KIẾN NGHỊ CỦA CỬ TRI THUỘC LĨNH VỰC BỘ LAO ĐỘNG- THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

25/03/2019

Kiến nghị của cử tri gửi Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV thuộc lĩnh vực Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội.

Câu 1. Cử tri tỉnh Quảng Nam kiến nghị: Đề nghị trợ cấp cho những người trực tiếp tham gia kháng chiến nhưng không đủ thời gian hưởng trợ cấp thường xuyên.

Trả lời: Tại Công văn số 242/ LĐTBXH-VP ngày 11/01/2019

Đối với những trường hợp có thời gian tham gia kháng chiến nhưng không đủ thời gian hưởng trợ cấp thường xuyên thì Nhà nước đã có quy định giải quyết chính sách như sau:

- Theo quy định tại Điều 30, Điều 31 Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng: Người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế được Nhà nước tặng Huân chương kháng chiến, Huy chương kháng chiến được hưởng: Trợ cấp một lần; Bảo hiểm y tế; hỗ trợ mai táng phí khi mất.

- Theo quy định tại Quyết định số 24/2016/QĐ-TTg ngày 14/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ thì những người có thành tích tham gia kháng chiến đã được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng hoặc Bằng khen của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được hưởng trợ cấp một lần.

Câu 2. Cử tri tỉnh Thái Bình kiến nghị: Cử tri đề nghị các cấp có thẩm quyền khẩn trương hoàn tất việc thanh tra, rà soát lại các trường hợp đang được hưởng chế độ nạn nhân chất độc da cam; đảm bảo giải quyết sớm cho những đối tượng đã và đang được hưởng chế độ chính xác, công bằng, chặt chẽ, đúng đối tượng; không làm ảnh hưởng đến tư tưởng, lòng tin của nhân dân.

Trả lời: Tại Công văn số 170/ LĐTBXH-VP ngày 11/01/2019

1. Chính sách ưu đãi người có công với cách mạng nói chung và đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học nói riêng là chính sách lớn của Đảng và Nhà nước nhằm tri ân những người đã hy sinh xương máu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, quan điểm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là chính sách phải giải quyết đúng người, đúng chế độ, những trường hợp lợi dụng chính sách để trục lợi nếu bị phát hiện sẽ kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Từ năm 2016 đến nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo cơ quan Thanh tra tiến hành thanh tra toàn diện việc thực hiện chính sách đối với người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hoá học.

Qua thanh tra tại 09 địa phương (gồm: Quảng Trị, Thái Nguyên, Sơn La, Bắc Giang, Nam Định, Quảng Nam, Gia Lai, Khánh Hòa và Bình Dương) phát hiện 569 trường hợp hưởng sai chính sách phải đình chỉ chế độ. Kiến nghị thu hồi ngân sách nhà nước 55,5 tỷ đồng và 1.176 trường hợp được Hội đồng giám định y khoa tỉnh kết luận sai tỷ lệ tổn thương cơ thể do bệnh tật liên quan đến phơi nhiễm chất độc hoá học phải điều chỉnh mức trợ cấp.

2. Để đảm bảo công bằng, đúng đối tượng, đúng quy định của pháp luật trong giải quyết chính sách ưu đãi người có công với cách mạng và không làm ảnh hưởng đến tư tưởng, lòng tin của nhân dân, thời gian tới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục thực hiện một số giải pháp sau:

a) Chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra:

- Tăng cường lực lượng cán bộ làm công tác thanh tra chính sách người có công cả về số lượng và chất lượng.

- Tăng cường các cuộc thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện những sai sót, tiêu cực trong thực hiện chính sách đối với người có công. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo Thanh tra Bộ và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trên toàn quốc đến hết năm 2020 phải tiến hành thanh tra toàn bộ số hồ sơ đang hưởng chế độ người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hoá học (Công văn số 4313/LĐTBXH-TTr ngày 15/10/2018 định hướng Sở Lao động -Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai công tác thanh tra năm 2018, 2019, 2020).

- Xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật đối với những trường hợp giả mạo hồ sơ để hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng. Đối với những vụ việc có dấu hiệu tội phạm được phát hiện qua thanh tra, kiểm tra sẽ chuyển sang cơ quan điều tra để xử lý theo quy định.

b) Đối với các cơ quan, đơn vị có liên quan:

- Đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với cơ quan quân đội, công an có biện pháp tích cực thu hồi số tiền hưởng sai quy định đối với các đối tượng qua công tác thanh tra, kiểm tra đã xác định sai phạm.

- Chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện việc tiếp nhận, kiểm tra chặt chẽ hồ sơ xác lập mới đề nghị hưởng chính sách do các cơ quan có thẩm quyền chuyển đến, xử lý kịp thời đối với hồ sơ sai phạm. Kịp thời xác minh, giải quyết khiếu nại, tố cáo nhằm đảm bảo công bằng trong thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng.

- Phối hợp với Bộ Y tế chỉ đạo các cơ sở y tế thực hiện khám, điều trị và cấp bệnh án đúng quy định của Luật khám chữa bệnh; chấm dứt tình trạng không nằm viện nhưng vẫn được cấp bệnh án “tràn lan” để lập hồ sơ; chỉ đạo các Hội đồng giám định y khoa thực hiện việc giám định khả năng lao động đối với người có công được giới thiệu giám định theo đúng quy định.

- Phối hợp với Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương chủ động nắm tình hình, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền chỉ đạo các cơ quan chức năng giải quyết kịp thời các khiếu nại, tố cáo trong thực hiện chính sách người có công với cách mạng, không để phát sinh "điểm nóng". Tập trung điều tra, xử lý hình sự một số vụ án trọng điểm, xác định đối tượng liên quan trong cơ quan Nhà nước nhằm răn đe, ngăn chặn, phòng ngừa.

- Đề cao sự giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các cấp, người dân và cơ quan báo chí, công khai minh bạch khi xét duyệt hồ sơ người có công.

Câu 3. Cử tri TP. Hồ Chí Minh kiến nghị: Việc đơn vị để nợ bảo hiểm xã hội từ tháng thứ ba trở đi là dấu hiệu xác định đơn vị vi phạm nghiêm trọng phương thức đóng bảo hiểm xã hội; cơ quan bảo hiểm xã hội có thể thực hiện thanh tra đột xuất mà không vi phạm Chỉ thị 20. Kiến nghị sửa đổi bổ sung quy trình thanh tra đột xuất trong pháp luật thanh tra đơn giản hơn, để đảm bảo ý nghĩa và sự khác biệt của thanh tra đột xuất (như xem lại quy định phải có người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hoặc người được ủy quyền hợp pháp mới thực hiện thanh tra được, nếu đơn vị né tránh sẽ không khác thanh tra thông thường

Trả lời: Tại Công văn số 172/ LĐTBXH-VP ngày 11/01/2019

Việc sửa đổi, bổ sung quy trình thanh tra do Thanh tra Chính phủ thực hiện hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền ban hành theo quy định của pháp luật. Theo quy định tại Điều 38 Luật thanh tra thì một trong các căn cứ để tiến hành thanh tra đột xuất là khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân. Việc thanh tra đột xuất phải tuân thủ theo quy trình tiến hành một cuộc thanh tra cũng làm giảm đi tính kịp thời trong việc phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm. Do đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp thu ý kiến cử tri để đề nghị Thanh tra Chính phủ ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh các quy định về pháp luật thanh tra cho phù hợp.

Câu 4. Cử tri tỉnh Long An kiến nghị: Đề nghị tăng mức lương tối thiểu vùng vì hiện nay lương của công nhân trong các nhà máy, xí nghiệp còn thấp, không đảm bảo cuộc sống.

Trả lời: Tại Công văn số 174/LĐTBXH-VP ngày 11/01/2019

Theo quy định tại Điều 91 của Bộ luật Lao động thì mức lương tối thiểu vùng được điều chỉnh căn cứ vào nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ; điều kiện kinh tế - xã hội và mức tiền lương trên thị trường lao động. Căn cứ quy định trên, từ năm 2013 đến năm 2019, hằng năm Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội với vai trò là thành viên của Hội đồng tiền lương quốc gia đã phân tích, đánh giá thực tế, thương lượng, thống nhất phương án điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng và khuyến nghị với Chính phủ công bố mức điều chỉnh: năm 2014 tăng bình quân 15,2%; năm 2015 tăng bình quân 14,2%, năm 2016 tăng bình quân 12,4%; năm 2017 tăng bình quân 7,3%; năm 2018 tăng bình quân là 6,5%; năm 2019 tăng bình quân 5,3%. Từ ngày 01/01/2019, mức lương tối thiểu theo quy định tại Nghị định số 157/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ: vùng I là 4.180.000 đồng/tháng, vùng II là 3.710.000 đồng/tháng, vùng III là 3.250.000 đồng/tháng, vùng IV là 2.920.000 đồng/tháng.

Mức lương tối thiểu nêu trên là mức thấp nhất trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất, trong điều kiện lao động bình thường. Các mức lương khác (trả cho người lao động làm công việc yêu cầu qua đào tạo) thì thực hiện theo thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc quy chế trả lương của người sử dụng lao động. Vì vậy, để nâng cao tiền lương, thu nhập cho người lao động thì cần phải nâng cao năng lực, chất lượng thương lượng, thỏa thuận tiền lương của người lao động, của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở với người sử dụng lao động.

Trong năm 2019, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục phối hợp với các thành viên trong Hội đồng tiền lương quốc gia đánh giá mức sống tối thiểu, điều kiện sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp để đề xuất với Chính phủ phương án điều chỉnh mức tiền lương tối thiểu năm 2020 đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21 tháng 5 năm 2018 của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII.

Câu 5. Cử tri TP. Hồ Chí Minh kiến nghị: Cử tri đề nghị Nhà nước cần tiếp tục quan tâm chính sách cải cách tiền lương và thu nhập cho người lao động để nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội.

Trả lời: Tại Công văn số 175/LĐTBXH-VP ngày 11/01/2019

Về nội dung định hướng cải cách chính sách tiền lương đối với người lao động đã được Ban Chấp hành Trung ương Đảng nêu tại Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018. Ngày 16/8/2018, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 107/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, trong đó phân công cụ thể trách nhiệm của các bộ, ngành và thời gian hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật để triển khai thực hiện từ năm 2021.

Câu 6. Cử tri tỉnh Thanh Hóa kiến nghị: Khoản 1 Điều 210 Bộ luật Lao động quy định đình công ở những nơi có tổ chức công đoàn cơ sở phải do Ban chấp hành công đoàn cơ sở tổ chức, lãnh đạo là không khả thi. Bởi cán bộ công đoàn cơ sở cũng là người lao động trong doanh nghiệp, được lãnh đạo doanh nghiệp bố trí công việc và trả lương. Khi họ đứng ra tổ chức và lãnh đạo đình công sẽ đối diện với nguy cơ bị chủ doanh nghiệp sa thải dẫn đến mất việc làm, mất thu nhập. Thực tế cho thấy, gần như 100% các cuộc đình công, biểu tình trong doanh nghiệp là tự phát, trái với quy định pháp luật, dẫn đến khó kiểm soát, dễ gây phức tạp về an ninh trật tự. Cử tri kiến nghị bỏ quy định tại Khoản 1 Điều 210.

Trả lời: Tại Công văn số 176/LĐTBXH-VP ngày 11/01/2019

Theo quy định của Bộ luật lao động năm 2012, quan hệ lao động được xác lập giữa các chủ thể là người lao động/tổ chức đại diện của người lao động và người sử dụng lao động thông qua đối thoại, thương lượng, thỏa thuận theo nguyên tắc tự nguyện, thiện chí, bình đẳng, hợp tác tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của nhau. Trường hợp phát sinh tranh chấp lao động thì việc giải quyết tranh chấp phải đảm bảo các nguyên tắc theo quy định tại Điều 194 Bộ luật lao động, trước hết phải đảm bảo nguyên tắc hai bên tự thương lượng trực tiếp, tự quyết định, giải quyết hài hòa lợi ích của hai bên tranh chấp, ổn định sản xuất kinh doanh, bảo đảm trật tự và an toàn xã hội. Đình công là biện pháp cuối cùng do công đoàn lãnh đạo để gây sức ép đối với người sử dụng lao động để bảo đảm quyền và lợi ích của người lao động. Những quy định này trong Bộ luật Lao động năm 2012 cũng phù hợp với các Công ước, Khuyến nghị của Tổ chức lao động quốc tế.

Hiện nay, việc tổ chức, hoạt động của công đoàn cơ sở, cán bộ công đoàn cơ sở được thực hiện theo quy định của Luật Công đoàn năm 2012. Thực tiễn trong những năm qua cho thấy vai trò đại diện của tổ chức công đoàn cơ sở còn hạn chế, chưa phát huy được vai trò, vị trí; thiếu sự gắn kết hữu cơ giữa công đoàn cấp trên với công đoàn cơ sở.

Từ thực tiễn nêu trên, đặc biệt trong bối cảnh thực hiện các cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, công đoàn cần phải đổi mới toàn diện, nâng cao hiệu quả hoạt động, thực hiện tốt nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Nghị quyết số 06-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương ngày 05/11/2016 về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đã chỉ rõ “đổi mới tổ chức, hoạt động của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới; tạo điều kiện về nguồn lực đủ mạnh để bảo đảm hiệu quả các hoạt động đại diện, chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, thu hút người lao động và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp tham gia Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam”.

Câu 7. Cử tri tỉnh Thanh Hóa kiến nghị: Khoản 1 Điều 188 Bộ luật Lao động quy định công đoàn cơ sở thực hiện vai trò đại diện, bảo vệ quyền lợi cho người lao động; đại diện cho tập thể người lao động khởi kiện ra Tòa án những hành vi vi phạm pháp luật gây thiệt hại cho người lao động của chủ doanh nghiệp. Cử tri kiến nghị sửa Bộ luật Lao động theo hướng cho phép công đoàn cấp trên là người đại diện cho người lao động trong những trường hợp công đoàn cơ sở không thể thực hiện được chức năng này.

Trả lời: Tại Công văn số 177/LĐTBXH-VP ngày 11/01/2019

Theo quy định tại Điều 188 Bộ luật Lao động năm 2012 thì công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở có trách nhiệm hỗ trợ công đoàn cơ sở thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của công đoàn cơ sở; tuyên truyền giáo dục, nâng cao hiểu biết về pháp luật về lao động, pháp luật về công đoàn cho người lao động. Ở những nơi chưa thành lập tổ chức công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở thực hiện trách nhiệm của công đoàn cơ sở theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, Điều 10 Luật Công đoàn năm 2012 cũng quy định rõ quyền, trách nhiệm của công đoàn trong việc đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, trong đó có quy định về việc đại diện cho tập thể người lao động, đại diện người lao động khởi kiện tại Toà án khi quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của tập thể người lao động và người lao động bị xâm phạm và được người lao động uỷ quyền; đại diện cho tập thể người lao động tham gia tố tụng trong vụ án lao động, hành chính, phá sản doanh nghiệp để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của tập thể người lao động và người lao động.

Như vậy, để đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra, công đoàn cấp trên cần đổi mới, tiếp tục nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động để giúp cho công đoàn cơ sở thực hiện tốt vai trò đại diện của mình và thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm như một công đoàn cơ sở theo quy định của pháp luật ở những nơi chưa thành lập tổ chức công đoàn cơ sở.

Câu 8. Cử tri TP. Hồ Chí Minh kiến nghị: Có ý kiến hướng dẫn cụ thể quy trình chuyển Cơ quan điều tra đối với chủ sử dụng lao động nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội để xử lý theo Bộ luật Hình sự hiện hành.

Trả lời: Tại Công văn số 171/LĐTBXH-VP ngày 11/01/2019

Điều 216 Bộ luật Hình sự đã quy định cụ thể các hình thức xử lý đối với hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động của người sử dụng lao động. Việc chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra thuộc Bộ Công an được thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 03/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP-TTCP ngày 18/10/2018 của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Thanh tra Chính phủ quy định về phối hợp giữa cơ quan điều tra, viện kiểm sát, cơ quan thanh tra trong việc trao đổi thông tin về tội phạm và giải quyết kiến nghị khởi tố được phát hiện thông qua hoạt động thanh tra. Tuy nhiên, hiện nay chưa có quy định hướng dẫn cụ thể quy trình chuyển Cơ quan điều tra đối với chủ sử dụng lao động nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội để xử lý theo Bộ luật Hình sự hiện hành. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp thu ý kiến cử tri, đề nghị các cơ quan có liên quan xây dựng quy trình chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra xử lý hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế theo quy định.

Câu 9. Cử tri TP. Hồ Chí Minh kiến nghị: Đề nghị ban hành quy định bổ sung nội dung xử phạt đối với người sử dụng lao động không trả bảo hiểm xã hội vào lương cho đối tượng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; Các biện pháp cưỡng chế khả thi để Thanh tra ngành Lao động, Thương binh, Xã hội tiến hành cưỡng chế số tiền phạt, số tiền buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả khi doanh nghiệp không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính; Các biện pháp chế tài, cưỡng chế cụ thể trong những trường hợp đối tượng không chấp hành các quyết định, kết luận của cơ quan thanh tra để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bên bị xâm phạm. Vì theo quy định Bộ Luật Dân sự khi đã được các cơ quan nhà nước giải quyết thì Tòa án nhân dân không thụ lý đơn.

Trả lời: Tại Công văn số 173/LĐTBXH-VP ngày 11/01/2019

Hành vi người sử dụng lao động không trả thêm một khoản tiền tương ứng với mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đã được quy định là hành vi bị xử phạt vi phạm hành chính tại khoản 10 Điều 1 Nghị định số 88/2015/NĐ-CP ngày 07/10/2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22/8/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đã được quy định tại Nghị định số 166/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định về cưỡng chế xử thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Việc xử lý đối tượng thanh tra không chấp hành kết luận thanh tra đã được quy định tại Nghị định số 33/2015/NĐ-CP ngày 27/3/2015 Chính phủ quy định việc thực hiện kết luận thanh tra và hướng dẫn tại Thông tư số 01/2013/TT-TTCP ngày 12/3/2013 của Thanh tra Chính phủ quy định về hoạt động theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra.

Đối với trường hợp đối tượng thanh tra không chấp hành quyết định thanh tra, hiện nay chưa có quy định chế tài xử lý, do đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp thu ý kiến cử tri để đề nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 88/2015/NĐ-CP ngày 07/10/2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22/8/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Câu 10. Cử tri tỉnh Bến Tre kiến nghị: Việc chênh lệch tiền lương giữa các chức danh của những người quản lý là quá nhỏ nên vai trò người đứng đầu Công ty, chịu trách nhiệm chính về hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp chưa thể hiện rõ nét. Do vậy, để nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước đề nghị sửa đổi, bổ sung trong Phụ lục II kèm theo Nghị định số 52/2016/NĐ-CP ngày 13 tháng 6 năm 2016 của Chính phủ về mức tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với người quản lý Công ty TNHH MTV do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ xác định có khoảng cách giữa các chức danh người quản lý để thể hiện vai trò người đứng đầu của doanh nghiệp, chịu trách nhiệm chính về tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Trả lời: Tại Công văn số 178/LĐTBXH-VP ngày 11/01/2019

Ngày 21/5/2018, Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong các doanh nghiệp. Căn cứ Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương, ngày 16/8/2018 Chính phủ ban hành Nghị quyết số 107/NQ-TW về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, trong đó xác định từ năm 2021 thực hiện cơ chế quản lý tiền lương đối với doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp thực hiện sản phẩm, dịch vụ công ích với một số nội dung cơ bản như:

(i) giao cho doanh nghiệp xây dựng thang lương, bảng lương (kể cả đối với người quản lý) để thực hiện;

(ii) khoán quỹ tiền lương của người lao động và Ban giám đốc (hưởng chung quỹ tiền lương với người lao động) gắn với năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh;

(iii) quy định mức lương cơ bản và xác định quỹ lương của Hội đồng quản trị/Hội đồng thành viên, kiểm soát viên gắn với quy mô, mức độ phức tạp quản lý, hiệu quả sản xuất kinh doanh, hiệu quả sử dụng vốn nhà nước;

(iv) quy định việc đánh giá, chi trả tiền lương, tiền thưởng đối với Ban giám đốc, Hội đồng quản trị/Hội đồng thành viên, kiểm soát viên theo nguyên tắc ai thuê, bổ nhiệm thì người đó đánh giá và trả lương;

(v) xác định tiền lương đối với doanh nghiệp làm nhiệm vụ bình ổn thị trường hoặc sản xuất, kinh doanh dịch vụ công ích theo nhiệm vụ nhà nước giao.

Trước mắt, từ năm 2019 đến năm 2021, Chính phủ sẽ thực hiện thí điểm quản lý lao động tiền lương theo nội dung nêu trên đối với một số Tập đoàn, Tổng công ty, công ty nhà nước.

Câu 11. Cử tri tỉnh Quảng Nam kiến nghị: Xem xét bổ sung đối tượng: “Con của liệt sỹ trên 18 tuổi và thân nhân thứ yếu” là người thờ cúng liệt sỹ trong trường hợp thân nhân chủ yếu mất thì được hưởng thêm chế độ trợ cấp tiền tuất hằng tháng theo Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng số 26/2005/PL-UBTVQH11 ngày 29/6/2005 và Pháp lệnh số 04/2012/UBTVQH13 ngày 16/7/2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng.

Trả lời: Tại Công văn số 243/LĐTBXH-VP ngày 11/01/2019

Hàng năm, Nhà nước đều dành một phần ngân sách nhằm đảm bảo thực hiện chế độ ưu đãi đối với người có công thể hiện sự tri ân của Đảng và Nhà nước, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống của người có công và thân nhân của họ. Mức hỗ trợ trợ cấp ưu đãi người có công được điều chỉnh phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của của đất nước trong từng thời kỳ. Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng năm 2012 quy định "Liệt sỹ không còn thân nhân thuộc diện hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng thì người được giao thờ cúng liệt sỹ được hưởng trợ cấp mỗi năm một lần". Đây là khoản hỗ trợ việc thờ cúng liệt sỹ đối với người được ủy quyền thờ cúng liệt sỹ (không phải khoản trợ cấp toàn bộ các chi phí của việc thờ cúng). Đồng thời, việc xem xét, bổ sung thêm chế độ trợ cấp hàng tháng đối với người thờ cúng liệt sĩ phụ thuộc vào điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước và trong mối tương quan với các đối tượng được trợ cấp khác.

Câu 12. Cử tri tỉnh Thái Bình kiến nghị: Cử tri tiếp tục đề nghị sớm có chính sách, giải pháp tạo điều kiện giải quyết chế độ chính sách cho các đối tượng tham gia kháng chiến, người có công với cách mạng, đặc biệt những người tham gia kháng chiến tại Lào, Campuchia bị mất giấy tờ gốc được hưởng chế độ đãi ngộ của Nhà nước nhanh chóng, thuận lợi, đảm bảo đúng chế độ.

Trả lời: Tại Công văn số 244/LĐTBXH-VP ngày 11/01/2019

Hiện nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã và đang triển khai công tác giải quyết hồ sơ tồn đọng theo Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH ngày 20/3/2017 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, trên cơ sở đó sẽ tiếp tục rút kinh nghiệm, bổ sung hoàn thiện phương thức giải quyết nhằm: giảm bớt thủ tục hành chính, tăng cường công khai minh bạch, chống man khai hồ sơ, trục lợi chính sách, từng bước nghiên cứu, mở rộng phạm vi giải quyết hồ sơ còn tồn đọng ở các ngành, cấp huyện, cấp xã và trong nhân dân. Bên cạnh đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện chính sách theo hướng sửa đổi toàn diện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Câu 13. Cử tri tỉnh Thanh Hóa, Long An kiến nghị: Đề nghị Nhà nước quan tâm đến đối tượng quân nhân nhập ngũ sau ngày 30/4/1975 đã phục viên xuất ngũ, có tham gia làm nghĩa vụ Quốc tế Lào - Campuchia và bảo vệ biên giới, hải đảo được Nhà nước tặng thưởng Huân, Huy chương nhưng chưa được hưởng theo chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước hiện hành.

Trả lời: Tại Công văn số 245/LĐTBXH-VP ngày 11/01/2019

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xin tiếp thu kiến nghị của cử tri để nghiên cứu trong quá trình xây dựng dự án Pháp lệnh sửa đổi Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng.

Câu 14. Cử tri tỉnh Yên Bái kiến nghị: Đề nghị có chính sách bổ sung về việc giải quyết chế độ huân, huy chương hoặc trợ cấp cho những người tham gia hoạt động kháng chiến giữa hai thời kỳ (kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ; chống Mỹ và chiến đấu bảo vệ biên giới của Tổ quốc), đề nghị nên có quy định được cộng nối giữa hai thời kỳ đối với những người tính riêng từng thời kỳ không đủ theo quy định để tránh thiệt thòi cho các đối tượng nêu trên.

Trả lời: Tại Công văn số 246/LĐTBXH-VP ngày 11/01/2019

Hiện nay, Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng quy định 12 diện người có công. Trong đó, ngoài đối tượng người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945 và người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 thì các đối tượng khác nếu có đủ điều kiện, tiêu chuẩn đều được xem xét, giải quyết chế độ ưu đãi theo quy định, không yêu cầu phải đủ thời gian tham gia kháng chiến trong thời kỳ nào (hoặc tham gia lực lượng nào) để làm căn cứ xem xét, xác nhận.

Câu 15. Cử tri tỉnh Trà Vinh kiến nghị: Kiến nghị hỗ trợ chế độ bảo hiểm y tế cho vợ thương binh loại  3/4, thương binh loại 4/4.

Trả lời: Tại Công văn số 247/LĐTBXH-VP ngày 11/01/2019

Trợ cấp ưu đãi người có công được xác định theo mức độ cống hiến, hy sinh của mỗi diện đối tượng và căn cứ vào khả năng kinh tế, ngân sách của đất nước.

Căn cứ vào điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay và mặt bằng tổng thể chính sách chung, quy định chế độ bảo hiểm y tế cho thân nhân của người có công có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên như hiện nay là phù hợp. Việc nghiên cứu, mở rộng chế độ, chính sách đối với các diện đối tượng, đặc biệt là thân nhân của người có công cần tiếp tục được nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng trong thời gian tới để đề xuất vào thời điểm phù hợp.

Câu 16. Cử tri tỉnh Trà Vinh kiến nghị: Đề nghị cần có chế độ chính sách cho đối tượng cán bộ tham gia cách mạng từ tháng 8/1945 đến tháng 7/1954 như chế độ của cán bộ tham gia kháng chiến chống Mỹ, vì hiện nay đối tượng này không được hưởng chế độ hỗ trợ của nhà nước.

Trả lời: Tại Công văn số 248/LĐTBXH-VP ngày 11/01/2019

Hiện nay, Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng quy định 12 diện người có công. Trong đó, ngoài đối tượng người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945 và người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 thì các đối tượng khác nếu có đủ điều kiện, tiêu chuẩn đều được xem xét, giải quyết chế độ ưu đãi theo quy định, không yêu cầu phải đủ thời gian tham gia kháng chiến trong thời kỳ nào (hoặc tham gia lực lượng nào) để làm căn cứ xem xét, xác nhận.

Do nội dung câu hỏi của cử tri không nêu rõ cần chế độ chính sách và diện đối tượng cụ thể nào nên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chưa có đủ cơ sở để trả lời.

Câu 17. Cử tri TP. Đà Nẵng kiến nghị: Cử tri phản ảnh, hiện nay đối tượng là cựu Thanh niên xung phong trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp hiện nay còn rất ít, tất cả đều đã cao tuổi (từ 81 tuổi trở lên) chưa được hưởng chế độ gì. Đề nghị Chính phủ quan tâm.

Trả lời: Tại Công văn số 249/LĐTBXH-VP ngày 11/01/2019

Thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến (trong đó có thanh niên xung phong thời kỳ kháng chiến chống Pháp) được hưởng đầy đủ các chế độ ưu đãi của nhà nước theo quy định tại Quyết định số 104/1999/QĐ-TTg ngày 14/4/1999; Quyết định số 170/2008/QĐ-TTg ngày 18/12/2008; Quyết định số 40/2011/QĐ-TTg ngày 27/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ, gồm: trợ cấp hàng tháng; trợ cấp một lần, bảo hiểm y tế, mai táng phí.

