Đoàn công tác của Ban Dân nguyện làm việc với UBND tỉnh Vĩnh Phúc về việc giám sát công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh
Theo Báo cáo của UBND tỉnh, trong thời gian từ năm 2018 đến 15/02/2019, các cơ quan Nhà nước ở cả 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) đã tiếp tổng số 6.241 lượt công dân, giảm 2,5% so với cùng kỳ, trong đó: Cấp tỉnh tiếp 685 lượt, cấp huyện tiếp 2.211 lượt, cấp xã tiếp 3.345 lượt. Số được hướng dẫn, giải thích trực tiếp 1.564 lượt; số có văn bản hướng dẫn 263 lượt; số tiếp có nhận đơn 1.189 lượt.
Nội dung công dân khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh chủ yếu liên quan đến lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai (chiếm 78%); liên quan đến thực hiện chính sách xã hội (chiếm 12%); nội dung khác (chiếm 10%).
Thông qua giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị và xử lý kỷ luật 04 tập thể, 62 cán bộ, công chức, trong đó; khởi tố 05 trường hợp, cách chức vụ 06 trường hợp, cảnh cáo 11 trường hợp, khiển trách 40 trường hợp. Thu hồi cho Nhà nước 70 triệu đống và 1.582 m2 đất.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Trì phát biểu tại buổi làm việc
Tuy nhiên, nhiều nơi cấp ủy Đảng, chính quyền chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tăng cường công tác quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực ở địa phương; chưa chủ động giải quyết, xử lý những tồn tại, sai phạm như: Đất đai, tài nguyên khoáng sản, môi trường; còn lúng túng bị động trong chỉ đạo, xử lý giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đông người khi mới phát sinh. Công tác tiếp công dân ở một số nơi nhất là cấp xã chưa thực hiện đúng theo quy định của Luật tiếp công dân, chất lượng, hiệu quả còn hạn chế.
Đại diện Sở, Ban, Ngành tỉnh Vĩnh Phúc phát biểu tại buổi làm việc
Sau khi nghe báo cáo, với tinh thần làm việc nghiêm túc, khẩn trương và đi thẳng vào các vấn đề cốt lõi, các thành viên Đoàn công tác tiến hành trao đổi, thảo luận, đồng thời đề nghị UBND tỉnh làm rõ một số vấn đề như: Cơ chế hoạt động của tổ công tác giám sát giải quyết khiếu nại, tố cáo của tỉnh. Cần nêu rõ những trường hợp bị khởi tố và quá trình sử lý sai phạm. Chất lượng cán bộ còn bộc lộ nhiều hạn chế, trong đó, cán bộ được phân công nhiệm vụ tiếp công dân nghiệp còn yếu và thiếu về mặt nghiệp vụ. Cơ sở vật chất của cơ sở tiếp công dân tại một số nơi trên địa bàn tỉnh không đạt yêu cầu. Cần sắp xếp lịch tiếp công dân của người đứng đầu các cơ quan các cấp hợp lý, tránh trùng lặp, gây khó khăn cho người dân.
Ngoài ra, Đoàn giám sát đã đề cập tới 05 vụ việc cụ thể như; 02 vụ việc liên quan đến lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, 02 vụ việc liên quan đến công tác thi ành án dân sự, 01 vụ việc vụ án có dấu hiệu hình sự.
Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải phát biểu kết luận
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đã đánh giá cao công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của tỉnh trong thời gian qua, đặc biệt là việc thành lập tổ công tác giám sát công tác khiếu nại, tố cáo và việc công khai buổi tiếp công dân thông qua các hệ thống công nghệ thông tin. Trưởng Ban Dân nguyện cũng yêu cầu: Nội quy phòng tiếp công dân tại một số Sở ngành cần thực hiện theo đúng quy định của pháp luật; Công tác ghi chép và năng lực cán bộ tiếp công dân cần được nâng cao hơn nữa trong thời gian tới; Tỷ lệ phân loại, giải quyết khiếu nại, tố cáo còn thấp, chưa tương xứng với số vụ việc nhận được; Cần chấn chỉnh, quán triệt việc tiếp công dân cần phải đúng quy định của pháp luật.
Đối với 05 vụ việc cụ thể, Trưởng Ban Dân nguyện kiến nghị; 02 vụ việc liên quan đến lĩnh vực đất đai mà người dân kiến nghị là có cơ sở, đề nghị UBND huyện Tam Dương cần xác minh lại nguồn gốc đất để giải quyết quyền lợi chính đáng cho người dân. Đối với 02 vụ việc liên quan đến công tác thi hành án dân sự, đề nghị các cơ quan chức năng liên quan cần thực hiện nghiêm túc theo pháp luật và đảm bảo công tác an sinh xã hội. 01 vụ việc có dấu hiệu hình sự theo như phân tích của các thành viên Đoàn giám sát là có căn cứ, đề nghị Công an tỉnh cần thực hiện khởi tố vụ án hình sự nhằm tránh bỏ lọt tội phạm.