Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các Phó Chủ tịch Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XIV - Ảnh: Trọng Đức
5 thành tựu quan trọng
- Đất nước vừa đi qua năm 2019, chào đón năm 2020 với 12/12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội theo nghị quyết của Quốc hội đều đạt và vượt. Nhìn lại một năm qua, Phó Chủ tịch nhận định như thế nào về bức tranh kinh tế - xã hội của nước ta?
Năm 2019 vừa đi qua với nhiều dấu ấn quan trọng. Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và khu vực có nhiều biến động phức tạp; chủ nghĩa dân tộc và bảo hộ kinh tế, chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế lớn nhất là Mỹ và Trung Quốc, đã ảnh hưởng rất lớn tới nền kinh tế có độ mở lớn như nước ta. Tuy nhiên, rất mừng là chúng ta tiếp tục có một năm thành công với dấu ấn là 5 thành tựu quan trọng.
Thứ nhất, kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng khá, như Chính phủ dự kiến đạt khoảng 7,08%, vượt mục tiêu 6,7% Quốc hội đề ra. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và chỉ đạo, điều hành của Nhà nước, trong đó có Chính phủ, 2019 là năm thứ hai liên tiếp nền kinh tế nước ta đạt được mức tăng trưởng trên 7%. Kinh tế vĩ mô ổn định và đi vào thế từng bước vững chắc. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được kiềm chế dưới 4%, thậm chí có thể dưới 3%. Các chỉ tiêu về lao động - việc làm, cán cân thương mại đều đạt. Bội chi ngân sách, nợ công đều trong phạm vi kiểm soát và ở mức thấp so với mức trần mà Quốc hội đề ra, không “căng thẳng” như những năm trước.
Thứ hai, nhìn tổng thể, lĩnh vực văn hóa - xã hội, giáo dục - y tế có bước tiến bộ, đạt nhiều thành tựu tốt.
Thứ ba, trong năm qua, chúng ta đã có những đột phá về ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong sản xuất và đời sống, nhất là phát triển nền kinh tế số, trong đó ứng dụng công nghệ thông tin đạt mức tăng trưởng tới 35%. Mức tăng trưởng về công nghệ thông tin như vậy chứng tỏ rằng chúng ta đã có ý thức và có sự thay đổi hoàn toàn trong tư duy về cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4. Chúng ta đã chú trọng “đi tắt đón đầu”, lựa chọn những lĩnh vực có thể “đứng trên vai người khổng lồ”, dù rằng để hiện thực hóa thì cũng còn nhiều vấn đề đặt ra.
Thứ tư, chúng ta đã đạt và vượt chỉ tiêu về thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Năm 2011 - 2012, Quốc hội đặt ra chỉ tiêu đến năm 2020 phải có 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới và không còn xã nào đạt dưới 15/19 tiêu chí. Đến năm 2019, qua tổng kết, chúng ta đã đạt 52%, vượt kế hoạch và về đích trước một năm so với mục tiêu đề ra. Với một nước nông nghiệp như Việt Nam ta thì kết quả đạt được trong xây dựng nông thôn mới có ý nghĩa rất quan trọng. Bởi, “để con tàu vào ga một cách trọn vẹn, thì toa cuối cùng cũng phải vào được ga” - toa cuối cùng đó chính là nông nghiệp, nông thôn, nông dân với 65% là số hộ, số người làm nông nghiệp.
Thứ năm, trước những diễn biến phức tạp ở Biển Đông trong năm qua, chúng ta đã cương quyết đấu tranh để bảo vệ chủ quyền của đất nước với các biện pháp vừa mềm dẻo, vừa uyển chuyển, đồng thời giữ vững nguyên tắc và trên cơ sở pháp luật quốc tế. Như Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định, đó là những gì thuộc về chủ quyền lãnh thổ thì không thể nhân nhượng!
Phải xử lý cho được những tồn tại cũ
- Bên cạnh những thuận lợi và thành tựu là cơ bản, thì năm qua đất nước ta cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thử thách. Phó Chủ tịch nhìn nhận như thế nào về những thử thách này và tác động của nó với việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra?