Thanh niên xung phong, không phân biệt thời kỳ, nếu đảm bảo các điều kiện theo quy định của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng thì được hưởng các chế độ ưu đãi của người có công với cách mạng.

Theo quy định hiện hành về thủ tục, hồ sơ xét giải quyết chế độ đối với Thanh niên xung phong thực hiện tại Thông tư liên tịch số 08/2012/TTLT-BLĐTBXH-BNV-BTC ngày 16/4/2012, Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hoàn thành việc xét duyệt, thẩm định, tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định hưởng chế độ trợ cấp.

Câu 18. Cử tri tỉnh Hậu Giang kiến nghị: Cử tri phản ánh hiện nay đối tượng là người có công với cách mạng tham gia kháng chiến có tỷ lệ thương tật dưới 21% chỉ được hưởng trợ cấp một lần mà không được hưởng bất cứ chế độ gì khác. Kiến nghị Chính phủ xem xét mở rộng diện hưởng trợ cấp hàng tháng đối với đối tượng là người tham gia kháng chiến có tỷ lệ thương tật từ 15% đến dưới 21%, không nên cào bằng một mức là dưới 21%. Bởi vì, thực tế tỷ lệ thương tật từ 15% trở lên ảnh hưởng nhiều đến sức khoẻ; đời sống rất khó khăn, nhưng không được hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng.

Trả lời: Tại Công văn số 250/LĐTBXH-VP ngày 11/01/2019

Trợ cấp ưu đãi người có công được xây dựng căn cứ vào mức độ đóng góp, hy sinh của từng diện đối tượng, phù hợp với khả năng ngân sách của đất nước trong từng thời kỳ và cân đối trong tổng thể hệ thống chính sách xã hội nói chung. Trên cơ sở đó, chính sách hiện hành chia ra nhóm đối tượng hưởng trợ cấp hàng tháng và nhóm đối tượng hưởng trợ cấp một lần.

- Đối với người có công: Nhóm hưởng trợ cấp hàng tháng là thương binh, người bị nhiễm chất độc hóa học suy giảm khả năng lao động từ 21% trở lên; bệnh binh có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động 61% trở lên.

- Đối với các đối tượng xã hội khác: Nhóm hưởng trợ cấp hàng tháng là người khuyết tật bị khuyết tật nặng, đặc biệt nặng, suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10/4/2012 của Chính phủ; người bị tai nạn lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên theo quy định tại Điều 43 Luật Bảo hiểm xã hội.

Như vậy, mức khởi điểm được hưởng trợ cấp hàng tháng của thương binh đã thuộc diện thấp nhất trong các đối tượng hưởng trợ cấp xã hội nói chung và trợ cấp ưu đãi người có công nói riêng. Việc xem xét, giảm tỷ lệ thương tật trong xếp hạng thương binh để giải quyết trợ cấp hàng tháng phải đặt trong điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước và tương quan với tổng thể chính sách xã hội hiện hành.

Câu 19. Cử tri tỉnh Hậu Giang kiến nghị: Cử tri đề nghị bổ sung đối tượng là quân nhân phục viên, xuất ngũ từng tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, biên giới Tây Nam, làm nhiệm vụ quốc tế ở Lào và Campuchia sau ngày 30/4/1975 vào đối tượng là người có công với cách mạng theo quy định tại Điều 30 của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng.

Trả lời: Tại Công văn số 251/LĐTBXH-VP ngày 11/01/2019

Căn cứ điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay và tổng thể chính sách an sinh xã hội nói chung, chính sách ưu đãi người có công nói riêng, đề xuất của cử tri về việc bổ sung các đối tượng là lực lượng quân nhân tham gia các thời kỳ kháng chiến của đất nước là chưa thật sự khả thi.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục nghiên cứu trình các cấp có thẩm quyền xem xét mở rộng đối tượng thụ hưởng hoặc bổ sung chính sách trên cơ sở phải đảm bảo tính khoa học, lịch sử và phù hợp với thực tiễn điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước.

Câu 20. Cử tri tỉnh Kiên Giang kiến nghị: Cử tri Kiên Giang đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sửa đổi Điểm a, Khoản 1, Điều 5 Thông tư số 16/2014/TT-BLĐTBXH; cho sử dụng hồ sơ hưởng chế độ trợ cấp một lần theo Quyết định số 290 và Quyết định số 142 làm căn cứ xét hưởng chế độ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, không quy định thời gian xác lập hồ sơ.

Trả lời: Tại Công văn số 252/LĐTBXH-VP ngày 11/01/2019

Việc xác lập hồ sơ để thụ hưởng các chính sách khác nhau phải theo quy định của cơ quan nhà nước đối với diện đối tượng, không thể căn cứ hồ sơ của diện đối tượng này để xét hưởng chế độ cho diện đối tượng khác.

Căn cứ để xác lập hồ sơ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học được quy định tại Khoản 2 Điều 27 Thông tư số 05/2013/TT-BLĐTBXH ngày 15/5/2013 và Khoản 1 Điều 5 Thông tư số 16/2014/TT-BLĐTBXH ngày 30/7/2014 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Nếu trong hồ sơ hưởng chế độ trợ cấp một lần của đối tượng theo Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg ngày 08/11/2055 và Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg ngày 27/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ có những giấy tờ quy định tại Thông tư số 05/2013/TT-BLĐTBXH và Thông tư số 16/2014/TT-BLĐTBXH nêu trên thì được sử dụng làm căn cứ xem xét chứng minh tham gia hoạt động kháng chiến ở vùng quân đội Mỹ sử dụng chất độc hóa học.

Câu 21. Cử tri tỉnh Kiên Giang kiến nghị: Cử tri Kiên Giang đề nghị đẩy nhanh tiến độ giải quyết việc (cấp mới, cấp đổi) Bằng Tổ quốc ghi công cho các liệt sĩ để làm căn cứ xác lập hồ sơ Bà mẹ Việt Nam anh hùng và thực hiện các chính sách ưu đãi khác.

Trả lời: Tại Công văn số 253/LĐTBXH-VP ngày 11/01/2019

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội luôn quan tâm, chỉ đạo công tác giải quyết chế độ chính sách ưu đãi người có công với cách mạng tại các địa phương, triển khai thực hiện đồng bộ các chế độ ưu đãi người có công theo Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng.

Tại tỉnh Kiên Giang, từ năm 2017 đến nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã trình Thủ tướng Chính phủ cấp mới Bằng “Tổ quốc ghi công” cho 34 trường hợp và dự kiến sẽ trình Thủ tướng Chính phủ cấp Bằng cho 14 trường hợp của địa phương trong đợt cuối năm 2018. Trong năm 2018, cấp lại Bằng “Tổ quốc ghi công” cho 118 trường hợp.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xin tiếp thu ý kiến của cử tri, tiếp tục chỉ đạo các cơ quan liên quan thường xuyên rà soát, tích cực trong công tác xét duyệt, giải quyết việc cấp Bằng “Tổ quốc ghi công” và triển khai đồng bộ các chính sách đối với người có công, kịp thời đảm bảo quyền lợi cho họ, thể hiện sự động viên, chăm lo kịp thời của Đảng và Nhà nước.

Câu 22. Cử tri tỉnh Kiên Giang kiến nghị: Cử tri Kiên Giang đề nghị bổ sung nhóm đối tượng trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ như: Quyết định 290, Quyết định 62 không có huân, huy chương kháng chiến vào diện được hưởng chế độ hỗ trợ nhà.

Trả lời: Tại Công văn số 226/LĐTBXH-VP ngày 11/01/2019

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời như sau:

Căn cứ điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay và tổng thể chính sách an sinh xã hội nói chung, chính sách ưu đãi người có công nói riêng, đề xuất của cử tri về việc bổ sung các đối tượng là lực lượng quân nhân tham gia các thời kỳ kháng chiến của đất nước được hưởng chế độ hỗ trợ nhà ở là chưa thật sự khả thi. Việc xem xét, mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách sẽ được thực hiện khi điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước cho phép.

Câu 23. Cử tri tỉnh Kiên Giang kiến nghị: Đề nghị xem xét điều chỉnh tăng mức trợ cấp một lần đối với người hoạt động kháng chiến được tặng thưởng Huân, Huy chương kháng chiến, mỗi năm công tác bằng một lần mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công; đối với người hoạt động kháng chiến được tặng thưởng Huân, Huy chương kháng chiến nhưng không hưởng thêm các chế độ, chính sách khác, đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét chấp thuận cho hưởng chế độ trợ cấp thường xuyên như người có công cách mạng.

Trả lời: Tại Công văn số 241/LĐTBXH-VP ngày 11/01/2019

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp thu kiến nghị của cử tri để nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh mức trợ cấp một lần đối với người hoạt động kháng chiến được tặng thưởng Huân, Huy chương kháng chiến khi trình Nghị định thay thế Nghị định số 99/2018/NĐ-CP ngày 12/7/2018 của Chính phủ quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công với cách mạng.

Về kiến nghị bổ sung quy định hưởng trợ cấp hàng tháng: Hiện nay, người hoạt động kháng chiến được tặng thưởng Huân, Huy chương kháng chiến là đối tượng có số lượng nhiều nhất trong các đối tượng hưởng trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng. Chính vì vậy, việc bổ sung quy định hưởng trợ cấp hàng tháng đối với đối tượng này phải được đặt trong mặt bằng chung với các đối tượng khác và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước.

Câu 24. Cử tri tỉnh An Giang kiến nghị: Cử tri kiến nghị nâng mức trợ cấp một lần đối với người hoạt động kháng chiến, được Nhà nước tặng thưởng Huân, Huy chương kháng chiến, vì mức trợ cấp này rất thấp và được duy trì suốt từ năm 1995 đến nay không thay đổi.

Trả lời: Tại Công văn số 241/LĐTBXH-VP ngày 11/01/2019

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp thu kiến nghị của cử tri để nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh mức trợ cấp một lần đối với người hoạt động kháng chiến được tặng thưởng Huân, Huy chương kháng chiến khi trình Nghị định thay thế Nghị định số 99/2018/NĐ-CP ngày 12/7/2018 của Chính phủ quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công với cách mạng.

Về kiến nghị bổ sung quy định hưởng trợ cấp hàng tháng: Hiện nay, người hoạt động kháng chiến được tặng thưởng Huân, Huy chương kháng chiến là đối tượng có số lượng nhiều nhất trong các đối tượng hưởng trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng. Chính vì vậy, việc bổ sung quy định hưởng trợ cấp hàng tháng đối với đối tượng này phải được đặt trong mặt bằng chung với các đối tượng khác và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước.

Câu 25. Cử tri tỉnh Kiên Giang kiến nghị: Cử tri Kiên Giang đề nghị thực hiện điều chỉnh mức chi điều dưỡng cho người có công tăng theo tỷ lệ điều chỉnh mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công theo quy định của Chính phủ.

Trả lời: Tại Công văn số 227/LĐTBXH-VP ngày 11/01/2019

Trong những năm qua, tuy còn nhiều khó khăn nhưng hàng năm Nhà nước đều dành một phần lớn ngân sách đảm bảo các chế độ ưu đãi đối với người có công bao gồm trợ cấp một lần, trợ cấp hàng tháng, bảo hiểm y tế, hỗ trợ giáo dục, đào tạo, nuôi dưỡng, điều dưỡng phục hồi sức khỏe; xây dựng, tu bổ các công trình ghi công liệt sĩ,... thể hiện sự tri ân của Đảng và Nhà nước đồng thời góp phần cải thiện và nâng cao đời sống người có công và thân nhân của họ.

Mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công với cách mạng được điều chỉnh tăng theo đúng lộ trình, phù hợp với sự phát triển của đất nước và thường điều chỉnh trước và cao hơn mức tiền lương cơ sở. Từ năm 2007 đến nay, mức chuẩn quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công với cách mạng được điều chỉnh 07 lần. Gần đây nhất, ngày 12/7/2018, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 99/2018/NĐ-CP quy định mức chuẩn để xác định các mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng tăng từ 1.417.000 đồng lên 1.515.000 đồng (tăng 6,92%) và thực hiện từ ngày 01 tháng 7 năm 2018 (trong khi đó mức lương cơ sở là 1.390.000 đồng).

Câu 26. Cử tri tỉnh Kiên Giang kiến nghị: Cử tri Kiên Giang đề nghị điều chỉnh Thông tư số 30/2016/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm công tác quản trang tại các nghĩa trang liệt sĩ. Quy định riêng mức chi phụ cấp độc hại nguy hiểm cho người trực tiếp thực hiện nhiệm vụ khai quật, lấy mẫu hài cốt liệt sĩ để làm giám định ADN.

Trả lời: Tại Công văn số 255/LĐTBXH-VP ngày 11/01/2019

Tại Điều 3 Thông tư số 30/2016/TT-BLĐTBXH ngày 25/10/2016 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm công tác quản trang tại các nghĩa trang liệt sĩ đã quy định áp dụng mức, hệ số phụ cấp độc hại nguy hiểm đối với người làm công việc khai quật, lấy mẫu hài cốt liệt sĩ để làm giám định ADN.

Kiến nghị của cử tri đề nghị quy định riêng mức chi phụ cấp độc  hại nguy hiểm cho người trực tiếp thực hiện nhiệm vụ khai quật, lấy mẫu hài cốt liệt sĩ để làm giám định ADN hiện tại chưa có cơ sở để thực hiện.

Câu 27. Cử tri tỉnh Lạng Sơn kiến nghị: Cử tri huyện Tràng Định phản ánh, theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 18 Thông tư liên tịch số 13/2014/TTLT-BLĐTBXH-BTC ngày 03/6/2014 của Bộ LĐTBXH, Bộ TC quy định mức chi hỗ trợ kinh phí cất bốc và di chuyển một bộ hài cốt liệt sĩ là 2.000.000 đồng như hiện nay là thấp. Cử tri đề nghị xem xét sửa đổi. bổ sung quy định theo hướng mức chi hỗ trợ được định mức tương ứng, hợp lý với khoảng cách (quãng đường) di chuyển hài cốt liệt sỹ.

Trả lời: Tại Công văn số 256/LĐTBXH-VP ngày 11/01/2019

Ngày 14/11/2018, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 101/2018/TT-BTC quy định quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng và người trực tiếp tham gia kháng chiến do ngành Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý, theo đó mức chi hỗ trợ kinh phí chi cất bốc và di chuyển một bộ hài cốt liệt sỹ là 4.000.000 đồng. Thân nhân liệt sĩ hoặc người được thân nhân liệt sĩ ủy quyền hoặc người thờ cúng liệt sĩ (không quá 03 người) được hỗ trợ tiền tàu, xe và tiền ăn tính theo khoảng cách di chuyển hài cốt liệt sĩ, tối đa không quá 2.400.000 đồng/người.

Câu 28. Cử tri tỉnh Lạng Sơn kiến nghị: Kiến nghị xem xét bổ sung các đối tượng là “anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác ruột” của liệt sỹ cũng được hưởng hỗ trợ kinh phí khi đi thăm viếng mộ liệt sỹ theo quy định tại Điều 17 Mục 4 Thông tư liên tịch số 13/2014/TTLT-BLĐTBXH-BTC. Do nhiều liệt sỹ hi sinh khi tuổi đời còn trẻ chưa có vợ, con; bố, mẹ của liệt sỹ hiện nay đã lớn tuổi, già yếu không đi thăm viếng mộ liệt sỹ được.

Trả lời: Tại Công văn số 256/LĐTBXH-VP ngày 11/01/2019

Ngày 14/11/2018, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 101/2018/TT-BTC quy định quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng và người trực tiếp tham gia kháng chiến do ngành Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý, theo đó mức chi hỗ trợ kinh phí chi cất bốc và di chuyển một bộ hài cốt liệt sỹ là 4.000.000 đồng. Thân nhân liệt sĩ hoặc người được thân nhân liệt sĩ ủy quyền hoặc người thờ cúng liệt sĩ (không quá 03 người) được hỗ trợ tiền tàu, xe và tiền ăn tính theo khoảng cách di chuyển hài cốt liệt sĩ, tối đa không quá 2.400.000 đồng/người.

Câu 29. Cử tri tỉnh Long An kiến nghị: Cử tri đề nghị Trung ương xem xét bổ sung chế độ trợ cấp hàng tháng và chế độ điều dưỡng cho đối tượng hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ Quốc tế, vì hiện nay theo Nghị định số 31/NĐ-CP ngày 9-4-2013 Quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, đối tưởng này chỉ được hưởng chế độ trợ cấp 1 lần.

Trả lời: Tại Công văn số 257/LĐTBXH-VP ngày 11/01/2019

Căn cứ điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay và tổng thể chính sách an sinh xã hội nói chung, chính sách ưu đãi người có công nói riêng, đề xuất của cử tri về việc bổ sung chế độ trợ cấp hàng tháng và chế độ điều dưỡng cho đối tượng hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ Quốc tế đã được hưởng chế độ trợ cấp 1 lần là chưa thật sự khả thi.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục nghiên cứu trình các cấp có thẩm quyền xem xét mở rộng đối tượng thụ hưởng hoặc bổ sung chính sách trên cơ sở phải đảm bảo tính khoa học, lịch sử và phù hợp với thực tiễn điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước.

Câu 30. Cử tri tỉnh Long An kiến nghị: Đề nghị xem xét đối với những người là con cán bộ, tiền khởi nghĩa mà khi cha, mẹ mất thì được hưởng trợ cấp tương tự như chế độ của con liệt sĩ.

Trả lời: Tại Công văn số 258/LĐTBXH-VP ngày 11/01/2019

Tại Khoản 3 Điều 16 Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 09/4/2013 của Chính phủ đã quy định chế độ trợ cấp tiền tuất hàng tháng đối với thân nhân của người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 từ trần. Theo đó, con của người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 (cán bộ tiền khởi nghĩa) từ trần có chế độ trợ cấp tiền tuất hàng tháng theo quy định.Trường hợp nếu sống cô đơn không nơi nương tựa được hưởng thêm trợ cấp tiền tuất nuôi dưỡng hàng tháng bằng 0,8 lần mức chuẩn.

Câu 31. Cử tri tỉnh Lâm Đồng kiến nghị: Tỉnh Lâm Đồng còn 731 căn nhà (xây mới 322, sửa chữa 409) thuộc hộ gia đình chính sách người có công với cách mạng cần hỗ trợ xây mới, sửa chữa theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ. Tỉnh Lâm đồng đã có báo cáo nhưng các Bộ, ngành Trung ương đề nghị tỉnh bố trí kinh phí. Do điều kiện ngân sách địa phương còn nhiều khó khăn, đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Xây dựng xem xét, thẩm định, bổ sung bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách Trung ương cho tỉnh Lâm Đồng để thực hiện.

Trả lời: Tại Công văn số 228/LĐTBXH-VP ngày 11/01/2019

Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 25/7/2017 của Chính phủ về việc thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định: Phê duyệt số lượng hộ gia đình được hỗ trợ về nhà ở trong giai đoạn 2 là 313.707 hộ; kinh phí cần bổ sung thêm từ nguồn ngân sách Trung ương khoảng 840 tỷ đồng (ngoài 7.300 tỷ đồng đã được bố trí) trên cơ sở số liệu thẩm tra tính đến ngày 31 tháng 5 năm 2017.

Đối với các trường hợp người có công thuộc diện được hỗ trợ nhà ở phát sinh thêm ngoài số liệu đã được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thẩm tra tính đến thời điểm 31 tháng 5 năm 2017 thì các địa phương có trách nhiệm chủ động bố trí từ nguồn ngân sách hàng năm của địa phương và các nguồn kinh phí hỗ trợ khác từ các cá nhân, tổ chức, đoàn thể để thực hiện hỗ trợ theo quy định của Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26 tháng 4 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ.

Câu 32. Cử tri tỉnh Nghệ An kiến nghị: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An vẫn còn nhiều đối tượng người có công với cách mạng thuộc diện được hỗ trợ về nhà ở theo Quyết định 22/2013/QĐ-TTg ngày 26 tháng 4 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ nhưng không nằm trong danh sách đã được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thẩm tra tính đến thời điểm 31 tháng 5 năm 2017. Theo quy định của Trung ương thì việc hỗ trợ cho các đối tượng này thuộc ngân sách của địa phương bố trí. Tuy nhiên, việc sử dụng ngân sách của địa phương để hỗ là rất khó khăn và khó có thể thực hiện được. Cử tri đề nghị đề nghị Chính phủ ưu tiên bố trí vốn ngân sách Trung ương để tiếp tục hỗ trợ xây dựng nhà ở cho các đối tượng này.

Trả lời: Tại Công văn số 228/LĐTBXH-VP ngày 11/01/2019

Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 25/7/2017 của Chính phủ về việc thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định: Phê duyệt số lượng hộ gia đình được hỗ trợ về nhà ở trong giai đoạn 2 là 313.707 hộ; kinh phí cần bổ sung thêm từ nguồn ngân sách Trung ương khoảng 840 tỷ đồng (ngoài 7.300 tỷ đồng đã được bố trí) trên cơ sở số liệu thẩm tra tính đến ngày 31 tháng 5 năm 2017.

Đối với các trường hợp người có công thuộc diện được hỗ trợ nhà ở phát sinh thêm ngoài số liệu đã được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thẩm tra tính đến thời điểm 31 tháng 5 năm 2017 thì các địa phương có trách nhiệm chủ động bố trí từ nguồn ngân sách hàng năm của địa phương và các nguồn kinh phí hỗ trợ khác từ các cá nhân, tổ chức, đoàn thể để thực hiện hỗ trợ theo quy định của Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26 tháng 4 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ.

Câu 33. Cử tri tỉnh Nam Định kiến nghị: Đề nghị Bộ Lao động Thương binh và Xã hội có văn bản hướng dẫn cụ thể việc cấp Bằng Tổ quốc ghi công đối với những trường hợp là người hy sinh trong các cuộc kháng chiến, các địa phương đã suy tôn là liệt sỹ, thân nhân trước đây đã được thực hiện chính sách đối với gia đình liệt sỹ. Những trường hợp này nên để cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương kiểm tra, xác minh, khẳng định và chịu trách nhiệm (không quy định phải có giấy tờ chứng minh đã được giải quyết chính sách ưu đãi trước ngày 01/01/1995 như quy định hiện nay.

Trả lời: Tại Công văn số 259/LĐTBXH-VP ngày 11/01/2019

Quy định cấp Bằng “Tổ quốc ghi công” theo Thông tư số 16/2014/TT-BLĐTBXH ngày 30/7/2014 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là để công nhận một số trường hợp đã được hưởng chế độ song chưa được cấp Bằng "Tổ quốc ghi công" (quy định giải quyết chế độ cho thân nhân trước khi được cấp Bằng "Tổ quốc ghi công" xác nhận liệt sĩ), không phải thủ tục cấp mới nên cần đảm bảo tính chặt chẽ, tránh lợi dụng để xác nhận liệt sĩ.

Các căn cứ chứng minh đã hưởng chế độ gồm rất nhiều: quyết định hưởng trợ cấp, phiếu điều chỉnh trợ cấp, sổ nhận trợ cấp, danh sách chi trả trợ cấp... Các căn cứ này đều được lưu giữ tại nhiều cơ quan, đơn vị khác nhau (cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội cấp tỉnh, huyện) và cả thân nhân liệt sĩ lưu giữ.

Thực tế cũng có một số trường hợp không còn lưu giữ được giấy tờ chứng minh đã giải quyết trợ cấp, đặc biệt là đối với liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến chống Pháp. Do đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang xây dựng quy trình cấp Bằng "Tổ quốc ghi công", dự kiến những trường hợp đã hy sinh trong kháng chiến chống Pháp thân nhân đã được giải quyết chế độ nhưng do thời gian quá lâu, không còn lưu giữ được giấy tờ thì có thể sử dụng các căn cứ khác như được ghi tên trong sổ (danh sách) liệt sĩ của địa phương, được ghi tên trên nhà bia tưởng niệm liệt sĩ,...để thực hiện cấp Bằng Tổ quốc ghi công.

Câu 34. Cử tri tỉnh Nam Định kiến nghị: Cử tri đề nghị sửa đổi, bổ sung một số nội dung quy định trong Pháp lệnh ưu đãi Người có công với cách mạng như sau:

+ Về chế độ trợ cấp hàng tháng đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học quy định tại Điều 26. Đề nghị nghiên cứu, xem xét sửa đổi chỉ quy định mức trợ cấp theo 2 mức như sau: (i) Nếu có thời gian tham gia tại vùng mà quân đội Mỹ sử dụng chất độc hóa học từ 10 năm trở lên thì được hưởng trợ cấp bằng 1,5 lần mức chuẩn. (ii) Nếu có thời gian tham gia tại vùng mà quân đội Mỹ sử dụng chất độc hóa học dưới 10 năm thì được hưởng trợ cấp bằng 1 lần mức chuẩn.

+ Về chế độ trợ cấp hàng tháng đối với con đẻ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học quy định tại Điều 27: Đề nghị cho xác định theo mức độ khuyết tật và hưởng trợ cấp theo diện bảo trợ xã hội (từ nguồn kinh phí đảm bảo xã hội chi trả).

+ Về chế độ điều dưỡng: Đề nghị quy định cho tất cả Người có công được hưởng tiêu chuẩn điều dưỡng hàng năm.

+ Đề nghị bổ sung thêm vào quy định tại Điều 30 nội dung “Người tham gia kháng chiến được Nhà nước tặng: Huân chương chiến thắng, Huy chương chiến thắng”. Vì từ Pháp lệnh năm 1994 đã quy định người được tặng thưởng Huân, Huy chương chiến thắng (bộ đội chống Pháp) được hưởng trợ cấp một lần như người được tặng thưởng Huân, Huy chương kháng chiến.

Trả lời: Tại Công văn số 260/LĐTBXH-VP ngày 11/01/2019

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xin ghi nhận toàn bộ những ý kiến góp ý của cử tri và tổng hợp chung trong quá trình lấy ý kiến tham vấn xây dựng chính sách người có công với cách mạng. Đây là kênh thông tin quan trọng để Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu, xem xét và đề xuất các cơ quan có thẩm quyền quyết định, đảm bảo việc triển khai thực thi chính sách trong thời gian tới đạt được hiệu quả cao nhất.

Câu 35. Cử tri tỉnh Nghệ An, Quảng Ninh kiến nghị: Đời sống của người dân vẫn còn nhiều khó khăn, vất vả. Cử tri đề nghị cần tiếp tục quan tâm, ban hành chính sách hỗ trợ cho các đối tượng thuộc người có công với cách mạng; dành nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ tìm kiếm, quy tập mộ các liệt sĩ; rà soát, công nhận đối tượng người có công với cách mạng; xem xét nâng mức hỗ trợ đối tượng người có công với cách mạng như: thờ cúng liệt sỹ, chế độ cho thân nhân đi tìm mộ liệt sỹ, Bà mẹ Việt Nam anh hùng…

Trả lời: Tại Công văn số 261/LĐTBXH-VP ngày 11/01/2019

Trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta không ngừng quan tâm, chăm lo, thực hiện đền ơn đáp nghĩa đối với người có công và gia đình có công với cách mạng. Hệ thống chính sách, pháp luật ưu đãi người có công đang từng bước hoàn thiện. Đối tượng người có công ngày một mở rộng với trên 9 triệu người đã được xác nhận, chế độ ưu đãi ngày một nâng cao gắn liền với sự đảm bảo công bằng và sự đồng thuận của xã hội. Hàng năm ngân sách Nhà nước đã dành hàng chục ngàn tỷ đồng để thực hiện chính sách trợ cấp, chính sách ưu đãi về giáo dục, đào tạo, miễn giảm thuế, cải thiện nhà ở, chăm sóc sức khỏe, chương trình dạy nghề, tạo việc làm cho con em gia đình chính sách…; mở rộng hệ thống cơ sở dịch vụ và sự nghiệp để phục vụ thương binh, thân nhân liệt sĩ và người có công; đẩy mạnh công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; xây dựng, tu bổ tôn tạo nghĩa trang liệt sĩ, các công trình ghi công liệt sĩ; xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin, thông báo phần mộ liệt sĩ tại các nghĩa trang và giúp đỡ người thân của liệt sĩ đến thăm viếng. Chính sách ưu đãi Người có công với cách mạng đã góp phần quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Tuy nhiên, công tác chăm sóc người có công với cách mạng trong những năm qua vẫn còn bộc lộ một số hạn chế cần sớm được khắc phục. Cuộc sống của một số người có công với cách mạng vẫn còn có những khó khăn nhất định, công tác hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ đào tạo và giải quyết việc làm cho người có công và thân nhân người có công chưa được chu đáo; vẫn còn một số người có công chưa được hưởng đầy đủ những chính sách ưu đãi của Đảng và nhà nước; còn nhiều liệt sĩ chưa tìm được hài cốt, thiếu thông tin, chưa xác định được danh tính,…

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xin tiếp thu ý kiến của cử tri để phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan và địa phương tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện chính sách, tăng cường các giải pháp triển khai thực hiện một cách đồng bộ hơn để ngày càng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người có công và gia đình.

