CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN THỊ KIM NGÂN DỰ LỄ TUYÊN DƯƠNG NHỮNG TẤM GƯƠNG SÁNG THẦM LẶNG VÌ CỘNG ĐỒNG

28/11/2020

Chiều ngày 28/11, tại Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã dự Lễ tuyên dương ''Những gương sáng thầm lặng vì cộng đồng''. Chương trình do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức, tôn vinh 400 cá nhân tiêu biểu đã có nhiều đóng góp cho cộng đồng.



Đây là hoạt động quan trọng trong chuỗi sự kiện tuyên dương "Những gương sáng thầm lặng vì cộng đồng" tại Hà Nội từ ngày 27 và 28/11/2020, là hoạt động của Ngành Lao động, thương binh và xã hội hướng tới Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X, kỷ niệm 10 năm ngày Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 32/2020/QĐ-TTg ngày 25/3/2010 phê duyệt Đề án phát triển công tác xã hội giai đoạn 2010 – 2020, đánh dấu mốc quan trọng của ngành công tác xã hội tại Việt Nam. Cùng dự có nguyên Tổn Bí thư Nông Đức Mạnh, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh và các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, lãnh đạo các Bộ, ban ngành trung ương

400 tấm gương được tuyên dương lần này đến từ nhiều vùng, miền và lĩnh vực khác nhau. Họ là những thầy cô giáo đã dành cả cuộc đời đem con chữ cho những trẻ em ở vùng sâu, vùng xa, trẻ em lang thang, cơ nhỡ; những người đã tự nguyện hiến tặng tất cả tài sản, đất đai, nhà cửa để nhận chăm sóc, nuôi dưỡng người cô đơn, không nơi nương tựa, trẻ mồ côi; những người tham gia tích cực vào các chương trình của cộng đồng vì người nghèo, tự nguyện ủng hộ quyên góp hàng trăm tỷ đồng vào các chương trình thiện nguyện… Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định việc tôn vinh, biểu dương những tấm gương đẹp cũng như những cán bộ đóng góp cho công tác an sinh xã hội, phúc lợi xã hội cũng như hàng triệu người vẫn đang thầm lặng, hàng ngày phục vụ cộng đồng là điều cần thiết.

Một trong các câu chuyện hết sức xúc động và cảm động, đó là chia sẻ cống hiến thầm lặng của ông Nguyễn Trung Chắt, người cha của 292 trẻ mồ côi, một cựu chiến binh ở Lạng Sơn. Với sự hy sinh cao cả và tình thương vô bờ bến với trẻ mô côi, ông đã thành lập Trung tâm “Hy vọng”, nuôi dạy những đứa trẻ ở mọi lứa tuổi, với mong muốn “các con" có thể vượt qua hoàn cảnh mồ côi khó khăn, trưởng thành trở thành những người tử tế cho xã hội.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng thi đua – Khen thưởng Trung ương phát biểu tại buổi Lễ. Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN

Chia sẻ tại chương trình, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh khẳng định trong khó khăn vẫn luôn có hàng triệu tấm lòng cả nước và khắp năm châu hướng về trước đại dịch Covid-19 với tinh thần "mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh", đi đầu là những chiến sĩ áo trắng, sẵn sàng bất kể ngày đêm túc trực để điều trị, chăm sóc người bệnh, sát cánh là những cán bộ, chiến sĩ bộ đội, công an, dân phòng, tình nguyện viên, những người đã tạo nên lá chắn thép góp phần ngăn dịch bệnh không lây lan ra cộng đồng.

Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh ghi nhận và  cảm ơn những tấm lòng vàng, những hoạt động thiện nguyện của các cơ quan, tổ chức, cá nhân đã đồng hành cùng người có công với cách mạng, người cao tuổi, trẻ em, người nghèo, người khuyết tật trên con đường hướng tới một cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn. Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống và nhà ở của người có công, cũng như các đối có hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều đối tượng cần trợ giúp, trong đó 6,4 triệu người khuyết tật, 2 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và nhiều đối tượng yếu thế khác.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và toàn xã hội cần tiếp tục quan tâm làm tốt hơn nữa công tác chăm lo cho người nghèo, người yếu thế, đối tượng bảo trợ xã hội.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trao danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới cho Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN

Phó Chủ tịch nước Đặng Ngọc Thịnh nhấn mạnh:“Tiếp tục hoàn thiện các chính sách, pháp luật về bảo đảm an sinh xã hội, trong đó quan tâm ưu tiên bảo đảm tất cả các gia đình chính sách đều có cuộc sống bằng và khá hơn mức sống trung bình của người dân địa phương, song song đó có giải pháp quan tâm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người có hoàn cảnh khó khăn trên cơ sở kết hợp ba nguồn: Nhà nước, cộng đồng và cá nhân đối tượng khó khăn tự vươn lên, Các cơ quan truyền thông và các ngành, các cấp cần đẩy mạnh tuyên truyền, nhân rộng “Những tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng” lan tỏa trong toàn xã hội, như lời Bác Hồ dạy: “Lấy gương người tốt, việc tốt để hằng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”. Đây cũng chính là sự thể hiện sức mạnh đoàn kết của dân tộc, mà đoàn kết là truyền thống cực kỳ quý báu làm nên sức mạnh vô địch của dân tộc Việt Nam, được hun đúc trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trao Danh hiệu Anh hùng Lao động cho ông Lê Văn Kiểm và bà Trần thị Cẩm Nhung. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN

Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Chủ tich Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã trao Danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới cho Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam và cá nhân ông Lê Văn Kiểm - Uỷ viên Ban Thường vụ Hội Cựu chiến binh Việt Nam, và Bà Trần Cẩm Nhung - Ủy viên Hội đồng Bảo trợ Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam.

Hải Yến