PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI ĐỖ BÁ TỴ LÀM VIỆC VỚI BAN DÂN NGUYỆN

12/02/2020

Sáng ngày 12/02 tại Trụ sở Văn phòng Quốc hội, Đại tướng Đỗ Bá Tỵ - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, đã có buổi làm việc với Ban Dân nguyện - thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, về kết quả công tác năm 2019 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2020 của Ban.

Đại tướng Đỗ Bá Tỵ - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội làm việc với Ban Dân nguyện (thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội) về kết quả công tác năm 2019 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2020 của Ban.

Dự buổi làm việc có Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải; các Phó trưởng Ban Dân nguyện; lãnh đạo Vụ Dân nguyện (Văn phòng Quốc hội)…

Hoàn thành chương trình kế hoạch năm 2019 với nhiều đổi mới, sáng tạo

Báo cáo kết quả công tác của Ban Dân nguyện năm 2019, Trưởng ban Nguyễn Thanh Hải cho biết, trong năm 2019, thực hiện Luật Tiếp công dân quy định về Tiếp công dân của các cơ quan của Quốc hội, Ban Dân nguyện đã nghiêm túc thực hiện tốt nhiệm vụ là đại diện cho các cơ quan của Quốc hội trực tiếp tiếp công dân thường xuyên và tiếp công dân phục vụ các kỳ họp Quốc hội thứ 7, thứ 8. Trong đó, Ban đã thực hiện tiếp 1.558 lượt người về 1.049 vụ việc, có 26 đoàn đông người. Đặc biệt, qua tiếp nhận đơn, thư, Ban Dân nguyện đã hướng dẫn trực tiếp và giải thích, thuyết phục công dân chấp hành quyết định giải quyết của cơ quan có thẩm quyền, rút đơn khiếu nại, tố cáo do không cơ sở hoặc chờ kết quả giải quyết có thẩm quyền đối với 675/1049 vụ việc (chiếm 46,34%).

Bên cạnh đó, thực hiện nhiệm vụ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao, Ban Dân nguyện đã phối hợp với các Đoàn Đại biểu Quốc hội trong việc theo dõi, tổng hợp tập hợp số liệu về công tác tiếp công dân của các Đoàn Đại biểu Quốc hội, các Đại biểu Quốc hội tại các địa phương.

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải báo cáo kết quả công tác năm 2019 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2020 của Ban.

Về tiếp nhận, xử lý đơn thư của công dân gửi đến Quốc hội, theo Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải, trong năm 2019, Ban Dân nguyện đã tiếp nhận và xử lý 17.340 đơn (chiếm 43,57% tổng số đơn gửi các cơ quan của Quốc hội). Thông qua việc chuyển đơn, theo dõi và đánh giá kết quả trả lời, nội dung đơn thư, Ban Dân nguyện đã tham mưu, đề xuất Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trực tiếp giám sát việc giải quyết đối với 54 vụ việc cụ thể tại 03 Bộ và 10 tỉnh, thành phố.

Về giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo tại các địa phương, Ban Dân nguyện đã giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội xây dựng kế hoạch và tổ chức các Đoàn giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo tại 10 địa phương; đồng thời, làm việc, xem xét báo cáo của 06 bộ, ngành và xem xét báo cáo của 63 UBND các tỉnh, thành phố về công tác tiếp công dân, việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân do Quốc hội chuyển đến.

Về việc tổng hợp kiến nghị của cử tri và giám sát các Bộ ngành trong việc giải quyết các kiến nghị, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh, trong năm 2019, Ban Dân nguyện đã tiếp nhận và chuyển 4.517 ý kiến, kiến nghị của cử tri từ 3.092 cuộc tiếp xúc cử tri định kỳ và tiếp xúc cử tri chuyên đề gửi đến trước và sau kỳ họp thứ 7, thứ 8 Quốc hội khóa XIV tới các cơ quan có thẩm quyền giải quyết; đồng thời thường xuyên đôn đốc, theo dõi và giám sát các cơ quan có thẩm quyền trong việc giải quyết và trả lời các kiến nghị của cử tri dưới nhiều hình thức mới, hiệu quả quyết liệt như phối hợp với các đoàn ĐBQH để cùng giám sát, đánh giá chất lượng, công khai các câu trả lời kiến nghị cử tri của các Bộ ngành để mọi người cùng giám sát,... Thông qua giám sát và sự phối hợp tích cực của các bộ, ngành, việc giải quyết kiến nghị cử tri đã có sự chuyển biến rất tích cực, nhiều kiến nghị đã được giải quyết thấu đáo, mang lại sự hài lòng, phấn khởi với nhiều vấn đề được đông đảo cử tri và Nhân dân quan tâm.

Ban Dân nguyện cũng đã phối hợp với Văn phòng Quốc hội và các đơn vị hoàn thiện và bước đầu đưa vào sử dụng phần mềm quản lý, xử lý đơn thư và tổng hợp kiến nghị của cử tri, qua đó góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Ban, giảm thiểu thời gian và nhân sự. Đồng thời Ban đã áp dụng các sáng kiến trong công tác dân nguyện, tạo thuận lợi trong công tác quản lý về tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo và chuyển kiến nghị cử tri đảm bảo nhanh chóng, chính xác.

