PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI UÔNG CHU LƯU: SỬA ĐỔI LUẬT TỔ CHỨC QUỐC HỘI ĐỂ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA QUỐC HỘI

13/02/2020

Kết luận tại phiên thảo luận về các vấn đề còn ý kiến khác nhau về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội tại phiên họp thứ 42 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị Ban soạn thảo, Ủy ban thẩm tra tiếp thu ý kiến của các đại biểu, nghiên cứu chỉnh sửa để bảo đảm phù hợp với chủ trương của Đảng và quy định của Hiến pháp, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Thảo luận về các vấn đề còn ý kiến khác nhau về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội tại phiên họp thứ 42, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng: tại kỳ họp thứ 8, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận rất sôi nổi, tâm huyết, trách nhiệm, thẳng thắn nêu những vấn đề tâm tư, lo lắng. Đồng thời đánh giá rất cao Ủy ban Pháp luật cũng như Cơ quan trình đã tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ các ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội đối với một dự Luật khó và nhạy cảm như Luật này.

Bên cạnh đó cũng có một số điểm quy định mang tính hành chính, vì thế cần phải rà soát lại nhiều vấn đề của dự Luật theo tinh thần của Hiến pháp và đảm bảo tính khoa học quản lý chứ không đơn thuần là gắn trách nhiệm lên vai người đứng đầu. Tên gọi của các Ủy ban cũng cần gọn lại cho khoa học, vấn đề nhiệm vụ nội bộ của các Ủy ban cũng cần phải điều chỉnh cho phù hợp…


Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu tại phiên họp 

Kết luận nội dung phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự nỗ lực,chuẩn bị công phu của Cơ quan soạn thảo và Ủy ban Pháp luật. Đối với những nội dung cụ thể, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều thống nhất nên để như phạm vi điều chỉnh của dự án Luật, đã trình ra Quốc hội.

Về số lượng, cơ cấu, tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội và tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách: Phó Chủ tịch Quốc hội thống nhất để 2 phương án như dự thảo để xin ý kiến các Đại biểu quốc hội. Cụ thể, Phương án 1: Quy định tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ít nhất là 40% tổng số đại biểu Quốc hội, trong đó nghiên cứu cơ chế dành tỷ lệ nhất định (khoảng 5%) cho các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý gần đến tuổi nghỉ hưu hoặc đã nghỉ hưu nhưng đủ điều kiện về sức khỏe, có kinh nghiệm, năng lực công tác, trí tuệ và uy tín có thể tham gia làm đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách mà không giữ chức vụ lãnh đạo trong các cơ quan của Quốc hội. Phương án 2: Giữ quy định tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ít nhất là 35% tổng số đại biểu Quốc hội như trong Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành.  

Về địa vị pháp lý, nhiệm vụ, quyền hạn của Đoàn đại biểu Quốc hội, số lượng đại biểu Quốc hội thống nhất là 500: Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị giữ như luật hiện hành, và giảm đại biểu Quốc hội ở các cơ quan hành pháp, tăng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách, đồng thời dành một tỷ lệ khoảng 5% (là những người chuẩn bị nghỉ hưu hoặc đến tuổi nghỉ hưu nhưng có đủ điều kiện về kinh nghiệm, sức khỏe, trí tuệ, uy tín có thể bầu vào đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, không giữ chức vụ lãnh đạo trong các cơ quan Quốc hội). Số đại biểu này ở các cơ quan Đảng, các cơ quan Chính phủ, cơ quan tư pháp, cơ quan Quốc hội và ở chính quyền địa phương, có thể là các nhà khoa học, nhà hoạt động về chính trị - xã hội có uy tín.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, việc chuyển các ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành cơ quan chuyên môn của Quốc hội hay thành Ủy ban của Quốc hội, đây là vấn đề lớn, mới, hiện đang còn ý kiến khác nhau

Về địa vị, nhiệm vụ, quyền hạn của Đoàn đại biểu Quốc hội và bộ máy giúp việc Đoàn đại biểu Quốc hội: Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, Đoàn ĐBQH là một tổ chức của các đại biểu Quốc hội ở một đơn vị bầu cử địa phương và là nơi kết nối giữa đại biểu Quốc hội với Quốc hội, chứ không phải là cơ quan của Quốc hội. Trong thực tế, do vị trí, vai trò của Đoàn đại biểu Quốc hội ở địa phương và ở Quốc hội, cho nên Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành đã bổ sung chức năng giám sát, theo đó ngoài mỗi đại biểu có quyền giám sát thì Đoàn đại biểu cũng có chức năng, nhiệm vụ giám sát được ghi trong Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị giữ nguyên như hiện hành.

Về chế độ, chính sách: Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh: Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất 2 nguồn kinh phí: Kinh phí hoạt động của đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội từ ngân sách Trung ương cấp, kinh phí hoạt động cho Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội là do ngân sách địa phương bảo đảm, còn các chế độ, chính sách địa phương bảo đảm. Các chế độ, chính sách về cán bộ thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất theo quy định hiện nay.

Về cơ cấu tổ chức của Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực Ủy ban Quốc hội: Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị để 02 phương án để trình Quốc hội thảo luận, xem xét quyết định. Cụ thể, Phương án 1: Giữ như quy định hiện hành, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội gồm Chủ tịch/Chủ nhiệm, Phó Chủ tịch/Phó Chủ nhiệm, Ủy viên Thường trực, Ủy viên Chuyên trách và các Ủy viên khác nhưng mở rộng cơ cấu của Thường trực Hội đồng, Thường trực Ủy ban gồm Chủ tịch/Chủ nhiệm, Phó Chủ tịch/Phó Chủ nhiệm, Ủy viên Thường trực và Ủy viên Chuyên trách. Phương án 2: Quy định Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội gồm Chủ tịch/Chủ nhiệm, Phó Chủ tịch/Phó Chủ nhiệm và các Ủy viên; còn việc xác định bộ phận Thường trực Hội đồng, Thường trực Ủy ban để hoạt động chuyên trách, thường xuyên tại Hội đồng, Ủy ban sẽ do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định.

Về vấn đề chuyển các ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành cơ quan chuyên môn của Quốc hội hay thành Ủy ban của Quốc hội: Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh: Đây là vấn đề lớn, nội dung rất quan trọng, qua thảo luận trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn có ý kiến khác nhau. Nhiều ý kiến phát biểu tán thành việc chuyển Ban Công tác đại biểu và Ban Dân nguyện thành cơ quan chuyên môn thuộc Quốc hội; có ý kiến còn băn khoăn về cơ sở lý luận và thực tiễn của việc chuyển Ban Công tác đại biểu và Ban Dân nguyện thành các cơ quan chuyên môn thuộc Quốc hội. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục nghiên cứu kỹ hơn để bảo đảm phù hợp với chủ trương của Đảng và quy định của Hiến pháp, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Đảng đoàn Quốc hội sẽ bố trí một phiên họp riêng để thảo luận kỹ hơn các đề án về bộ máy giúp việc của Quốc hội (gồm đề án chuyển Ban Công tác đại biểu, Ban Dân nguyện thành cơ quan chuyên môn thuộc Quốc hội, đề án về sắp xếp cơ cấu tổ chức bên trong của Văn phòng Quốc hội và Viện Nghiên cứu lập pháp) và các vấn đề liên quan nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trước khi báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định./.

Trọng Quỳnh (ghi)