Năm qua, có thể thấy, chúng ta đối mặt với 5 thách thức không nhỏ.
Một là, chúng ta đứng trước tình hình kinh tế khu vực và thế giới không ổn định, đi ngược lại với xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, trước làn sóng dân tộc chủ nghĩa lên cao, nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới đang tăng trưởng chậm lại, trong đó có Mỹ, Trung Quốc... Điều này không chỉ ảnh hưởng đến tình hình kinh tế chung của thế giới mà còn có tác động lớn tới kinh tế nước ta.
Hai là, việc đổi mới mô hình tăng trưởng trong những năm vừa qua đã đặt ra nhưng kết quả đạt được chưa rõ nét, vẫn còn không ít khó khăn nội tại, làm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Điều này đặt ra thách thức với chúng ta. Chúng ta phải “chiến thắng chính mình” là ở chỗ này. Đó là phải thay đổi được mô hình tăng trưởng, phải đi vào chiều sâu, phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo là chủ yếu. Sự thay đổi này cần được diễn ra ở tất cả mọi lĩnh vực, chuyển dịch cơ cấu kinh tế phải hợp lý. Những chuyện này, nếu không làm tốt thì lại chính là sự cản trở đối với chúng ta. Nếu năng suất không đạt, sức cạnh tranh không bảo đảm thì đó là những thách thức nội tại.
Ba là, những tồn tại, hạn chế đã tích tụ nhiều năm qua mà chưa được giải quyết triệt để. Đó là vấn đề nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Mặc dù Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Thế giới có những đánh giá rất tích cực về mức độ tín dụng của nước ta, nhưng chúng ta vẫn đang đối mặt với nợ xấu có xu hướng tăng, rồi các khoản nợ về thuế lớn, khoảng 81 nghìn tỷ đồng. Chưa kể, việc xử lý các dự án, doanh nghiệp yếu kém... còn chậm. Có thể thấy, mặc dù có cải thiện, nhưng những tồn tại, hạn chế cũ vẫn đang “chặn đường” chúng ta, mà nếu không giải quyết dứt điểm, thì những tồn tại, hạn chế đó tiếp tục là “sợi xích” níu kéo chúng ta.
Bốn là, vấn đề môi trường. Đây là thách thức không nhỏ và lâu dài. Bên cạnh những tồn tại cũ, như rác thải, chất thải, ô nhiễm không khí, tác động của biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, sạt lở bờ biển, lũ lụt, tình trạng thiếu nước ngọt khi các dòng sông bị ô nhiễm..., thì chúng ta cũng phải đối mặt với vấn đề mới, như an ninh nguồn nước và nước ngọt cho sinh hoạt của người dân. Chúng ta sẽ làm gì nếu câu chuyện thiếu nước cho sản xuất và sinh hoạt xảy ra? Một phép tính đơn giản thôi: Bình quân mỗi người cần ít nhất 100m³ nước/tháng, trong đó 10m³ dành cho sinh hoạt, 90m3 dành cho sản xuất, nhân số này với 96 triệu dân thì câu chuyện nước ngọt sẽ như thế nào? Do đó, trong câu chuyện an ninh nguồn nước, nếu không tính sớm thì chúng ta sẽ phải trả giá.
Thách thức thứ năm chúng ta đang phải đối mặt, đó là sự xuống cấp về văn hóa, đạo đức, lối sống. Thực trạng đó cho chúng ta thấy rằng, văn hóa chưa đi đôi với phát triển kinh tế. Và trong bối cảnh phát triển nền kinh tế thị trường hiện nay, bên cạnh mặt tích cực cũng đặt ra không ít mặt tiêu cực, hạn chế, thì tình trạng văn hóa bị tha hóa, bào mòn, chạy theo những lợi ích trước mắt càng nghiêm trọng hơn. Chúng ta cũng đấu tranh đấy, nhưng phải đấu tranh cương quyết hơn nữa. Dân tộc Việt Nam vốn là một dân tộc có đạo lý. Và điều để người ta đánh giá về một dân tộc chính là đạo lý, là sự chấp hành pháp luật. Vậy thì đạo lý của chúng ta như thế nào? Việc chấp hành pháp luật ra sao, đã thực sự nghiêm minh chưa? Đây là những thách thức tưởng chừng nhỏ, nhưng lại đang đặt ra những vấn đề lớn, đòi hỏi phải được giải quyết triệt để, căn cơ hơn nữa.