Câu 36. Cử tri tỉnh Nghệ An kiến nghị: Cử tri đề nghị xem xét, bổ sung quy định xác nhận liệt sỹ đối với quân nhân từ trần trong quá trình điều trị vết thương trong khi trực tiếp chiến đấu hoặc phục vụ chiến đấu và những trường hợp bị địch bắt, tra tấn.

Trả lời: Tại Công văn số 262/LĐTBXH-VP ngày 11/01/2019

Hiện nay các trường hợp hy sinh do địch bắt tù, đày, tra tấn; hy sinh trong chiến đấu hoặc hy sinh trong quá trình điều trị vết thương do chiến đấu đều được xem xét, xác nhận liệt sĩ theo Thông tư số 05/2013/TT-BLĐTBXH ngày 15/5/2018 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Thông tư liên tịch số 28/2013/TTLT-BLĐTBXH-BQP ngày 22/10/2013 của liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng.

Câu 37. Cử tri tỉnh Nghệ An kiến nghị: Cử tri đề nghị bổ sung đối tượng người tham gia chiến tranh bảo vệ tổ quốc bị đối phương bắt, giam giữ được hưởng trợ cấp hàng tháng đối với người bị địch bắt, tù đày. Việc thực hiện trợ cấp hàng tháng, trợ cấp một lần đối với người bị địch bắt, tù đày hiện nay chỉ thực hiện đối với người hoạt động cách mạng, người hoạt động kháng chiến là chưa đảm bảo công bằng giữa các đối tượng.

Trả lời: Tại Công văn số 263/LĐTBXH-VP ngày 11/01/2019

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp thu kiến nghị của cử tri để nghiên cứu, đề xuất khi trình ban hành Dự án Pháp lệnh ưu đãi người có công (sửa đổi).

Câu 38. Cử tri tỉnh Nghệ An kiến nghị: Cử tri đề nghị quy định thống nhất đối với người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt, tù đày. Theo quy định hiện nay, những đối tượng đã hưởng trợ cấp một lần đối với người hoạt động kháng chiến bị địch bắt, tù đày khi xác lập hồ sơ thì được truy lĩnh trợ cấp từ ngày 01/01/2012 và trợ cấp hàng tháng, đối tượng chưa hưởng trợ cấp một lần thì được hưởng trợ cấp hàng tháng từ ngày giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành quyết định trợ cấp, không được nhận truy lĩnh, dẫn đến sự bất công giữa các đối tượng.

Trả lời: Tại Công văn số 264/LĐTBXH-VP ngày 11/01/2019

02 trường hợp cử tri nêu là hoàn toàn khác nhau. Một là đã được công nhận người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt, tù đày từ trước ngày 01/9/2012 (trước kia hưởng trợ cấp 1 lần, từ ngày 01/9/2012 thì chuyển hưởng trợ cấp hàng tháng). Hai là trường hợp xác lập mới hồ sơ để hưởng chế độ (được hưởng trợ cấp hàng tháng từ ngày Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ra quyết định theo quy định tại Điều 47 Nghị định số 31/2013/NĐ-CP của Chính phủ), quy định này tương tự với các diện đối tượng khác theo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng.

 Do đó, kiến nghị của cử tri đề nghị trường hợp xác nhận mới được nhận truy lĩnh như đối tượng đã được công nhận từ trước là không khả thi.

Câu 39. Cử tri tỉnh Nghệ An kiến nghị: Cử tri đề nghị xem xét, điều chỉnh mức trợ cấp một lần đối với người hoạt động kháng chiến được khen thưởng huân chương, huy chương kháng chiến. Mức trợ cấp 120.000 đồng/năm công tác được áp dụng từ năm 1995 không còn phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội hiện nay.

Trả lời: Tại Công văn số 265/LĐTBXH-VP ngày 11/01/2019

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp thu kiến nghị của cử tri để nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh mức trợ cấp 120.000 đồng/thâm niên khi trình Nghị định thay thế Nghị định số 99/2018/NĐ-CP ngày 12/7/2018 của Chính phủ quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công với cách mạng.

Câu 40. Cử tri tỉnh Nghệ An kiến nghị: Cử tri đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện xác nhận người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học đối với đối tượng đã có con bị dị dạng, dị tật đã hưởng trợ cấp trước ngày 01/7/2013 nhưng người hoạt động kháng chiến chưa được hưởng trợ cấp. Theo quy định của Pháp lệnh ưu đãi người có công, người hoạt động kháng chiến trong vùng quân đội Mỹ rải chất độc hóa học, sinh con bị dị dạng, dị tật được hưởng trợ cấp hàng tháng, tuy nhiên, Nghị định số 31/2013/NĐ-CP không có quy định về việc giải quyết trợ cấp cho nhóm đối tượng này.

Trả lời: Tại Công văn số 266/LĐTBXH-VP ngày 11/01/2019

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp thu kiến nghị của cử tri để nghiên cứu, đề xuất khi trình Nghị định thay thế Nghị định số 31/2013/NĐ-CP của Chính phủ.

Câu 41. Cử tri tỉnh An Giang, Bạc Liêu, TP. Hồ Chí Minh kiến nghịCử tri kiến nghị xem xét lại quy trình làm thủ tục công nhận người có công vì hiện nay giải quyết còn chậm. Đến nay vẫn còn tồn đọng nhiều hồ sơ đề nghị công nhận hưởng chế độ chính sách đối với: gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng, nhiễm chất độc hóa học,...Cử tri kiến nghị sớm giải quyết các hồ sơ tồn đọng, vì hiện nay các đối tượng này tuổi đã cao hoặc đã từ trần nhưng chưa được hưởng chế độ chính sách:.

Trả lời: Tại Công văn số 229/LĐTBXH-VP ngày 11/01/2019

Ngày 20/3/2017, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ký Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH ban hành quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công. Quá trình giải quyết đã đảm bảo minh bạch, công khai trong nhân dân và trên các phương tiện thông tin đại chúng với sự phối hợp chặt chẽ của các chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp. Năm 2018, đã giải quyết căn bản hồ sơ xác nhận người có công là liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh tồn đọng tại các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Chỉ huy quân sự, Công an cấp tỉnh.

Việc xem xét xác nhận hồ sơ người có công tồn đọng đòi hỏi triển khai quyết liệt song đây là công việc phức tạp, đòi hỏi phải được tiến hành chặt chẽ, nghiêm túc, đảm bảo các yêu cầu của pháp luật về đối tượng, tiêu chuẩn, điều kiện và thủ tục. Ngày 27/4/2018, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông báo số 1616/TB-LĐTBXH, theo đó đã hướng dẫn các địa phương tập trung triển khai thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, Nhà nước và Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH theo hướng từng bước mở rộng phạm vi giải quyết hồ sơ còn tồn đọng ở các ngành, cấp huyện, cấp xã và trong nhân dân. Bên cạnh đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện chính sách theo hướng sửa đổi toàn diện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và các văn bản hướng dẫn thi hành để việc giải quyết hồ sơ người có công được nhanh chóng, thuận tiện.

Câu 42. Cử tri TP. Đà Nẵng kiến nghị: Cử tri phản ảnh, trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nhiều gia đình có cả hai vợ chồng đều tham gia kháng chiến, hy sinh và đều được công nhận là Liệt sĩ. Đặc biệt là đối với khu vực các tỉnh phía Nam. Đối với những gia đình này thì sự hy sinh, mất mát là rất lớn. Do đó, đề nghị sửa đổi Điều 2, Pháp lệnh quy định Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” theo hướng bổ sung trường hợp bà mẹ “có chồng và bản thân là liệt sĩ” thì được công nhận danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.

Trả lời: Tại Công văn số 230/LĐTBXH-VP ngày 11/01/2019

Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” do Bộ Quốc phòng tham mưu, trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xin chuyển kiến nghị cử tri của thành phố Đà Nẵng tới Bộ Quốc phòng để trả lời theo thẩm quyền.

Câu 43. Cử tri tỉnh Bình Thuận, Đà Nẵng kiến nghị: Cử tri cho rằng, Đảng, Nhà nước ta ban hành chính sách đối với Danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” là rất nhân văn, hợp lòng dân. Tuy nhiên, đối với “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” đã từ trần thì chưa được quan tâm. Trên thực tế thì mỗi địa phương có sự quan tâm khác nhau. Dù vậy, đây cũng chỉ là “nguồn không thường xuyên”, phụ thuộc vào điều kiện ngân sách của địa phương. Do đó, đề nghị Đảng, Nhà nước quan tâm, có chính sách thờ cúng đối với “Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng” thống nhất trên phạm vi cả nước.

Trả lời: Tại Công văn số 267/LĐTBXH-VP ngày 11/01/2019

Theo quy định hiện hành, Bà mẹ Việt Nam anh hùng khi còn sống được hưởng trợ cấp, phụ cấp hàng tháng, trợ cấp người phục vụ, được chăm sóc, điều dưỡng phục hồi sức khỏe và các chế độ ưu đãi khác; khi bà mẹ từ trần, cũng như các đối tượng người có công khác (cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động trong thời kỳ kháng chiến, thương binh…), thân nhân của bà mẹ được hưởng trợ cấp mai táng phí và trợ cấp một lần. Việc xem xét, bổ sung thêm chế độ thờ cúng đối với Bà mẹ Việt Nam anh hùng phải đặt trong tổng thể mặt bằng chính sách chung giữa các đối tượng và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước.

Câu 44. Cử tri tỉnh Bắc Giang kiến nghị: Hiện nay trên địa bàn tỉnh Bắc Giang còn 117 vụ tranh chấp quyền thờ cúng liệt sĩ, do gia đình, họ tộc không thống nhất ủy quyền được như quy định. Vì vậy, đề nghị Nhà nước sớm sửa đổi, bổ sung quy định cụ thể cơ quan có thẩm quyền giải quyết khi có tranh chấp việc thờ cúng liệt sĩ hoặc quy định cụ thể tỷ lệ quá bán sau khi họp thống nhất để đảm bảo chế độ chính sách, tránh trường hợp như hiện nay, khi gia đình không thỏa thuận được thì rất nhiều trường hợp chế độ thờ cúng liệt sĩ không được thực hiện.

Trả lời: Tại Công văn số 268/LĐTBXH-VP ngày 11/01/2019

Theo quy định hiện hành tại Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 09/4/2013 của Chính phủm Thông tư số 16/2014/TT-BLĐTBXH ngày 30/7/2014 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trường hợp liệt sĩ không có hoặc không còn con thì người thờ cúng là người được gia đình hoặc họ tộc liệt sĩ ủy quyền. Người đại diện hoàn toàn do gia đình hoặc họ tộc liệt sĩ tự quyết định, có thể là anh, em, cô, dì, chú, bác, cháu,... của liệt sĩ. Vì vậy, việc xác định người đại diện là do gia đình hoặc họ tộc liệt sĩ họp, thống nhất, nếu chưa có sự thống nhất thì chưa có cơ sở giải quyết chế độ trợ cấp thờ cúng liệt sĩ.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xin tiếp thu kiến nghị của cử tri để nghiên cứu trong quá trình sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và các văn bản hướng dẫn thực hiện.

Câu 45. Cử tri tỉnh Bắc Kạn kiến nghị: Cử tri đề nghị Bộ sớm đề xuất sửa đổi chính sách đối với người có công với cách mạng, cần chú ý tháo gỡ bất cập trong thực hiện chính sách cho người tham gia kháng chiến trong vùng Mỹ rải chất độc hóa học, để đảm bảo sự công bằng cho các đối tượng.

Trả lời: Tại Công văn số 269/LĐTBXH-VP ngày 11/01/2019

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp thu kiến nghị của cử tri để nghiên cứu, đề xuất khi trình ban hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi).

Câu 46. Cử tri tỉnh Bình Thuận kiến nghị: Anh hùng Nguyễn Hội, là người có nhiều đóng góp cho sự nghiệp của cách mạng nhưng khi chết lại không được xem xét là Liệt sĩ, cử tri rất bức xúc. Vì vậy, cử tri kiến nghị Bộ Lao động Thương binh và xã hội xem xét và có công nhận anh hùng Nguyễn Hội là liệt sỹ.

Trả lời: Tại Công văn số 270/LĐTBXH-VP ngày 11/01/2019

Ngày 15/11/2018, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có Công văn số 4841/LĐTBXH-NCC báo cáo Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận về việc xác nhận liệt sĩ đối với quân nhân Nguyễn Hội (gửi kèm). Theo đó, căn cứ quy định pháp luật ưu đãi người có công với cách mạng hiện hành, trường hợp quân nhân Nguyễn Hội không đủ điều kiện xác nhận liệt sĩ.

Câu 47. Cử tri TP. Hải Phòng, Trà Vinh, Kiên Giang, Vĩnh Long kiến nghị: Cử tri đề nghị Chính phủ sửa đổi Nghị định số 31/2013/NĐ-CP, theo đó bổ sung quy định trường hợp vợ liệt sĩ tái giá được hưởng các chế độ ưu đãi bình đẳng như các vợ liệt sĩ khác như điều dưỡng, mai táng phí, BHYT, hỗ trợ nhà tình nghĩa khi khó khăn về nhà ở ,… vì họ thực sự là người có công với đất nước và họ xứng đáng được hưởng.

Trả lời: Tại Công văn số 224/LĐTBXH-VP ngày 11/01/2019

Hiện nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang nghiên cứu, xây dựng Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi), trong đó dự kiến đề xuất bổ sung nội dung về mua bảo hiểm y tế đối với vợ liệt sĩ tái giá.

Đối với đề nghị bổ sung một số chính sách ưu tiên khác cho vợ liệt sĩ tái giá như đề xuất của cử tri, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ghi nhận trình các cấp có thẩm quyền xem xét khi điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước cho phép.

Câu 48. Cử tri tỉnh Trà Vinh kiến nghị: Đề nghị có chính sách hỗ trợ nhà ở cho vợ, con thương binh còn khó khăn về nhà ở (những thương binh đã từ trần trước khi quy định tại quyết định 22/2013/QĐ-TTg hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở).

Trả lời: Tại Công văn số 233/LĐTBXH-VP ngày 11/01/2019

Hiện nay, số lượng người có công với cách mạng cả nước rất lớn (trên 9,2 triệu người), do đó, căn cứ vào tình hình kinh tế - xã hội, tình hình ngân sách của Nhà nước, đồng thời để cân đối giữa các diện đối tượng, chưa thể mở rộng thêm đối tượng là vợ, con của thương binh (đã từ trần trước ngày Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành) được hỗ trợ nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ như đề nghị của cử tri.

Câu 49. Cử tri TP. Hải Phòng kiến nghị: Những năm qua, chế độ chính sách cho người có công đã được thực hiện với nhiều đối tượng theo pháp lệnh người có công như: Quyết định 290/2005/QĐ-TTg, Quyết định 142/2008/QĐ-TTg, Quyết định 62/2011/QĐ-TTg, Quyết định 40/2011/QĐ-TTg, Quyết định 49/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ... Song, thực tế hiện nay nhóm đối tượng là du kích tham gia kháng chiến thời kỳ chống Pháp chưa được hưởng chế độ chính sách của Nhà nước, họ cũng có những cống hiến cho cách mạng, cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc (mà số này hiện nay còn không nhiều). Cử tri đề nghị đưa đối tượng là du kích chống Pháp vào trong diện được hưởng chế độ chính sách người có công.

Trả lời: Tại Công văn số 234/LĐTBXH-VP ngày 11/01/2019

Điều 2 Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng đã quy định 12 diện đối tượng người có công với cách mạng, không phân biệt tham gia lực lượng nào (quân đội, công an, du kích, người dân,...). Trường hợp đối tượng là du kích tham gia kháng chiến chống Pháp nếu có đủ điều kiện quy định thì được xem xét xác nhận và giải quyết chế độ ưu đãi người có công với cách mạng.

Câu 50. Cử tri tỉnh Bình Định kiến nghị: Cử tri kiến nghị điều chỉnh mức trợ cấp đối với nhóm đối tượng là người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Đặc biệt, đối tượng thế hệ thứ ba được xác định bị hậu quả chất độc hóa học, cần được bổ sung chế độ trợ cấp do chất độc hóa học, không nên áp dụng chế độ đối với người khuyết tật, để góp phần xoa dịu nỗi đau, tạo điều kiện cải thiện đời sống cho họ và gia đình.

Trả lời: Tại Công văn số 235/LĐTBXH-VP ngày 11/01/2019

Trong những năm qua, mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công với cách mạng đã được điều chỉnh hàng năm, phù hợp với điều kiện kinh tế của đất nước, cân đối với việc nâng mức lương tối thiểu (lương cơ sở) và trợ cấp bảo hiểm xã hội; đồng thời phải đảm bảo công bằng giữa các đối tượng chính sách.

Trong mặt bằng chính sách chung hiện nay, mức trợ cấp đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học là phù hợp. Việc xác định bệnh, tật, dị dạng dị tật do ảnh hưởng của chất độc hóa học đối với thế hệ thứ 3 thuộc lĩnh vực chuyên môn của cơ quan y tế. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tham mưu trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, bổ sung chính sách đối với thế hệ thứ 3 khi có đủ cơ sở khoa học về vấn đề này.

Câu 51. Cử tri tỉnh Bà rịa – Vũng tàu kiến nghị: Cử tri kiến nghị chế độ cho người nhiễm chất độc da cam hiện quá thấp không đủ cho trang trải cuộc sống. Đề nghị chính phủ mở rộng đối tượng và nâng mức trợ cấp hàng tháng cho người nhiễm chất độc da cam.

Trả lời: Tại Công văn số 235/LĐTBXH-VP ngày 11/01/2019

Trong những năm qua, mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công với cách mạng đã được điều chỉnh hàng năm, phù hợp với điều kiện kinh tế của đất nước, cân đối với việc nâng mức lương tối thiểu (lương cơ sở) và trợ cấp bảo hiểm xã hội; đồng thời phải đảm bảo công bằng giữa các đối tượng chính sách.

Trong mặt bằng chính sách chung hiện nay, mức trợ cấp đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học là phù hợp. Việc xác định bệnh, tật, dị dạng dị tật do ảnh hưởng của chất độc hóa học đối với thế hệ thứ 3 thuộc lĩnh vực chuyên môn của cơ quan y tế. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tham mưu trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, bổ sung chính sách đối với thế hệ thứ 3 khi có đủ cơ sở khoa học về vấn đề này.

Câu 52. Cử tri tỉnh Bắc Giang kiến nghị: Cử tri đề nghị đối với trường hợp chưa tìm được hài cốt liệt sĩ, đề nghị Nhà nước cho xây dựng phần Mộ trong nghĩa trang (Mộ gió) tại địa phương để thuận lợi cho thân nhân liệt sĩ trong việc thăm viếng và thờ cúng.

Trả lời: Tại Công văn số 236/LĐTBXH-VP ngày 11/01/2019

Tại Khoản 2, Điều 13, Thông tư liên tịch số 13/2014/TTLT-BLĐTBXH-BTC ngày 03/6/2014 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính quy định: "Không xây mới mộ không có hài cốt trong nghĩa trang liệt sĩ".

Vấn đề xây dựng phần Mộ trong nghĩa trang (Mộ gió) đối với trường hợp chưa tìm được hài cốt liệt sĩ cần phải được nghiên cứu, xem xét kỹ lưỡng trên cơ sở lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân.

Câu 53. Cử tri tỉnh Bình Thuận kiến nghị: Đối với người tham gia hoạt động cách mạng trước tháng 8/1945 không còn lý lịch cán bộ, đảng viên thì Nghị định 31 của Chính phủ quy định đối tượng này phải chết trước năm 1999 mới được công nhận. Trong khi đó nhiều người chết sau năm 1999 thì không được giải quyết chế độ tù đày. Đề nghị nghiên cứu lại vấn đề này.

Trả lời: Tại Công văn số 237/LĐTBXH-VP ngày 11/01/2019

Tại Điều 6 Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 09/4/2013 của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng về điều kiện xác nhận người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945 như sau:

 Điều 6. Căn cứ xác nhận

1. Người hoạt động cách mạng còn sống thì căn cứ một trong các giấy tờ sau:

a) Lý lịch của cán bộ, đảng viên khai từ năm 1962 trở về trước do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quản lý;

b) Lý lịch khai trong Cuộc vận động bảo vệ Đảng theo Chỉ thị số 90-CT/TW ngày 01 tháng 3 năm 1965 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa III);

c) Lý lịch đảng viên khai năm 1975, 1976 theo Thông tri số 297/TT-TW ngày 20 tháng 4 năm 1974 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa III) đối với người hoạt động cách mạng được kết nạp vào Đảng sau năm 1969 và người hoạt động liên tục ở các chiến trường B, C, K từ năm 1954 đến ngày 30 tháng 4 năm 1975.

2. Người hoạt động cách mạng đã hy sinh, từ trần từ ngày 30 tháng 6 năm 1999 trở về trước thì căn cứ một trong các giấy tờ sau có ghi nhận thời gian tham gia hoạt động cách mạng:

a) Lý lịch theo quy định tại Khoản 1 Điều này;

b) Hồ sơ của người đã được khen thưởng Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập;

c) Hồ sơ liệt sĩ;

d) Lịch sử đảng bộ từ cấp xã trở lên được các cơ quan Đảng có thẩm quyền thẩm định và đã xuất bản;

đ) Hồ sơ, tài liệu đang lưu giữ tại cơ quan lưu trữ của Đảng, Nhà nước, Bảo tàng lịch sử của trung ương và địa phương từ cấp huyện trở lên.

3. Đối với người hoạt động cách mạng đã hy sinh, từ trần sau ngày 30 tháng 6 năm 1999 thì căn cứ để xem xét, công nhận theo quy định tại Khoản 1 Điều này.

Như vậy, điều kiện xác nhận người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945 không phân biệt thời điểm chết của đối tượng (trước hay sau năm 1999 đều được xem xét, công nhận). Mốc thời điểm ngày 30/6/1999 quy định tại Điều 6 Nghị định số 31/2013/NĐ-CP nêu trên mang tính chất phân định căn cứ để xác lập hồ sơ.

Đối với việc xác lập hồ sơ để công nhận người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày, được thực hiện theo quy định tại Điều 46 Nghị định số 31/2013/NĐ-CP và Điều 33 Thông tư số 05/2013/TT-BLĐTBXH ngày 15/5/2013 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn về thủ tục hồ sơ, quản lý hồ sơ, thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân.

Câu 54. Cử tri tỉnh Bắc Giang kiến nghị: Vụ việc của ông Hoàng Thái Hoạch, trú tại thôn Đồi Bụt, xã Quang Thịnh, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang đến Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đề nghị xác nhận và công nhận con trai của ông (quân nhân Hoàng Xuân Liêm) là liệt sĩ. Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang đã có Công văn số 368/ĐĐBQH-VP ngày 06/7/2017 và Công văn số 451/ĐĐBQH-VP ngày 03/11/2017 chuyển đơn đến Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Ngày 29/01/2018, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đã có Công văn số 171/CT-CS gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xin ý kiến xác nhận liệt sĩ đối với quân nhân Hoàng Xuân Liêm; công dân tiếp tục có đơn ngày 19/6/2018, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang tiếp tục có Công văn số 634/Đ ĐBQH-VP chuyển đơn đến Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nhưng đến nay chưa có Bộ nào phản hồi ý kiến.

Trả lời: Tại Công văn số 238/LĐTBXH-VP ngày 11/01/2019

Về vấn đề này, hiện nay Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã và đang lấy ý kiến của các cá nhân và cơ quan chuyên môn. Khi có kết quả, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ trả lời Tổng cục Chính trị, ông Hoàng Thái Hoạch và báo cáo Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang.

Câu 55. Cử tri tỉnh Trà Vinh kiến nghị: Cần có chính sách hỗ trợ thờ cúng đối với các đối tượng Thương binh, bệnh binh, người nhiễm chất độc hóa học,... đã từ trần giống như chính sách thờ cúng đối với liệt sĩ.

Trả lời: Tại Công văn số 239/LĐTBXH-VP ngày 11/01/2019

Liệt sĩ là diện đối tượng tiêu biểu trong 12 đối tượng người có công. Đây là những người đã hy sinh thân mình vì Tổ quốc. Vì vậy, Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng có nhưng quy định riêng đối với liệt sĩ về lễ an táng, truy điệu, xây dựng, quản lý các công trình liệt sĩ, cùng với đó là chế độ thờ cúng liệt sĩ hàng năm.

Các đối tượng khác khi từ trần thì thân nhân được hưởng ưu đãi theo quy định (cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, Bà mẹ Việt Nam anh hùng cũng không có chế độ trợ cấp thờ cúng). Do đó, không có cơ sở giải quyết chế độ thờ cùng đối với thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.

Câu 56. Cử tri tỉnh Đồng Tháp kiến nghị: Về chế độ nhà ở đối với người có công, cử tri đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các Bộ, Ngành có liên quan xem xét một số trường hợp em thờ liệt sĩ, cháu thờ chú bác là liệt sĩ cho các đối tượng này được hưởng chính sách nhà ở.

Trả lời: Tại Công văn số 240/LĐTBXH-VP ngày 11/01/2019

Hiện nay, số lượng người có công với cách mạng cả nước rất lớn (trên 9,2 triệu người), do đó, căn cứ vào tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách của Nhà nước; đồng thời để cân đối giữa các diện đối tượng, chưa thể mở rộng thêm đối tượng được hỗ trợ nhà ở như đề nghị của đại biểu.

Câu 57. Cử tri tỉnh Bắc Giang kiến nghị: Theo phản ánh của cử tri, hiện rất nhiều trường hợp đã hi sinh (trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có 160 trường hợp trong đó nhiều trường hợp có mộ trong nghĩa trang liệt sĩ xã, được ghi trong lịch sử Đảng bộ xã...) nhưng đến nay chưa được công nhận là liệt sĩ, thân nhân chưa được hưởng chế độ trợ cấp của Nhà nước. Do hy sinh từ thời kỳ kháng chiến chống pháp, các thông tin lưu giữ lại không đầy đủ, thiếu thông tin về cấp bậc, chức vụ, đơn vi khi hy sinh nên khó xác định trách nhiệm lập hồ sơ của cơ quan nào,... Để tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình lập hồ sơ xác nhận là liệt sĩ đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sửa đổi, bổ sung một số quy định sau:

- Tại Điều 13, Thông tư số 16/2014/TT-BLĐTBXH ngày 30/7/2014 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định việc cấp bằng tổ quốc ghi công đối với những trường hợp có căn cứ xác định gia đình liệt sĩ đã được giải quyết chế độ trợ cấp hàng tháng hoặc trợ cấp một lần trước ngày 01/01/1995 là không phù hợp vì còn nhiều trường hợp vướng quy định chưa được cấp. Đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định đối với các trường hợp có căn cứ từ trước ngày 30/9/2006 cho phù hợp với thời điểm Nghị định 28/1995/NĐ-CP ngày 29/4/1995 hết hiệu lực và Nghị định 54/2006/NĐ-CP ngày 26/5/2006 có hiệu lực thi hành.

