Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét và cho ý kiến về báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 01/2022
Báo cáo về công tác dân nguyện tháng 01 năm 2022 tại Phiên họp thứ 8 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, Ban Dân nguyện đã nhận thêm 212 văn bản trả lời kiến nghị cử tri gửi đến trước kỳ họp thứ Hai, Quốc hội khóa XV. Dù chưa đến thời hạn giải quyết, trả lời nhưng đã có 1.531/1.707 kiến nghị của cử tri gửi đến trước kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV đã được các bộ ngành xem xét, giải quyết, trả lời. Về các kiến nghị chưa được trả lời, Ban Dân nguyện sẽ tiếp tục đôn đốc và cập nhật kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri của các cơ quan có thẩm quyền để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp sau.
Đối với việc tiếp nhận, phân loại và xử lý đơn thư, số đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân gửi tới các cơ quan của Quốc hội giảm 6,86% so với tháng trước; trong đó, số đơn thư đủ điều kiện xử lý tăng 1,17%, số đơn không đủ điều kiện xử lý giảm 1,18%. Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, các khiếu nại của cử tri chủ yếu liên quan đến việc bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng khi thu hồi đất, thực hiện dự án đầu tư; việc giao đất; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; đề nghị Chính phủ hỗ trợ mua lại dự án BOT; đề nghị xem xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm; khiếu nại kết luận điều tra của cơ quan điều tra, quyết định truy tố của Viện kiểm sát; đề nghị giải quyết tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tranh chấp kinh doanh thương mại và tranh chấp chia thừa kế...
Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình trình bày báo cáo về công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 01/2022
Về công tác tiếp công dân của Quốc hội, Ban Dân nguyện đã tiếp 41 vụ việc; trong đó, đã hướng dẫn công dân tự thực hiện việc khiếu tố theo quy định pháp luật đối với 30 vụ việc, đã tiếp, nhận đơn và chuyển đơn của công dân đối với 11 vụ việc đến đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Trong tháng, các Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội đã tiếp 120 lượt người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về 84 vụ việc, có lượt 02 đoàn đông người. Qua tiếp công dân, các Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội đã ban hành văn bản chuyển đơn của công dân đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết đối với 14 vụ việc; hướng dẫn bằng văn bản 06 vụ việc; đã giải thích, hướng dẫn trực tiếp hoặc thuyết phục công dân chấp hành đúng quy định của pháp luật đối với 42 vụ việc.
Về kết quả thực hiện kiến nghị giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại các Báo cáo kết quả giám sát kỳ trước: Thực hiện kiến nghị giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Báo cáo số 55/BC-UBTVQH15 ngày 15/10/2021 về kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2021, đối với 32 vụ việc cụ thể Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có kiến nghị, qua công tác theo dõi việc thực hiện kiến nghị giám sát, đến nay các cơ quan chức năng đã giải quyết được 15 vụ việc, còn 17 vụ việc đang xem xét, giải quyết, Ban Dân nguyện sẽ tiếp tục theo dõi, đôn đốc các cơ quan có thẩm quyền giải quyết dứt điểm các vụ việc này.
Thảo luận tại phiên họp, đa số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành nội dung Báo cáo của Ban Dân nguyện, đồng thời đánh giá cao sự chuẩn bị Báo cáo rất công phu, đầu tư nhiều công sức, đến nay công tác dân nguyện đã ngày càng nâng cao hiệu quả.
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đề nghị bổ sung thêm nội dung theo dõi đánh giá chất lượng trả lời của các cơ quan có thẩm quyền đối với đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh của cử tri
Phát biểu ý kiến về vấn đề nâng cao chất lượng báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho rằng, cần theo dõi, đánh giá sát sao hơn nữa việc giải quyết và trả lời đơn thư, khiếu nại của các cơ quan có thẩm quyền. Trưởng Ban Công tác đại biểu nêu rõ, tuy tỷ lệ tiếp nhận trả lời đơn thư khiếu nại, tố cáo ở mức cao, nhưng cần đánh giá kỹ xem câu trả lời đó đã được người khiếu nại, tố cáo chấp nhận chưa, đã đáp ứng được yêu cầu của cử tri chưa, đã giải quyết tháo gỡ được vụ việc hay vẫn dẫn tới tình trạng tái khiếu nại. Trưởng Ban Công tác đại biểu đề nghị bổ sung thêm nội dung theo dõi đánh giá chất lượng trả lời của các cơ quan có thẩm quyền đối với đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh của cử tri, để đảo bảo số lượng đơn thư trả lời đi kèm với chất lượng giải quyết vấn đề, đáp ứng được yêu cầu của cử tri.
Bên cạnh đó, Trưởng Ban Công tác đại biểu cũng cho rằng báo cáo cần dành ra dung lượng nhất định để trình bày về các vụ việc cụ thể, phức tạp, nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận nhưng không được giải quyết trong thời gian dài. Theo Trưởng ban Công tác đại biểu, việc bổ sung nội dung này không chỉ giúp báo cáo trở nên khách quan, toàn diện, đảm bảo bao quát cả về diện rộng lẫn bề sâu, mà còn có tác động thực tế rất tích cực đến việc giải quyết các vấn đề, vụ việc cụ thể tồn đọng kéo dài.
Cho ý kiến chỉ đạo về công tác dân nguyện, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban, các cơ quan của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần chủ động hơn nữa với những lĩnh vực có trách nhiệm; gắn công tác dân nguyện với công tác giám sát, phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan của Chính phủ để kiểm tra, làm rõ các vấn đề người dân quan tâm.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị lập danh mục đề xuất các vụ việc thuộc diện Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo dõi chỉ đạo
Cho biết trong Phiên họp tháng 3 tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét báo cáo kết quả bước đầu về việc triển khai chuyên đề giám sát “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 01/7/2016 đến ngày 01/7/2021”, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Đoàn Giám sát của Quốc hội và Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp cùng Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ để rà soát và lập một danh mục đề xuất các vụ việc thuộc diện Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo dõi chỉ đạo.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị quy định rõ trách nhiệm trong việc tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong từng lĩnh vực, từng vụ việc. Các cơ quan được phân công cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, cá thể hóa trách nhiệm tập thể, tránh tình trạng trách nhiệm chung chung mơ hồ, đưa ra nhiều phương án những không triển khai thực hiện, làm giảm hiệu lực hiệu quả công tác dân nguyện.
Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương đề nghị Ban Dân nguyện tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nâng cao chất lượng báo cáo công tác dân nguyện hàng tháng
Cũng tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương đánh giá cao công tác dân nguyện tháng 01/2022 đã tổng hợp tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị về những vấn đề nổi cộm, được đông đảo cử tri và nhân dân quan tâm; khái quát được toàn bộ công tác dân nguyện, từ tiếp nhận, xử lý, giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri, công tác tiếp công dân, xử lý, giải quyết đơn thư cũng như việc thực hiện kiến nghị giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đồng thời, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban Dân nguyện tiếp thu ý kiến của các Lãnh đạo Quốc hội, các đồng chí Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nâng cao chất lượng báo cáo công tác dân nguyện hàng tháng./.