ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI LÀM VIỆC TẠI TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

21/02/2023

Ngày 21/02, Đoàn Giám sát của Quốc hội do Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Uỷ ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế về “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”.

ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI KHẢO SÁT TẠI HUYỆN PHÚ VANG, TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

Toàn cảnh buổi làm việc

Sử dụng hiệu quả nguồn lực trong phòng, chống dịch Covid-19

Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Uỷ ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh Bình cho biết, kết quả thực hiện chi ngân sách nhà nước cho phòng, chống dịch COVID-19 và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 giai đoạn 2020-2022 trên địa bàn tỉnh là 836.715 triệu đồng. Đến nay, toàn tỉnh đã triển khai 45 đợt tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 và đã thực hiện tiêm 2.946.291 liều vắc xin phòng COVID-19 cho người từ 5 tuổi trở lên. Tổng số kinh phí mua test kít tại Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh gần 30 tỷ đồng.  Ngành y tế thực hiện mua vật tư, sinh phẩm và hóa chất phục vụ cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 gần 130 tỷ đồng.

Trong giai đoạn phòng, chống dịch COVID-19, có 3 cuộc thanh tra liên quan đến việc huy động, phân bổ, quản lý, sử dụng nguồn lực phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh. Qua các cuộc thanh tra đã chỉ ra những hạn chế, thiếu sót trong công tác chỉ đạo, quản lý điều hành và tổ chức thực hiện của Sở Y tế và các đơn vị trực thuộc trong việc đấu thầu, mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kít xét nghiệm, vắc xin, thuốc phòng, chống dịch COVID-19. Tuy nhiên, dịch bệnh kéo dài đã ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách các cấp; nhu cầu kinh phí phòng chống dịch khá lớn, trong khi ngân sách còn hạn chế đã ảnh hưởng đến việc thực hiện công tác phòng chống dịch; phân cấp một số nhiệm vụ, nội dung chi phòng chống dịch giữa các cấp ngân sách chưa rõ ràng, dẫn đến khó khăn trong quá trình thực hiện.

Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn Giám sát đánh giá cao công tác phòng, chống dịch của tỉnh, đồng thời cho rằng những khó khăn của tỉnh cũng là khó khăn chung của các tỉnh, thành trong cả nước. Bên cạnh đó, các thành viên Đoàn Giám sát cũng đề nghị tỉnh Thừa Thiên Huế làm rõ thêm về cơ chế thanh toán khi mua kist test và các kết luận thanh tra; cụ thể hóa con số dự phòng ngân sách phục vụ công tác chống dịch; kinh phí hỗ trợ các F còn bao nhiêu; công tác vận động, huy động nguồn lực qua kênh UBMTTQ Việt Nam như thế nào và mục đích sử dụng ra sao…

Sau khi làm rõ những thắc mắc của Đoàn giám sát, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương cho biết, nhờ làm tốt công tác phòng chống dịch nên địa phương đã hạn chế tối đa số lượng thương vong, đảm bảo phát triển kinh tề bền vững. Toàn tỉnh chỉ có 170 người tử vong, đây là con số phản ánh tỉ lệ thấp trong đợt dịch COVID-19 vừa qua. Công tác quản lý các nguồn lực cũng chặt chẽ, rà soát. Về kinh phí mua test kit, tỉnh không sử dụng ngân sách nhà nước. Số tiền còn lại nằm trong khả năng huy động của tỉnh.

Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình

Từng bước hoàn thiện hệ thống y tế

Hiện nay, mạng lưới y tế cơ sở tỉnh Thừa Thiên Huế có 9 trung tâm y tế huyện/thị xã/thành phố; 141 trạm y tế xã/phường/thị trấn. Tỷ lệ trạm y tế có bác sĩ làm việc đạt 90,8%. Nhân lực y tế tại cơ sở trên địa bàn tỉnh hiện có 2.319 người. Tiếp tục duy trì mạng lưới y tế cơ sở rộng khắp trong cả tỉnh, 100% các xã, phường, thị trấn có cơ sở trạm y tế xã. Số nhân viên y tế được bố trí làm công tác dự phòng là 1.345 người, trong đó bác sĩ là 313 người. Trong 3 năm qua (2020-2022), số viên chức cử đi đào tạo sau đại học chuyên môn y về công tác y tế dự phòng đạt kết quả khá cao 34/130 đạt tỉ lệ 26,15%. Hiện nay, dịch bệnh COVID-19 đã ổn định và đang được kiểm soát tốt trên địa bàn toàn tỉnh, song vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát dịch trở lại. Do đó, công tác đào tạo nguồn nhân lực làm công tác y tế dự phòngvẫn tiếp tục thực hiện nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế cũng thừa nhận, hàng năm tuyển dụng bác sĩ theo vị trí việc làm còn thiếu hoặc bổ sung, thay thế số bác sĩ nghỉ hưu, thôi việc, chuyển công tác tại các đơn vi trên địa bàn gặp nhiều khó khăn. Việc HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế ban Nghị quyết 33 vào năm 2023 với chính sách thu hút nhân tài trong lĩnh vực y tế được kỳ vọng là giải pháp tháo gỡ khó khăn trong vấn đề này.

Các thành viên đoàn giám sát cho rằng, mô hình y tế cơ sở cần gắn với công tác khám chữa bệnh; đồng thời làm rõ với nhân sự hiện nay, việc phân công, điều hành hoạt động có phù hợp với tình hình địa phương hay chưa; chất lượng y tế tuyến huyện ra sao; chính sách cho y tế cơ sở, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có những khó khăn như nào; các phòng khám tư nhân tác động ra sao đối với các trạm y tế…

Kết luận buổi làm việc, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình đánh giá cao nỗ lực của tỉnh Thừa Thiên Huế trong việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19. Đoàn Giám sát lưu ý, Uỷ ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế cần rà soát lại để có kiến nghị cụ thể những bất cập về mặt pháp lý. Bên cạnh đó, cần định hình, nhận thức laiu về mô hình y tế dự phòng tại hệ thống y tế cơ sở và cần đánh giá toàn diện để xây dựng hệ thống y tế trong thời gian tới./.

Tiểu Bảo

Các bài viết khác