PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI TÒNG THỊ PHÓNG KẾT THÚC TỐT ĐẸP CÁC HOẠT ĐỘNG THAM DỰ ĐẠI HỘI ĐỒNG IPU-141

18/10/2019

Ngày 17/10, giờ địa phương, tại Thủ đô Belgrade, Serbia, Đại hội đồng IPU lần thứ 141 và các hội nghị liên quan đã kết thúc tốt đẹp với sự tham dự đông đảo của hơn 1.800 đại biểu.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng dẫn đầu Đoàn ĐBQH Việt Nam tham dự Đại hội đồng IPU – 141.

Đại hội đồng IPU - 141 đã thông qua Tuyên bố Belgrade; Tuyên bố kỉ niệm 30 năm ngày Công ước quyền trẻ em của Liên Hợp Quốc và các báo cáo, nghị quyết của các Ủy ban thường trực; nhất trí thông qua việc bầu bổ sung 2 thành viên Thái Lan và Pakistan đại diện nhóm địa chính trị Châu Á-Thái Bình Dương tham gia Ban Chấp hành nhiệm kỳ 2019-2022.


Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng kết thúc tốt đẹp các hoạt động tham dự Đại hội đồng IPU - 141 

Tuyên bố Belgrade về “Tăng cường luật pháp quốc tế, vai trò và cơ chế tổ chức của nghị viện, sự đóng góp của hợp tác khu vực” ghi đậm dấu ấn kỷ niệm 130 năm IPU, khẳng định cam kết của IPU vì hòa bình và nhấn mạnh luật pháp quốc tế là nền tảng trật tự thế giới dựa trên đoàn kết và hợp tác. IPU ủng hộ mạnh mẽ chủ nghĩa đa phương trong đó Liên Hợp Quốc giữ vai trò trung tâm giải quyết các thách thức chung, tranh chấp giữa các quốc gia cũng như tăng cường cam kết hợp tác quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với những vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc, quy định cơ bản của luật pháp quốc tế, luật nhân đạo, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia kêu gọi kiềm chế sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, không can thiệp công việc nội bộ của nhau. Các đại biểu thừa nhận việc không tuân thủ các thỏa thuận quốc tế về biến đổi khí hậu, thương mại và giải trừ vũ khí cũng là các biểu hiện vi phạm luật pháp quốc tế, ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển, sự thịnh vượng của người dân và an ninh trên toàn thế giới.

Đoàn ĐBQH Việt Nam tham gia đầy đủ, tích cực và có trách nhiệm tại các hoạt động của Đại hội đồng IPU 141 bao gồm: họp Ban Chấp hành, Hội đồng điều hành, Đại hội đồng, các Ủy ban Thường trực của IPU và họp Hiệp hội các Tổng Thư ký Nghị viện ASGP. Với vai trò là thành viên có trách nhiệm của IPU, Đoàn Việt Nam đã thể hiện mạnh mẽ cam kết và sự chủ động của QH Việt Nam trong hợp tác với IPU và Liên Hợp Quốc, đóng góp vào sứ mệnh của IPU gìn giữ hòa bình, an ninh dựa trên luật pháp quốc tế.

Đặc biệt, tại phiên thảo luận toàn thể của Đại hội đồng, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đã bày tỏ quan ngại trước những diễn biến phức tạp trong tình hình thế giới hiện nay, nhất là sự gia tăng các hành động đơn phương, không dựa trên các trật tự pháp lý, luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội khẳng định đường lối đối ngoại của Việt Nam và những cam kết của Quốc hội Việt Nam hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tăng cường giám sát thực thi cũng như tham gia tích cực trong các hoạt động ngoại giao nghị viện. Năm 2020, Việt Nam đảm nhận vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Chủ tịch ASEAN 2020, Quốc hội đảm nhiệm vai trò Chủ tịch AIPA, do đó sẽ tiếp tục thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, đối thoại công bằng và bình đẳng, giải quyết những vấn đề toàn cầu, xung đột khu vực, hòa bình an ninh trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị các quốc gia đề cao tôn trọng Hiến chương Liên Hợp Quốc, tuân thủ luật pháp quốc tế, mở rộng và phát huy vai trò các cơ chế hợp tác, đối thoại, chia sẻ thông tin để nâng cao sự hiểu biết, xây dựng lòng tin và tôn trọng lẫn nhau, cùng tìm ra biện pháp giải quyết hòa bình cho các tranh chấp trong khu vực cũng như các thách thức cấp bách hiện nay; cho rằng,  các nghị viện cần tiếp tục thúc đẩy phê chuẩn, tham gia thực hiện các điều ước, thỏa thuận quốc tế, các văn kiện pháp lý đa phương; xây dựng, sửa đổi bổ sung và nội luật hóa phù hợp với các điều ước quốc tế đã tham gia, tăng cường giám sát việc thực hiện hiệu quả các thỏa thuận quan trọng đã đạt được qua thương lượng đa phương.


Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng hội kiến với Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Serbia  

Trong phát biểu của mình, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng bày tỏ ủng hộ sự phát triển của ngoại giao nghị viện, phát huy vai trò và sứ mệnh của IPU vì hòa bình, dân chủ dựa trên nền tảng luật pháp và tôn trọng sự bình đẳng giữa các quốc gia có chủ quyền; tăng cường các cơ chế hợp tác giữa IPU với Liên Hợp Quốc, các tổ chức quốc tế và các nghị viện thành viên trên nhiều lĩnh vực, chú trọng các vấn đề phát triển bền vững, xóa đói nghèo, dinh dưỡng, bình đẳng giới, sự tham gia của giới trẻ, quản lý và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên trong đó có tài nguyên biển; tăng cường liên kết giữa các quốc gia và nghị viện trong hoạch định chính sách chủ động ứng phó biến đổi khí hậu. Phát biểu của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng được hội nghị đánh giá cao và nhiều đề xuất đã được đưa vào nội dung khuyến nghị hành động của Tuyên bố Belgrade.

