1. Cử tri tỉnh Tây Ninh kiến nghị: Cử tri tiếp tục kiến nghị với Chính phủ, Bộ Ngoại giao xem xét sửa đổi, bổ sung Hiệp định 1983 cho phù hợp với Bộ luật hình sự hiện nay để đảm bảo việc đấu tranh có hiệu quả đối với các loại tội phạm do người Campuchia thực hiện trên các tỉnh biên giới Việt Nam giáp với biên giới Campuchia. Hiện nay, Hiệp định về Quy chế biên giới giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa nhân dân Campuchia ký ngày 20/7/1983, đến nay vẫn còn hiệu lực thi hành, tại Điều 16 của Hiệp định quy định “trường hợp công dân một nước vi phạm luật pháp nước Bên kia (cướp của, hành hung, buôn lậu v.v…) chính quyền địa phương kịp thời bắt giữ, lập biên bản rồi giao người tang vật cho chính quyền bên phía công dân đó xử lý ”. Do đó việc phát hiện, bắt giữ các vụ việc liên quan đến buôn lậu phải chuyển cho phía Campuchia xử lý gây khó khăn lớn trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.
Trả lời: (Tại Công văn số 3334/BNG-VP ngày 31/8/2018 của Bộ Ngoại giao)
Hiệp định về Quy chế biên giới Việt Nam - Campuchia có hiệu lực từ ngày 27/9/1983 và cho tới nay vẫn còn nguyên giá trị. Trong quá trình tổ chức thực hiện Hiệp định, các Bộ, ngành, địa phương liên quan của cả hai bên đã nhận thấy có nhiều điều khoản không còn phù hợp với tình hình thực tế và đã có nhiều ý kiến đề nghị bổ sung, điều chỉnh. Tuy nhiên, do hiện nay ta và Campuchia đang tập trung triển khai công tác phân giới, cắm mốc (PGCM) biên giới trên đất liền, nên phải tới khi hoàn thành toàn bộ công tác này (Bộ Ngoại giao đang tích cực thúc đẩy phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương), Bộ Ngoại giao mới có thể chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương liên quan xây dựng Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới mới với Campuchia để đàm phán, ký kết với Bạn nhằm thay thế Hiệp định cũ cho phù hợp với tình hình thực tế.
2. Cử tri tỉnh Tây Ninh, An Giang kiến nghị: Đề nghị Chính phủ, Bộ Ngoại giao đẩy nhanh tiến trình phân giới cắm mốc biên giới giữa Việt Nam và Campuchia.
Trả lời: (Tại Công văn số 3334/BNG-VP ngày 31/8/2018 của Bộ Ngoại giao)
Thực hiện Hiệp ước bổ sung 2005, từ năm 2006 đến nay, ta và Campuchia phối hợp triển khai công tác PGCM theo Hiệp ước hoạch định 1985 và Hiệp ước bổ sung 2005; thống nhất sẽ cắm mốc tại 314 vị trí (tương ứng với 371 cột mốc) trên toàn tuyến biên giới đất liền, gồm 3 loại: mốc đại cắm ờ cửa khẩu quốc tế (Mốc A); mốc trung cắm ở những vị trí thông thường (Mốc B); mốc đặc biệt cắm ở vùng ngập lụt (Mốc C). Từ năm 2015, để làm rõ hơn hướng đi của đường biên giới trên thực địa, thuận lợi cho công tác quản lý, lập hồ sơ PGCM, hai bên đã thống nhất cắm bổ sung 1512 cột mốc phụ và 221 cọc dấu.
Kết quả tính đến nay (15/8/2018), trong tổng số khoảng 84% chiều dài đường biên giới đã thống nhất triển khai PGCM trên thực địa, hai Bên đã phối hợp xây dựng được 315 cột mốc chính, 1448/1512 cột mốc phụ và 210/221 cọc dấu.
Thời gian qua, ta đã tích cực thúc đẩy và hiện hai bên đang nỗ lực phối hợp để hoàn thành việc xây dựng mốc phụ, cọc dấu trong 84% nêu trên; đồng thời, hoàn tất các hồ sơ và bản đồ liên quan để pháp lý hóa thành quả đạt được theo chỉ đạo của Lãnh đạo cấp cao hai nước.
3. Cử tri TP Hồ Chí Minh kiến nghị: Cử tri cho rằng, trong thời gian qua ngành du lịch Việt Nam đã có những tín hiệu lạc quan, số lượng khách du lịch cũng như doanh thu ngành du lịch ngày càng tăng. Cử tri đề nghị để đạt được mục tiêu phát triển ngành du lịch Việt Nam, cần thay đổi chính sách thị thực nhập cảnh, cụ thể cử tri kiến nghị: tăng số ngày miễn visa từ 15 ngày lên 30 ngày cho công dân 12 quốc gia đã được miễn visa; bổ sung thêm 06 quốc gia có lượng khách tiềm năng được miễn visa như: Canada, Úc, New Zealand, Bỉ, Thụy Sỹ và Hà Lan; kéo dài thời hạn miễn visa du lịch lên 05 năm đến 10 năm tại thị trường Philippines, Malayxia, Singapore.
