Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch AIPA 41 Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ vinh hạnh được mời tham dự và phát biểu tại Phiên họp đặc biệt cấp cao ASEAN về Tăng quyền cho phụ nữ trong thời đại số; khẳng định cùng với những hoạt động kỷ niệm 45 năm thành lập Ủy ban ASEAN về phụ nữ, 25 năm thông qua Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh và 5 năm triển khai các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs), việc tổ chức Phiên họp cho thấy cam kết mạnh mẽ ở cấp cao của ASEAN trong việc thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ.
Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch AIPA 41 Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, thế giới và nhân loại đang trải qua những thời khắc khó khăn khi Đại dịch COVID-19 đang tiếp tục lan rộng và diễn biến khó lường, tác động tiêu cực đến mọi mặt của đời sống xã hội đối với tất cả các quốc gia. Trong đó, phụ nữ và trẻ em gái là nhóm đối tượng có khả năng chịu ảnh hưởng sâu sắc nhất.
Cùng với sự phát triển nhanh chóng về khoa học, công nghệ và nhất là công nghệ số của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 đã và đang đặt ra cho phụ nữ và trẻ em gái trên toàn cầu những khó khăn, thách thức mới, trong đó khoảng cách bất lợi về giới trong thời đại số ngày càng gia tăng; lao động thủ công mà đa số là lao động nữ có thể bị thay thế bằng tự động hóa, đồng thời với việc nhiều phụ nữ ở các quốc gia đang phát triển không có điều kiện để tiếp cận với công nghệ số.
Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch AIPA 41 Nguyễn Thị Kim Ngân hoan nghênh và đánh giá cao chủ đề của Phiên họp là "Hành động mạnh mẽ hơn nữa vì sự tham gia của phụ nữ trong vai trò lãnh đạo chính trị trong một thế giới biến động và bất ổn".
Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch AIPA 41 Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, trên thế giới, hiện nay đã có 20 nữ lãnh đạo Nhà nước và Chính phủ, có 20,5% Chủ tịch Quốc hội là nữ. Các nước Đông Nam Á chúng ta có 3 Chủ tịch Quốc hội là nữ ở các nước: Lào, Indonesia và Việt Nam. Và hiện cũng đang có một đội ngũ đông đảo nữ giới với vai trò là các chính khách, doanh nhân, các chuyên gia, nhà khoa học uy tín hàng đầu trên thế giới, là xu hướng tiến bộ mà chúng ta cần phải thúc đẩy và tiếp tục phát huy.
Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch AIPA 41 Nguyễn Thị Kim Ngân chia sẻ, ở Việt Nam, thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ luôn là chính sách nhất quán và xuyên suốt của Nhà nước. Bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946 và các bản Hiến pháp sau đó, chúng tôi đều hiến định: “nam, nữ bình quyền”. Trên cơ sở quy định của Hiến pháp, Quốc hội Việt Nam đã xây dựng được một hệ thống các văn bản pháp luật nhằm bảo vệ và thúc đẩy nâng cao và trao quyền đối với phụ nữ, đồng thời luôn quan tâm giám sát việc thực thi pháp luật và triển khai các chính sách của Chính phủ, các bộ, ngành trong lĩnh vực quan trọng này. Trong Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân của Việt Nam đã ấn định tỷ lệ nữ tối thiểu là ứng cử viên đại biểu dân cử, nhờ vậy mà Quốc hội Khóa XIV đương nhiệm đã có 26,72% đại biểu là nữ - một tỷ lệ được đánh giá là khá cao so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Nhiều phụ nữ Việt Nam đã giữ các vị trí quan trọng trong hệ thống chính trị, trong lĩnh vực kinh tế, khoa học và nhiều người đi đầu trong đổi mới, sáng tạo.
Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch AIPA 41 Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ vui mừng khi nhận thấy ASEAN đã luôn nỗ lực thúc đẩy các chương trình bảo đảm bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ thông qua nhiều sáng kiến, hoạt động trong khuôn khổ chính thức của ASEAN; đồng thời mong rằng, ASEAN tiếp tục có những sáng kiến thiết thực nhằm trao quyền cho phụ nữ và tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị, phù hợp với xu thế phát triển và tiến bộ của thế giới. Chủ tịch Quốc hội Việt Nam bày tỏ tin tưởng rằng ASEAN sẽ tiếp tục tận dụng lợi thế là khu vực có tốc độ tăng trưởng Internet nhanh của thế giới để nâng cao vị thế của người phụ nữ, nhất là vai trò của phụ nữ lãnh đạo, góp phần bảo đảm bình đẳng giới.
