PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI PHÙNG QUỐC HIỂN: KINH TẾ PHÁT TRIỂN TẠO THẾ VÀ VÀ LỰC MỚI CHO ĐẤT NƯỚC

23/01/2020

Ấn tượng, khởi sắc… là những cụm từ đã được các chuyên gia kinh tế sử dụng để bình luận về kinh tế Việt năm 2019. Dự báo năm 2020, kinh tế Việt Nam sẽ có bước đột phá như thế nào để khép lại giai đoạn 2016-2020, bước sang giai đoạn mới với vận hội mới? Nhân dịp đầu xuân Canh Tý, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đã dành cho Truyền hình Quốc hội Việt Nam cuộc trò chuyện về những triển vọng của nền kinh tế đất nước.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển trả lời phỏng vấn phóng viên Truyền hình Quốc hội Việt Nam

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đã nhận lời trả lời phỏng vấn của Truyền hình Quốc hội Việt Nam. Thưa Phó Chủ tịch Quốc hội, trong khi nền kinh tế thế giới đang tăng trưởng chậm thì Việt Nam vẫn là một ngoại lệ. Nhiều chuyên gia nước ngoài đánh giá nền kinh tế Việt Nam không chỉ duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh nhất khu vực ASEAN vào năm nay mà còn tiếp tục phát triển trong những năm tới. Phó Chủ tịch đánh giá như thế nào về nhận định này?

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển: Tôi cho rằng các định chế tài chính trên thế giới cũng như các chuyên gia họ đánh giá về tình hình kinh tế khu vực đã có một cái đánh giá đúng đắn.

Năm 2019 là năm mà kinh tế thế giới có rất nhiều biến động. Đặc biệt là quan điểm về dân tộc, bảo hộ về kinh tế đang được một số quốc gia duy trì, cùng với đó là sự biến động về tài chính thế giới làm cho kinh tế thế giới có những bước tiến so với những năm trước đây có xu thế chậm lại và càng trở nên phức tạp hơn. Khi chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế lớn mà nổi bật nhất là chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, hai nền kinh tế đứng thứ nhât, thứ nhì thế giới diễn ra càng làm cho bầu không khí của kinh tế thế giới trở nên rất ảm đạm và chậm đi. Mỹ cũng có nhiều khởi sắc nhưng vẫn nằm trong khoảng tăng trưởng hơn 2%. Trung Quốc nền kinh tế thứ 2 giảm thấp xuống dưới 6%. Thậm chí có các chuyên gia họ đánh giá rằng thực tế của Trung Quốc 1,6%. Nợ công của nền kinh tế thế giới rất cao… Tất cả vấn đề đó báo hiệu kinh tế thế giới năm 2020 tiếp tục khó khăn.

Trong khi đó các nước trong khối Asean vẫn được đánh giá là nền kinh tế khá năng động và vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng tốt. Điều đáng mừng trong bối cảnh như vậy Việt Nam chúng ta lại là một trong những nước đứng ở tốp đầu về tăng trưởng kinh tế khối Asean và cũng là một trong những nền kinh tế hiếm hoi trên thế giới là có mức tăng trưởng liên tục trong những năm qua và năm nay giữ được trên 7%. Đó là điều đáng mừng.

Chúng ta tăng trưởng như vậy, kinh tế vĩ mô chúng ta khá ổn định. Thể hiện rất rõ đó là chỉ số CPI đều dưới 3%, bội chi dưới 3,5%, nợ công ngày càng thấp so với trần đã trình Quốc hội. Cùng với đó, cán cân thương mại xuất nhập khẩu thặng dư, tỷ lệ lao động thất nghiệp thấp nên 2019 dành được kết quả rất tích cực. 12 chỉ tiêu mà Quốc hội giao thì Chính phủ đều đạt và vượt. Có nhiều chỉ tiêu đạt rất ngoạn mục như: tăng trưởng kinh tế giao 6,7% nhưng đạt trên 7%. Những yếu tố đó đã tạo đà cho chúng ta thêm thế và lực để bước vào năm 2020 với một tâm thế tự tin hơn. Tuy nhiên, chúng ta cũng vẫn phải tập chung để tiếp tục khắc phục những tồn tại, hạn chế của chúng ta để tìm ra hướng đi tích cực hơn không chỉ năm 2020 mà 5 năm tiếp theo 2021-2025.

Phóng viên: Với những kết quả đạt được đáng mừng mà Phó Chủ tịch Quốc hội vừa phân tích, thì những nguyên nhân nào đã giúp nền kinh tế nước ta đạt được những kết quả cao như vậy, trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp khó khăn, thưa Phó Chủ tịch?