Nâng tầm công tác Dân nguyện của Quốc hội

Phát huy những kết quả đạt được trong năm 2019, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh, trong năm 2020, Ban Dân nguyện sẽ tiếp tục chủ động, tăng cường phối hợp với các tổ chức chính trị, nâng cao chất lượng của công tác tham mưu giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong lĩnh vực Dân nguyện. Tăng cường công khai, minh bạch trong công tác giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri, đơn thư khiếu nại tố cáo; đồng thời, tiếp tục đổi mới công tác thông tin, truyền thông tới cử tri về các kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo, giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Quốc hội qua đó phát huy vai trò giám sát của các Đoàn ĐBQH, các ĐBQH và cử tri trong lĩnh vực này. Theo dõi, đôn đốc việc giải quyết kiến nghị cử tri; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với Đoàn ĐBQH các địa phương trong giám sát và đánh giá các Bộ, ngành về kết quả trả lời, giải quyết các kiến nghị của cử tri (về thời hạn trả lời, chất lượng trả lời kiến nghị cử tri,...). Đặc biệt tập trung giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội đôn đốc, theo dõi, giám sát việc giải quyết trả lời khoảng 600 kiến nghị cử tri còn tồn đọng từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đến nay.

Bên cạnh đó, trong năm 2020, Ban Dân nguyện sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan của Quốc hội hoàn thiện Đề án chuyển Ban Dân nguyện thành cơ quan chuyên môn của Quốc hội để báo cáo Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh, việc chuyển Ban Dân nguyện thành cơ quan chuyên môn thuộc Quốc hội sẽ góp phần nâng tầm công tác Dân nguyện của Quốc hội, tăng tỷ lệ đơn thư được nghiên cứu, xem xét và giảm tỷ lệ đơn thư được xếp lưu…

Liên quan đến nhiệm vụ, hoạt động của Ban Dân nguyện trong năm 2020, Báo cáo thêm với Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó trưởng ban Dân nguyện Đỗ Văn Đương cho biết, do nhu cầu tiếp công dân của Quốc hội là rất lớn, vì vậy, cần bảo đảm mọi công dân đến Quốc hội đều được tiếp ở cả 3 miền, trong đó, năm 2020 cần tăng cường tiếp công dân ở miền Nam và miền Trung để giảm thiểu sự vất vả trong quá trình đi lại của người dân.

Phó Trưởng ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng phát biểu tại buổi làm việc

Trăn trở về công việc của Ban Dân nguyện, Phó Trưởng ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng chia sẻ: Các kiến nghị của cử tri, Ban Dân nguyện “đang xử lý thô, mà chưa xử lý được tinh”. Bởi sau khi nghiên cứu, chuyển đơn, thư kiến nghị của cử tri thì Ban Dân nguyện không có thẩm quyền đôn đốc Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương. Do đó, Phó Trưởng ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét, nâng cấp Ban Dân nguyện thành cơ quan chuyên môn thuộc Quốc hội sẽ góp phần nâng tầm công tác Dân nguyện của Quốc hội.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đánh giá cao hoạt động của Ban Dân nguyện, hoạt động Dân nguyện trong năm 2019. Với khối lượng công việc lớn, nhân lực còn hạn chế nhưng Ban Dân nguyện đã hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao, được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội đánh giá cao.

Năm 2020 là năm cuối của nhiệm kỳ, cũng là năm nhiều sự kiện chính trị quan trọng đó là Quốc hội đảm nhận vai trò Chủ tịch AIPA 41, tổ chức Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, dự báo sẽ không tránh khỏi sự tác động của các thế lực thù địch, kéo theo đó số lượng đơn, thư gửi đến Ban Dân nguyện gia tăng, khi mà nhân lực còn có hạn, áp lực đặt ra cho Ban Dân nguyện rất lớn, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị, lãnh đạo Ban Dân nguyện cần xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ chi tiết để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đánh giá cao hoạt động của Ban Dân nguyện, hoạt động Dân nguyện của Quốc hội trong năm 2019

Bên cạnh đó, cần chú ý làm khâu nối, tổ chức để Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội tham gia tiếp dân đúng theo quy định. Với kiến nghị thí điểm tổ chức tiếp dân ở miền Trung của Ban, đây là sáng kiến cần thiết nhưng Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, Ban nên trao đổi thêm với Chính phủ để có chủ trương thống nhất.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Ban Dân nguyện cần tích cực, chủ động trong chỉ đạo, tham mưu xử lý đơn thư, không để tồn đọng; cải tiến hình thức phân loại đơn, thư, phân loại sơ bộ, phân loại theo thứ tự ưu tiên gắn trách nhiệm xử lý đơn, thư với từng bộ, ngành, công chức. Bám sát, phản ánh nhanh, kịp thời, chính xác đơn, thư nguyện vọng cử tri, phản ánh đúng vấn đề nổi lên mà nhân dân, cử tri đang mong muốn giải quyết, nhất là trường hợp lâu không được giải quyết. Tăng cường giám sát giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo, cụ thể giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri. Thông qua giám sát phải đề xuất vấn đề cụ thể cần cải tiến trong hoạt động giám sát. Trong xây dựng báo cáo giám sát phải bảo đảm chất lượng, phản ánh thực chất việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của cử tri. Tập trung đánh giá việc thực hiện các kiến nghị trong báo cáo giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri gửi đến Kỳ họp của Quốc hội, cũng như vấn đề được cử tri kiến nghị nhiều lần, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức liên quan đến việc chậm triển khai và không triển khai việc giải quyết kiến nghị cử tri...

Về hoàn thiện củng cố thêm nội dung Đề án chuyển Ban Dân nguyện thành cơ quan chuyên môn thuộc Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nêu rõ, Ban Dân nguyện phải xác định đây là quyết tâm chính trị, vì mục tiêu chung đó là nâng tầm công tác Dân nguyện, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới./.

Trọng Quỳnh