Trả lời: (Tại Công văn số 3334/BNG-VP ngày 31/8/2018 của Bộ Ngoại giao)
Chính sách thị thực trong đó có đơn phương miễn thị thực có thể hỗ trợ thúc đẩy du lịch; tuy nhiên cần xác định đúng ý nghĩa, vai trò của yếu tố này đối với năng lực cạnh tranh về du lịch của một quốc gia. Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) thì yêu cầu thị thực chỉ là 01/90 trường thông tin được lấy làm căn cứ để đánh giá năng lực cạnh tranh du lịch quốc gia. Miễn thị thực không phải là giải pháp cơ bản, bền vững để tăng lượng khách du lịch mà chất lượng dịch vụ, sản phẩm du lịch đa dạng và giá tour mới thực sự ảnh hướng đến lựa chọn của khách du lịch. Để thu hút khách du lịch đến Việt Nam ta cần chú trọng công tác tuyên truyền, quảng bá; chất lượng tour và dịch vụ và sản phẩm du lịch, an toàn, an ninh cho khách. Việc xem xét miễn thị thực cho khách nước ngoài vào Việt Nam du lịch cần được đánh giá trên các yếu tố: an ninh, quốc phòng, đối ngoại (nguyên tắc đối đẳng) để đảm bảo lợi ích quốc gia trên nhiều phương diện trong quá trình hoạch định chính sách nói chung và chính sách thị thực nói riêng.
Về việc tăng số ngày miễn visa từ 15 ngày lên 30 ngày cho công dân 12 quốc gia đã được miễn visa: Theo quy định tại điểm d, khoản 1 Điều 31 - Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh và cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (Luật XNC 2014), đối với công dân của nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực thì cấp tạm trú 15 ngày. Vì vậy việc đề xuất tăng thời hạn tạm trú là không phù hợp với quy định pháp luật trong giai đoạn hiện nay. Những đề xuất này sẽ được Chính phủ xem xét trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật XNC 2014.
Về việc bổ sung thêm 06 quốc gia có lượng khách tiềm năng được miễn visa: Trong số 6 nước Canada, Úc, New Zealand, Bỉ, Thụy Sỹ và Hà Lan thì có 4 quốc gia (trừ Bỉ và Thụy Sỹ) là những quốc gia mà công dân đã được áp dụng chính sách thị thực điện tử (e-visa), với các thủ tục đơn giản. Việc bổ sung danh sách các nước được áp dụng Miễn thị thực và gia tăng thời hạn Miễn thị thực cần được xem xét trên cơ sở đảm bảo lợi ích quốc gia trên nhiều phương diện.
4. Cử tri TP Đà Nẵng kiến nghị: Cử tri phản ảnh, thời gian gần đây tàu Trung Quốc liên tục có hành vi tấn công tàu cá của ngư dân Việt Nam đang khai thác hải sản hợp pháp trên vùng biển của Việt Nam. Vấn đề này đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn tính mạng, tài sản và hoạt động bình thường của ngư dân Việt Nam. Cử tri kiến nghị các cơ quan chức năng của Việt Nam có tiếng nói phản đối và có các biện pháp hữu hiệu để bảo vệ ngư dân khai thác hải sản tại các vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Trả lời: (Tại Công văn số 3334/BNG-VP ngày 31/8/2018 của Bộ Ngoại giao)
Bảo vệ ngư dân ta hoạt động an toàn ở Biển Đông luôn là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của Đảng và Nhà nước ta. Đối với các hành vi tàu công vụ nước ngoài xua đuổi, đâm va, đập phá lấy tài sản, bắt giữ trái phép và ngược đãi ngư dân ta đang hoạt động hợp pháp trong vùng biển của Việt Nam, ngay sau khi nhận được thông tin vụ việc (từ các cơ quan chức năng), Bộ Ngoại giao luôn kịp thời tiến hành các biện pháp đấu tranh với phía nước ngoài, phản đối các hành động vi phạm, yêu cầu phía nước ngoài chấm dứt và không để tái diễn các hành động tương tự; điều tra, xử lý nghiêm các sai phạm, bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của ngư dân ta, trong đó có việc bồi thường cho ngư dân ta:
(i) Từ đầu năm 2018 đến nay, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tiến hành bảo hộ 24 vụ/28 tàu/190 ngư dân bị Trung Quốc trấn áp, lấy đi ngư cụ và tài sản ở Hoàng Sa. Ngay sau khi nhận được thông tin liên quan, Bộ Ngoại giao đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong nước để xác minh thông tin các vụ việc. Đối với các vụ việc nghiêm trọng và có đủ bằng chứng, Bộ Ngoại giao kiên quyết đấu tranh, phản đối, yêu cầu điều tra, xác minh, nghiêm khắc xử lý các tàu và cá nhân sai phạm, bồi thường thiệt hại cho ngư dân, tàu cá của ta và thông báo cho phía Việt Nam.