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển: Nguyên nhân đầu tiên là chúng ta đã có thay đổi về nhận thức và tầm nhìn. Giai đoạn trước chúng ta không có tầm nhìn 5 năm, chỉ có kế hoạch nhưng không được ràng buộc bởi căn cứ pháp lý. Năm năm vừa qua, chúng ta đã xây dựng được kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và là lần đầu tiên chúng ta xây dựng được kế hoạch tài chính 5 năm và kế hoạch tài chính ngân sách 3 năm “cuốn chiếu”, cộng với kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm, là một bộ phận của kế hoạch tài chính. Đó là những ngọn đèn pha mà chúng ta phải tổ chức thực hiện và nó có tính pháp lý. Tất cả các điều hành về tài chính về tài chính, về đầu tư đều phải dựa trên những nguyên tắc đó, những kế hoạch đó, từ thu, chi, đầu tư công, bội chi,cơ cấu lại nợ công. Và nhờ đó, chúng ta đã thu được kết quả như tôi đã nêu ở trên. 

Điểm thứ hai, chúng ta đã nhận thức rằng, để nền kinh tế tăng trưởng thì phải đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển rất mạnh từ phát triển theo chiều rộng sang phát triển theo chiều sâu và lấy việc đổi mới về công nghệ, đổi mới về tư duy để thay đổi toàn bộ. Tôi lấy ví dụ, nông nghiệp vẫn chú trọng đến số lượng nhưng đã chú trọng về chất lượng, tập trung vào sản phẩm hữu cơ, xanh, sạch, có thể xuất khẩu sang những thị trường khó tính. Trước đây chỉ chú trọng những thị trường dễ tính, nhưng hiện nay các thị trường này cũng nâng cao tiêu chuẩn thì những sản phẩm của chúng ta nhất là rau củ quả trước đây không phải thế mạnh thì cũng đã đem lại kim ngạch rất lớn cho kinh tế đất nước.  

Trong nền kinh tế số này, mặc dù vẫn còn những mặt như cơ khí hoá, điện khí hoá chưa tốt, nhưng chúng ta đã mạnh dạn để thực hiện số hoá, tăng trưởng 35%.. Điều đó cho thấy chúng ta đã thay đổi căn bản trong tư duy sản xuất, từ phương thức sản xuất, tổ chức sản xuất và theo hướng không chạy theo số lượng mà tập trung vào chất lượng.

Thứ ba, chúng ta đổi mới được cách nghĩ, cách làm. Trước đây cái nào dễ làm trước, cái nào khó làm sau. Bây giờ cái nào khó làm trước. Khi chúng ta vượt qua được khó khăn thì kết quả sẽ tốt hơn, tạo được động lực  chung cho toàn xã hội và điều đáng mừng là khi xã hội ổn định, kinh tế phát triển thì tạo động lực, tạo thế và lực mới. Chúng tôi đi công tác nước ngoài thì thấy nhìn nhận của thế giới đối với chúng ta khác xa rất nhiều.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển

Phóng viên: Như Phó Chủ tịch Quốc hội phân tích, vị thế của Việt Nam hiện nay ngày càng nâng cao, thể hiện ở chỗ Việt Nam đã ký kết rất nhiều Hiệp định thương mại song phương và đa phương. Tuy nhiên, điều đó cũng đặt ra vấn đề khi chúng ta đã bước sang giai đoạn mới thì cũng sẽ gặp những thách thức khác giai đoạn trước, phải không thưa Phó Chủ tịch?

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển: Đúng như vậy! Có thể nói chúng ta là một nền kinh tế mở và chúng ra cũng rất mạnh dạn khi thực hiện hội nhập kinh tế rất sâu rộng. Nước ta đã ký rất nhiều Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, mà thế hệ mới “ngặt nghèo” hơn nhiều thế hệ cũ. Hiện tại đã ký 16 FTA, trong đó nhiều FTA thế hệ mới, đặt ra những tiêu chuẩn cao nhưng chúng ta vẫn chấp nhận. Điều quan trọng là chúng ta phải “biết mình biết người”, biết chúng ta có những hạn chế gì. Tôi cho rằng trong thời gian tới, chúng ta có năm thách thức: 

Một là, chúng ta phải làm sao giữ vững được sự phát triển trước điều kiện tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động.

Hai là, chúng ta phải chiến thắng chính mình. Chúng ta đổi mới mô hình tăng trưởng nhưng chưa rõ nét, chưa có chiều sâu, chưa thực hiện tốt, mới chỉ là bước đầu. 