- Tại khoản 11, Điều 4 Thông tư số 05/2013/TT-BLĐTBXH ngày 15/5/2013 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định về căn cứ cấp giấy báo tử đối với những trường hợp hy sinh từ ngày 31 tháng 12 năm 1994 trở về trước đã được ghi là liệt sĩ trong lịch sử Đảng bộ cấp xã trở lên được các cơ quan Đảng có thẩm quyền thẩm định và đã xuất bản, báo cáo hàng năm từ trước năm 1995; quy định như vậy không phù hợp thực tế vì hiện nay phần lớn lịch sử Đảng bộ xã của các địa phương được xuất bản sau năm 1995.

- Tại khoản 2, Điều 3 Thông tư liên tịch số 28/2013/TTLT-BLĐTBXH-BQP ngày 22/10/2013 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Quốc phòng quy định về căn cứ xác nhận liệt sĩ: Người hy sinh đã được chính quyền và nhân dân suy tôn đưa vào an táng trong nghĩa trang liệt sĩ nơi hy sinh, được gắn bia mộ liệt sĩ từ ngày 31/12/1994 trở về trước; quy định như vậy chưa đầy đủ, đề nghị sửa đổi, bổ sung những trường hợp được gắn tên trong nhà bia tưởng niệm liệt sĩ do UBND cấp xã quản lý.

Trả lời: Tại Công văn số 232/LĐTBXH-VP ngày 11/01/2019

Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Giang tại Công văn số 3193/LĐTBXH-NCC ngày 14/11/2018, từ năm 2017, tại tỉnh Bắc Giang còn tồn 162 trường hợp không có hồ sơ lưu tại Sở và chưa được cấp Bằng “Tổ quốc ghi công”, tập trung chủ yếu vào đối tượng hy sinh trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, trong đó thẩm quyền giải quyết thuộc các cơ quan khác nhau (52 trường hợp thuộc Bộ Quốc phòng; 01 trường hợp thuộc Bộ Công an; 34 trường hợp thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện và 75 trường họp không xác định được cơ quan do thiếu thông tin).

Tính đến tháng 11/2,018 đã giải quyết được 11 trường hợp; 151 trường hợp còn lại đang trình các cơ quan có thẩm quyền, trong đó: thẩm định ở cấp Bộ 02 trường hợp (thuộc cơ quan quân đội); thẩm định ở cấp tỉnh 12 trường hợp (thuộc cơ quan quân đội); thẩm định ở cấp huyện 06 trường họp (05 thuộc cơ quan quân đội, 01 thuộc Ủy ban nhân dân huyện); hoàn thiện hồ sơ ở cấp xã 53 trường hợp và 78 trường hợp gia đình chưa làm hồ sơ đề nghị. Trong 151 trường hợp có 142 trường hợp có mộ trong Nghĩa trang liệt sĩ và đã được khăc tên trên nhà bia tưởng niệm liệt sĩ của địa phương. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã trực tiếp trao đổi với Lãnh đạo tỉnh và chỉ đạo Cục Người có công hướng dẫn Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Giang tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải quyết các hồ sơ và sẽ tiến hành thẩm định, xác nhận nếu đủ điều kiện.

Về những kiến nghị của cử tri liên quan tới việc sửa đổi, bổ sung chính sách, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có ý kiến như sau:

- Về việc sửa Điều 13 Thông tư số 16/2014/TT-BLĐTBXH ngày 30/7/2014 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định việc cấp Bằng “Tổ quốc ghi công” cho những trường hợp có thân nhân đã hưởng chế độ từ ngày 01/01/1995 đến trước ngày 30/9/2006: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã dự thảo Quyết định ban hành quy trình cấp Bằng “Tổ quốc ghi công” và đang xin ý kiến các đơn vị, cơ quan chuyên môn liên quan trước khi ban hành.

- Khoản 11 Điều 4 Thông tư số 05/2013/TT-BLĐTBXH ngày 15/5/2013 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định cấp giấy báo tử đối với những trường hợp hy sinh từ ngày 31/12/1994 trở về trước nếu được ghi nhận là liệt sĩ trong: lịch sử Đảng bộ cấp xã trở lên được cơ quan Đảng có thẩm quyền thấm định và đã xuất bản; báo cáo hàng năm từ trước năm 1995 của các cấp ủy đảng được lưu giữ tại cơ quan thẩm quyền của Đảng. Quy định đã nêu không giới hạn lịch sử Đảng bộ phải xuất bản trước năm 1995.

- Theo quy định Điều 60, Điều 63 Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 09/4/2013 của Chính phủ, nhà bia ghi tên liệt sĩ được xây dựng tại các xã, phường, thị trấn, quận, huyện không có nghĩa trang liệt sĩ; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quy chế quản lý các công trình ghi công liệt sĩ trên địa bàn. Vì vậy, buộc phải có căn cứ khắc tên trên nhà bia theo quy chế quản lý của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (không phải của Ủy ban nhân dân cấp xã). Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ nghiên cứu nội dung này khi sửa Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng và các văn bản hướng dẫn để việc xác nhận liệt sĩ có cơ sở và căn cứ phù hợp.

Trường hợp người hy sinh đã được khắc tên trên nhà bia tưởng niệm liêt sĩ của địa phương, đồng thời thân nhân đã hưởng chế độ ưu đãi từ trước ngày 01/01/1995, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã đưa nội dung này trong dự thảo Quyết định ban hành quy trình cấp Bằng “Tổ quốc ghi công” cho liệt sĩ có thân nhân đã hưởng chế độ và đang xin ý kiến các đơn vị, cơ quan chuyên môn liên quan trước khi ban hành.

Câu 58. Cử tri tỉnh Bình Thuận kiến nghị: Để tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình lập hồ sơ xác nhận là liệt sĩ đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sửa đổi, bổ sung một số quy định sau:

- Tại Điều 13, Thông tư số 16/2014/TT-BLĐTBXH ngày 30/7/2014 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định việc cấp bằng tổ quốc ghi công đối với những trường hợp có căn cứ xác định gia đình liệt sĩ đã được giải quyết chế độ trợ cấp hàng tháng hoặc trợ cấp một lần trước ngày 01/01/1995 là không phù hợp vì còn nhiều trường hợp vướng quy định chưa được cấp. Đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định đối với các trường hợp có căn cứ từ trước ngày 30/9/2006 cho phù hợp với thời điểm Nghị định 28/1995/NĐ-CP ngày 29/4/1995 hết hiệu lực và Nghị định 54/2006/NĐ-CP ngày 26/5/2006 có hiệu lực thi hành.

- Tại khoản 11, Điều 4 Thông tư số 05/2013/TT-BLĐTBXH ngày 15/5/2013 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định về căn cứ cấp giấy báo tử đối với những trường hợp hy sinh từ ngày 31 tháng 12 năm 1994 trở về trước đã được ghi là liệt sĩ trong lịch sử Đảng bộ cấp xã trở lên được các cơ quan Đảng có thẩm quyền thẩm định và đã xuất bản, báo cáo hàng năm từ trước năm 1995; quy định như vậy không phù hợp thực tế vì hiện nay phần lớn lịch sử Đảng bộ xã của các địa phương được xuất bản sau năm 1995.

- Tại khoản 2, Điều 3 Thông tư liên tịch số 28/2013/TTLT-BLĐTBXH-BQP ngày 22/10/2013 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Quốc phòng quy định về căn cứ xác nhận liệt sĩ: Người hy sinh đã được chính quyền và nhân dân suy tôn đưa vào an táng trong nghĩa trang liệt sĩ nơi hy sinh, được gắn bia mộ liệt sĩ từ ngày 31/12/1994 trở về trước; quy định như vậy chưa đầy đủ, đề nghị sửa đổi, bổ sung những trường hợp được gắn tên trong nhà bia tưởng niệm liệt sĩ do UBND cấp xã quản lý.

Trả lời: Tại Công văn số 231/LĐTBXH-VP ngày 11/01/2019

- Về việc sửa Điều 13 Thông tư số 16/2014/TT-BLĐTBXH ngày 30/7/2014 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định việc cấp Bằng “Tổ quốc ghi công” cho những trường hợp có thân nhân đã hưởng chế độ từ ngày 01/01/1995 đến trước ngày 30/9/2006: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã dự thảo Quyết định ban hành quy trình cấp Bằng “Tổ quốc ghi công” và đang xin ý kiến các đơn vị, cơ quan chuyên môn liên quan trước khi ban hành.

- Khoản 11 Điều 4 Thông tư số 05/2013/TT-BLĐTBXH ngày 15/5/2013 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định cấp giấy báo tử đối với những trường hợp hy sinh từ ngày 31/12/1994 trở về trước nếu được ghi nhận là liệt sĩ trong: lịch sử Đảng bộ cấp xã trở lên được cơ quan Đảng có thẩm quyền thấm định và đã xuất bản; báo cáo hàng năm từ trước năm 1995 của các cấp ủy đảng được lưu giữ tại cơ quan thẩm quyền của Đảng. Quy định đã nêu không giới hạn lịch sử Đảng bộ phải xuất bản trước năm 1995.

- Theo quy định Điều 60, Điều 63 Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 09/4/2013 của Chính phủ, nhà bia ghi tên liệt sĩ được xây dựng tại các xã, phường, thị trấn, quận, huyện không có nghĩa trang liệt sĩ; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quy chế quản lý các công trình ghi công liệt sĩ trên địa bàn. Vì vậy, buộc phải có căn cứ khắc tên trên nhà bia theo quy chế quản lý của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (không phải của Ủy ban nhân dân cấp xã). Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ nghiên cứu nội dung này khi sửa Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng và các văn bản hướng dẫn để việc xác nhận liệt sĩ có cơ sở và căn cứ phù hợp.

Trường hợp người hy sinh đã được khắc tên trên nhà bia tưởng niệm liêt sĩ của địa phương, đồng thời thân nhân đã hưởng chế độ ưu đãi từ trước ngày 01/01/1995, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã đưa nội dung này trong dự thảo Quyết định ban hành quy trình cấp Bằng “Tổ quốc ghi công” cho liệt sĩ có thân nhân đã hưởng chế độ và đang xin ý kiến các đơn vị, cơ quan chuyên môn liên quan trước khi ban hành.

Câu 59. Cử tri tỉnh Bắc Giang kiến nghị: Theo quy định của Điều 16 Luật người khuyết tật quy định Hội đồng xác định mức độ khuyết tật hiện nay giao thẩm quyền cho Chủ tịch UBND cấp xã thành lập Hội đồng đồng xét duyệt trợ cấp xã hội là không phù hợp vì ở cấp xã không có bộ phận có chuyên môn sâu và phương tiện để kiểm tra đánh giá được các khuyết tật có tính chất phức tạp; đề nghị sửa đổi bổ sung, quy định giao cho cấp huyện.

Câu 60. Cử tri tỉnh Bắc Giang kiến nghị: Điều 3 Nghị định số 28/2012/NĐ-CP, ngày 10/4/2012 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người khuyết tật quy định :

1. Người khuyết tật đặc biệt nặng là những người do khuyết tật dẫn đến mất hoàn toàn chức năng, không tự kiểm soát hoặc không tự thực hiện được các hoạt động đi lại, mặc quần áo, vệ sinh cá nhân và những việc khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc hoàn toàn.

2. Người khuyết tật nặng là những người do khuyết tật dẫn đến mất một phần hoặc suy giảm chức năng, không tự kiểm soát hoặc không tự thực hiện được một số hoạt động đi lại, mặc quần áo, vệ sinh cá nhân và những việc khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc.

3. Người khuyết tật nhẹ là người khuyết tật không thuộc trường hợp quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này.

Cử tri cho rằng quy định như trên còn chưa thực sự rõ ràng, đề nghị quy định cụ thể hơn nữa mức độ khuyết tật ở từng bộ phận cơ thể: mắt, tay, chân, …như thế nào để việc xác định mức độ khuyết tật được thuận lợi, thống nhất và công bằng.

Câu 61. Cử tri tỉnh Bắc Giang kiến nghị: Cử tri đề nghị thành lập Hội đồng giám định khuyết tật ở cấp huyện thay vì Hội đồng Giám định khuyết tật cấp xã như hiện nay vì cán bộ, công chức cấp xã không có đủ chuyên môn để có thể xác định chính xác các trường hợp khuyết tật.

Trả lời: Tại Công văn số 212/LĐTBXH-VP ngày 11/01/2019

Điều 15 Luật Người khuyết tật quy định việc xác định mức độ khuyết tật do Hội đồng xác định mức độ khuyết tật thực hiện (sau đây gọi tắt là Hội đồng). Việc xác định mức độ khuyết tật của Hội đồng được thực hiện bằng phương pháp quan sát trực tiếp người khuyết tật, thông qua thực hiện hoạt động đơn giản phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày, sử dụng bộ câu hỏi theo các tiêu chí về y tế, xã hội và các phương pháp đơn giản khác để kết luận mức độ khuyết tật đối với từng người khuyết tật.

Đối với các dạng khuyết tật có thể xác định bằng phương pháp quan sát trực tiếp, việc giao cho Hội đồng có nhiều ưu điểm như thời gian xác định mức độ khuyết tật nhanh, tiết kiệm chi phí hành chính, hồ sơ, giấy tờ, nhân công, chi phí đi lại thấp, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người khuyết tật. Trong trường hợp: (i) Hội đồng không đưa ra được kết luận về mức độ khuyết tật; (ii) Người khuyết tật hoặc đại diện hợp pháp của người khuyết tật không đồng ý với kết luận của Hội đồng; (iii) Có bằng chứng xác thực về việc xác định mức độ khuyết tật của Hội đồng không khách quan, chính xác thì việc xác định mức độ khuyết tật do Hội đồng Giám định y khoa thực hiện.

Tiếp thu kiến nghị của cử tri liên quan tới các quy định về công tác xác định mức độ khuyết tật, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội giao cơ quan chức năng tiếp tục nghiên cứu ý kiến của cử tri, trình cấp có thẩm quyền xem xét trong quá trình nghiên cứu, sửa đổi Luật Người khuyết tật.

Câu 62. Cử tri tỉnh Phú Thọ kiến nghị: Cử tri phản ánh: Nghị định 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ về Chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội đã có nhiều quy định về chính sách trợ giúp xã hội thường xuyên tại cộng đồng, trợ giúp xã hội đột xuất; hỗ trợ nhận chăm sóc, nuôi dưỡng tại cộng đồng và chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội và nhà xã hội. Tuy nhiên, đối với quy định trợ giúp thường xuyên tại cộng đồng về việc mai táng phí mới chỉ đề cập đến con của người đơn thân bị chết, còn người đơn thân chết không được hỗ trợ chế độ mai tang phí nên rất khó khăn trong việc an táng trong khi con của các đối tượng này còn nhỏ, chưa tạo dựng được kinh tế. Cử tri đề nghị bổ sung chế độ mai táng phí đối với nhóm “Người đơn thân nuôi con thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hoặc đang hưởng chế độ trợ cấp xã hội nuôi con nhỏ” đang được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng.

Trả lời: Tại Công văn số 214/LĐTBXH-VP ngày 11/01/2019

Tiếp thu ý kiến cử tri, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định trong quá trình nghiên cứu, sửa đổi Nghị định số 136/2013/NĐ-CP và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan đến trợ giúp xã hội và giảm nghèo.

Câu 63. Cử tri tỉnh Trà Vinh kiến nghị: Cần tổ chức ngày kỷ niệm (ngày người cao tuổi) để mọi người ghi nhớ,....

Trả lời: Tại Công văn số  213/LĐTBXH-VP ngày  11/01/2019

Theo quy định của Luật Người cao tuổi, ngày 06 tháng 6 hằng năm là Ngày người cao tuổi Việt Nam. Để hưởng ứng ngày người cao tuổi Việt Nam, Trung ương Hội người cao tuổi Việt Nam đều tổ chức kỷ niệm ngày người cao tuổi Việt Nam để các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể và toàn xã hội quan tâm chăm sóc và động viên người cao tuổi tiếp tục phát huy truyền thống, kinh nghiệm, giá trị tinh thần cho thế hệ kế tiếp.

Câu 64. Cử tri tỉnh Vĩnh Long kiến nghị: Đề nghị có biện pháp quản lý chặt chẽ, triển khai, thực hiện hiệu quả hơn chính sách an sinh xã hội đối với hộ nghèo, tránh trường hợp các hộ dân trông chờ ỷ lại vào chính sách của nha nước mà không chịu thoát nghèo.

Trả lời: Tại Công văn số 209/LĐTBXH-VP ngày 11/01/2019

Thực hiện Quyết định số 2324/QĐ-TTg ngày 19/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch hành động triển khai Nghị quyết số 76/2014/QH13 ngày 24/6/2014 của Quốc hội khóa 13 về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020, các chương trình, chính sách giảm nghèo hiện hành ở Việt Nam đã được rà soát, tích hợp nhằm tăng hiệu quả thực hiện chính sách, giảm đầu mối và hạn chế tình trạng trùng chéo, chênh lệch định mức hỗ trợ giữa các chính sách; các chính sách hỗ trợ trực tiếp “cho không” từng bước được bãi bỏ, thay thế bằng các chính sách hỗ trợ vay vốn ưu đãi, tham gia các dự án hỗ trợ giảm nghèo có điều kiện, tăng cường ý thức, trách nhiệm của người dân để vươn lên thoát nghèo.

Qua đó, sau 03 năm (2016-2018) thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 02/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ, kết quả giảm nghèo ở Việt Nam đã đạt được những thành tích ấn tượng, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020 đã giảm từ 9,88% cuối năm 2015 xuống còn 8,23% cuối năm 2016 (giảm 1,65%), giảm còn 6,7% cuối năm 2017 (giảm 1,53% so với cuối năm 2016) và dự kiến còn khoảng 5,35% cuối năm 2018, đạt mục tiêu kế hoạch giai đoạn 2016 - 2020 tỷ lệ hộ nghèo bình quân mỗi năm giảm từ 1 - 1,5%; đời sống, thu nhập của người dân từng bước được cải thiện, tỷ lệ hộ tái nghèo, phát sinh nghèo giảm; có 08 huyện nghèo, 17 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển được công nhận thoát nghèo, 21 xã thuộc diện đầu tư của Chương trình 135 được công nhận hoàn thành mục tiêu của Chương trình.

Tuy nhiên, trong thành tựu giảm nghèo chung, cá biệt còn trường hợp hộ dân trông chờ, ỷ lại vào chính sách nhà nước hoặc một số nơi xảy ra tình trạng xác định sai đối tượng hộ nghèo, danh sách thành viên của hộ nghèo để trục lợi chính sách,... Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã kịp thời ban hành văn bản chỉ đạo các địa phương chấn chỉnh công tác rà soát, xác định hộ nghèo và việc thực hiện các chương trình, chính sách giảm nghèo trên địa bàn đế đảm bảo đúng đối tượng, đúng quy định của pháp luật.

Trong thời gian tới, để tiếp tục đảm bảo hiệu quả, tránh tình trạng trông chờ, ỷ lại vào chính sách của Nhà nước, các địa phương tăng cường công tác truyền thông để hộ nghèo nhận thức rõ họ chính là chủ thể trong tiến trình giảm nghèo, chủ động thực hiện và có trách nhiệm hơn nữa để vươn lên thoát nghèo. Đồng thời, tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cộng đồng, hướng dẫn phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập góp phần giúp hộ nghèo thoát nghèo bền vững. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát đã được chú trọng tổ chức thực hiện từ cả Trung ương đến địa phương nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách, chương trình giảm nghèo.

Câu 65. Cử tri tỉnh Hà Tĩnh kiến nghị: Đề nghị ban hành các quy định xử lý dứt điểm tình trạng lao động vi phạm hợp đồng làm việc ở nước ngoài.

Trả lời: Tại Công văn số 206/LĐTBXH-VP ngày 11/01/2019

Chất lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài nhìn chung còn hạn chế, trình độ tay nghề, ngoại ngữ, ý thức, tác phong làm việc kém; ý thức chấp hành các quy định pháp luật của người lao động, mà cụ thể là việc chấp hành kỷ luật lao động, nội quy nơi làm việc, các cam kết trong hợp đồng lao động, hợp đồng đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài còn thấp. Việc tự ý chuyển chủ sử dụng lao động, bỏ hợp đồng ra ngoài làm việc bất hợp pháp, ở lại cư trú bất hợp pháp sau khi hết hạn hợp đồng, không tuân thủ quy định nơi làm việc và nơi sinh sống, trộm cắp, đánh nhau, sử dụng rượu bia không đúng quy định... còn xảy ra ở một số thị trường, kể cả thị trường có thu nhập cao và ổn định.

Những vi phạm nêu trên của người lao động đã ảnh hưởng rất lớn đến việc duy trì và phát triển thị trường tiếp nhận lao động, đặc biệt tại Hàn Quốc và Đài Loan. Việc khôi phục lại những thị trường này gặp rất nhiều khó khăn (Như ở thị trường Đài Loan phải mất 10 năm mới tiếp nhận trở lại lao động nghề giúp việc gia đình, Hàn Quốc sau 03 năm mới tiếp nhận trở lại lao động Việt Nam nhưng với số lượng giảm đi rất nhiều).

Hiện nay, chế tài xử lý vi phạm hành chính đối với đối tượng là người lao động đi làm việc ở nước ngoài được quy định tại Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22/8/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo họp đồng. Cụ thể Khoản 2 và Khoản 3 Điều 35 quy định:

“2. Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Ở lại nước ngoài trái phép sau khi hết hạn Hợp đồng lao động, hết hạn cư trú;

b) Bỏ trốn khỏi nơi đang làm việc theo hợp đồng;

c) Sau khi nhập cảnh nước tiếp nhận lao động mà không đến nơi làm việc theo hợp đồng…

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

- Buộc về nước đối với hành vi vi phạm quy định tại các Điểm a, Điểm b và Điểm c Khoản 2 Điều này;

- Cấm đi làm việc ở nước ngoài trong thời hạn 02 năm đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản 2 Điều này;

- Cấm đi làm việc ở nước ngoài trong thời hạn 05 năm đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm c Khoản 2 Điều này”

Tuy nhiên, trên thực tế các quy định này hầu như không thể áp dụng để xử phạt đối với người lao động.

Do vậy, để tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm hạn chế tình trạng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng vi phạm pháp luật, vi phạm hợp đồng, không về nước sau khi hết hạn hợp đồng, khắc phục sự bất cập và thiếu tính khả thi của các quy định hiện hành, trong quá trình xây dựng Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) (dự kiến trình Quốc hội thông qua hồ sơ đề nghị xây dựng vào tháng 3/2019 và trình dự thảo Luật vào tháng 10/2020), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội dự kiến:

- Bổ sung các quy định chặt chẽ hơn về điều kiện và hồ sơ để người lao động đi làm việc ở nước ngoài, hạn chế lợi dụng để làm giả hồ sơ;

- Tăng trách nhiệm, nghĩa vụ và tính chủ động thực hiện họp đồng của người lao động, đồng thời quy định rõ các chế tài xử phạt tương ứng với nghĩa vụ thực hiện họp đồng của người lao động;

- Tăng hình phạt hoặc bổ sung 01 điều xử phạt (không phải là xử phạt hành chính) lao động bỏ trốn khỏi nơi làm việc, có đủ chế tài để khởi kiện lao động và người bảo lãnh cho lao động, bắt buộc lao động phải nộp phạt theo quy định của pháp luật;

- Quy định cụ thể đối với người lao động sau khi đi làm việc ở nước ngoài trở về phải thông báo với chính quyền địa phương nơi cư trú để kịp thời cập nhật thông tin và hỗ trợ người lao động tìm kiếm việc làm.

Câu 66. Cử tri tỉnh Nam Định kiến nghị: Đề nghị sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Luật Phòng chống ma túy, cụ thể: Bãi bỏ quy định cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện từ 12 đến 18 tuổi và quản lý sau cai tập trung; bổ sung thêm Chương can thiệp, dự phòng nghiện ma tuý theo chuẩn quốc tế (bao gồm các Chương can thiệp phổ quát, can thiệp chọn lọc và can thiệp chỉ định); bổ sung quy định cơ chế đặc thù cho lực lượng quản lý học viên tại các cơ sở cai nghiện ma tuý.

Trả lời: Tại Công văn số 218/LĐTBXH-VP ngày 11/01/2019

Thực hiện nhiệm vụ về sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật do Thủ tướng Chính phủ giao tại Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 05/6/2017 về tăng cường công tác phòng, chống và cai nghiện ma túy trong tình hình mới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, trình Chính phủ, trình Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật phòng, chống ma túy, trong đó có sửa đổi, bổ sung các quy định cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện từ 12 đến 18 tuổi và quản lý sau cai tập trung; đồng thời đề xuất bổ sung Chương can thiệp, dự phòng nghiện ma túy để phù hợp với thực tế hiện này và theo chuẩn quốc tế.

Câu 67. Cử tri tỉnh Nam Định kiến nghị: Đề nghị thực hiện mua bảo hiểm y tế cho người nghiện ma túy cai nghiện bắt buộc và cai nghiện tự nguyện tại các cơ sở điều trị nghiện ma túy công lập bằng nguồn Ngân sách nhà nước; ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 80/2018/NĐ-CP ngày 17/5/2018 của Chính phủ về chế độ áp dụng đối với người chưa thành niên, người tự nguyện cai nghiện vào cơ sở chữa bệnh, cai nghiện.

Trả lời: Tại Công văn số 218/LĐTBXH-VP ngày 11/01/2019

a) Về kiến nghị thực hiện mua bảo hiểm y tế cho người nghiện ma túy cai nghiện bắt buộc và cai nghiện tự nguyện tại các cơ sở điều trị nghiện ma túy công lập bằng nguồn ngân sách nhà nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp thu ý kiến của cử tri, sẽ phối hợp với Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam nghiên cứu, đề xuất bổ sung chính sách cho phù hợp với thực tế hiện nay.

b) Về ban hành Thông tư thực hiện Nghị định số 80/2018/NĐ-CP

Thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, hiện nay Bộ Tài chính đang chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 80/2018/NĐ-CP ngày 17/5/2018 của Chính phủ và dự kiến ban hành trong Quý I năm 2019.

Câu 68. Cử tri tỉnh Đồng Nai kiến nghị: Hiện nay, tình trạng sinh viên sau khi tốt nghiệp khó xin được việc làm. Vì phần lớn các nhà tuyển dụng lao động đòi hỏi sinh viên cần phải có kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực cần tuyển dụng thì họ mới tuyển dụng. Kiến nghị cần có chính sách pháp luật, biện pháp tuyên truyền đến các doanh nghiệp, người sử dụng lao động hiểu rõ và có sự hỗ trợ trong việc tuyển dụng đối với các sinh viên mới ra trường nhằm hạn chế tình trạng thất nghiệp xảy ra.

Trả lời: Tại Công văn số 194/LĐTBXH-VP ngày 11/01/2019

Vấn đề thất nghiệp của thanh niên, nhất là sinh viên tốt nghiệp ra trường là vấn đề mà xã hội hiện đang hết sức quan tâm. Hàng năm, cả nước có khoảng 600 - 700 nghìn sinh viên tốt nghiệp cao đẳng, đại học có nhu cầu tìm kiếm việc làm nhưng gặp khó khăn trong tìm kiếm việc làm (bản tin thị trường lao động hàng quý đều công bố có khoảng 150 - 200 nghìn lao động có trình độ cao đẳng, đại học thất nghiệp, trong đó có không ít sinh viên mới tốt nghiệp ra trường), số lượng liên tục được bổ sung thêm vào thị trường lao động, trong khi số thất nghiệp gần như không đổi (quý III/2018 đã có xu hướng giảm) chứng tỏ thị trường lao động vẫn tiếp nhận và sử dụng sinh viên tốt nghiệp ra trường, vấn đề chính ở đây là tìm việc khó khăn và làm việc trái ngành nghề.

