PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN ĐỨC HẢI CHỦ TRÌ CUỘC LÀM VIỆC CỦA ĐOÀN GIÁM SÁT VỚI 6 ĐỊA PHƯƠNG CÁC TỈNH PHÍA BẮC VÀ MIỀN TRUNG

21/03/2022

Chiều 21/3, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Trưởng Đoàn giám sát, Đoàn Giám sát của Quốc hội chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành” làm việc với 6 địa phương các tỉnh phía Bắc và miền Trung gồm: Tp.Hải Phòng, Tp.Đà Nẵng, các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang, Hà Tĩnh, Quảng Bình.


Tham dự buổi làm việc có: Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh - Phó Trưởng Đoàn Thường trực Đoàn giám sát; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh – Phó Trưởng Đoàn giám sát cùng các thành viên Đoàn giám sát; Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam Phan Xuân Dũng và một số chuyên gia. Về phía cơ quan báo cáo tham dự từ các điểm cầu có đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân, Hội đồng nhân dân, Đoàn ĐBQH của 6 địa phương ở các tỉnh phía Bắc và miền Trung.


Đoàn Giám sát của Quốc hội về công tác quy hoạch làm việc với  6 địa phương các tỉnh phía Bắc và miền Trung theo hình thức trực tuyến.

Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh: Cuộc giám sát này ngoài báo cáo của UBND còn có báo cáo giám sát của Hội đồng nhân dân, Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố. Đoàn giám sát đánh giá cao các cơ quan đã gửi báo cáo đầy đủ, đúng hạn. Theo các báo cáo, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy và Thường trực HĐND các địa phương đã chỉ đạo sâu sát công tác quy hoạch nhờ đó đã kịp thời tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc.

Mặc dù tiến độ lập các quy hoạch chậm nhưng đến nay nhiều địa phương đã đến bước báo cáo hoặc chuẩn bị báo cáo Hội đồng nhân dân xem xét để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; riêng Bắc Giang và Hà Tĩnh đã trình Thủ tướng Chính phủ. Các địa phương cũng đang lập hoặc đã phê duyệt các đồ án quy hoạch xây dựng vùng tỉnh; đồ án quy hoạch xây dựng khu chức năng đặc thù và đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn… Các địa phương cũng đang thực hiện rà soát, tổ chức lập điều chỉnh quy hoạch đô thị, phân khu đô thị, lập điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng xã và Quy hoạch chi tiết xây dựng trung tâm xã trên địa bàn quận, huyện, thị xã. Tích cực triển khai lập Quy hoạch sử dụng đất 2021 - 2030, kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2025; rà soát bãi bỏ các quy hoạch theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 59 Luật Quy hoạch. Để đạt hiệu quả, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị hội nghị tập trung thảo luận một số vấn đề sau:

Thứ nhất: Hiện nay quy hoạch tổng thể Quốc gia chưa lập, định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia đang dự thảo chưa được cấp có thẩm quyền quyết định; hầu hết các Quy hoạch ngành quốc gia chưa lập xong. Vậy căn cứ nào để các địa phương lập Quy hoạch Thành phố (tỉnh); Có địa phương báo cáo, việc lập Quy hoạch cơ bản là rà soát đánh giá quy hoạch cũ nếu bất cập thì điều chỉnh và bổ sung một số nội dung theo định hướng phát triển giai đoạn tới của địa phương. Như vậy, việc lập quy hoạch có gì đổi mới, có khác gì so với trước đây, chất lượng quy hoạch có gì đột phá và làm thế nào để thống nhất với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia - đề nghị các địa phương, các đại biểu thẳng thắn, nêu rõ quan điểm của mình.

Vấn đề này cũng đề nghị Bắc Giang, Hà Tĩnh là 02 tỉnh đã lập xong quy hoạch báo cáo rõ thêm và đề nghị 2 tỉnh cũng đánh giá quy hoạch tỉnh được phê duyệt có bảo đảm chất lượng không, có thống nhất được với các quy hoạch cấp trên không, hay sẽ phải điều chỉnh nhiều; thực tế hiện nay quy hoạch sử dụng đất quốc gia, 4 quy hoạch của ngành giao thông đã được phê duyệt có thống nhất được với quy hoạch tỉnh của 2 địa phương không; quy hoạch tỉnh có phải điều chỉnh không, nếu phải điều chỉnh theo quy hoạch cấp trên thì các công việc, dự án đang thực hiện theo quy hoạch tỉnh được duyệt nhưng không phù hợp với quy hoạch cấp trên sẽ xử lý như thế nào.

