từng thành viên và thống nhất các nội dung của dự thảo Báo cáo, dự thảo Nghị quyết.

Tại buổi làm việc của Đoàn giám sát với Chính phủ, trình bày dự thảo báo cáo kết quả giám sát, Phó Trưởng Đoàn thường trực Đoàn giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, với sự phối hợp chặt chẽ, trách nhiệm giữa Chính phủ, các Bộ, ngành và các cơ quan có liên quan, UBTVQH đã hoàn thành việc xem xét, quyết định về việc sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021 theo đề nghị của Chính phủ. Kết quả là, chỉ trong thời gian chưa đầy 02 năm (từ tháng 9/2019 đến tháng 4/2021), UBTVQH đã xem xét tổng cộng 47 đề án, thông qua 48 nghị quyết về sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã tại 45 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. 

Phó trưởng Đoàn thường trực Đoàn giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày dự thảo báo cáo kết quả giám sát

Đây là lần sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã có quy mô lớn nhất từ sau khi thống nhất đất nước đến nay. cả nước đã thực hiện sắp xếp 21 ĐVHC cấp huyện và 1.056 ĐVHC cấp xã, qua đó giảm được 08 ĐVHC cấp huyện và 561 ĐVHC cấp xã. Sau sắp xếp, số lượng ĐVHC cấp huyện đạt đủ 50% trở lên cả 02 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số đã tăng từ 454 đơn vị lên 468 đơn vị (tăng 14 đơn vị); số lượng ĐVHC cấp xã đạt từ 50% trở lên cả 02 tiêu chuẩn đã tăng từ 4.974 đơn vị lên 5.344 đơn vị (tăng 370 đơn vị), đặc biệt là số ĐVHC cấp xã đạt và vượt 100% cả 02 tiêu chuẩn đã tăng từ 1.727 đơn vị lên 1.963 đơn vị (tăng 236 đơn vị)

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, sau hơn 02 năm (2019 - 2021) thực hiện Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm

Thứ nhất, cần có sự chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện đồng bộ, thống nhất, liên thông của Đảng, của các cấp chính quyền và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã; phải tăng cường vai trò, trách nhiệm của cấp ủy và người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo việc rà soát và xây dựng các phương án sắp xếp ĐVHC.

Thứ hai, chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, công tác tư tưởng cho đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và người dân nhận thức rõ nhiệm vụ chính trị, lợi ích của việc sắp xếp để tạo được sự đồng thuận cao trong quá trình thực hiện. Cấp ủy, chính quyền cần lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân, của cán bộ, công chức, viên chức để thấu hiểu và nhận được sự đồng thuận.

Thứ ba, quá trình rà soát, đánh giá thực trạng ĐVHC trên địa bàn, lập phương án sắp xếp ĐVHC và dự kiến bố trí đội ngũ cán bộ, công chức cấp huyện, cấp xã khi thực hiện sắp xếp phải được tiến hành khoa học, khách quan, công khai, minh bạch; bảo đảm tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của Nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động chịu ảnh hưởng của việc sắp xếp các ĐVHC.

Các thành viên Đoàn giám sát tại phiên họp

Thứ tư, việc bố trí và giải quyết chế độ, chính sách đối những người trực tiếp bị ảnh hưởng khi sắp xếp tổ chức và tinh giản biên chế phải kịp thời, đúng đối tượng, đúng quy trình, thủ tục theo quy định của pháp luật; đồng thời phải có chính sách hỗ trợ phù hợp.

Thứ năm, công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết phải được tiến hành thường xuyên, liên tục ở các cấp, bảo đảm kịp thời tháo gỡ, giải quyết ngay các vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện; đồng thời báo cáo cơ quan có thẩm quyền để có hướng dẫn phù hợp.

Thứ sáu, việc sắp xếp ĐVHC không chỉ tính đến việc sáp nhập để giảm số lượng ĐVHC mà còn phải tính đến mục tiêu mở rộng không gian, tạo động lực phát triển ĐVHC; đồng thời cũng cần tính đến các yếu tố đặc thù, đến chất lượng ĐVHC.

Phát biểu tại buổi làm việc, nêu rõ tinh thần cởi mở, chân thành và đảm bảo tính thực tiễn của vấn đề, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị các cơ quan cũng thảo luận, đánh giá tình hình sát đúng cả về mặt tốt và những tồn tại, hạn chế, bất cập, từ đó tìm ra nguyên nhân, những cái gì cần phải sửa chữa; đồng thời rà soát các dự thảo, phụ lục để thể hiện dễ hiểu, rõ ràng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại phiên họp

Cơ bản nhất trí với các kết quả giám sát mà Đoàn giám sát đã nêu, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng đề nghị thể hiện trong báo cáo kết quả giám sát đậm nét hơn về kết quả đạt được, nguyên nhân của kết quả. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, có được kết quả sắp xếp ĐVHC thành công trong giai đoạn vừa qua là nhờ sự phối hợp giữa các cơ quan, sự phối hợp giữa Chính phủ với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sự phối hợp giữa các cơ quan của Chính phủ với các cơ quan Quốc hội trong một thời gian rất ngắn giải quyết được khối lượng công việc rất lớn. Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, nếu như không có sự phối hợp một cách bài bản, làm việc từ sớm, có sự đồng thuận cao, có hệ thống cơ sở pháp lý chặt chẽ, tương đối chặt chẽ, đầy đủ thì không thể thực hiện và có được kết quả như vừa qua.

Chia sẻ, đã từng có cuộc họp mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét đề án sắp xếp ĐVHC của 20 tỉnh. Nếu như không có sự phối hợp tốt của đội ngũ chuyên môn, từ chuyên viên đến cấp vụ, cục, rồi đến cấp Thứ trưởng, Bộ trưởng, rồi đến cấp lãnh đạo Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Việc thông qua các nghị quyết cũng đạt đồng thuận cao, trên cơ sở đó các địa phương về triển khai cũng đạt kết quả tốt.

Nêu rõ, đây là bài học kinh nghiệm về sự phối hợp chuẩn bị từ sớm, tạo sự đồng thuận từ cơ sở trong quá trình thực hiện sắp xếp ĐVHC, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị nội dung này cần được thể hiện rõ trong báo cáo kết quả giám sát; đồng thời đề nghị các bên cùng rà soát để bổ sung các nội dung để thể hiện đầy đủ trong báo cáo. 

Bảo Yến

Các bài viết khác