Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên toàn thể của Hội nghị toàn quốc về phát triển bền vững 2019
Cùng dự có: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực QH Tòng Thị Phóng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, cùng hơn 700 đại biểu đại diện cho các cơ quan của Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành, các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, các cơ quan nghiên cứu, các đại sứ quán, các tổ chức quốc tế, các viện nghiên cứu.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: Việt Nam đã nỗ lực thực hiện các Mục tiêu thiên niên kỷ và đạt được nhiều kết quả, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Việt Nam cũng luôn thể hiện cam kết mạnh mẽ để thực hiện các mục tiêu theo Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc. Chính phủ đã ban hành kế hoạch hành động quốc gia về phát triển bền vững với 115 chỉ tiêu và lồng ghép vào tất cả các chủ trương, chính sách, kế hoạch hành động. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, không thể đạt được mục tiêu phát triển bền vững nếu không hành động đúng đắn, quyết liệt, đồng bộ từ tất cả các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp, mọi người dân với sự hợp tác của cộng đồng quốc tế. Tất cả cùng chung tay, cùng nỗ lực để thực hiện thắng lợi Mục tiêu phát triển bền vững theo Chương trình nghị sự 2030 của Liên Hợp Quốc.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực QH Tòng Thị Phóng nhấn mạnh, Hội nghị toàn quốc lần này có ý nghĩa quan trọng, là kênh thông tin chính thức sẽ được gửi đến các ĐBQH, thông tin đến với mọi người dân trên cả nước về những thành tựu của Việt Nam trong quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Quốc hội hoan nghênh Chính phủ, Thủ tướng sớm ban hành kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững; đã hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy để tổ chức thực hiện. Trong tiến trình đó, QH đã đóng vai trò quan trọng, hoàn thiện khung pháp luật xây dựng nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền và hoàn thiện các thiết chế quản trị nhà nước và đề cao vai trò giám sát. QH hoan nghênh Thủ tướng đã quyết định Chương trình Phát triển kinh tế - xã hội cho nhóm 16 dân tộc thiểu số rất ít người; đã chỉ đạo tập trung đầu tư cho phát triển khoa học công nghệ và quyết tâm đổi mới mô hình tăng trưởng để bảo đảm phát triển bền vững.
Phó Chủ tịch Thường trực QH nêu rõ, QH đã góp phần thúc đẩy việc tham gia và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững thông qua việc thẩm tra và phê chuẩn các công ước, điều ước quốc tế về quyền con người, như Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền (1948), Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa, Công ước của Liên Hợp Quốc về người khuyết tật, Công ước loại bỏ các hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ và trẻ em…
Phó Chủ tịch Thường trực QH gợi ý và đề xuất các đại biểu tập trung thảo luận một số nội dung: hoàn thiện thể chế về năng lực quản trị của các cơ quan nhà nước, tiếp tục rà soát hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, các tiêu chí đánh giá việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam. Xác định các ưu tiên trong tiến trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam trong giai đoạn tới, phù hợp với nguồn lực và nền tảng phát triển khi thực hiện 17 mục tiêu và 169 chỉ tiêu cụ thể. Đồng thời, chú trọng hoàn thiện các tiêu chí hướng dẫn lồng ghép các mục tiêu phát triển bền vững vào chính sách phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong cả nước.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam với các đại biểu chụp ảnh tại hội nghị
Về cơ chế phối hợp, Phó Chủ tịch Thường trực QH cho rằng, việc tăng cường kết nối thông tin, phối hợp hành động giữa Chính phủ và QH cần được thực hiện chặt chẽ và thường xuyên hơn. Trong năm 2020, cần tổ chức để Chính phủ báo cáo QH việc sơ kết 5 năm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, là cơ sở để QH xem xét thông qua Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tiếp theo. Ngoài ra, Hội đồng quốc gia vì phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh tiếp tục thúc đẩy cơ chế liên ngành, trong đó, cần có sự tham gia của các cơ quan của QH mà Ủy ban Đối ngoại giữ vai trò điều phối. Đặc biệt, cần phát huy cơ chế hợp tác, quan hệ đối tác với các tổ chức trong nước và quốc tế nhằm bổ sung nguồn lực, kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về các kiến nghị từ Hội thảo chuyên đề cùng với các tham luận về mục tiêu phát triển bền vững trong Chiến lược Phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam giai đoạn 2021-2030; về đột phá khoa học công nghệ trong tiến trình phát triển bền vững; về xây dựng nguồn nhân lực Việt Nam; về nâng cao năng lực cạnh tranh khu vực kinh tế tư nhân…
Hội nghị đã mang đến những thông tin và kiến nghị hữu ích từ các tham luận của đại diện cộng đồng doanh nghiệp về ứng dụng tư duy kinh tế tuần hoàn trong thực tiễn sản xuất - kinh doanh; kết hợp các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị công ty (ESG) vào chiến lược đầu tư - xu hướng của các nhà đầu tư có trách nhiệm; Tối đa hóa lợi ích kinh tế, xã hội thông qua thực hiện phát triển bền vững - Kinh nghiệm tốt từ doanh nghiệp; Tăng cường năng lực doanh nghiệp theo định hướng hiện đại và nhân văn…
+ Sáng cùng ngày, tại các phiên hội thảo chuyên đề, các đại biểu đã thảo luận về nhiều chủ đề quan trọng như thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, nhân rộng mô hình hợp tác công tư, cải thiện nguồn nhân lực hướng đến nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững.