PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI PHÙNG QUỐC HIỂN LÀM VIỆC VỚI CHÍNH QUYỀN VÙNG VENETO, ITALY

29/09/2019

Làm việc với chính quyền vùng Veneto, Giám đốc Sở Kinh tế và Dịch vụ vùng Veneto Geogia đã giới thiệu phương châm phát triển của vùng Veneto là hãy tu bổ tốt cái cũ trước khi xây mới, trong đó có di sản Venice, khi trao đổi với Đoàn ĐBQH Việt Nam do Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển làm Trưởng đoàn.

Có lẽ với cách tiếp cận như vậy mà cả nước Italy chỗ nào cũng có thể là di sản lịch sử, văn hóa và kiến trúc hút hồn du khách đủ mọi quốc tịch. Ngay cả những phế tích cũng được chăm sóc kỹ lưỡng, tiếp tục bảo tồn và người dân cũng như du khách luôn được tạo những điều kiện thuận lợi nhất để tiếp cận những di sản đó.  

Mặc dù vùng Veneto có Venice, thành phố di sản với những truyền thuyết, câu chuyện lịch sử mỗi năm đón tới trên 20 triệu du khách, nhưng không hề cản trở Veneto trở thành một trung tâm công nghiệp với GRDP trên 150 tỷ euro/năm với ngành công nghiệp thời trang và đóng tàu nổi tiếng. Các thương hiệu thời trang nổi tiếng như Benetton, Geox, Diesel,… đều là từ Veneto. Các chính sách của chính quyền đều hướng tới phục vụ cho lợi ích của người dân. Ví dụ, các bạn Italy cho biết, giá vé xe buýt cho người dân địa phương là 1,5 euro, trong khi du khách phải trả 7,5 euro.

Trong mọi câu chuyện mà các bạn Italy chia sẻ về những thành quả trong phát triển, các trường đại học luôn có một vị trí quan trọng. Các trường đại học, trung tâm nghiên cứu và triển khai công nghệ (R&D) luôn có mối quan hệ chặt chẽ và hiệu quả với các cơ sở sản xuất công, nông nghiệp. Do đó, không có gì lạ khi dù kinh tế nông nghiệp và dịch vụ là các ngành kinh tế chính, các doanh nghiệp Veneto, mà chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tới 90% số doanh nghiệp tại đây, lại có thể tham gia chuỗi giá trị sản xuất của ngành công nghiệp hàng không vũ trụ và nhiều ngành công nghiệp chế tạo quan trọng khác. Chính nhờ sự phát triển kinh tế khá tích cực nên tỷ lệ thất nghiệp của vùng Veneto chỉ ở khoảng 6%, thấp nhất so với các địa phương khác của Italy. 


Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển với Chủ tịch Hạ viện Italy

Do có nhiều điểm chung về vị trí địa lý, địa hình, câu chuyện về ứng phó với biến đổi khí hậu cũng được ĐBQH quan tâm trao đổi. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Hạ viện Italy Carla Ruocco cho chúng tôi biết Italy đặc biệt quan tâm về ảnh hưởng của các công trình, dự án sử dụng ngân sách nhà nước tới xã hội, môi trường và biến đổi khí hậu theo các chuẩn mực của OECD. GDP thì có thể tính toán được, nhưng hệ thống tiêu chí, số liệu đánh giá sự biến đổi khí hậu và tác động của nó tới đời sống kinh tế, xã hội của mỗi quốc gia thì chưa rõ ràng.

Do đó, việc tính toán, đánh giá về định lượng sự biến đổi khí hậu và tác động của nó rất quan trọng, làm cơ sở cho việc phân bổ các nguồn lực quốc gia cho phát triển cũng như ứng phó với biến đổi khí hậu. Italy có 8.000km bờ biển cũng đang bị xâm nhập mặn như ở Việt Nam nên Hạ viện đang chuẩn bị xem xét một dự án luật về biến đổi khí hậu do Bộ Môi trường chuẩn bị để hoạch định chính sách về ứng phó với biến đổi khí hậu, phân loại các ngành nghề không gây hại/hoặc gây hại tới môi trường để có chính sách hỗ trợ tương ứng về tài chính trong khi các địa phương tổ chức thu phí môi trường liên quan đến biến đổi khí hậu. Ủy ban Tài chính Hạ viện hiện đang kiến nghị giảm thuế cho các doanh nghiệp thực hiện tái chế các sản phẩm do mình sản xuất và doanh nghiệp giảm sử dụng bao bì bằng nilon.

Các ĐBQH Việt Nam cho rằng chính sách thuế của Italy đối với đầu tư của các doanh nghiệp có tác động xấu tới môi trường có thể được tham khảo khi QH Việt Nam chuẩn bị sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư tới đây. Còn theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Thượng viện Italy Alberto Bagnai, môi trường và biến đổi khí hậu luôn là vấn đề nhạy cảm đối với châu Âu. Nhiều người Italy cho rằng mình đang phải trả giá cho những vấn đề do chính mình tạo ra trước đây mà lẽ ra có thể lường trước và phòng, tránh hay giảm thiểu được. Ông Bagnai cũng cho rằng để thống nhất chính sách bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, rất cần có một luật thuế môi trường chung cho Liên minh châu Âu. 

Trả lời câu hỏi của Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh về phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật và tổ chức giao thông, Chủ nhiệm Ủy ban Hạ tầng Thượng viện Italy Mauro Coltorti, vốn là một giáo sư đại học và đang có dự án hợp tác nghiên cứu khoa học với Đại học Huế cho biết, Chính phủ đang tăng đầu tư vào ngành đường sắt nên thị phần vận tải đường sắt ngày một tăng. Trên một số tuyến, hành khách đã chọn đường sắt tốc độ cao thay cho đường hàng không, như tuyến Milan - Rome.  

Các ĐBQH Việt Nam đã được chào đón thịnh tình theo truyền thống mến khách của người Italy tại Thượng viện, Hạ viện Cộng hòa Italy cũng như tại một số Ủy ban của cả hai viện, Nhóm nghị sĩ hữu nghị Italy - Việt Nam, chính quyền vùng Veneto, Đảng bộ Đảng Cộng sản Italy vùng Veneto, thể hiện mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước, hợp tác toàn diện trên cơ sở hai bên cùng có lợi. Trong câu chuyện, các bạn Italy luôn bày tỏ sự ngưỡng mộ trước lịch sử anh hùng, nền văn hóa lâu đời và những thành tựu trong phát triển kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội của Việt Nam.

Rời Italy, các ĐBQH Việt Nam chắc chắn sẽ luôn nhớ mãi những tình cảm nồng hậu mà các bạn Italy đã dành cho đoàn, nhớ tới văn hóa ẩm thực đặc trưng vùng Địa Trung Hải của Italy...

(Trần Văn - Báo Đại biểu nhân dân)