Tại Ủy ban Hòa bình và An ninh quốc tế, các đại biểu đã thảo luận nhiều nội dung quan trọng, trong đó có việc hình sự hóa hành vi rửa tiền, một vấn nạn tại nhiều quốc gia trên thế giới. Phát biểu tại phiên họp, đoàn Việt Nam nhấn mạnh hình sự hóa hành vi rửa tiền là hoạt động lập pháp cần thiết nhằm bảo vệ an ninh, kinh tế, tài chính của mọi quốc gia, trong đó có Việt Nam; bày tỏ mong muốn tiếp tục hợp tác với các đối tác tiến hành các hoạt động nhằm phòng, chống tội phạm rửa tiền và tăng cường hỗ trợ kỹ thuật đào tạo nâng cao năng lực, nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm rửa tiền.

Ủy ban Phát triển bền vững, thương mại và tài chính đã thảo luận sâu nội dung lồng ghép số hóa và nền kinh tế tuần hoàn để đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững và sẽ thông qua nghị quyết về chủ đề này tại Đại hội đồng IPU 142 (tháng 4.2020). Đại diện Việt Nam cho rằng, Nghị viện các nước cần quan tâm đến các chính sách bao gồm nghiên cứu, sáng tạo, đổi mới  công nghệ, giảm ô nhiễm, đồng thời đánh giá tác động, chi phí lợi ích của sản phẩm, xây dựng chiến lược truyền thông nâng cao nhận thức của các nhà sản xuất và công chúng về trách nhiệm của sản xuất và tiêu dùng đối với môi trường; khuyến khích mô hình kinh tế tuần hoàn hướng tới phát triển bền vững, tăng cường tái chế, tái sử dụng.

Ủy ban Dân chủ và Nhân quyền đã thông qua Nghị quyết về “đạt được bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân đến năm 2030: vai trò của các nghị viện trong việc đảm bảo quyền y tế” và lựa chọn chủ đề về pháp luật trên thế giới chống nạn khai thác tình dục trẻ em trên mạng là một nội dung thảo luận tại Đại hội đồng tiếp theo. Đoàn Việt Nam đã tham gia phát biểu, nhấn mạnh tầm quan trọng của bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân;mỗi quốc gia có vai trò và trách nhiệm trong việc thực hiện chương trình này, phù hợp với hoàn cảnh và những ưu tiên phát triển của mình.

Tại Ủy ban Về các vấn đề Liên Hợp Quốc, Đoàn ĐBQH nước ta đã tham gia phiên thảo luận về các biện pháp bảo đảm tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó tập trung xem xét hiệu quả việc áp dụng các biện pháp trừng phạt, tránh làm tồi tệ thêm tình hình. Các nước chia sẻ thực tiễn và đề xuất các giải pháp nhằm phát huy tốt nhất luật pháp quốc tế và các quy định của Liên Hợp Quốc.

Tại Diễn đàn Nữ nghị sỹ, Đoàn Việt Nam nhất trí ủng hộ các nội dung nghị sự, nhấn mạnh các nghị viện cần phát huy vai trò để tạo điều kiện cho phụ nữ và trẻ em gái tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế, phù hợp với tinh thần không ai bị bỏ lại phía sau của Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.

Tại cuộc họp của Hiệp hội các Tổng Thư ký Nghị viện (ASGP), đại biểu Việt Nam cũng trao đổi và tham khảo các kinh nghiệm cung cấp thông tin tới các đại biểu và tăng cường phối hợp giữa IPU và ASGP. Trước đó, Đại hội đồng đã tổ chức phiên kỷ niệm 130 năm thành lập IPU, tổ chức trao giải thưởng chính sách tương lai năm 2019 nhằm khuyến khích các sáng kiến chính sách, pháp luật góp phần tăng cường sự tham gia của thanh niên trong mọi lĩnh vực của xã hội, vì mục tiêu phát triển bền vững.

Bên lề Đại hội đồng IPU 141, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đã chào xã giao Chủ tịch IPU, Tổng Thư ký IPU, Chủ tịch Quốc hội Serbia; hội kiến với Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Serbia; tiếp xúc song phương với Phó Chủ tịch Quốc hội Lào, Phó Chủ tịch Quốc hội Cuba, Trưởng đoàn Nghị viện các nước Myanmar và Trưởng đoàn Australia.

Tại phiên bế mạc, đại diện đoàn Rwanda đã phát biểu tiếp nhận vai trò nước chủ nhà đăng cai Đại hội đồng IPU - 143 vào tháng 10.2020 và trình chiếu video clip về đất nước, con người và nền văn hóa của Rwanda, nhận được sự hưởng ứng nhiệt liệt của các đại biểu. Đại diện các nhóm địa chính trị cũng phát biểu cảm ơn đối với chủ nhà Serbia đón tiếp trọng thị và tổ chức chu đáo cho hội nghị. Các đại biểu đánh giá cao kết quả của Đại hội đồng IPU - 141 và cam kết cùng xây dựng IPU trong chặng đường tiếp theo để IPU trở thành diễn đàn vững mạnh, đoàn kết, vì lợi ích của các nghị viện thành viên và có tiếng nói mạnh mẽ hơn trong đời sống quốc tế./.

(Theo Kim Chi - Báo Đại biểu nhân dân)