Thứ hai: Quy hoạch Thành phố (tỉnh) muốn hoàn thành thì phải tích hợp được các nội dung của các Quy hoạch ngành Quốc gia, quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành, chiến lược phát triển của ngành, lĩnh vực nhưng hiện nay hầu hết Quy hoạch ngành quốc gia chưa lập xong; danh mục các quy hoạch kỹ thuật, chuyên ngành Chính phủ chưa ban hành; các bộ, ngành hầu hết cũng chưa lập, phê duyệt chiến lược phát triển. Do vậy đề nghị các địa phương báo cáo rõ, hiện nay việc tích hợp để lập quy hoạch Thành phố (tỉnh) được thực hiện như thế nào, căn cứ để tích hợp, các hướng dẫn, các quy định để tích hợp đã đầy đủ chưa, có khó khăn, vướng mắc không; có địa phương báo cáo là tích hợp theo các quy hoạch cũ khi các quy hoạch mới chưa được duyệt, như vậy có đảm bảo thống nhất được với các quy hoạch cấp trên tới đây được duyệt không, có phải điều chỉnh nhiều không. Vấn đề này đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tỉnh Bắc Giang, tỉnh Hà Tĩnh là hai tỉnh đã lập xong quy hoạch báo cáo rõ thêm.

Thứ ba: Khi thực hiện Luật Quy hoạch thì nhiều quy hoạch bị bãi bỏ nhưng hầu hết chưa ban hành được chính sách thay thế; bất cập này ảnh hưởng như thế nào đến quản lý nhà nước trên địa bàn, có hậu quả gì xảy ra chưa; nhiều địa phương cũng báo cáo thay thế các quy hoạch bằng các tiêu chuẩn, kỹ thuật để phục vụ công tác quản lý nhà nước là chưa hợp lý vì tiêu chuẩn, kỹ thuật chỉ là một trong những tiêu chí khi xây dựng quy hoạch, không thể thay thế hoàn toàn cho quy hoạch. Đề nghị các địa phương, các đại biểu tập trung thảo luận nội dung này.


Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát Nguyễn Đức Hải phát biểu tại cuộc làm việc.

Thứ tư: Hiện nay, Quy hoạch vùng đồng bằng sông Sông Hồng chưa được phê duyệt trong khi quy hoạch tỉnh căn cứ vào Quy hoạch vùng để lập. Các địa phương báo cáo là đã gửi văn bản tham gia khi được xin ý kiến về Quy hoạch vùng nhưng không thuyết minh các ý kiến của tỉnh có được tiếp thu hay giải trình không; đồng thời các địa phương cũng làm rõ là đã tham khảo các thông tin của Quy hoạch vùng như thế nào để đưa vào quy hoạch tỉnh. Đây là vấn đề quan trọng để khẳng định chất lượng của Quy hoạch tỉnh và đảm bảo thúc đẩy phát triển vùng nên các địa phương báo cáo rõ thêm đặc biệt là Bắc Giang và Hà Tĩnh.

Thứ năm: Hiện việc lập quy hoạch của các địa phương đều chậm, các báo cáo nêu nhiều nguyên nhân trong đó có nguyên nhân là văn bản hướng dẫn chưa đầy đủ, chưa chi tiết, rõ ràng; hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng, kể các Luật cũng còn bất cập; còn có mâu thuẫn, chồng chéo giữa các pháp luật chuyên ngành và pháp luật về quy hoạch xây dựng….Đề nghị các địa phương nêu cụ thể hơn và kiến nghị rõ sửa đổi văn bản nào và sửa như thế nào. Đồng thời cũng báo cáo cụ thể các văn bản hướng dẫn còn thiếu các nội dung nào, có cần bổ sung thêm không.

Thứ sáu: Các đại biểu cũng cho ý kiến về việc mức độ tích hợp theo quy định hiện nay, việc lựa chọn tư vấn có bất cập không; chất lượng của tư vấn và sự phù hợp về năng lực, kinh nghiệm của tư vấn so với yêu cầu lập quy hoạch theo quy định mới như thế nào; việc sử dụng vốn đầu tư công để lập quy hoạch, việc thanh quyết toán kinh phí, tỷ lệ bản đồ, hệ tọa độ của các bản đồ… hiện nay có vướng mắc không; Thành phố Hải Phòng, Đà Nẵng báo cáo thêm là quy định về quy hoạch sử dụng đất theo Luật đất đai và quy hoạch sử dụng đất trong quy hoạch xây dựng có trùng lặp, mâu thuẫn, chồng chéo không.

Thứ bảy: Hiện nay trung ương chưa phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất cho các địa phương; đề nghị các địa phương báo cáo rõ căn cứ để lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch sử dụng đất cấp huyện; tính khả thi, hiệu quả của các quy hoạch sử dụng đất cấp huyện khi được phê duyệt; việc quản lý đất cấp huyện hiện nay được thực hiện như thế nào, căn cứ pháp lý để thực hiện; đồng thời đề nghị các địa phương đề xuất cụ thể giải pháp để giải quyết vấn đề này.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội sẽ tiếp tục thông tin chi tiết về nội dung làm việc./.

Bích Lan-Minh Thành