(ii) Ta đã nhiều lần nêu ở các cấp, kể cả cấp cao, trong các phiên họp Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt – Trung nhằm: đề nghị hai bên xử lý thỏa đáng vấn đề nghề cá và hoạt động của ngư dân, các vấn đề phát sinh trong hoạt động nghề cá trên biển[1]; đề nghị Trung Quốc tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam phù hợp với luật pháp quốc tế; phản đối việc mở rộng hiện diện của lực lượng chấp pháp tại Biển Đông, xua đuổi, trấn áp tàu cá của Việt Nam[2], xâm phạm vùng biển Việt Nam[3].
(iii) Trong các khuôn khổ hợp tác ASEAN và khu vực, ta chủ động thúc đẩy hợp tác tìm kiếm cứu nạn, hỗ trợ nhân đạo với người đi biển gặp nạn, nhất là ngư dân; đề xuất sáng kiến về nâng cao phối hợp giữa cơ quan các nước, hướng tới xây dựng quy tắc ứng xử chung trong thi hành nhiệm vụ, trong đó có nội dung đối xử với ngư dân; phối hợp cùng các nước ASEAN và Trung Quốc bảo đảm thực hiện đầy đủ, hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), trong đó có quy định về đối xử công bằng, nhân đạo với người đi biển.
(iv) Bên cạnh đó, căn cứ vào tình hình thực tế, mức độ nghiêm trọng của vụ việc, thông tin sẽ được các cơ quan chức năng cung cấp cho báo chí khai thác, sử dụng, đấu tranh. Tuy nhiên, đối với một số vụ việc thông tin được cung cấp không đầy đủ, chính xác, không xác định rõ số hiệu, quốc tịch của tàu, thuyền, vị trí nơi xảy ra vụ việc,... khiến cho công tác xử lý gặp nhiều hạn chế, thậm chí gây khó khăn cho việc xác minh và đấu tranh, nhất là đấu tranh ngoại giao, dư luận của các cơ quan chức năng.
Thời gian tới, cùng với việc phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành hữu quan và các địa phương, Bộ Ngoại giao cũng đang phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải thúc đẩy việc ký kết Thỏa thuận hợp tác tìm kiếm cứu nạn trên biển Việt Nam – Trung Quốc trong khuôn khổ Đàm phán trong các lĩnh vực ít nhạy cảm; phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông kịp thời cung cấp thông tin cho báo chí, ngư dân về các vụ việc trên biển.
5. Cử tri TP Cần Thơ kiến nghị: Nghiên cứu tham mưu Quốc hội, Chính phủ xem xét tiếp tục miễn thị thực nhập cảnh cho công dân các nước vào Việt Nam để đi du lịch; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến và quảng bá du lịch Việt Nam với thế giới, nhất là ở các thị trường tiềm năng.
Trả lời: (Tại Công văn số 3334/BNG-VP ngày 31/8/2018 của Bộ Ngoại giao)
Chính sách thị thực trong đó có đơn phương miễn thị thực có thể hỗ trợ thúc đẩy du lịch; tuy nhiên cần xác định đúng ý nghĩa, vai trò của yếu tố này đối với năng lực cạnh tranh về du lịch của một quốc gia. Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) thì yêu cầu thị thực chỉ là 01/90 trường thông tin được lấy làm căn cứ để đánh giá năng lực cạnh tranh du lịch quốc gia. Miễn thị thực không phải là giải pháp cơ bản, bền vững để tăng lượng khách du lịch mà chất lượng dịch vụ, sản phẩm du lịch đa dạng và giá tour mới thực sự ảnh hướng đến lựa chọn của khách du lịch. Để thu hút khách du lịch đến Việt Nam ta cần chú trọng công tác tuyên truyền, quảng bá; chất lượng tour và dịch vụ và sản phẩm du lịch, an toàn, an ninh cho khách. Việc xem xét miễn thị thực cho khách nước ngoài vào Việt Nam du lịch cần được đánh giá trên các yếu tố: an ninh, quốc phòng, đối ngoại (nguyên tắc đối đẳng) để đảm bảo lợi ích quốc gia trên nhiều phương diện trong quá trình hoạch định chính sách nói chung và chính sách thị thực nói riêng.