- Với 5 thách thức nêu trên thì yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra cho năm 2020 - năm cuối của nhiệm kỳ 5 năm, không hề nhẹ nhàng, thưa Phó Chủ tịch?
Năm 2020 là năm bản lề, năm kết thúc nhiệm kỳ 5 năm và tạo tiền đề bước sang nhiệm kỳ 2021 - 2025. Để trả lời cho câu hỏi: Chúng ta nên làm gì trong năm tới, tôi muốn mượn câu triết lý của người Italia, đó là: Hãy làm tốt cái cũ trước khi làm cái mới! Có nghĩa, những gì đang yếu nhất chính là những việc chúng ta phải tập trung làm và làm dứt điểm trong năm 2020. Đây cũng không chỉ là câu chuyện của năm 2020 mà còn là của 5 năm tới. Nếu giải quyết được 5 thách thức này, tin rằng chúng ta sẽ vượt lên.
Đổi mới tư duy kinh tế mạnh hơn nữa
- Theo Phó Chủ tịch, đâu là trọng tâm cần tập trung giải quyết dứt điểm ngay?
Trước tiên, cần tập trung, cương quyết thay đổi được mô hình tăng trưởng. Chúng ta phải đổi mới lần nữa. Đại hội VI của Đảng, chúng ta đã có sự đổi mới tư duy và đổi mới thành công, thì lần này phải tiếp tục đổi mới tư duy mạnh hơn nữa. Đổi mới tư duy về kinh tế, về văn hóa, về nhận thức trong tình hình mới... Và những đổi mới này phải được chuyển hóa thành đổi mới trong mô hình tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của chúng ta.
Thứ hai, chúng ta phải tập trung giải quyết tốt những điểm yếu, như nợ xấu phải giảm mạnh hơn nữa; tiếp tục thu đúng, thu đủ hơn nữa; giải quyết dứt điểm các dự án đang còn “trùm mền, đắp chiếu”; tập trung làm tốt khâu hạ tầng. Đơn cử trong lĩnh vực hạ tầng, cần tập trung triển khai thực hiện tốt 5 dự án đường sắt đô thị, một số đoạn tuyến đường sắt Bắc - Nam cần nâng cấp mà Quốc hội đã bố trí 7 nghìn tỷ đồng nhưng chưa giải ngân được đồng nào. Rồi đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành. Cho nên, chúng ta cần tập trung làm tốt, dứt điểm các dự án đã được phê duyệt, rồi hãy bàn đến dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam, dự án đường sắt Hà Nội - Lào Cai...
- Nhìn nhận thẳng thắn vào thực tế không phải cá biệt này, thì việc chậm triển khai, giải ngân những dự án đã được phê duyệt cũng là một sự lãng phí…, thưa Phó Chủ tịch?
Chúng ta dường như đang có sự lãng phí tiền của, thời gian và cả về tư duy, đề xuất một số vấn đề chưa thật sự phù hợp với thực tiễn trong khi những chuyện trước mắt đang đòi hỏi phải giải quyết thì chưa xử lý được. Chúng ta đang bày ra rất nhiều dự án, trong khi những dự án, công trình đã có chưa được thực hiện có hiệu quả hay xử lý, giải quyết chưa dứt điểm, càng để lâu càng lãng phí, và việc xử lý cũng sẽ phức tạp hơn. Cho nên, chúng ta phải thực tế hơn nữa.