Phiên họp đặc biệt về tăng quyền cho phụ nữ trong thời đại số là sáng kiến do Việt Nam đề xuất nhằm khẳng định cam kết của các Nhà lãnh đạo ASEAN trong thúc đẩy bình đẳng giới và nâng cao vai trò của phụ nữ trong quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN
Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch AIPA 41 Nguyễn Thị Kim Ngân đã có một số đề xuất gửi tới các Chính phủ ASEAN và các đối tác. Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ:
Thứ nhất, cần tiếp tục bổ sung hoàn thiện chính sách, pháp luật để thúc đẩy bình đẳng giới, trao quyền và nâng cao vị thế đối với phụ nữ, tạo thuận lợi để tất cả phụ nữ và trẻ em gái không chỉ tiếp cận mà còn được hưởng lợi thực chất từ các cơ hội do công nghệ số và hội nhập quốc tế mang lại, từ đó tăng cường sự tham gia và cơ hội phát triển đối với phụ nữ.
Thứ hai, cần phát huy vai trò của các cơ quan đại biểu dân cử trong việc tham gia ý kiến, truyền đạt tâm tư, nguyện vọng của cử tri nữ, trẻ em gái để có các chính sách phù hợp, tạo điều kiện và xóa bỏ những rào cản để nữ giới có thể tiếp cận với công nghệ số một cách thuận lợi.
Thứ ba, cần khuyến khích sự tham gia của tất cả các chủ thể trong xã hội, trong đó có vai trò đặc biệt của nam giới trong việc hỗ trợ nữ giới cả trong công việc gia đình cũng như tại nơi làm việc; tiếp tục thực hiện bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ với các chương trình, kế hoạch tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức nhằm thay đổi định kiến và khuôn mẫu giới, xoá bỏ nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em để bảo đảm tất cả phụ nữ và trẻ em gái đều được tôn trọng, bình đẳng trong mọi mặt của đời sống xã hội.
Thứ tư, phát huy cơ chế Nữ nghị sỹ AIPA, thành lập và vận hành có hiệu quả Nhóm nữ nghị sỹ trong các nghị viện thành viên ASEAN và tăng cường hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm giữa các Nhóm nữ nghị sĩ trong khu vực để thúc đẩy tiếng nói và hành động chung về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ trong các lĩnh vực.
Thứ năm, trong ASEAN, cần thúc đẩy cách tiếp cận đồng thời cả khía cạnh bình đẳng giới và công nghệ số trong phạm vi toàn khu vực, đẩy mạnh hợp tác và thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm giữa các nước ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác khu vực, quốc tế khác trong lĩnh vực này, thông qua các khuôn khổ của ASEAN như Hội nghị Bộ trưởng phụ nữ ASEAN (AMMW), Ủy ban Phụ nữ ASEAN (AWC) và Ủy ban thúc đẩy và bảo vệ quyền phụ nữ và trẻ em ASEAN.
Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch AIPA 41 Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, để tăng quyền cho phụ nữ các quốc gia ASEAN nói chung và trong thời đại công nghệ số nói riêng, ASEAN cần tiếp tục thúc đẩy và tăng cường sự hợp tác chặt chẽ, hỗ trợ hiệu quả của các thiết chế Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế, các định chế quốc tế nhằm xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật về bình đẳng giới như một giá trị phổ quát, cốt lõi vốn có trên toàn cầu đến mọi thực thể trong khu vực, các quốc gia và cộng đồng xã hội. Đồng thời, để phát huy vai trò của phụ nữ trong thời đại số, cần phải tăng cường trang bị các kiến thức, kỹ năng về công nghệ thông tin cho phụ nữ, đó chính là chính sách hữu hiệu nhằm thu hẹp khoảng cách giữa nam giới và nữ giới. Công nghệ số có thể là cầu nối thu hẹp khoảng cách về giới trong thời đại số.
Lãnh đạo các Chính phủ của ASEAN tiếp tục là những hình mẫu thể hiện vai trò cá nhân và chính trị, dẫn dắt và nêu gương trong việc quan tâm thực chất đến phụ nữ, trẻ em gái và bình đẳng giới cho tất cả mọi người dân, cộng đồng xã hội trong khu vực và trên toàn cầu.
Nhân dịp này, thay mặt Quốc hội Việt Nam và phụ nữ Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân gửi lời chúc các Chính phủ ASEAN thành công trong công tác quan trọng này và khẳng định Việt Nam sẽ luôn đồng hành, chia sẻ, gánh vác trách nhiệm trong vấn đề này./.