Nguyên nhân chính do chất lượng dự báo cung - cầu lao động còn hạn chế; cơ cấu đào tạo chưa hợp lý; chất lượng đào tạo còn thấp, chưa gắn hoặc chưa phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động; công tác tư vấn, định hướng nghề nghiệp, giới thiệu việc làm cho thanh niên, sinh viên còn hạn chế; một bộ phận thanh niên, sinh viên chưa chủ động, nỗ lực trong tìm kiếm việc làm; thiếu các kỹ năng làm việc, tìm việc. Bên cạnh đó, đúng như ý kiến cử tri nêu, các doanh nghiệp thường có xu hướng tuyển dụng lao động với yêu cầu kinh nghiệm, điều mà hầu hết lao động trẻ nói chung, sinh viên mới ra trường nói riêng thường thiếu.

Tiếp thu kiến nghị của cử tri, trong thời gian tới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ chủ động phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tăng cường chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền chính sách về lao động, việc làm cho các doanh nghiệp, đồng thời, tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp:

(1) Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, đào tạo gắn với nhu cầu của doanh nghiệp, thị trường; có chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề; tăng thời lưọng thực hành, thực tập tại doanh nghiệp để giúp sinh viên tốt nghiệp có thể tìm được việc làm sớm và tham gia ngay vào quá trình sản xuất.

(2) Nâng cao chất lượng phân tích, dự báo cung - cầu lao động, là cơ sở cho đào tạo phù họp với nhu cầu của doanh nghiệp và nhu cầu tìm kiếm hoặc tự tạo việc làm để giảm tình trạng thất nghiệp trong thanh niên, sinh viên tốt nghiệp, rút ngắn thời gian thất nghiệp và tìm việc của nhóm đối tượng này.

(3) Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm, đặc biệt là tư vấn lựa chọn ngành nghề, việc làm, kết nối cung - cầu, rút ngắn thời gian tìm việc và thời gian tuyển dụng.

(4) Hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, khởi sự doanh nghiệp qua Quỹ quốc gia về việc làm và các nguồn tín dụng ưu đãi khác; đưa một bộ phận lao động trẻ đi làm việc ở các thị trường tốt với thu nhập, trình độ cao và sử dụng hiệu quả đội ngũ lao động này khi về nước.

(5) Tuyên truyền nâng cao nhận thức về việc làm và tính chủ động trong việc làm của thanh niên, sinh viên.

Câu 69. Cử tri tỉnh Nghệ An kiến nghị: Trong giai đoạn hiện nay xuất khẩu lao động chưa có những chính sách mang tính chiến lược, bứt phá. Xuất khẩu lao động chủ yếu lao động thủ công, tay nghề chưa cao. Một số lao động chưa tiếp cận các kênh thông tin chính thức, không nắm rõ các thông tin cần thiết như các địa chỉ để liên hệ ở nước ngoài khi cần giúp đỡ. Đa số người lao động phải nộp chi phí chính thức cao hơn so với quy định của Nhà nước hoặc phải làm việc khác với thỏa thuận theo hợp đồng. Cử tri đề nghị cần đẩy mạnh và chấn chỉnh công tác quản lý, tổ chức xuất khẩu lao động.

Trả lời: Tại Công văn số 205/LĐTBXH-VP ngày 11/01/2019

1. Về chính sách mang tính chiến lược:

Trong giai đoạn hiện nay, hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã có nhiều chính sách mang tính chiến lược, cụ thế như: Bộ đã tích cực đàm phán với các nước để khai thác, mở các thị trường mới (như thị trường EU); giữ vững những thị trường cũ tiềm năng, đặc biệt chọn các thị trường tốt như Nhật Bản, Đài Loan để tăng thị phần, giảm thị trường còn tiềm ẩn nhiều rủi ro như Ả rập - Xê út, Trung Đông.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã nghiên cứu, lựa chọn thị trường phù hợp với các nhóm đối tượng khác nhau (thị trường gần, dễ đi như Thái Lan - mở rộng ngành nghề); hồ trợ nâng cao năng lực các doanh nghiệp hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, loại trừ các doanh nghiệp hoạt động yếu kém, không hiệu quả, không thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền đến người lao động thông qua các kênh truyền thông (thông tin đại chúng, trang điện tử của Bộ, trang cơ sở dữ liệu vê người lao động đi làm việc ở nước ngoài của Cục Quản lý lao động ngoài nước, thông qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các địa phương), giảm chi phí đi làm việc ở nước ngoài cho người lao động,...

2. Về nội dung phản ánh xuất khẩu lao động còn thủ công, tay nghề chưa cao:

Hiện nay, chính sách chung của các nước tiếp nhận lao động tập trung chủ yếu vào việc thu hút và tiếp nhận các đối tượng lao động chất lượng cao (lao động các ngành công nghệ mới như công nghệ sinh học, ngành công nghệ thông tin) và lao động phổ thông thuần túy (đặc biệt các ngành nghề mà lao động bản địa không muốn làm như các công việc nặng nhọc, nguy hiểm), đồng thời giữ việc làm cho lao động trong nước ở phân khúc giữa. Trong thời gian gần đây, hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài hiện đã có những chuyển dịch về chất lượng: lao động chất lượng cao đi làm việc tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Cộng hòa liên bang Đức. Bên cạnh đó, nguồn lao động chất lượng cao ở Yiệt Nam hiện vẫn còn thiếu để phục vụ cho chính thị trường trong nước. Đó là những lý do chủ yếu dẫn đến việc lao động phổ thông, tay nghề thấp chiếm tỷ trọng cao trong số lao động đi làm việc ở nước ngoài hàng năm. Bên cạnh đó, nguyên nhân chủ quan của hiện tượng này là phần lớn lao động Việt Nam còn có những hạn chế như: trình độ tay nghề, ngoại ngữ, ý thức, tác phong làm việc kém; ý thức chấp hành các quy định pháp luật của người lao động chưa cao, mà cụ thế là việc chấp hành kỷ luật lao động, nội quy nơi làm việc, các cam kết trong hợp đồng lao động còn thấp.

Trong thời gian tới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục chú trọng nhiều hơn đến việc cải thiện chất lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.

3. Về việc tiếp cận qua các kênh thông tin chính thống:

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tích cực thông tin qua tất cả các kênh có thể có (website của Cục Quản lý lao động ngoài nước, của doanh nghiệp), các hội nghị, các chuyên trang, cảnh báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, phát tờ rơi, trả lời thông tin qua điện thoại... Bên cạnh đó, Thanh tra Bộ, Cục Quản lý lao động ngoài nước và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các địa phương thời gian vừa qua đã đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài nhằm chấn chỉnh hoạt động của các doanh nghiệp, đảm bảo quyền lợi của người lao động.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn một bộ phận người lao động tiếp cận thông tin qua môi giới, qua các doanh nghiệp không có chức năng hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài nên dân tới việc bị đối tượng xấu lừa đảo, thu phí cao... Trong thời gian tới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục chấn chỉnh và tăng cường công tác này.

Câu 70. Cử tri tỉnh Trà Vinh kiến nghị: Đề nghị cấp kinh phí đầu tư thiết bị cho các trường nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo tay nghề cho người lao động.

Trả lời: Tại Công văn số 200/LĐTBXH-VP ngày 11/01/2019

Nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo tay nghề cho người lao động, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo và bố trí nguồn kinh phí lớn từ các chương trình, dự án để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường, cụ thể:

1. Đối với Dự án “Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp” thuộc Chương trình mục tiêu (CTMT) Giáo dục nghề nghiệp - Việc làm và An toàn lao động giai đoạn 2016 - 2020

a) Việc lựa chọn ngành, nghề trọng điếm; trường được lựa chọn ngành, nghề trọng điểm giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tô chức lựa chọn, phê duyệt ngành, nghề trọng điểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025 (134 ngành, nghề trọng điểm ở các cấp độ, gồm: 62 ngành, nghề cấp độ Quốc tế; 93 ngành, nghề cấp độ Khu vực ASEAN và 134 ngành, nghề cấp độ quốc gia tại 411 trường cao đẳng, trung cấp công lập (250 trường cao đẳng, 161 trường trung cấp).

Quyết định phê duyệt ngành, nghề trọng điếm theo hướng “mở”, tạo hành lang pháp lý, khuyến khích các trường hàng năm nghiên cứu, đề xuất phát triển các ngành, nghề mới phục vụ phát triển nguồn nhân lực, chuyển đổi nghề nghiệp có kỹ năng phù họp, có thể tiếp thu, làm chủ và khai thác vận hành hiệu quả những tiến bộ công nghệ của Cách mạng công nghiệp thứ 4...

b) Về hỗ trợ đầu tư giai đoạn 2016 - 2019

Trong giai đoạn 2016 - 2019, thông qua Dự án “Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp” thuộc CTMT Giáo dục nghề nghiệp - Việc làm và An toàn lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đề xuất hỗ trợ đầu tư sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị đào tạo cho khoảng trên 1.200 lượt ngành, nghề trọng điểm thuộc 245 trường cao đẳng, trung cấp công lập đươc lựa chọn ngành, nghề trọng điểm theo Quyết định số 1836/QĐ-LĐTBXH ngày 27/11/2017 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thưong binh và Xã hội.

2. Đối với nội dung thành phần “Nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn” thuộc CTMT Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020

a) Về lựa chọn danh sách các cơ sỏ' được hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị và phương tiện vận chuyển

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các Bộ ngành địa phương lựa chọn, phê duyệt danh sách các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập cấp huyện được hỗ trợ đầu tư theo chính sách quy định tại Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16/8/2016 và Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngay 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ, theo đó đã lựa chọn danh sách 231 cơ sở, gồm: 09 cơ sở thuộc Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và 222 cơ sở thuộc 51/63 tỉnh, thành phố (trừ 12 tỉnh, thành phố tự cân đối ngân sách).

Nội dung, mức hỗ trợ thực hiện theo quy định tại Điều 17 Thông tư số 43/2017/TT-BTC ngày 12/5/2017 của Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện CTMT quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020. Ngoài ra, các địa phương tùy theo điều kiện, khả năng ngân sách địa phương, bố trí và huy động thêm các nguồn kinh phí hợp pháp khác để hỗ trợ đầu tư cho các cơ sở theo quy định.

Đối với các địa phương tự cân đối ngân sách, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có trách nhiệm phê duyệt danh sách các cơ sở và thực hiện hỗ trợ đầu tư theo quy định.

b) Về hỗ trợ cho các Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên được lựa chọn theo Quyết định số 683/QĐ-LĐTBXH ngày 05/6/2018

Trên cơ sở thông báo của Bộ Tài chính tại công văn số 9434/BTC-NSNN ngày 14/7/2017, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có Công văn số 3232/LDTBXH-TCGDNN ngay 03/8/2018 gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc xây dựng kế hoạch, phương án phân bổ kinh phí thực hiện nội dung “Nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn” năm 2019, theo đó đề xuất hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị đào tạo nghề cho 126 cơ sở, gồm: 09 trung tâm dịch vụ việc làm thuộc Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và 117 cơ sở thuộc 51 địa phương trên cả nước (trừ 12 tỉnh tự cân đối ngân sách).

Tuy nhiên, kinh phí thực hiện nội dung 6 “Nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn” được Bộ Tài chính giao chung cho các Bộ, ngành, địa phưong thực hiện trong CTMT Quôc gia xây dựng nông thôn mới hàng năm. Do đó, mức hỗ trợ kinh phí sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị đào tạo cho các Trung tâm do các Bộ, ngành, địa phương thực hiện trên cơ sở số kinh phí được giao hàng năm và hướng dẫn chỉ tiêu, nhiệm vụ chuyên môn của cơ quan chủ trì nội dung thành phần.

Câu 71. Cử tri tỉnh Bạc Liêu kiến nghị: Đề nghị Nhà nước xem xét về độ tuổi học nghề của học sinh lớp 9 hiện nay. Vì hiện nay, học sinh lớp 9 (15 tuổi) đi học nghề sau 01 năm đi thực tập và sau 02 năm ra trường không thể đi làm vì chưa đủ tuổi lao động theo quy định (mới 17 tuổi chưa đủ tuổi ký hợp đồng lao động).

Trả lời: Tại Công văn số 201/LĐTBXH-VP ngày 11/01/2019

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 3, Bộ luật Lao động năm 2012: “Người lao động là người từ đủ 15 tuổi trở lên, có khả năng lao động, làm việc theo hợp đồng lao động, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành của người sử dụng lao động”.

Tại Điều 3, Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số nội dung Bộ luật Lao động quy định: “Người lao động chưa thành niên từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi và có sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật của người lao động vẫn có thể giao kết hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật”.

Như vậy, học sinh lớp 9 sau khi tốt nghiệp hoàn toàn có thể đi làm và ký kết họp đồng lao động theo đúng các quy định của pháp luật hiện hành.

Câu 72. Cử tri tỉnh Tuyên Quang kiến nghị: Xem xét điều chỉnh nội dung tiêu chí trong phiếu B về rà soát xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo khu vực nông thôn cho phù hợp sát với thực tiễn, cử tri nêu ví dụ: 1 hộ gia đình có 01 con trâu được 15 điểm, hộ gia đình có 02 con trâu trở lên được 25 điểm như vậy chưa hợp lý).

Trả lời: Tại Công văn số 210/LĐTBXH-VP ngày 11/01/2019

Theo nội dung Thông tư số 14/2018/TT-BLDTBXH ngày 26/9/2018 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 17/2016/TT-BLĐTBXH, việc xác định hộ có nhiều tài sản trâu, bò đã được bổ sung vào công cụ sàng lọc các hộ gia đình có khả năng không thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo tại Phiếu A sửa đổi, bổ sung.

Câu 73. Cử tri tỉnh Tây Ninh  kiến nghị: Về bộ tiêu chí xác định chuẩn hộ nghèo, theo quy định có tiêu chí về “thu nhập của hộ gia đình”, về tiêu chí này khi áp dụng ở nhiều địa phương xuất hiện nhiều việc bất hợp lý, khi kiểm tra, rà soát công nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo; lý do, có trường hợp hộ gia đình có nhân khẩu nằm trong độ tuổi lao động nhưng lười lao động, không có thu nhập ổn định vẫn được công nhận là hộ nghèo. Đề nghị xem xét lại bộ tiêu chí và mức chuẩn nghèo theo phương pháp tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 – 2020 để có điều chỉnh từng tiêu chí cụ thể để phù hợp với thực tiễn cuộc sống của người dân.

Trả lời: Tại Công văn số 210/LĐTBXH-VP ngày 11/01/2019

Quy trình hướng dẫn rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm được thiết kế theo thực trạng chung cho các địa bàn trên cả nước. Do đó, đối với những trường hợp cụ thể (như thành viên trong hộ thuộc độ tuổi lao động nhưng lười lao động), các địa phương cần có các biện pháp chủ động để đảm bảo kết quả phản ánh đúng thực trạng nghèo trên địa bàn. Cụ thể, địa phương cần đẩy mạnh việc tuyên truyên, vận động để các hộ dân hiểu, nắm bắt được các chính sách giảm nghèo, khơi gợi ý chí vươn lên thoát nghèo bền vững thông qua những chính sách hỗ trợ có điều kiện như vay vốn Ngân hàng chính sách xã hội, tham gia các lớp học nghề, đi lao động có thời hạn ở nước ngoài, các dự án hỗ trợ giảm nghèo,...

Câu 74. Cử tri tỉnh Nghệ An, Cao Bằng kiến nghị: Cử tri đề nghị rà soát lại cách chấm điểm xét hộ nghèo hiện nay theo quy định hệ thống tính điểm cho các đặc điểm, điều kiện sống của hộ gia đình theo các vùng tại Phụ lục số 3b của Thông tư 17/2016//TT-BLĐ-TB&XH ngày 28 tháng 6 năm 2016 về việc hướng dẫn quy định ra soát hộ nghèo hàng năm theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020. Một số tiêu chí đánh giá, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo Thông tư số 17/2016/TT-BLĐTBXH, ngày 28/06/2016 của Bộ Lao động Thương binh và xã hội về hướng dẫn quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 -2020 chưa phù hợp với thực tế.

Câu 75. Cử tri tỉnh Cao Bằng kiến nghị: Cử tri đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và xã hội xem xét, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của các địa phương để xem xét điều chỉnh, sửa đổi nội dung một số biểu mẫu kèm theo Thông tư số 17/2016/TT-BLĐTBXH ngày 28/06/2016 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nhất là phiếu rà soát (phiếu B) theo phương pháp điều tra bảng hỏi xã hội học để cho phù hợp với thực tế cũng như thuận lợi cho người dân và điều tra viên trong quá trình kê khai, rà soát, tổng hợp để phù hợp với thực tế địa phương và khả năng vận dụng thực hiện của đội ngũ cán bộ cơ sở.

Trả lời: Tại Công văn số 210/LĐTBXH-VP ngày 11/01/2019

Do cử tri không nêu rõ cụ thể vấn đề chưa phù hợp nên không có căn cứ để trả lời. Tuy nhiên, về cơ bản các nội dung chấm diêm tại Phiêu B hiện nay đã phù họp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức lấy ý kiến các địa phương và nhận được ý kiến tiếp tục giữ nguyên để thực hiện và đảm bảo sự on định trong giai đoạn 2016-2020. Đồng thời, nội dung này cũng được thực hiện trên cơ sở ý kiến góp ý của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (đơn vị xây dựng các nội dung tại Phiếu B).

Câu 76. Cử tri tỉnh Lạng Sơn kiến nghị: Đề nghị Trung ương bổ sung kế hoạch vốn năm 2019 cho tỉnh Lạng Sơn để thực hiện Đề án giảm nghèo bền vững giai đoạn 2018 - 2020 cho 3 huyện thuộc đối tượng, trong đó có huyện Văn Quan được bổ sung mới theo Quyết định số 275/QĐ-TTg ngày 07/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh sách các huyện nghèo và huyện thoát nghèo giai đoạn 2018 - 2020; đồng thời xem xét bổ sung vốn kế hoạch trung hạn cho tỉnh Lạng Sơn để thực hiện Đề án giảm nghèo bền vững giai đoạn 2018 - 2020.

Trả lời: Tại Công văn số 211/LĐTBXH-VP ngày 11/01/2019

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã xây dựng phương án phân bổ vốn trung hạn và vốn năm 2019 cho các huyện nghèo theo Quyết định số 275/QĐ-TTg ngày 07/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, tổng hợp, ban hành các Quyết định thông báo vốn cho các địa phương. Đối với tỉnh Lạng Sơn, Ngân sách Trung ương dự kiến phân bổ kinh phí đầu tư phát triển năm 2019 Tiểu dự án 1. Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng trên địa bàn các huyện nghèo là 102.287 triệu đồng cho 3 huyện Bình Gia, Đình Lập và Văn Quan, trong đó có bổ sung vốn năm 2018 cho huyện Văn Quan là 28.679 triệu đồng.

Câu 77. Cử tri tỉnh Phú Thọ kiến nghị: Cử tri phản ánh: Ngày 07/3/2018, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 275/QĐ-TTg phê duyệt Danh sách các huyện nghèo và huyện thoát nghèo, theo đó huyện Tân Sơn được công nhận thoát khỏi huyện nghèo giai đoạn 2018-2020. Vì vậy năm 2019 - 2020 huyện Tân Sơn thuộc danh mục cắt, giảm vốn đầu tư phát triển thuộc Chương trình 30a nguồn ngân sách Trung ương là 105/169,7 tỷ đồng, chiếm 63% tổng số vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao trong kế hoạch trung hạn 2016 - 2020 tại Quyết định số 1865/QĐ-TTg ngày 23/11/2017 của Thủ tướng. Là huyện miền núi, tỷ lệ hộ nghèo cao, cơ sở hạ tầng còn nhiều khó khăn, nhiều tuyến đường giao thông mới chỉ hoàn thành phần nền, móng (do thiếu vốn); hệ thống kênh, mương thủy lợi còn chưa được cứng hóa; toàn huyện chưa có xã đạt chuẩn nông thôn mới. Ngoài ra, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 diễn ra vào tháng 7 năm 2018, huyện Tân Sơn chịu thiệt hại nặng nề, nhiều tuyến đường giao thông, cầu, tràn bị sạt, lở, hư hỏng không đi lại được; các công trình thủy lợi, kênh mương bị hư hỏng nặng; nhiều công trình y tế, giáo dục… bị sập, đổ, cần duy tu, sửa chữa trong khi nguồn ngân sách của huyện còn gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, để đảm bảo mục tiêu giảm nghèo bền vững, khắc phục những thiệt hại sau thiên tai, đề nghị xem xét, giữ nguyên mức vốn đầu tư phát triển Chương trình 30a thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã giao kế hoạch đầu tư công trung hạn (giai đoạn 2016-2020) cho huyện  giúp địa phương đầu tư, bảo dưỡng, duy tu hạ tầng phục vụ sản xuất.

Trả lời: Tại Công văn số 208/LĐTBXH-VP ngày 11/01/2019

Ngày 07/3/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 275/QĐ-TTg phê duyệt danh sách các huyện nghèo, huyện thoát nghèo giai đoạn 2017-2020; theo Điểm a Khoản 1 Điều 4 của Quyết định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã thực hiện điều chỉnh kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2018-2020 của 08 huyện thoát nghèo (trong đó bao gồm huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ), cắt giảm nguồn vốn đầu tư các năm 2019, 2020 của 08 huyện thoát nghèo điều chuyển cho 29 huyện nghèo bổ sung theo Khoản 2 Điều 1 Quyết định số 275/QĐ-TTg.

Tuy nhiên, do các địa phương gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc tiếp tục hoàn thành các công trình đầu tư dang dở trên địa bàn các huyện nghèo nên ngày 12/11/2018, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 71/2018/QH14 về điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020. Theo Nghị quyết, các huyện thoát nghèo được tiếp tục hỗ trợ nguồn vốn đầu tư bổ sung từ nguồn dự phòng chung Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 để thực hiện nội dung đầu tư cơ sở hạ tầng trên địa bàn các năm 2019 - 2020.

Câu 78. Cử tri tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị: Hiện nay, với nhiều dự án, công trình triển khai xây dựng làm phát sinh nhu cầu rất lớn về lao động, thị trường lao động trong nước đã thu hút nhiều lao động nước ngoài đến lao động, làm việc tại Việt Nam. Tuy nhiên, việc quản lý các đối tượng này đã có nhiều khó khăn, nhất là việc tiếp cận thông tin cá nhân, thông tin sử dụng lao động của nhà đầu tư và quản lý sinh hoạt (nhất là nguồn lao động phổ thông từ các nhà thầu phụ có yếu tố nước ngoài của các dự án lớn). Vì vậy, cử tri đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tăng cường phối hợp với Bộ Công an, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có biện pháp quản lý tốt đối tượng này, như: về thông tin tuyển dụng lao động nước ngoài, cấp giấy phép lao động, quản lý hợp đồng lao động, quản lý sinh hoạt,... nhằm đảm bảo công tác quản lý, giữ gìn an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội và nhất là những vấn đề có thể phát sinh về hôn nhân, gia đình và huyết thống, có thể gây nhiều hệ lụy xã hội trong tương lai.

Trả lời: Tại Công văn số 191/LĐTBXH-VP ngày 11/01/2019

Theo quy định của Bộ luật Lao động và các văn bản hướng dẫn thực hiện thì người nước ngoài làm việc tại Việt Nam phải có giây phép lao động do cơ  quan nhà nước có thẩm quyền cấp và phải xuất trình giấy phép lao động khi làm các thủ tục liên quan đến xuất cảnh, nhập cảnh và xuất trình theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trừ một số trường hợp không thuộc diện cấp giấy phép lao động theo quy định tại Điều 172 Bộ luật Lao động.

Trong thời gian qua, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thường xuyên hoàn thiện các quy định của pháp luật và ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương để tăng cường công tác quản lý nhất là quản lý lao động làm việc cho các nhà thầu; phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tình hình lao động nước ngoài và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Trong năm 2018, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Bộ Công an thanh tra về tình hình tuyển và sử dụng lao động nước ngoài tại một số địa phương như Thành phố Hà Nội, tỉnh Bình Dương, tỉnh Quảng Ninh...

Tuy nhiên, để tăng cường quản lý chặt chẽ hơn nữa lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục tập trung triển khai thực hiện các giải pháp sau:

(1) Hoàn thiện các quy định của pháp luật về quản lý lao động nước ngoài hướng tới mục tiêu tăng cường công tác quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và phù hợp với tình hình thực tế. Trong đó có nội dung trình Quốc hội dự án Bộ luật Lao động sửa đổi, bổ sung trong năm 2019.

(2) Đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn và phổ biến các quy định pháp luật Việt Nam liên quan đến lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam với nhiều hình thức phù hợp, thiết thực.

(3) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường họp cố tình vi phạm pháp luật Việt Nam liên quan đến người lao động nước ngoài, đặc biệt đối với người lao động nước ngoài làm việc trong các nhà thầu.

(4) Đề nghị các địa phương thường xuyên rà soát, hoàn thiện quy chế phối hợp giữa các cơ quan có liên quan ở địa phương nhằm tăng cường công tác quản lý lao động nước ngoài để chia sẻ thông tin và phối hợp quản lý tốt hơn lao động nước ngoài.

(5) Ban hành các công văn chỉ đạo địa phương trong việc đôn đốc, rà soát và tăng cường quản lý lao động nước ngoài.

Câu 79. Cử tri tỉnh Tây Ninh kiến nghị: Nghị định số 11/2016/NĐ-CP ngày 03/02/2016 của Chính phủ quy định doanh nghiệp chỉ được tuyển dụng và quản lý lao động nước ngoài gồm 4  nhóm: nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia và lao động kỹ thuật. Thông tư 40/2016/TT-BLĐTBXH ngày 25/10/2016 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có hướng dẫn các nhóm đối tượng. Tuy nhiên, Thông tư không hướng dẫn cụ thể giám đốc điều hành thành phần hồ sơ chứng minh là gì, hiện nay, mỗi địa phương áp dụng khác nhau về quy định nhóm giám đốc điều hành khi cấp giấy lao động cho người nước ngoài. Đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét sửa đổi bổ sung Thông tư 40/2016/TT-BLĐTBXH trong đó hướng dẫn thành phần hồ sơ cho nhóm giám đốc điều hành cho người nước ngoài gồm những thành phần nào.

Trả lời: Tại Công văn số 192/LĐTBXH-VP ngày 11/01/2019

Theo quy định tại Điểm b khoản 4 Điều 3 Nghị định số 11/2016/NĐ-CP ngày 03/02/2016 quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam: “Giám đốc điều hành là người đứng đầu và trực tiếp điều hành đơn vị trực thuộc cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp".

Các giấy tờ chứng minh giám đốc điều hành là quyết định tuyển dụng, quyết định bổ nhiệm hoặc hợp đồng lao động,... ghi rõ chức danh người lao động nước ngoài là người đứng đầu và trực tiếp điều hành một đơn vị trực thuộc cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

Tiếp thu kiến nghị của cử tri, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ nghiên cứu, tổng hợp trong quá trình sửa đổi, bổ sung Thông tư 40/2016/TT -BLĐTBXH ngày 25/10/2016 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 11/2016/NĐ-CP ngày 03/02/2016 quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

Câu 80. Cử tri tỉnh Nam Định kiến nghị: Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, đề nghị sửa đổi Điểm b, Khoản 1, Điều 4 của Nghị định số 11/2016/NĐ-CP ngày 03/02/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ Luật lao động về lao động ngước ngoài làm việc tại Việt Nam theo hướng: Đối với trường hợp người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2, Điều 172 Bộ Luật lao động và “Là thành viên góp vốn hoặc là chủ sở hữu của Công ty TNHH” hoặc “Là thành viên Hội đồng quản trị của Công ty cổ phần” thì khi làm việc tại Việt Nam, doanh nghiệp, tổ chức không phải thực hiện xác định nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài.

Trả lời: Tại Công văn số 193/LĐTBXH-VP ngày 11/01/2019

Theo quy định của Bộ luật Lao động thì người lao động nước ngoài là thành viên góp vốn hoặc là chủ sở hữu của Công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc là thành viên Hội đồng quản trị của Công ty cổ phần thì không thuộc diện cấp giấy phép lao động. Đây là quy định tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong việc tuyển dụng người lao động nước ngoài có trình độ kỹ thuật cao hoặc kinh nghiệm trong quản lý đáp ứng nhu cầu.