Ba là phải giải quyết cho được những tồn tại hiện nay. Vấn đề nợ xấu, vấn đề nợ đọng thuế, các doanh nghiệp thua lỗ chúng ta phải xử lý bằng các biện pháp rất căn cơ, chấp nhận thiệt hại nếu cần thiết.

Bốn là vấn đề môi trường. Phát triển kinh tế thì vấn đề rác thải của các khu công nghiệp, các khu dân cư đang là vấn đề đặt ra, ô nhiễm môi trường, tác động của biến đổi khí hậu, xâm ngập mặn, sạt lở bờ biển, thiên tai, bão lũ ... vẫn phức tạp.

Năm là sự xuống cấp về văn hoá. Kinh tế phát triển, đời sống nâng lên nhưng chúng ta đã cảm thấy yên tâm về văn hoá của chúng ta chưa?

Phóng viên: Với 5 thách thức như vậy, khi bước sang năm 2020, là năm bản lề để hoàn thành giai đoạn 2016-2020, tạo đà bước sang giai đoạn 2021-2025, theo Phó Chủ tịch Quốc hội cần có những giải pháp quyết liệt gì trong năm 2020 và những năm tiếp theo?

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển: Thứ nhất, chúng ta phải tập trung xử lý ngay nợ xấu, nợ thuế, vấn đề các doanh nghiệp thua lỗ.

Thứ hai, phải xử lý ngay vấn đề ô nhiễm môi trường, vấn đề an ninh nguồn nước cần kiên quyết hơn. Nếu không xử lý được sẽ tạo sự bất ổn. Ngay trong đầu quý I/2020, Quốc hội sẽ có chương trình giám sát cấp uỷ ban về vấn đề nguồn nước, các con sông, thuỷ lợi.

Thứ 3, tiếp tục phải củng cố lĩnh vực chiếm 60% lao động là nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Quốc hội đã phê duyệt Đề án của chính phủ về phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cần phải triển khai ngay.

Thứ 4, chuẩn bị tổng kết lại 5 năm tất cả các lĩnh vực thực hiện nghị quyết Quốc hội về kinh tế, xã hội, về kế hoạch tài chính, về đầu tư công trung hạn để chuẩn bị cho nhiệm kỳ sau. Sau khi có nghị quyết  Đại hội Đảng lần thứ XIII là có Nghị quyết cho 5 năm tới, trong đó, bao hàm tất cả các yếu tố mà chúng ta phải chú trọng trong nhiệm kỳ tới. 

Năm 2020 sẽ là năm bộn bề công việc của Quốc hội, Chính phủ, các cấp các ngành.

Chúng ta rất vui mừng khi kết thúc năm Kỷ Hợi rất thành công, chúng ta đã gặt hái được nhiều thành tựu quan trọng. Tôi hy vọng năm 2020, năm Canh Tý sẽ bước sang một thập kỷ mới với vận hội mới của đất nước.

Tôi xin chúc mọi người, mọi nhà đều hạnh phúc, đất nước hùng cường, nước ta giành được những thành tựu quan trọng để kết thúc giai đoạn 5 năm và tạo ra được tâm thế và lực mới để bước vào một giai đoạn mới.

Phóng viên: Nhân dịp đầu xuân năm mới, xin được kính chúc Phó Chủ tịch Quốc hội cùng Lãnh đạo Quốc hội một sức khoẻ dồi dào để tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo Quốc hội thành công hơn nữa. Xin trân trọng cảm ơn Phó Chủ tịch!

Năm 2020 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của Việt Nam. Đây là năm cuối của nhiệm kỳ, có ý nghĩa quyết định trong việc hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, hoàn thành các mục tiêu của Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2011-2020) và Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016-2020). Do vậy, không chỉ là hoàn thành các mục tiêu chiến lược, mà quan trọng là làm sao để đặt nền tảng vững bền hơn cho sự phát triển của nền kinh tế giai đoạn tiếp theo. Năm 2020, Quốc hội đã quyết nghị mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức 6,8%. Đây là một con số hợp lý trong bối cảnh kinh tế toàn cầu và trong nước còn gặp không ít khó khăn. Mục tiêu này được đưa ra vừa bảo đảm sự hài hòa giữa mục tiêu tăng trưởng và kiềm chế lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Hy vọng, với sự quyết tâm của Đảng, Quốc hội và sự nỗ lực của Chính phủ cùng các cấp các ngành, năm 2020 nền kinh tế nước ta sẽ tiếp tục tăng trưởng và ngày càng bền vững./.

Song Hiền - Cao Hoàng - Hồng Dũng