Mùa xuân luôn đem đến cho chúng ta nhiều hy vọng về những điều tốt lành, nhưng trước khi hướng đến những điều mới mẻ, đón Xuân trọn vẹn, thì chúng ta phải xử lý cho được những tồn tại cũ, vì “không dọn dẹp nhà cửa, thì làm sao đón được sự trong lành của Xuân mới”?
Hoạt động của Quốc hội có những tiến bộ, thay đổi rất căn bản
- Trong thành tựu chung của đất nước, thì vai trò của Quốc hội - cơ quan giám sát tối cao toàn bộ hoạt động của Nhà nước, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, được thể hiện như thế nào, thưa Phó Chủ tịch?
Chúng ta xây dựng được hệ thống chính trị có phân công, phân nhiệm rõ ràng và giám sát lẫn nhau theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Có thể khẳng định, Quốc hội đã hoàn thành tốt trọng trách mà cử tri và nhân dân tin tưởng giao phó. Và trong việc thực hiện các chức năng của mình, so với kỳ họp và nhiệm kỳ trước, hoạt động của Quốc hội đều có những tiến bộ, thay đổi rất căn bản, mau lẹ trong tư duy lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.
Quốc hội cũng có nhiều cải tiến, đổi mới trong cách thức tiến hành các hoạt động của mình, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ. Như chúng ta thấy, thì hầu hết các phiên thảo luận ở hội trường đều không đủ thời gian so với số đại biểu đăng ký phát biểu. Không khí thảo luận, tranh luận rất sôi nổi, nhất là với những vấn đề còn ý kiến khác nhau. Điểm hay ở đây là dù ý kiến khác nhau, nhưng sau quá trình thảo luận, tranh luận dân chủ và công khai như vậy, các đại biểu đều đạt tới sự đồng thuận cao khi biểu quyết thông qua khi thấy vấn đề đặt ra đã “đủ chín”.
- Nhân dịp năm mới 2020, Phó Chủ tịch có điều gì gửi gắm đến cộng đồng doanh nghiệp và người dân?
Tôi chúc cộng đồng doanh nghiệp và người dân luôn hạnh phúc, dồi dào sức khỏe và thành công. Tôi cũng chúc mỗi gia đình Việt Nam chúng ta đều có nguồn thu nhập đáp ứng được các nhu cầu của cuộc sống và phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của mỗi nhà. Và cuối cùng đó là lời chúc trí tuệ và minh mẫn. Nếu mỗi con người chúng ta đạt được những điều đó, tôi tin rằng mọi người đều hạnh phúc.
- Xin chân thành cảm ơn sự chia sẻ của Phó Chủ tịch!
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển
Về kết quả ấn tượng nhất, có lẽ không riêng cá nhân tôi, chúng ta đều ấn tượng với thành tích đạt được trong lĩnh vực thể dục - thể thao. Năm qua, thể thao Việt Nam đã gặt hái được rất nhiều thành công. Đoàn thể thao Việt Nam tham dự SEA GAMES 30 đã đạt nhiều thành tích cao, vượt mục tiêu đề ra với 98 huy chương vàng cùng hàng trăm huy chương bạc, huy chương đồng. Nức lòng hơn cả, đó là việc Đội tuyển bóng đá nữ và Đội tuyển bóng đá nam của chúng ta đều đạt Huy chương Vàng. Lĩnh vực thể thao có những yêu cầu, đòi hỏi rất khắc nghiệt, nhưng chúng ta đã vượt qua. Thể chất con người Việt Nam cũng đã có sự thay đổi rất tích cực so với trước đây. Điều quan trọng nữa, để có được thành tích cao trong thể thao thì đất nước phải có tiềm lực kinh tế, phải có sự đầu tư.
Những thành tích thể thao đó đã bao hàm các yếu tố tổng hòa thành tựu chung của đất nước, là sự hội tụ đầy đủ các yếu tố từ tinh thần, thể chất đến sức mạnh của nền kinh tế, sức mạnh của một dân tộc. Nếu một quốc gia không giữ được sự ổn định và không mạnh thì khó có thể nói rằng quốc gia đó có thành tích thể thao đi lên.
|