Doanh nghiệp cần thực hiện báo cáo nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài đối với đối tượng trên để cơ quan quản lý có trách nhiệm kiểm tra, thẩm định thông tin về vị trí công việc, thời gian làm việc của người nước ngoài và đảm bảo những vị trí công việc không tuyển được lao động Việt Nam thì mới được sử dụng lao động nước ngoài cũng như bình đẳng với những đối tượng lao động nước ngoài khác.

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 24 của Luật Đầu tư thì nhà đầu tư có quyền góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế. Đồng thời, Luật Đầu tư không có quy định cụ thể về mức góp vốn bao nhiêu thì được coi là nhà đầu tư.

Do đó, có một số trường hợp góp số lượng vốn rất thấp (thậm chí là 1 đến 3 triệu đồng) vào các công ty để được coi là thành viên góp vốn và được xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động. Do đó, cần có quy định nêu trên để đảm bảo việc quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tránh tình trạng người nước ngoài lợi dụng để vào Việt Nam làm việc không đúng quy định.

Câu 81. Cử tri tỉnh Hưng Yên kiến nghị: Theo quy định hiện hành khi quân nhân hoàn nghĩa vụ quân sự được hỗ trợ 01 phần kinh phí để đào tạo nghề; tuy nhiên nhiều trường hợp đã được đào tạo nhưng không phù hợp với thực tiễn, không kiếm được việc làm. Đề nghị Nhà nước hỗ trợ trực tiếp bằng tiền để quân nhân hoàn thành nghĩa vụ quân sự chủ động chọn nghề để học.

Trả lời: Tại Công văn số 202/LĐTBXH-VP ngày 11/01/2019

Hiện nay, Nhà nước hỗ trợ cho quân nhân hoàn thành nghĩa vụ quân sự học nghề thông qua hình thức cấp Thẻ đào tạo nghề cho người có nhu cầu. Người có Thẻ đào tạo nghề được lựa chọn bât kỳ cơ sở giáo dục nghề nghiệp nào để đăng ký tham gia khoá học phù hợp với nhu cầu và năng lực của bản thân. Quy định này mang tính khuyến khích quân nhân xuất ngũ đi học nghề, tự do lựa chọn nghề nghiệp, hoàn toàn đảm bảo tính chủ động chọn nghề để học của đối tượng, đông thời cũng đảm bảo đúng mục đích của chính sách hỗ trợ học nghề. Do vậy, Nhà nước chưa có chủ trương hỗ trợ trực tiếp bằng tiền cho quân nhân hoàn thành nghĩa vụ quân sự để học nghề.

Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải đảm bảo học viên sau khi hoàn thành khoá học có việc làm hoặc tự tạo việc làm theo quy định tại Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09/7/2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm, Thông tư số 43/2016/TT-BLĐTBXH ngày 28/12/2016 của Bộ LĐTBXH hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho các đối tượng quy định tại Điều 14 Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09/7/2015.

Câu 82. Cử tri tỉnh Ninh Thuận kiến nghị: Việc tạo điều kiện cho thanh niên lập nghiệp thời gian qua tuy đã được Chính phủ quan tâm nhưng hiệu quả chưa như mong muốn. Nhiều chủ trương, chính sách còn chung chung. Cử tri tiếp tục kiến nghị có chính sách hữu hiệu hơn nữa để hỗ trợ thanh niên lập nghiệp.

Trả lời: Tại Công văn số 195/LĐTBXH-VP ngày 11/01/2019

Hiện nay, vấn đề lập nghiệp, khởi nghiệp, nhất là trong thanh niên đang có xu hướng phát triển nhanh và rộng. Nhằm đẩy mạnh và hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, khởi nghiệp, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua nhiều Luật như: Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017, Luật Việc làm năm 2013; đồng thời ban hành nhiều chính sách hỗ trợ lập nghiệp, khởi sự doanh nghiệp như: Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; Nghị định số 38/2018/NĐ-CP ngày 11 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo;...

Về phía Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện nay đã và đang triển khai thực hiện: Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 20 tháng 6 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp - Việc làm và An toàn lao động giai đoạn 2016 - 2020, trong đó có Dự án “Phát triển thị trường lao động và việc làm” với mục tiêu hỗ trợ tham gia các khóa đào tạo về khởi sự doanh nghiệp cho 10 nghìn thanh niên, giới thiệu việc làm cho 25 nghìn lượt thanh niên (năm 2018, đã ký hợp đồng đặt hàng với 26 đơn vị để triển khai, trong đó có 22 Trung tâm dịch vụ việc làm thuộc ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, 04 Trung tâm dịch vụ việc làm thanh niên thuộc Trung ương Đoàn); phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai thực hiện các hoạt động của Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1665/QĐ-TTg ngày 30 tháng 10 năm 2017; ưu tiên cho lao động thanh niên tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ Quỹ quốc gia về việc làm để tự tạo việc làm, phát triển doanh nghiệp…

Tiếp thu kiến nghị của cử tri, trong thời gian tới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách, quy định hiện hành hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, khởi nghiệp, đồng thời phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất sửa đối, bố sung và hoàn thiện các cơ chế, chính sách cụ thể hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, khởi nghiệp.

Câu 83. Cử tri tỉnh Bạc Liêu kiến nghị: Cử tri kiến nghị cần tạo việc làm tại chỗ cho bộ đội xuất ngũ để có thể triệu tập nhanh khi cần thiết.

Trả lời: Tại Công văn số 196/LĐTBXH-VP ngày 11/01/2019

Giải quyết việc làm cho hạ sĩ quan, binh sĩ quân đội xuất ngũ (bộ đội xuất ngũ) là một trong những nội dung quan trọng của chính sách hậu phương, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và tạo động lực để thanh niên hăng hái lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an nhân dân. Nhằm đẩy mạnh đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho bộ đội xuất ngũ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách như: chính sách trợ cấp việc làm cho bộ đội xuất ngũ; tiếp nhận lại, bố trí việc làm và bảo đảm tiền lương, tiền công tại các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức kinh tế trước khi nhập ngũ; miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập khi tham gia đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng; được cấp thẻ đào tạo nghề; được vay vốn để tham gia đào tạo nghề nghiệp; được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí; được vay vốn tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm...

Tuy nhiên, công tác giải quyết việc làm cho bộ đội xuất ngũ còn gặp nhiều khó khăn: tỷ lệ bộ đội xuất ngũ tham gia học nghề chưa cao (khoảng 40%), chủ yếu học nghề trình độ sơ cấp, khó tiếp cận những công việc ổn định, thu nhập bảo đảm; phần lớn bộ đội xuất ngũ là thanh niên nông thôn, lao động chính trong gia đình nên thường tìm kiếm việc làm ngay để phụ giúp gia đình, chủ yếu là công việc phổ thông, giản đơn... gây sự lãng phí lớn về nguồn nhân lực trẻ, có trình độ, được đào tạo, rèn luyện, bản lĩnh chính trị vững vàng.

Tiếp thu kiến nghị của cử tri, song song với việc tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách hiện hành hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp, tạo việc làm cho bộ đội xuất ngũ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã và đang chủ động phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tập trung thực hiện những giải pháp sau:

(1) Nâng cao chất lượng phân tích, dự báo thị trường lao động, cung cấp cơ sở cho kế hoạch hóa đào tạo phù họp vói nhu cầu của doanh nghiệp và nhu cầu tìm kiếm hoặc tự tạo việc làm đế giảm tình trạng thất nghiệp trong thanh niên, bộ đội xuất ngũ.

(2) Chỉ đạo hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm tăng cường tư vấn, giới thiệu việc làm cho bộ đội xuất ngũ; phối hợp với các đơn vị tại địa phương tổ chức các phiên giao dịch việc làm dành riêng cho bộ độỉ xuất ngũ.

(3) Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp cho bộ đội xuất ngũ theo hướng gắn với nhu cầu của doanh nghiệp, thị trường; hướng tới học nghề trình độ trung cấp, cao đẳng.

(4) Ưu tiên hỗ trợ thanh niên, bộ đội xuất ngũ được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ Quỹ quốc gia về việc làm và các nguồn tín dụng ưu đãi khác; đưa một bộ phận thanh niên đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự đi làm việc ở các thị trưòng nước ngoài với thu nhập tốt, trình độ cao và sử dụng hiệu quả đội ngũ lao động này khi về nước.

(5) Tuyên truyền nâng cao nhận thức về việc làm và tính chủ động trong việc làm của thanh niên nói chung, bộ đội xuất ngũ nói riêng.

Câu 84. Cử tri tỉnh Nam Định kiến nghị: Đề nghị có chính sách ràng buộc đối với các doanh nghiệp, công ty (nước ngoài) có trách nhiệm đối với người lao động, đặc biệt đối với lao động có độ tuổi từ 45 tuổi trở lên thường bị các công ty tìm cách cho nghỉ việc sớm hơn mức tuổi quy định nhưng lại không được hưởng chế độ gì.

Trả lời: Tại Công văn số 197/LĐTBXH-VP ngày 11/01/2019

Bộ luật Lao động năm 2012 đã quy định việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật cũng như nghĩa vụ của người sử dụng lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật. Tuy nhiên, việc chấm dứt họp đồng lao động người lao động trên 45 tuổi cũng là một vấn đề đặt ra, cần có các nghiên cứu sâu về phạm vi, mức độ ảnh hưởng đối với nhóm đối tượng này để hoàn thiện chính sách và có những biện pháp để hỗ trợ người lao động. Hiện nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang khẩn trương thực hiện các giải pháp sau:

- Tổ chức rà soát, đánh giá các quy định hiện hành trong Bộ luật lao động và các văn bản hướng dẫn về tuyển, giao kết hợp đồng lao động và sử dụng lao động, nhất là làm rõ trách nhiệm của người lao động và người sử dụng lao động khi chấm dứt họp đồng lao động. Dự kiến dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi, bổ sung sẽ trình Quốc hội vào năm 2019.

- Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách nhằm nâng cao nhận thức về quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ lao động theo quy định của Bộ luật Lao động và các văn bản hướng dẫn.

- Tăng cường công tác quản lý lao động, công tác thanh tra, kiểm tra bảo đảm các doanh nghiệp chấp hành nghiêm các quy định về pháp luật lao động;

- Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các chính sách việc làm, bảo hiểm thất nghiệp theo hướng chú trọng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất, duy trì việc làm, hạn chế sa thải lao động, nhất là các đối tượng dễ bị sa thải như lao động trung niên và lớn tuổi.

- Nghiên cứu, học tập kinh nghiệm của các nước về duy trì việc làm cho người lao động cao tuổi.

Câu 85. Cử tri tỉnh Phú Thọ kiến nghị: Cử tri phản ánh: Luật Việc làm và Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành có nhiều điểm chưa hợp lý, cụ thể như sau:

+ Điểm c Khoản 1 Điều 43 Luật Việc làm quy định đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp: Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng.

+ Điểm b Khoản 2 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội quy định: Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm: …Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng.

Như vậy, người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc nhưng không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp, trong khi đó khả năng bị mất việc làm của nhóm này là khá cao. Cử tri đề nghị sửa quy định về đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp tại Luật Việc làm để phù hợp với quy định của Luật Bảo hiểm xã hội.

Trả lời: Tại Công văn số 198/LĐTBXH-VP ngày 11/01/2019

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 43 Luật Việc làm được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 16/11/2013 thì người lao động phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp khi làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc sau: (1) Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn; (2) Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc xác định thời hạn; (3) Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng. Người lao động đang làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc nêu trên nhưng đang hưởng lương hưu, giúp việc gia đình thì không phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp (Thời điểm này người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 03 tháng trở lên mới thuộc đối tượng tham gia bảo hiếm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật Bảo hiếm xã hội được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 29/6/2006).

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 20/11/2014 (thay thế Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006) thì đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc từ ngày 01/01/2018 sẽ bao gồm cả người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng (Quy định này được ban hành sau thời điểm ban hành Luật Việc làm).

Như vậy, hiện nay người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc nhưng không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp, về kiến nghị cử tri, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tiếp thu, nghiên cứu và báo cáo cơ quan có thấm quyền xem xét khi sửa đổi, bổ sung Luật Việc làm.

Câu 86. Cử tri tỉnh Quảng Nam kiến nghị: Xem xét sửa đổi, bổ sung Quyết định số 53/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách nội trú cho học sinh, sinh viên học cao đẳng, trung cấp theo hướng: “Các đối tượng được hưởng chính sách nội trú đang trong thời gian học tập mà thoát khỏi hộ nghèo, cận nghèo thì vẫn được tiếp tục hưởng chính sách cho đến khi kết thúc khóa học”.

Trả lời: Tại Công văn số 203/LĐTBXH-VP ngày 11/01/2019

Theo quy định tại khoản 5, Điều 62 Luật Giáo dục nghề nghiệp và Quyết định số 53/2015/QĐ-TTg ngày 20/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách nội trú đối với học sinh, sinh viên học cao đẳng, trung cấp, chính sách nội trú nhằm khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người khuyết tật; người học là người dân tộc kinh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo có hộ khấu thường trú tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo tham gia các khóa đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp, sau khi hoàn thành khóa học có trình độ kỹ năng nghề để tìm kiếm việc làm hoặc tự tạo việc làm phù hợp với năng lực bản thân, từ đó có thu nhập góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Đây là một chính sách nhân văn, góp phần quan trọng vào việc nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật của lao động là người dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, góp phần thu hẹp khoảng cách giữa đồng bằng và vùng cao, vùng sâu, vùng xa.

Trong điều kiện nguồn lực từ ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn, với tinh thần người dân và nhà nước cùng chia sẻ, đồng thời nhằm bảo đảm bình đẳng trong giáo dục nghề nghiệp, trước mắt nhà nước tập trung ưu tiên hỗ trợ các đối tượng chính sách theo quy định hiện hành.

Đối với kiến nghị của cử tri nêu trên, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ghi nhận để nghiên cứu và đề xuất với cơ quan có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục nghề nghiệp và các quy định có liên quan trong thời gian tới.

Câu 87. Cử tri tỉnh Tuyên Quang kiến nghị: Khoản 3 Điều 32 Nghị định 221/2013/NĐ-CP ngày 30/12/2013 của Chính phủ quy định: "Trong thời gian chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, học viên vi phạm quy chế, nội quy của cơ sở cai nghiện bắt buộc thì bị kỷ luật bằng một trong các hình thức sau: Phê bình; Cảnh cáo; Giáo dục tại phòng kỷ luật". Qua công tác quản lý học viên tại Trung tâm nhận thấy quy định trên gây khó khăn trong quá trình răn đe, giáo dục người nghiện, thực tế một số đối tượng vi phạm quy chế trốn khỏi Trung tâm nhiều lần nhưng hình thức xử lý cao nhất chỉ là giáo dục tại phòng kỷ luật. Nhiều học viên nắm được "kẽ hở" này nên thường xuyên vi phạm qui chế của Trung tâm trốn về nhà hoặc trốn ra ngoài tiếp tục sử dụng trái phép chất ma túy... Nên cần phải có một chế tài cao hơn (có thể là kéo dài thời gian cai nghiện bắt buộc) để xử lý trong trường hợp học viên có tư tưởng chống đối, thường xuyên vi phạm nội qui, qui chế của cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Trả lời: Tại Công văn số 217/LĐTBXH-VP ngày 11/01/2019

Các biện pháp xử lý người nghiện ma túy vi phạm kỷ luật hiện nay chưa đủ sức răn đe, giáo dục. Tuy nhiên, thời gian áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc từ 12 tháng đến 24 tháng đã được quy định tại Luật xử lý vi phạm hành chính. Để giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thi hành pháp luật tại địa phương, tại Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 05/6/2017 về tăng cường công tác phòng, chống và cai nghiện ma túy trong tình hình mới, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung Luật phòng, chống ma túy.

Do đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xin ghi nhận ý kiến của cử tri, để nghiên cứu khi xây dựng hồ sơ dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật phòng, chống ma túy và các luật có liên quan.

Câu 88. Cử tri tỉnh Tuyên Quang  kiến nghị: Xem xét củng cố mô hình cai nghiện công trường 06 tại các huyện để thuận lợi cho người nghiện ma túy đi cai, góp phần đảm bảo cuộc sống bình yên cho xã hội và gia đình có người nghiện.

Trả lời: Tại Công văn số 216/LĐTBXH-VP ngày 11/01/2019

Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Y tế đánh giá tình hình thực hiện công tác cai nghiện tại các công trường 06, trong đó ghi nhận những đóng góp nhất định cho công tác cai nghiện của mô hình này. Tuy nhiên, hiện nay, mô hình cai nghiện tại công trường 06 không còn phù hợp với Hiến pháp năm 2013. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người nghiện ma túy tiếp cận và sử dụng dịch vụ cai nghiện ma túy, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2596/QĐ-TTg ngày 27/12/2013 phê duyệt Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy ở Việt Nam đến năm 2020; Quyết định số 1640/QĐ-TTg ngày 18/8/2016 phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở cai nghiện ma túy đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, trong đó có nhiệm vụ phát triển các điểm vệ tinh, điểm tư vấn tại cộng đồng và cơ sở điều trị nghiện tự nguyện để hình thành mạng lưới các điểm và cơ sở điều trị nghiện có đủ năng lực, đáp ứng nhu cầu về dịch vụ điều trị nghiện.

Câu 89. Cử tri tỉnh Đồng Tháp kiến nghị: Các cơ sở quản lý học viên cai nghiện ma túy rất bất cập, người quản lý không đủ sức, điều kiện để quản trại viên, họ muốn quậy phá lúc nào cũng được không can ngăn nổi (như Tiền Giang, Đồng Tháp thời gian qua). Vấn đề quản lý học viên ở trại cai nghiện rất khó khăn và tồn tại nhiều bất cập do pháp luật liên tục thay đổi, cử tri đề nghị cần cân nhắc lại quan điểm xem con nghiện là người bệnh mà không phải là hành vi vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội, chính từ đây tạo ra hệ lụy hết sức phức tạp trong việc đưa đối tượng vào cai nghiện. Cử tri cũng đề nghị Bộ Lao động Thương binh & Xã hội nghiên cứu phương án khả thi nhất giải quyết tình trạng trên báo cáo Chính Phủ hoặc Quốc hội.

Trả lời: Tại Công văn số 223/LĐTBXH-VP ngày 11/01/2019

a) Về quản lý học viên tại cơ sở cai nghiện

Hiện nay, các quy định pháp luật xử lý hành vi học viên vi phạm nội quy, quy chế của cơ sở sở cai nghiện đã được quy định rõ. Hành vi của học viên vi phạm nội quy, quy chế nếu xâm phạm vào quan hệ xã hội nào sẽ bị xử lý bằng chế tài của lĩnh vực đó, có thể là trách nhiệm hình sự hoặc trách nhiệm hành chính như quy định lại Điều 118 Luật xử lý vi phạm hành chính, mức độ thấp nhất là giáo dục tại phòng kỷ luật của cơ sở cai nghiện.

Đối với học viên có hành vi bỏ trốn khỏi cơ sở cai nghiện không thể gia hạn thêm thời gian chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc vì quy định tại khoản 8 Điều 12 Luật xử lý vi phạm hành chính.

b) Về quan điểm đối với người nghiện ma túy

Khoản 8 Điều 2 Luật phòng, chống ma túy (sửa đổi, bổ sung năm 2008) quy định: “Tệ nạn ma túy là tình trạng nghiện ma túy, tội phạm về ma túy và các hành vi trái phép khác về ma túy”. Như vậy, nghiện ma túy được coi là tệ nạn xã hội, phải bị xử lý bằng chế tài.

Tuy nhiên, theo quan điểm của Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy ở Việt Nam đến năm 2020 (Quyết định số 2596/QĐ-TTg ngày 27/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ), “Nghiện ma túy là bệnh mãn tính do rối loạn của não bộ, điều trị nghiện là một quá trình lâu dài bao gồm tổng thể các can thiệp hỗ trợ về y tế, tâm lý, xã hội làm thay đổi nhận thức, hành vi nhằm giảm tác hại của nghiện ma túy và giảm tình trạng sử dụng ma túy trái phép”.

Tiếp thu ý kiến của cử tri, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 05/6/2017 về tăng cường công tác phòng, chống và cai nghiện ma túy trong tình hình mới. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, trình Chính phủ, trình Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật phòng, chống ma túy và Luật xử lý vi phạm hành chính để thống nhất quan điểm chỉ đạo, quy định giữa các văn bản và phù hợp với thực tiễn nước ta.

Câu 90. Cử tri tỉnh Ninh Bình kiến nghị: Cử tri phản ánh theo Khoản 1, Điều 5 của Thông tư 03/2017/TT-BLĐTBXH ngày 01/3/2017 quy định về thời  gian đào tạo khóa học đối với trình độ cao đẳng và trung cấp còn chung chung. Cử tri đề nghị Bộ LĐTB&XH cần quy định thời gian đào tạo cụ thể cho 2 đối tượng trên để đảm bảo được kiến thức khi ra trường.

Trả lời: Tại Công văn số 204/LĐTBXH-VP ngày 11/01/2019

Khoản 2, Điều 34 Luật Giáo dục nghề nghiệp quy định: “Người đứng đầu cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp tự chủ, tự chịu trách nhiệm tổ chức biên soạn hoặc lựa và chọn phê duyệt chương trình đào tạo các trình độ giáo dục nghề nghiệp”.

Khoản 4 Điều 34 Luật Giáo dục nghề nghiệp cũng quy định: “Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp ở trung ương quy định khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp đối với từng trình độ dào tạo của giáo dục nghề nghiệp; quy trình xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo các trình độ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng”.

Thông tư số 03/2017/TT-LĐTBXH ngày 01/3/2017 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn về quy trình xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo, trong đó chỉ quy định thời gian học tập tối thiểu đảm bảo đáp ứng các quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp và Khung trình độ quốc gia Việt Nam. Thời gian học tập cụ thể đối với từng ngành, nghề, theo từng trình độ đào tạo do các trường tự quy định trong chương trình đào tạo do trường xây dựng và ban hành.

Căn cứ Quyết định số 1982/QĐ-TTg ngày 18/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Khung trình độ quốc gia Việt Nam và Thông tư số 12/2017/TT- LĐTBXH ngày 20/4/2017 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp trình độ trung cấp, cao đẳng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang tổ chức xây dựng để ban hành khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học đạt được (còn gọi là chuẩn đầu ra) sau khi tốt nghiệp trình độ trung cấp, cao đẳng cho các ngành, nghề đào tạo, trên cơ sở đó các trường tổ chức xây dựng chương trình đào tạo cụ thể cho trường mình.

Câu 91. Cử tri tỉnh Long An kiến nghị: Cử tri có ý kiến biện pháp cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng hiện nay chưa hiệu quả, người nghiện dễ tái nghiện và tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Đề nghị đưa người nghiện vào các trung tâm cai nghiện tập trung.

Trả lời: Tại Công văn số 219/LĐTBXH-VP ngày 11/01/2019

- Chính sách đối với vấn đề nghiện ma túy hiện nay là: áp dụng đa dạng các biện pháp, các hình thức cai nghiện, bao gồm: cai nghiện tự nguyện tại gia đình, tại cộng đồng; cai nghiện bắt buộc tại cộng đồng; cai nghiện tự nguyện tại cơ sở cai nghiện; cai nghiện bắt buộc tại cơ sở cai nghiện, ngoài ra còn áp dụng cả các biện pháp can thiệp giảm hại (Điều 26a, 34a Luật phòng, chống ma túy năm 2000, được sửa đổi, bổ sung năm 2008). Căn cứ tình trạng của người nghiện, cơ quan có thẩm quyền sẽ vận động, hỗ trợ họ cai nghiện tự nguyện hoặc quyết định áp dụng biện pháp cai nghiện phù hợp, trong đó có biện pháp cai nghiện bắt buộc tại cơ sở cai nghiện (cai nghiện tập trung).

- Biện pháp cai nghiện ma túy tại gia đình, cai nghiện ma túy tại cộng đồng được quy định tại Nghị định số 94/2010/NĐ-CP ngày 09/9/2010 của Chính phủ. Biện pháp cai nghiện ma túy tại cơ sở cai nghiện tự nguyện do các tố chức cá nhân thành lập được quy định tại Nghị định số 147/2003/NĐ-CP ngày 02/12/2003 quy định về điều kiện, thủ tục cấp giấy phép và quản lý hoạt động của các cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện và Nghị định số 94/2011/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 147/2003/NĐ-CP. Tuy nhiên, một số quy định của pháp luật về tổ chức thực hiện còn bất cập, chưa phát huy được hiệu quả trong công tác này.

Tiếp thu ý kiến của cử tri, Bộ Lao động - Thưong binh và Xã hội đang tiến hành tổng kết, đánh giá công tác cai nghiện tại gia đình, cai nghiện tại cộng đồng để đề xuất Chính phủ sửa đổi, bổ sung chính sách này phù hợp với thực tiễn hiện nay.

Câu 92. Cử tri tỉnh Tuyên Quang kiến nghị: Khoản 2 Điều 32 Luật Phòng, chống ma túy quy định: "Cơ sở cai nghiện có trách nhiệm thực hiện đúng các phương pháp cai nghiện được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt". Thực tế công tác cai nghiện đối với các học viên tại Trung tâm chỉ thực hiện theo nội quy quản lý học viên do Giám đốc Trung tâm ban hành, chứ chưa có phương pháp hay phác đồ điều trị cai nghiện do cơ quan có thẩm quyền ban hành, hướng dẫn thực hiện. Trong khi chức năng "chữa bệnh" là một trong những nhiệm vụ được Trung tâm đặt lên đầu tiên trong công tác quản lý cai nghiện ma túy.  Đề nghị có hướng dẫn cụ thể.

Trả lời: Tại Công văn số 220/LĐTBXH-VP ngày 11/01/2019

Ngày 30/12/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 221/2013/NĐ-CP quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, trong đó Bộ Y tế có trách nhiệm nghiên cứu các bài thuốc và phương pháp cai nghiện cho người nghiện ma túy. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Y tế đã ban hành các văn bản:

- Công văn số 4358/ĐTr ngày 23/6/1995 về hướng dẫn điều trị nghiện chât dạng thuốc phiện bằng thuốc hướng thần;

- Quyết định số 5467/2003/QĐ-BYT ngày 21/10/2003 về ban hành Hướng dẫn áp dụng phương pháp điện châm điều trị hỗ trợ cai nghiện ma túy;

- Quyết định số 3556/QĐ-BYT ngày 10/9/2014 ban hành “Hướng dẫn chấn đoán và điều trị các rối loạn tâm thần thường gặp do sử dung ma túy tổng hợp dạng AMPHETAMINE”;

- Quyết định số 5075/QĐ-BYT ngày 12/12/2007 ban hành “Hướng dẫn chấn đoán người nghiện ma túy nhóm OPIATS” và các Hướng dẫn điều trị hỗ trợ cắt cơn nghiện các chất dạng thuốc phiện.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chủ trì và phối hợp Bộ Y tế ban hành Thông tư liên tịch số 41/2010/TTLT-BLĐTBXH-BYT ngày 31/12/2010 hướng dẫn quy trình cai nghiện cho người nghiện ma túy tại các Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội và cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện.

Cơ sở cai nghiện ma túy có trách nhiệm xây dựng các quy chế hoạt động căn cứ các văn bản quy phạm pháp luật và hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.

Câu 93. Cử tri tỉnh Tuyên Quang kiến nghị: Quá trình tổ chức thực hiện pháp luật về phòng, chống ma túy còn tồn tại một số vấn đề khó khăn, bất cập như: Còn có một số mâu thuẫn giữa các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực phòng, chống ma túy; một số vấn đề phát sinh trong thực tiễn công tác phòng, chống ma túy nhưng chưa được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật và những điểm bất cập, chồng chéo của các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật phòng, chống ma túy:

- Khoản 7 Điều 1 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma túy năm 2008 đã bổ sung Điều 32a quy định “Người đang cai nghiện ma túy bắt buộc tại cơ sở cai nghiện mà phạm tội, nếu thời gian bị phạt tù ít hơn thời gian cai nghiện ma túy thì sau khi chấp hành xong hình phạt tù phải tiếp tục cai nghiện ma túy tại cơ sở cai nghiện bắt buộc” mâu thuẫn với Điều 117 Luật Xử lý vi phạm hành chính “Trường hợp phát hiện người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đã thực hiện hành vi phạm tội trước hoặc trong thời gian chấp hành quyết định thì theo yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền, Chủ tịch UBND cấp xã nơi đang thi hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn..., Giám đốc cơ sở cai nghiện bắt buộc phải ra quyết định tạm đình chỉ thi hành quyết định đối với người đó và chuyển hồ sơ cho cơ quan tiến hành tố tụng; trường hợp bị Toà án xử phạt tù thì người đó được miễn chấp hành phần thời gian còn lại trong quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính”.

- Khoản 8 Điều 1 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma túy quy định “Người nghiện ma túy sau khi chấp hành xong thời gian cai nghiện ma túy bắt buộc tại cơ sở cai nghiện phải chịu sự quản lý sau cai nghiện từ một năm đến hai năm” mâu thuẫn với Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định người chấp hành xong quyết định cai nghiện bắt buộc được trả về địa phương nơi cư trú.

 - Khoản 2 Điều 28 Luật Phòng, chống ma túy quy định về thẩm quyền ra quyết định đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh; mâu thuẫn với Khoản 2 Điều 105 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định thẩm quyền này thuộc về Tòa án nhân dân cấp huyện.

- Khoản 1 Điều 28 Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 quy định: “Người nghiện ma tuý từ đủ 18 tuổi trở lên đã được cai nghiện tại gia đình, cộng đồng hoặc đã được giáo dục nhiều lần tại xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện hoặc không có nơi cư trú nhất định phải được đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc”. Theo đó, người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên đã được cai nghiện tại gia đình, cộng đồng mà vẫn còn nghiện sẽ thuộc đối tượng bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Tuy nhiên, Khoản 1 Điều 96 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định: “Đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện hoặc chưa bị áp dụng biện pháp này nhưng không có nơi cư trú ổn định”. Theo đó, người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên đã được cai nghiện tại gia đình, cộng đồng mà vẫn còn nghiện không thuộc đối tượng bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Khoản 3 Điều 16 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP cũng chỉ đề cập đến đối tượng người nghiện ma túy đang tham gia các chương trình cai nghiện ma túy tại cộng đồng theo quy định của pháp luật về phòng, chống ma túy, không đề cập đến việc xử lý đối với người nghiện ma túy đã được cai nghiện tại gia đình, cộng đồng mà vẫn còn nghiện.

-  Khoản 1 Điều 96 Luật Xử lý vi phạm hành chính chỉ quy định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên, không có quy định về việc áp dụng biện pháp này đối với người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi. Trong khi Khoản 1 Điều 29 của Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 lại quy định: “Người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi đã được cai nghiện tại gia đình, cộng đồng hoặc đã được giáo dục nhiều lần tại xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện hoặc không có nơi cư trú  định thì được đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc dành riêng cho họ”.

Trả lời: Tại Công văn số 221/LĐTBXH-VP ngày 11/01/2019

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xin ghi nhận ý kiến của cử tri, trong quá trình triển khai thực hiện, một số quy định của Luật phòng, chống ma túy không còn phù họp) trên thực tế, mâu thuẫn với Luật xử lý vi phạm hành chính. Để giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thi hành pháp luật tại địa phương, tại Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 05/6/2017 về tăng cường công tác phòng, chống và cai nghiện ma túy trong tình hình mới, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an, Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung Luật phòng, chổng ma túy, Luật xử lý vi phạm hành chính. Do đó, Bộ Lao động - Thưong binh và Xã hội xin tiếp thu ý kiến của cử tri, để nghiên cứu khi xây dựng hồ sơ dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật phòng, chống ma túy và các luật có liên quan.

Câu 94. Cử tri tỉnh Bến Tre kiến nghị: Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và Luật Phòng chống ma túy năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2008) còn một số nội dung chưa thống nhất cần phải xem xét như:

+ Khoản 2, Điều 28 Luật Phòng chống ma túy năm 2000 (sửa đổi, bổ sung 2008) quy định: “Việc đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được thực hiện theo quyết định của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh”. Tuy nhiên, Điều 104 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định thẩm quyền thuộc về Tòa án nhân dân cấp huyện.

+ Điều 32a, Luật Phòng chống ma túy năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2008) quy định “Người đang cai nghiện ma túy bắt buộc tại cơ sở cai nghiện mà phạm tội, nếu thời gian bị phạt tù ít hơn thời gian cai nghiện ma túy thì sau khi chấp hành xong hình phạt tù phải tiếp tục cai nghiện ma túy tại cơ sở cai nghiện bắt buộc”. Trong khi Điều 117, Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định: “... trường hợp bị Toà án xử phạt tù thì người đó được miễn chấp hành phần thời gian còn lại trong quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính”. Đề nghị xem xét sửa đổi, bổ sung cho thống nhất.

Trả lời: Tại Công văn số 222/LĐTBXH-VP ngày 11/01/2019

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 05/6/2017 về tăng cường công tác phòng, chống và cai nghiện ma túy trong tình hình mới. Hiện nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, trình Chính phủ, trình Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật phòng, chống ma túy, trong đó có sửa đổi, bổ sung Khoản 2 Điều 28 và Điều 32a của Luật phòng, chống ma túy để thống nhất với quy định tại Luật xử lý vi phạm hành chính.

Câu 95. Cử tri tỉnh Bến Tre kiến nghị: Về cơ chế tài chính trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020: Việc thực hiện Tiểu dự án 4 (Hỗ trợ lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng hào dân tộc thiểu số đi làm việc có thời hạn nước ngoài) gặp khó khăn trong giải ngân nguồn vốn do theo quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 16 Mục 4 Thông tư số 15/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính thì cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội phải thực hiện đặt hàng với cơ sở đào tạo hoặc doanh nghiệp dịch vụ hoặc tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để đào tạo nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động theo quy định hiện hành về đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, người lao động thuộc đối tượng được hỗ trợ từ dự án sau khi được tư vấn từ các công ty, doanh nghiệp có hoạt động dịch vụ tuyển lao động làm việc cho nước ngoài theo hợp đồng và người thân, đa số tự liên hệ trực tiếp với các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh không thông qua Trung tâm dịch vụ việc làm thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, nên rất khó cho tỉnh trong việc tập trung người lao động để đặt hàng đào tạo với các doanh nghiệp theo quy định hiện hành.

Kiến nghị: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất Bộ Tài chính xem xét điều chỉnh Điểm a, Khoản 3 Điều 16 Mục 4 - Thông tư 15/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính theo hướng linh hoạt, không thông qua hình thức đặt hàng đào tạo với các cơ sở đào tạo hoặc các doanh nghiệp xuất khẩu lao động mà thực hiện hỗ trợ theo chứng chỉ, chứng nhận hoàn thành khóa đào tạo nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết do doanh nghiệp cấp cho người lao động, nhằm tạo điều kiện cho địa phương triển khai thực hiện tốt chương trình giảm nghèo.

Trả lời: Tại Công văn số 207/LĐTBXH-VP ngày 11/01/2019

Qua thực hiện giám sát đánh giá Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 trong thời gian qua và tiếp thu kiến nghị của cử tri, hiện nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang nghiên cứu và kiến nghị với Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư 15/2017/TT-BTC ngày 15/02/2017 theo hướng bổ sung hình thức hỗ trợ trực tiếp cho người lao động thuộc đối tượng tham gia đào tạo để đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Câu 96. Cử tri tỉnh Quảng Ninh kiến nghị: Chính phủ đã ban hành Nghị định số 99/2018/NĐ-CP ngày 12/7/2018 quy định về mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng. Tuy nhiên, mức trợ cấp đối với một số đối tượng còn thấp, chưa phù hợp với thực tế như: Mức trợ cấp tiền tuất hàng tháng đối với thân nhân của 1 liệt sĩ còn thấp, chưa đủ đáp ứng chi phí tối thiểu cho cuộc sống (mức quy định là 1.515.000 nghìn đồng/ tháng). Đề nghị xem xét nâng mức trợ cấp tiền tuất hàng háng đối với trường hợp là bố, mẹ liệt sĩ vì đối tượng này số lượng không còn nhiều, tuổi đã cao tuổi, cần được chăm sóc, phụng dưỡng. Mức trợ cấp ưu đãi hàng năm để thờ cúng liệt sĩ: mức quy định 500.000 đồng/ năm là quá thấp, chưa phù hợp với thực tế. Đề nghị xem xét nâng mức hỗ trợ để đủ mức chi phí thờ cúng đối với liệt sĩ. Mức trợ cấp cho đối tượng là con đẻ còn sống của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học suy giảm khả năng lao động từ 61% đến 80% là 909 nghìn đồng, suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên là 1.515 nghìn đồng là mức thấp. Đề nghị Bộ Lao động, thương binh và xã hội tham mưu, báo cáo Chính phủ điều chỉnh các mức quy định này.

Câu 97. Cử tri tỉnh Kiên Giang kiến nghị: Cử tri Kiên Giang đề nghị quy định mức trợ cấp ưu đãi người có công theo quy định của Pháp lệnh đảm bảo mức trợ cấp hàng tháng thấp nhất bằng mức chuẩn ưu đãi người có công (đối tượng trực tiếp). Đồng thời, điều chỉnh tăng mức quà Lễ, Tết cho người có công cho phù hợp với giá cả thị trường hiện nay.

Câu 98. Cử tri tỉnh Long An kiến nghị: Cử tri đề nghị tăng mức trợ cấp cho các đối tượng bị tù đày trong kháng chiến.

Câu 99. Cử tri tỉnh Ninh Thuận, Quảng Nam, Thanh Hóa kiến nghị: Nhiều ý kiến cử tri cho rằng, hiện nay việc hỗ trợ tiền thờ cúng đối với gia đình liệt sĩ với mức là 500.000 đồng/năm là thấp. Cử tri kiến nghị Chính phủ và các Bộ ngành hữu quan xem xét nâng mức hỗ trợ.

Trả lời: Tại Công văn số 225/LĐTBXH-VP ngày 11/01/2019

- Mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi cho người có công với cách mạng được xây dựng căn cứ vào hoàn cảnh, điều kiện kinh tế xã hội của đất nước trong tùng thời kỳ. Trong những năm qua, mặc dù kinh tế đất nước còn gặp nhiều khó khăn nhưng hàng năm Nhà nước đều dành một phần ngân sách đảm bảo các chế độ ưu đãi đối với người có công thể hiện sự tri ân của Đảng và Nhà nước đồng thời góp phần cải thiện và nâng cao đời sống người có công và thân nhân của họ. Năm 2018, thực hiện Nghị quyết số 49/2017/QH14 của Quốc hội về dự toán ngân sách năm 2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 99/2018/NĐ-CP ngày 12/7/2018 quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng thay thế Nghị định 70/2017/NĐ-CP ngày 06/6/2017, mức chuẩn để xác định các mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng là 1.515.000 đồng tăng 6,923% (bằng tỷ lệ tăng tiền lương cơ sở), được thực hiện từ ngày 01/7/2018. Mặt khác, chế độ trợ cấp ưu đãi đối với người có công được xây dựng và điều chỉnh trên cơ sở khả năng cân đối của ngân sách Nhà nước và công lao của người có công. Vì vậy, mức trợ cấp hàng tháng như hiện nay là phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước.

- Đối với mức trợ cấp thờ cúng liệt sĩ: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ghi nhận đề xuất của cử tri khi trình dự án Pháp lệnh Ưu đãi người có công.

Câu 100. Cử tri tỉnh Đồng Tháp kiến nghị: Về chế độ nhà ở đối với người có công, cử tri đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các Bộ, Ngành có liên quan xem xét một số trường hợp em thờ liệt sĩ, cháu thờ chú bác là liệt sĩ cho các đối tượng này được hưởng chính sách nhà ở.

Trả lời: Tại Công văn số 240/LĐTBXH-VP ngày 11/01/2019

Hiện nay, số lượng người có công với cách mạng cả nước rất lớn (trên 9,2 triệu người), do đó, căn cứ vào tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách của Nhà nước; đồng thời để cân đối giữa các diện đối tượng, chưa thể mở rộng thêm đối tượng được hỗ trợ nhà ở như đề nghị của đại biếu.

Câu 101. Cử tri tỉnh Tây Ninh kiến nghị: Theo quy định tại Khoản 2 Điều 8 Nghị định số 11/2016/NĐ-CP ngày 03/02/2016: “Thời hạn xác nhận người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động là không quá hai năm”, trong nhóm đối tượng thuộc diện này có trường hợp là chủ sở hữu, thành viên góp vốn của các công ty đã được điều chỉnh bởi Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh và tại trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014 (Khoản 6 Điều 9 thời hạn thực thi ký hiệu ĐT (cấp cho nhà đầu tư nước ngoài) có thời hạn không quá 5 năm). Chính vì quy định không thống nhất này nên rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài thắc mắc, đề nghị điều chỉnh thời gian xác nhận không phụ thuộc diện cấp giấy phép lao động đối với nhà đầu tư là 05 năm để cho thống nhất với Luật Nhập cảnh, Xuất cảnh, Quá cảnh, Cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014.

Trả lời: Tại Công văn số 199/LĐTBXH-VP ngày 11/01/2019

Ngày 08/10/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 140/2018/NĐ-CP sửa đổi các Nghị định liên quan đến đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trong đó đã sửa đổi, bổ sung Khoản 2 Điều 8 Nghị định số 11/2016/NĐ-CP ngày 03/02/2016 quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam thì không giới hạn thời gian xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động đối với nhà đầu tư.

Trong thời gian tới, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ nghiên cứu, xem xét quy định thời hạn xác nhận người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động để phù hợp với tình hình thực tế.

Câu 102. Cử tri tỉnh Thanh Hóa kiến nghị: Đề nghị quan tâm, hỗ trợ người có công khi ốm đau, vợ liệt sỹ tái giá.

Trả lời: Tại Công văn số 224/LĐTBXH-VP ngày 11/01/2019

Hiện nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang nghiên cứu, xây dựng Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi), trong đó dự kiến đề xuất bổ sung nội dung về mua bảo hiểm y tế đối với vợ liệt sĩ tái giá.

Đối với đề nghị bổ sung một số chính sách ưu tiên khác cho vợ liệt sĩ tái giá, khi xây dựng Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) sẽ lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân.

Câu 103. Cử tri tỉnh Quảng Trị kiến nghị: Tại điểm b, khoản 5, Điều 5 Nghị định 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội quy định: “Người từ đủ 80 tuổi trở lên không thuộc diện quy định tại Điểm a Khoản này mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, trợ cấp xã hội hàng tháng” được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng. Qua tiếp xúc cử tri tại miền núi, cử tri đề nghị bổ sung, sửa đổi quy định này như sau: Đối với người dân ở các xã địa bàn khó khăn, miền núi có tuổi thọ trung bình thấp thì người từ đủ 75 tuổi trở lên được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng.

Câu 104. Cử tri tỉnh Bà rịa – Vũng tàu kiến nghị: Theo Nghị định 136/ND-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ quy định về chính sách trợ giúp xã hội thường xuyên tại cộng đồng; trợ giúp xã hội đột xuất; hỗ trợ nhận chăm sóc, nuôi dưỡng tại cộng đồng và chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội và nhà xã hội, đề nghị quy định đối với nam là trên 80 tuổi, đối với nữ là trên 75 tuổi, vì trong luật lao động quy định nữ nghỉ hữu trước nam.

Câu 105. Cử tri tỉnh Vĩnh Long, Bắc Giang, Bến Tre, Bình Thuận, Phú Yên, Bạc Liêu kiến nghị: Đa số cử tri tiếp tục đề nghị hạ tuổi hưởng trợ cấp xã hội cho người cao tuổi từ 80 xuống 75 tuổi và người đủ 80 tuổi không phân biệt được hưởng chế độ chính sách, hưu trí,… đều được hưởng trợ cấp xã hội công bằng như nhau.

Trả lời: Tại Công văn số 215/LĐTBXH-VP ngày 11/01/2019

1. Về kiến nghị hạ tuổi hưởng trợ cấp xã hội từ 80 tuổi xuống 75 tuổi

Tiếp thu ý kiến của cử tri, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định trong quá trình nghiên cứu, sửa đổi Luật Người cao tuổi.

2. Về kiến nghị người cao tuổi từ 80 tuổi đều được hưởng trợ cấp xã hội không phân biệt đang hưởng chính sách, hưu trí

Theo quy định tại Khoản 2, Điều 17 của Luật Người cao tuổi thì đối tượng người cao tuổi được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng là người từ đủ 80 tuổi trở lên không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, trợ cấp xã hội hàng tháng. Đây là chính sách trợ giúp xã hội đối với người cao tuổi từ đủ 80 tuổi trở lên không có nguồn thu nhập như lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp xã hội hàng tháng nhằm hỗ trợ người cao tuổi bớt khó khăn trong cuộc sống, không phải là chính sách “ưu đãi” người cao tuổi từ đủ 80 tuổi trở lên nói chung.

Tiếp thu ý kiến cử tri, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng khảo sát, đánh giá kỹ vấn đề này để tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định trong quá trình nghiên cứu, sửa đổi Luật Người cao tuổi.

Câu 106. Cử tri tỉnh Tây Ninh kiến nghị: Chính sách về dạy nghề cho lao động nông thôn ở nhiều địa phương tuy có đạt được một số kết quả nhưng đa phần là lãng phí, hiệu quả chưa cao, 70% người dân không sống được với nghề mà họ được học. Đề nghị xem xét điều chỉnh phù hợp tình hình lao động hiện nay, nhất là gắn kết với doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng lao động để đào tạo.

Trả lời: Tại Công văn số 287/LĐTBXH-VP ngày 11/01/2019

Lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp nói chung và công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn nói riêng là lĩnh vực thường xuyên được Đảng, Chính phủ quan tâm chỉ đạo thực hiện và ban hành nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ lao động nông thôn tham gia học nghề. Theo báo cáo của các Bộ, ngành, địa phương, trong 9 năm vừa qua (2010 - 2018), cả nước có trên 8 triệu lao động nông thôn được học nghề, trong đó khoảng 4,6 triệu lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng. Tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm sau đào tạo đạt trên 80%, trong đó:

- Lao động nông thôn học nghề nông nghiệp, sau khi học xong, tiếp tục làm nông nghiệp nhưng đã áp dụng kỹ thuật được học vào sản xuất, tạo ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn để các doanh nghiệp kinh doanh nông sản bao tiêu sản phẩm, hoặc tạo ra nông sản với năng suất cao hơn, nhờ đó thu nhập làm nông nghiệp cũng được nâng lên.

- Lao động nông thôn học nghề phi nông nghiệp: Sau học nghề khoảng 42,4% lao động nông thôn được các doanh nghiệp tuyển dụng; 5% lao động nông thôn sau học nghề thành lập các tổ, nhóm sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp; 12% lao động nông thôn sau khi học nghề làm ra các sản phẩm theo yêu cầu của các doanh nghiệp, được doanh nghiệp nhận bao tiêu sản phẩm hoặc gia công các sản phẩm cho doanh nghiệp.

Để nâng cao hiệu quả trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đã ban hành Quyết định số 1952/QĐ-LĐTBXH ngày 19/12/2017 phê duyệt kế hoạch thực hiện “Nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020, trong đó yêu cầu các địa phương:

- Rà soát nhu cầu học nghề củà lao động nông thôn; nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo của các doanh nghiệp, các ngành kinh tế và thị trường lao động; rà soát, cập nhật danh mục nghề đào tạo cho lao động nông thôn; đánh giá năng lực đào tạo của các cơ sở tham gia đào tạo cho lao động nông thôn.

- Đối với đào tạo nghề phi nông nghiệp: Tập trung đào tạo các nghề trong các lĩnh vực ngành kỹ thuật công nghệ, công nghiệp, xây dựng, dịch vụ để phát triển công nghiệp phụ trợ, đào tạo theo vị trí làm việc tại doanh nghiệp, làng nghề; đào tạo nghề cho lao động nông thôn vào làm việc trong các khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghiệp tập trung, các dự án đầu tư lớn có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển đất nước; đào tạo nghề cho lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; gắn đào tạo nghề với chiến lược, phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động.

- Đối với đào tạo nghề nông nghiệp: Tập trung đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động làm việc ở các trang trại, doanh nghiệp, hợp tác xã. Đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn để thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, tiến tới nông nghiệp thông minh hiện đại, trên cơ sở bám vào 3 trục sản phẩm là: sản phẩm nông sản quốc gia, sản phẩm nông sản cấp tỉnh và sản phẩm đặc sản địa phương (OCOP).

- Việc tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn phải gắn với yêu cầu của doanh nghiệp; đào tạo theo tiêu chuẩn vị trí làm việc trong doanh nghiệp; khuyến khích các doanh nghiệp trực tiếp tham gia đào tạo và tuyển dụng lao động nông thôn vào làm việc tại doanh nghiệp.

- Chỉ tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn khi dự báo được việc làm và thu nhập sau học nghề.

Câu 107. Cử tri tỉnh Quảng Nam kiến nghị: Xem xét tăng lương hưu cho cán bộ hưu trí (nên giải quyết theo thâm niên kháng chiến trong chiến tranh), mức lương hiện nay quá thấp, không đảm bảo nhu cầu cuộc sống.

Câu 108. Cử tri TP. Hồ Chí Minh kiến nghị: Cử tri tiếp tục kiến nghị điều chỉnh chế độ chính sách lương hưu cho người nghỉ hưu từ trước năm 1993 vì hiện nay chi phí sinh hoạt cao mà lương hưu lại thấp, cuộc sống của những người sống bằng lương hưu gặp nhiều khó khăn.

Trả lời: Tại Công văn số 285/LĐTBXH-VP ngày 11/01/2019

Theo quy định của pháp luật bảo hiểm xã hội thì “mức hưởng bảo hiểm xã hội được tính trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng bảo hiểm xã hội”, theo đó mức lương hưu hàng tháng của người lao động được tính trên cơ sở mức tiền lương tháng làm căn cứ tính đóng bảo hiểm xã hội và thời gian người lao động đã đóng bảo hiểm xã hộị. Như vậy, mức lương hưu của người lao động cao hay thấp tùy thuộc vào thời gian đóng và mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của người lao động khi còn làm việc.

Thời gian qua Đảng và Nhà nước luôn quan tâm tới đời sống của những người nghỉ hưu, đặc biệt là những người nghỉ hưu trước năm 1993, những người có mức lương hưu thấp.Trong giai đoạn 2003- 2007, Chính phủ đã 05 lần điều chỉnh lương hưu với mức tăng từ 164,8% đến 228,8% so với mức lương hưu của tháng 12 năm 2002 (tuỳ thuộc vào mức tiền lương trước khi nghỉ hưu và thời điểm nghỉ hưu), trong đó những người nghỉ hưu trước tháng 9 năm 1985 và trước tháng 4 năm 1993 được điều chỉnh với tỷ lệ cao hơn những người nghỉ hưu ở giai đoạn từ tháng 4 năm 1993 trở về sau. Từ năm 2007 trở đi, việc điều chỉnh lương hưu được thực hiện theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội và các Nghị quyết của Quốc hội, theo đó “Chính phủ quy định việc điều chỉnh lương hưu trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế phù hợp với ngân sách nhà nước và quỹ bảo hiểm xã hội”. Trong giai đoạn từ tháng 12/2008 đến nay, Chính phủ đã điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng với mức tăng thêm 186,42%.

Riêng đối với những người nghỉ hưu có mức lương hưu thấp, triển khai Nghị quyết số 99/2015/QH13 của Quốc hội, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 55/2016/NĐ-CP ngày 15/6/2016 điều chỉnh mức lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp hằng tháng và trợ cấp đối với giáo viên mầm non có thời gian làm việc trước năm 1995. Theo đó, từ ngày 01/01/2016, tăng thêm 250.000 đồng/người/tháng đối với người hưởng lương hưu có mức lương hưu dưới 2 triệu đồng/tháng và tăng thêm 150.000 đồng/người/tháng đối với người hưởng trợ cấp mât sức lao động, trợ cấp hằng tháng với mức trợ cấp dưới 2 triệu đồng/tháng.

Thông qua việc thực hiện điều chỉnh lương hưu thời gian qua, đời sống của người nghỉ hưu đã từng bước được cải thiện. Tuy nhiên, do chính sách tiền lương, chính sách cán bộ, chính sách bảo hiểm xã hội ở nước ta đã trải qua rất nhiều giai đoạn cải cách, thay đổi nên vẫn tồn tại những khoảng cách chênh lệch nhất định trong lương hưu của người nghỉ hưu giữa các thời kỳ. Để khắc phục vấn đề này, tại Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, trong đó chỉ rõ: “... lương hưu cơ bản được điều chỉnh chủ yếu dựa trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng, khả năng của Quỹ bảo hiểm xã hội và ngân sách nhà nước; quan tâm điều chỉnh thoả đáng đổi với nhóm đối tượng có mức lương hưu thấp và nghỉ hưu trước năm 1995 nhằm thu hẹp khoảng cách chênh lệch lương hưu giữa người nghỉ hưu ở các thời kỳ”. Trong thời gian tới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất trình Chính phủ phương án thực hiện điều chỉnh lương hưu phù họp theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW nêu trên.

Câu 109. Cử tri tỉnh Trà Vinh kiến nghị: Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã ban Nghị quyết số 64/2018/QH14, tại khoản 2, Điều 2 có nêu: “Giao Chính phủ ban hành quy định thực hiện chính sách điều chỉnh lương hưu đối với lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 đến ngày 31 tháng 12 năm 2021 bị tác động bất lợi hơn so với lao động nam do thay đổi cách tính lương hưu. Nguồn kinh phí thực hiện do quỹ bảo hiểm xã hội bảo đảm”. Tuy nhiên, đến nay Chính phủ chưa ban hành hướng dẫn thực hiện, đề nghị sớm ban hành văn văn hướng dẫn để các địa phương có cơ sở thực hiện.

Trả lời: Tại Công văn số 284/LĐTBXH-VP ngày 11/01/2019

Thực hiện Nghị quyết số 64/2018/QH14 ngày 15 tháng 6 năm 2018 của Quốc hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 153/2018/NĐ-CP ngày 07 tháng 11 năm 2018 quy định chính sách điều chỉnh lương hưu đối với lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu trong giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2021 có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 20 năm đến 29 năm 6 tháng.

Câu 110. Cử tri tỉnh Trà Vinh kiến nghị: Tại Thông tư số 23/2012/TT-BLĐTBXH, ngày 18/10/2012 của Bộ Lao động - Thương binh và xã hội sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Thông tư số 19/2008/TT-BLĐTBXH ngày 23 tháng 9 năm 2008 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 03/2007/TT-BLDTBXH ngày 30 tháng 01 năm 2007 về hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 152/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 12 năm 2006 của Chính phủ hướng dẫn một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc quy định:

“9a. Thời điểm đủ điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu:

Thời điểm đủ điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu là ngày 01 tháng liền kề sau tháng sinh của năm mà người lao động đủ điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu. Trường hợp hồ sơ người lao động không ghi ngày sinh, tháng sinh (chỉ ghi năm sinh) thì thời điếm đủ điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu là ngày 01 tháng 01 của năm liền kề sau năm người lao động đủ điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu”.

Hiện nay, đã có Luật Bảo hiểm xã hội 2014, sửa đổi năm 2016, tuy nhiên chưa có văn bản hướng dẫn có liên quan nội dung trên nên đề nghị liên ngành Trung ương ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện (thay thế Thông tư số 23/2012/TT-BLĐTBXH).

Trả lời: Tại Công văn số 283/LĐTBXH-VP ngày 11/01/2019

Nội dung về thời điểm hưởng lương hưu được quy định tại Điều 59 của Luật bảo hiểm xã hội và đã được quy định chi tiết tại Điều 18 Thông tư số 59/2015/TT- BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc; Điều 6 của Nghị định số 134/2015/NĐ-CP ngày 29 tháng 12 năm 2015 của Chính phủ và Điều 5 của Thông tư số 01/2016/TT-BLĐTBXH ngày 18/02/2016 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Câu 111. Cử tri tỉnh Ninh Thuận kiến nghị: Cử tri kiến nghị khi sửa đổi Bộ Luật lao động cần nghiên cứu kỹ độ tuổi nghỉ hưu đối với người lao động, nhất là đối với lao động phổ thông, trực tiếp làm việc trong các ngành nghề độc hại. Việc xác định độ tuổi nghỉ hưu không nên tính cào bằng mà tùy theo nhóm ngành nghề quy định độ tuổi nghỉ hưu cho phù hợp.

Câu 112. Cử tri tỉnh Bình Thuận kiến nghị: Về vấn đề điều chỉnh tuổi nghỉ hưu đối với lao động nữ ở Bộ luật Lao động và luật Bảo hiểm xã hội: Cử tri kiến nghị cần điều chỉnh tuổi nghỉ hưu của nữ cho phù hợp theo từng ngành nghề. Cụ thể đối với các ngành lao động nặng nhọc, ngành đặc thù qui định tuổi nghỉ hưu có thể nghỉ từ 50 đến 55 tuổi nhưng ngược lại đối với các đối tượng có trình độ là Thạc sỹ trở lên, lao động nữ ở các vị trí lãnh đạo nếu còn sức khỏe có thể nghỉ hưu từ 55 đến 60 tuổi.

Câu 113. Cử tri tỉnh Phú Thọ kiến nghị: Cử tri cho rằng, việc sửa đổi Điều 187 của Bộ Luật lao động hiện hành theo hướng tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động nhằm bảo đảm cân đối quỹ hưu trí và tử tuất trong dài hạn là chưa thuyết phục. Cử tri kiến nghị trong quá trình xem xét, sửa đổi cần cân nhắc thận trọng việc sửa đổi Điều 187 của Bộ Luật lao động hiện hành để đảm bảo quyền lợi của người lao động khi về hưu. Nhiều ý kiến đề nghị khi sửa đổi luật cần nghiên cứu việc kéo dài độ tuổi nghỉ hưu cần tính toán độ tuổi nghỉ phù hợp đối với người lao động làm những công việc nặng nhọc, độc hại hoặc một số lĩnh vực như giáo dục (cấp học mầm non, mẫu giáo), thể dục, thể thao... chứ không nên cào bằng.

Trả lời: Tại Công văn số 282/LĐTBXH-VP ngày 11/01/2019

Ngày 23/5/2018 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 28/NQ-TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, trong đó có nội dung thực hiện điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình.

Việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là xu hướng tất yếu đang diễn ra ở hầu hết các nước. Đối với Việt Nam việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu nhằm bảo đảm số lượng, chất lượng và cơ cấu dân số; bình đẳng giới, cân đối Quỹ bảo hiểm xã hội trong dài hạn; xu hướng già hóa dân số; tính chất, loại hình lao động và giữa các ngành nghề, lĩnh vực. Việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cần có tầm nhìn dài hạn và có lộ trình phù hợp với tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, thất nghiệp; không gây tác động tiêu cực đến thị trường lao động.

Từ năm 2021, thực hiện điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo mục tiêu tăng tuổi nghỉ hưu chung, thu hẹp dần khoảng cách về giới trong quy định độ tuổi nghỉ hưu, đối với ngành nghề đặc biệt, người lao động được quyền nghỉ hưu sớm hơn, hoặc muộn hơn 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu chung.

Như vậy, các vấn đề cử tri đề cập cũng được cân nhắc, xem xét trong quá trình nghiên cứu, đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu. Hiện nay, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đang được giao chủ trì soạn thảo dự án Bộ Luật Lao động (sửa đổi). Liên quan đến việc tăng tuổi nghỉ hưu, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ bám sát nội dung cải cách nêu trên của Nghị quyết số 28-NQ/TW để tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đánh giá tống thể và đề xuất phương án phù họp trình Chính phủ, Quốc hội.

Câu 114. Cử tri TP. Hồ Chí Minh kiến nghị: Đề nghị điều chỉnh về tỷ lệ phần trăm trích đóng quỹ tiền lương thích hợp thuộc trách nhiệm của doanh nghiệp vào quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp khi Chính phủ tăng mức lương tối thiểu vùng để doanh nghiệp đảm bảo thực hiện tham gia các chế độ bảo hiểm xã hội đối với người lao động đúng quy định; đồng thời góp phần mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội và bảo đảm theo đúng chủ trương tại Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, và Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Trả lời: Tại Công văn số 281/LĐTBXH-VP ngày 11/01/2019

Theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội thì mức hưởng bảo hiểm xã hội được tính trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng bảo hiểm xã hội; mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được tính trên cơ sở tiền lương tháng của người lao động. Như vậy, khi Chính phủ điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu vùng có tác động đến tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội nhưng chỉ tác động đến những người lao động đang được đóng góp ở mức lương tối thiểu vùng (mức tiền lương thấp nhất), những người này cũng sẽ được thụ hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội ở mức hưởng cao hơn do tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cao hơn. Mặt khác, theo số liệu thống kê cho thấy hiện nay tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bình quân còn thấp hơn nhiều so vói tiền lương thực tế của người lao động (chỉ chiếm khoảng 60-70%).

Thời gian qua, thực hiện Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP ngày 28/4/2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020 và Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, để đảm bảo hài hòa quyền và lợi ích của người lao động, người sử dụng lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã rà soát, nghiên cứu và đánh giá khả năng cân đối của các quỹ thành phần của quỹ bảo hiểm xã hội (quỹ ốm đau và thai sản; quỹ tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp; quỹ hưu trí và tử tuất; quỹ bảo hiểm thất nghiệp). Trên cơ sở kết quả đánh giá khả năng cân đối của các quỹ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 47/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 quy định mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; theo đó mức đóng vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp giảm từ 1% xuống còn 0,5%.

Đề nghị của cử tri về điều chỉnh tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức nàng nghiên cứu, xem xét trong quá trình sửa đổi Luật bảo hiểm xã hội.

Câu 115. Cử tri TP. Hồ Chí Minh kiến nghị: Kiến nghị nên xem xét kéo dài thời gian được hưởng bảo hiểm xã hội một lần nhằm tránh tác động tiêu cực, tâm lý cho người lao động thì cần có lộ trình kéo dài thời gian quy định để được hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Ví dụ như năm 2020 thì phải sau 03 năm nghỉ việc mới được nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần, 2021 sau 05 năm nghỉ việc mới được nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần.      

Trả lời: Tại Công văn số 279/LĐTBXH-VP ngày 11/01/2019

Ngày 23/5/2018 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã ban hành Nghị quyết so 28/NQ-TW về cải cách chính sách bảo hiếm xã hội, trong đó có nội dung nghiên cứu quy định phù hợp để giảm tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo hướng tăng quyền lợi nếu bảo lưu thời gian tham gia bảo hiểm xã hội để hưởng chế độ hưu trí, giảm quyền lợi nếu hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

Ngày 08/10/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 125/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 28- NQ/TW ngày 23/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ghi nhận kiến nghị của cử tri để phối hợp với các cơ quan chức năng nghiên cứu, đề xuất trong quá trình sửa đổi Luật bảo hiểm xã hội theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW và Nghị quyết số 125/NQ-CP.

Câu 116. Cử tri TP. Hồ Chí Minh kiến nghị: Kiến nghị xem xét, ban hành Nghị quyết cho người hoạt động không chuyên trách cấp xã được tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trên cơ sở hợp đồng lao động được hưởng đầy đủ các quyền lợi như đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc khác.

Trả lời: Tại Công văn số 278/LĐTBXH-VP ngày 11/01/2019

Theo quy định hiện hành, những người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn không thuộc đối tượng giao kết hợp đồng lao động, không hưởng tiền lương mà hưởng chế độ phụ cấp, mức phụ cấp do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định từ nguồn kinh phí khoán quỹ phụ cấp của ngân sách trung ương và nguồn kinh phí từ ngân sách địa phương. Do đó, Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, phường, thị trấn thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc với hai chế độ là hưu trí và tử tuất; mức đóng hàng tháng bằng 8% mức lương cơ sở.

Thực hiện Nghị quyết số 28/NQ-TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội và Chương trình hành động của Chính phủ hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng nghiên cứu, đánh giá toàn diện vấn đề này để báo cáo cơ quan có thẩm quyền.

Câu 117. Cử tri TP. Hồ Chí Minh kiến nghị: Kiến nghị sớm xem xét sửa Luật Bảo hiểm xã hội theo hướng  giao cho Bảo hiểm xã hội Việt Nam có chức năng thanh tra toàn diện về lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.       

Trả lời: Tại Công văn số 277/LĐTBXH-VP ngày 11/01/2019

Theo quy định thì Bảo hiểm xã hội Việt Nam không phải là cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội, do vậy không thuộc các cơ quan được thực hiện chức năng thanh tra theo Điều 4 của Luật Thanh tra số 56/2010/QH12. Tuy nhiên, để tăng cường công tác thanh tra về bảo hiểm xã hội, đảm bảo sự tuân thủ của người sử dụng lao động và người lao động về việc đóng bảo hiểm xã hội, tại khoản 3 Điều 13 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 đã quy định cơ quan bảo hiểm xã hội thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế.

Đề xuất của cử tri về việc thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành của cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ tiếp tục được nghiên cứu, xem xét cho phù hợp trong quá trình sửa đổi Luật bảo hiểm xã hội.

Câu 118. Cử tri TP. Hồ Chí Minh kiến nghị: Sớm trình Chính phủ quy định, hướng dẫn chi tiết đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

Trả lời: Tại Công văn số 276/LĐTBXH-VP ngày 11/01/2019

Vấn đề này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 143/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 10 năm 2018 quy định chi tiết Luật Bảo hiểm xã hội và Luật An toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

Câu 119. Cử tri TP. Hồ Chí Minh kiến nghị: Cho phép giải quyết thanh toán bảo hiểm xã hội đối với trường hợp đi định cư theo diện kết hôn (hôn phu, hôn thê) và xem xét quy định về thủ tục đối với đối tượng này.

Trả lời: Tại Công văn số /LĐTBXH-VP ngày 11/01/2019

Theo quy định tại điểm b Khoản 1 Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 thì người lao động ra nước ngoài định cư mà có yêu cầu thì được giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần (không phân biệt về hình thức ra nước ngoài định cư).

Theo quy định tại Điều 109 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 thì hồ sơ hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người ra nước ngoài để định cư, ngoài sổ bảo hiểm xã hội và đơn yêu cầu hưởng bảo hiểm xã hội một lần của người lao động cần nộp thêm bản sao giấy xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về việc thôi quốc tịch Việt Nam hoặc bản dịch tiêng Việt được chứng thực hoặc công chứng một trong các giấy tờ sau đây: Hộ chiếu do nước ngoài cấp; Thị thực của cơ quan nước ngoài có thẩm quyền cấp có xác nhận việc cho phép nhập cảnh với lý do định cư; Giấy xác nhận về việc đang làm thủ tục nhập quốc tịch nước ngoài; giấy tờ xác nhận hoặc thẻ thường trú, cư trú có thời hạn từ 05 trở lên của cơ quan nước ngoài có thẩm quyền.

Như vậy, căn cứ quy định của Luật bảo hiểm xã hội thì đối với người lao động ra nước ngoài định cư đảm bảo hồ sơ theo quy định tại Điều 109 nêu trên sẽ được giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

Câu 120. Cử tri TP. Hồ Chí Minh kiến nghị: Chế độ nghỉ dưỡng sức phục hồi sức khỏe là chế độ dành cho người lao động yếu sức khỏe sau ốm đau, sau thai sản, sau tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cần phải nghỉ ngơi nên không thể vừa đi làm, vừa nghỉ dưỡng sức phục hồi sức khỏe. Do đó, đề nghị quy định nghỉ liên tục số ngày nghỉ dưỡng sức phục hồi sức khỏe, không nghỉ ngắt quãng.

Trả lời: Tại Công văn số 274/LĐTBXH-VP ngày 11/01/2019

Theo quy định tại các Điều 29, 41, 52 của Luật Bảo hiểm xã hội về nghỉ dưỡng, phục hồi sức khỏe thì người lao động sau khi điều trị thương tật, bệnh tật quay trở lại làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ 05 ngày đến 10 ngày trong một năm đối với mỗi trường họp. Luật bảo hiếm xã hội giao thẩm quyền cho người sử dụng lao động và Ban Chấp hành công đoàn cơ sở quyết định số ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe của người lao động.

Việc không quy định bắt buộc phải nghỉ liên tục mà căn cứ vào tình trạng sức khỏe và nhu cầu làm việc của người lao động là phù hợp, đảm bảo tốt hơn quyền thụ hưởng chính đáng của người lao động.

Câu 121. Cử tri TP. Hồ Chí Minh kiến nghị: Đề nghị có văn bản hướng dẫn, bổ sung quy định tại Điều 35 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đối với người lao động có thời gian bị gián đoạn công tác hoặc nghỉ ngừng việc nhưng chưa nhận trợ cấp thôi việc hay bảo hiểm xã hội một lần; NLĐ có thời gian công tác đi hợp tác lao động ở nước ngoài trước ngày 01/01/1995, cụ thể: trường hợp NLĐ bị thất lạc hồ sơ hoặc không còn đầy đủ hồ sơ gốc; cơ quan chủ quản cấp trên và đơn vị chủ quản trực tiếp của NLĐ bị sáp nhập, chia tách hoặc giải thể; đối tượng là lao động xã hội đi hợp tác lao động do địa phương cử theo thỏa thuận, hợp tác trực tiếp giữa địa phương và nước ngoài không theo Hiệp định...

Trả lời: Tại Công văn số 273/LĐTBXH-VP ngày 11/01/2019

Hiện nay, việc tính thời gian công tác để hưởng bảo hiểm xã hội đối với người lao động có thời gian làm việc trong khu vực nhà nước trước ngày 01/01/1995 được quy định tại khoản 6 Điều 123 của Luật bảo hiểm xã hội và được quy định chi tiết tại Điều 23 của Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ, Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Đối với người lao động có thời gian công tác gián đoạn hoặc đã nghỉ việc trước ngày 01/01/1995 thì việc xác định thời gian công tác để tính hưởng bảo hiểm xã hội được thực hiện theo các văn bản quy định trước đây về tính thời gian công tác trước ngày 01/01/1995 để hưởng bảo hiểm xã hội. Nội dung Điều 35 của Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH mà cử tri phản ánh chỉ quy định riêng đối với người lao động đi hợp tác lao động trước ngày 01/01/1995.

Theo quy định tại khoản 7 Điều 23 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP thì khi xem xét, giải quyết tính thời gian công tác trước ngày 01/01/1995 để tính hưởng bảo hiểm xã hội đối với trường hợp không còn hồ sơ gốc thể hiện quá trình công tác trước ngày 01/01/1995 thì cơ quan quản lý người lao động giải trình lý do bị mất, xác nhận về quá trình công tác, diễn biến tiền lương, việc chưa nhận trợ cấp thôi việc, trợ cấp một lần báo cáo Bộ, ngành chủ quản ở Trung ương hoặc Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xác nhận. Như vậy, đối với các trường hợp người lao động thuộc diện được xem xét tính thời gian công tác trước năm 1995 để tính hưởng bảo hiểm xã hội nhưng không còn hồ sơ gốc thể hiện quá trình công tác trước năm 1995 thì thực hiện theo quy định tại khoản 7 Điều 23 của Nghị định số 115/2015/NĐ-CP nêu trên.

Câu 122. Cử tri tỉnh Trà Vinh kiến nghị: Điều chỉnh, bổ sung Luật Xử lý vi phạm hành chính về thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính của cơ quan Bảo hiểm xã hội; bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể về các hành vi vi phạm, mức độ xử lý và quy trình xử lý các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp để tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan bảo hiểm xã hội thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành nhằm góp phần đảm bảo an sinh xã hội và đảm bảo quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người lao động.

Trả lời: Tại Công văn số 272/LĐTBXH-VP ngày 11/01/2019

Luật Xử lý vi phạm hành chính không có quy định cụ thể về thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính của cơ quan Bảo hiểm xã hội, tuy nhiên, tại Điều 121 Luật Bảo hiểm xã hội đã quy định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, mức phạt và biện pháp khắc phục hậu quả của Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Giám đốc Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh, Trưởng đoàn thanh ứa chuyên ngành do Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam quyết định thành lập theo quy định tại Điều 46 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22/8/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, Nghị định số 88/2015/NĐ-CP ngày 07/10/2015 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2013/NĐ-CP không quy định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Giám đốc Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành do Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam quyết định thành lập. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xin tiếp thu ý kiến của cử tri để nghiên cứu, tham mưu trình Chính phủ khi xây dựng nghị định thay thế Nghị định số 88/2015/NĐ-CP và Nghị định số 95/2013/NĐ-CP.

Đối với việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp thì Luật Bảo hiểm y tế, Luật Việc làm không quy định cơ quan Bảo hiểm xã hội có thẩm quyền xử lý vi phậm hành chính về lĩnh vực bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.

Câu 123. Cử tri TP. Hồ Chí Minh kiến nghị: Sớm trình Chính phủ quy định biện pháp, giải quyết cụ thể về chế độ bảo hiểm xã hội của người lao động tại các Doanh nghiệp bị nợ bảo hiểm xã hội; Doanh nghiệp có tình trạng chủ bỏ trốn… để bảo vệ quyền, lợi ích của người lao động theo quy định tại Khoản 7 Điều 10 Luật Bảo hiểm xã hội 2014.

Trả lời: Tại Công văn số 271/LĐTBXH-VP ngày 11/01/2019

1. Thực hiện quy định tại khọản 7 Điều 10 Luật bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các cơ quan chức năng tham mưu, đề xuất Chính phủ triển khai nhiều biện pháp để bảo đảm quyền lợi của người lao động như:

- Quy định cho phép các doanh nghiệp đang gặp khó khăn còn chậm đóng tiền bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) được đóng riêng cho từng người lao động để kịp thời giải quyết quyền lợi cho người lao động đủ điều kiện hưởng các chế độ BHXH (ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hưu trí và tử tuất) hoặc ghi nhận quá trình đóng BHXH cho người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc để kịp thời được giai quyết chế độ bảo BHTN hoặc tiếp tục tham gia BHXH tại các đơn vị, doanh nghiệp mới;

- Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về tăng cường thực hiện chính sách BHXH và bảo hiểm y tế; thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp phát triển đối tượng tham gia BHXH;

- Chính phủ đã kiến nghị Quốc hội bổ sung tội trốn đóng BHXH, BHTN trong Bộ luật hình sự năm 2015;

- Chính phủ ban hành Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 03 tháng 8 năm 2018 về giao chỉ tiêu phát triển đối tượngt ham gia BHXH. triển đối tượng tham gia BHXH.

- Ngoài ra, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có nhiều văn bản gửi Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đề nghị đôn đốc, chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm các quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, trong đó tập trung vào các giải pháp mở rộng diện bao phủ BHXH, tăng cường tính tuân thủ pháp luật, hạn chế tình trạng trốn đóng, chậm đóng BHXH.

Như vậy, cho thấy thời gian qua Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương có nhiều biện pháp triển khai thực hiện, qua,đo đã từng bươc hạn chế được tình trạng nợ đóng, chậm đóng BHXH, BHTN, số nợ đã giảm hơn so với những năm trước; quyền lợi của người lap động trong các đơn vị, doanh nghiệp đang nợ đóng BHXH, BHTN được giải quyết kịp thời hơn.

2. Liên quan đến xây dựng văn bản bảo đảm quyền lợi của người lao động trong các doanh nghiệp phá sản, rút giấy phép kinh doanh, chủ là người nước ngoài bỏ trốn mà còn nợ tiền đóng BHXH, BHTN, theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu đề xuất các phương án báo cáo Chính phủ (Báo cáo số 32/BC- LĐTBXH ngày 29 tháng 3 năm 2017), xây dựng văn bản quy định bảo đảm quyền lợi của người lao động (Tờ trình số 50/TTr-BLĐTBXH ngày 03/8/2018 về đề nghị xây dựng Nghị định quy định quản lý thu BHXH, BHTN, BHYT và bảo đảm quyên lợi của người lao động). Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu, xây dựng văn bản quy định bảo đảm đảm quyền lợi của người lao động trong các doanh nghiêp phá sản, rút giấy phép kinh doanh, chủ là người nước ngoài bỏ trôn mà còn nợ tiền đóng BHXH, BHTN gặp vướng mắc do Luật Bảo hiểm xã hôi, Luật Việc làm và Luật ngân sấch nhà nước đều không quy định nội dung chi đối với trường hợp này nên vượt quá thẩm quyền của Chính phủ. Mặt khác, thông lệ quốc tế cũng không quy định đối với các trường hợp này.

Do vậy, để bảo đảm quyền lợi của người lao động, trong thời gian tới Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục tham mưu Chính phủ và phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng cường tính tuân thủ pháp luật về bảo hiểm xã hội, hạn chế tình trạng trốn đóng, chậm đóng BHXH, BHTN; xây dựng ứng dụng tra cứu thông tin về BHXH trên thiết bị di động nhằm cung cấp kịp thời thông tin đóng, hưởng BHXH tới người lao động; đồng thời tiến hành rà soát, thống kê cụ thể số người lao động bị ảnh hưởng quyền lợi trong các doanh nghiệp phá sản, rút giấy phép kinh doanh, có chủ là người nước ngoài bỏ trốn khỏi Việt Nam (số người lao động, thời gian nợ và tiền lương đóng BHXH, BHTN của từng người cụ thể) để làm cơ sở cho việc nghiên cứu, đánh giá tác động toàn diện (tránh tạo ra tiền lệ để các doanh nghiệp khác lợi dụng tiếp tục trốn đóng làm ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động) và đề xuất trong quá trình sửa đổi Luật bảo hiểm xã hội và các luật khác có liên quan, đồng bộ với các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được nêu tại Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23 tháng 5 năm 2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách bảo hiệm xã hội.

Câu 124. Cử tri tỉnh Trà Vinh kiến nghị: Đề nghị bổ sung chế độ cho người phục vụ, chăm sóc thương binh không có khả năng tự phục vụ theo quy định tại Nghị định 28/2012/NĐ-CP ngày 10/4/2012 và Nghị định 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ đối với người khuyết tật đặc biệt nặng không có khả năng tự phục vụ thì người phục vụ chăm sóc được hưởng chế độ; nhưng người phục vụ, chăm sóc thương binh không có khả năng tự phục vụ lại không được hưởng chế độ (trừ thương binh hạng 1/4).

Trả lời: Tại Công văn số 288/LĐTBXH-VP ngày 11/01/2019

Trợ cấp người phục vụ đối với thương binh trong chính sách ưu đãi người có công mang ý nghĩa, mục đích tương tự như kinh phí chăm sóc hàng tháng đối với người bị khuyêt tật đặc biệt nặng. Cụ thê, Nhà nước dành thêm một khoản trợ cấp cho những trường hợp không tự phục vụ được bản thân trong sinh hoạt hàng ngày. Theo đó, Luật Người khuyết tật quy định hỗ trợ kinh phí chăm sóc đối với người hoặc gia đình chăm sóc người bị khuyết tật đặc biệt nặng (là người do khuyết tật dẫn đến không thể tự thực hiện việc phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày - Điểm a Khoản 2 Điều 3 Luật Người khuyết tật); còn Pháp lệnh Ưu đãi người có công cũng quy định trợ cấp người phục vụ chỉ dành cho thương binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên (thương binh 1/4).

Việc kết luận mức độ suy giảm khả năng lao động (tỷ lệ tổn thương cơ thể) đối với thương binh hiện được áp dụng theo Thông tư liên tịch số 28/2013/TTLT- BYT-BLĐTBXH. Theo đó các hình thức thương tật nặng tới mức không tự phục vụ được bản thân đều được xếp tỷ lệ 81 % trở lên. Ngược lại người bị thương được kết luận tỷ lệ dưới 81% đều là các trường hợp vẫn tự phục vụ được bản thân trong sinh hoạt hàng ngày (cần lưu ý việc kết luận tỷ lệ cao hay thấp đối với thương binh hoàn toàn căn cứ vào mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe do các vết thương gây nên, loại trừ các yếu tố ảnh hưởng khác như tuổi cao, sức yếu, ốm đau, bệnh tật).

Như vậy, nếu giải quyết trợ cấp người phục vụ đối với tất cả thương binh khi đến một giai đoạn nào đó người ấy không tự phục vụ được bản thân do tuổi cao, sức yếu, ốm đau, bệnh tật thì đương nhiên cũng phải xem xét giải quyết trợ cấp người phục vụ cho toàn bộ người có công với cách mạng và toàn bộ người khuyết tật khi mà sức khỏe của họ suy giảm theo thời gian. Điều này vừa không đảm bảo cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn và cơ sở pháp lý, đồng thời không phù hợp với điều kiện về kinh tế của đất nước.

Câu 125. Cử tri TP. Hồ Chí Minh kiến nghị: Đề nghị xem xét quy định cho người lao động đã nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần đối với trường hợp người lao động cao tuổi nhưng có thời gian tham gia đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm có nguyện vọng được hoàn trả tiền (kèm lãi suất) để bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội, tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội hoặc bảo hiểm xã hội tự nguyện để được hưởng lương hưu. Mục đích vừa đảm bảo tăng tỷ lệ người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo Nghị quyết của Trung ương và Chính phủ, vừa bảo đảm tính nhân văn trong chính sách chung của Đảng, Nhà nước về an sinh xã hội.

Trả lời: Tại Công văn số 280/LĐTBXH-VP ngày 11/01/2019

Theo quy định của luật về bảo hiểm xã hội, người lao động khi đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định mà chưa đủ số năm đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu thì có thể đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện cho đủ số năm để hưởng lương hưu hoặc có thể hưởng bảo hiểm xã hội một lần nếu có yêu cầu.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động khi đủ tuổi nhưng còn thiếu số năm đóng bảo hiểm xã hội có thể được hưởng lương hưu, ổn định cuộc sống khi về già, Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 đã sửa đổi, bổ sung nhiều quy định về chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện theo hướng linh hoạt, hấp dẫn hơn như: không khống chế tuổi trần tham gia BHXH tự nguyện; quy định phương thức đóng linh hoạt hơn (ngoài các phương thức đóng hàng tháng, 3 tháng một lần, 6 tháng một lần Còn bổ sung phương thức đóng một năm một lần, một lần cho nhiều năm về sau và cho những năm còn thiếu). Như vậy, những người khi hết tuổi lao động nhưng còn thiếu thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu thì có thể đóng một lần cho thời gian còn thiếu để hưởng ngay lương hưu khi hết tuổi lao động. Đặc biệt, từ năm 2018 Nhà nước có chính sách hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người tham gia BHXH tự nguyện nhằm tạo điều kiện để nhiều người lao động.

Chính sách bảo hiểm xã hội nói riêng và các chính sách xã hội nói chung đều có tính thời điểm, việc đặt vấn đề hồi tố sẽ rất phức tạp, làm nảy sinh bất họp lý mới đối với những người thụ hưởng trong cùng thời kỳ và giữa các thời kỳ. Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 không quy định người lao động đã được giải quyết, hưởng bảo hiếm xã hội một lần theo đúng quy định được trả lại tiền để ghi nhận quá trình đóng bảo hiêm xã hội.

Theo Nghị quyết số 28/NQ-TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách bảo hiếm xã hội thì trong thời gian tới, bên cạnh nhiệm vụ, giải pháp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chính sách bảo hiểm xã hội; còn phải nghiên cứu quy định phù hợp để giảm tình trạng hưởng bảo hiếm xã hội một lần theo hướng tăng quyền lợi nếu bảo lưu thời gian tham gia bảo hiểm xã hội để hưởng chế độ hưu trí, giảm quyền lợi nếu hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phù hợp với quy định của pháp luật và thông lệ quốc tế trong quá trình sửa đổi Luật bảo hiểm xã hội nhằm đảm bảo quyền thụ hưởng lương hưu lâu dài của người lao động theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW.                    .

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội

File đính kèm