Về việc tăng số ngày miễn visa từ 15 ngày lên 30 ngày cho công dân 12 quốc gia đã được miễn visa: Theo quy định tại điểm d, khoản 1 Điều 31 - Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh và cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (Luật XNC 2014), đối với công dân của nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực thì cấp tạm trú 15 ngày. Vì vậy việc đề xuất tăng thời hạn tạm trú là không phù hợp với quy định pháp luật trong giai đoạn hiện nay. Những đề xuất này sẽ được Chính phủ xem xét trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật XNC 2014.
Về việc bổ sung thêm 06 quốc gia có lượng khách tiềm năng được miễn visa: Trong số 6 nước Canada, Úc, New Zealand, Bỉ, Thụy Sỹ và Hà Lan thì có 4 quốc gia (trừ Bỉ và Thụy Sỹ) là những quốc gia mà công dân đã được áp dụng chính sách thị thực điện tử (e-visa), với các thủ tục đơn giản. Việc bổ sung danh sách các nước được áp dụng Miễn thị thực và gia tăng thời hạn Miễn thị thực cần được xem xét trên cơ sở đảm bảo lợi ích quốc gia trên nhiều phương diện.
6. Cử tri tỉnh Long An kiến nghị: Cử tri bất bình trước hành động của Trung Quốc ngang nhiêm lấn chiếm biển đảo của nước ta. Đề nghị cần có giải pháp tối ưu để đối phó với Trung Quốc và không được nhượng bộ.
Trả lời: (Tại Công văn số 3334/BNG-VP ngày 31/8/2018 của Bộ Ngoại giao)
Thời gian qua, trên mặt trận ngoại giao, ta đã kiên quyết đấu tranh với các hành vi vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông, góp phần giữ vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, cụ thể như sau:
Ta tiếp tục chủ động thúc đẩy giải quyết tranh chấp trên biển với Trung Quốc. Trong 6 tháng đầu năm 2018, ta đã tiến hành đàm phán vòng 6 về hợp tác cùng phát triển trên biển, vòng 9 về vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ và vòng 11 về hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển, đạt nhiều kết quả cụ thể, tích cực. Trong trao đổi về hợp tác trên biển với Trung Quốc, ta thúc đẩy hợp tác theo hướng phù hợp với lợi ích chiến lược của ta và trên cơ sở luật pháp quốc tế, đồng thời kiên trì nêu vấn đề phân định ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ và thẳng thắn đấu tranh, nêu rõ quan ngại của ta trước các hành vi vi phạm.
Ta kịp thời đấu tranh về dư luận, ngoại giao, trao công hàm và lưu hành công hàm tại Liên hợp quốc trước các hoạt động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, quyền và lợi ích hợp pháp của ta ở Biển Đông.
Hiện nay, ta đang tích cực và chủ động cùng các nước ASEAN và Trung Quốc đàm phán xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) để tạo thêm cơ sở vững chắc cho công tác đấu tranh và bảo vệ chủ quyền biển đảo của ta trong tranh chấp Biển Đông, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, góp phần vào việc duy trì hòa bình, ổn định và thúc đẩy hợp tác, phát triển tại Biển Đông.
7. Cử tri tỉnh Phú Yên, Long An, Hồ Chí Minh, Trà Vinh kiến nghị: Cử tri tiếp tục biểu thị sự lo ngại về vấn đề Biển Đông, nhất là việc Trung Quốc đưa tên lửa, máy bay ra Hoàng Sa, Trường Sa và các tàu nước ngoài đâm tàu cá của ngư dân Việt Nam. Hành động này cho thấy âm mưu độc chiếm và tham vọng muốn kiểm soát những tuyến hàng hải, hàng không huyết mạch của thế giới trên Biển Đông. Cử tri đề nghị bằng mọi cách buộc Trung Quốc phải rút vũ khí và quân đội khỏi Hoàng Sa, Trường Sa, lãnh thổ của Việt Nam; đồng thời phải có các giải pháp đấu tranh khả thi, quyết liệt hơn, rõ ràng hơn, tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè, dư luận quốc tế trong việc đối phó với Trung Quốc, bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc và độc lập dân tộc. Quan tâm tăng cường tiềm lực quốc phòng nhằm đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc.
Trả lời: (Tại Công văn số 2885/BNG-UBBG ngày 7/8/2018 của Bộ Ngoại giao)
Đảng, Nhà nước ta luôn kiên trì đường lối đối ngoại hòa bình, độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, giải quyết các tranh chấp quốc tế, trong đó có các tranh chấp liên quan đến biển, đảo bằng các biện pháp hòa bình theo đúng luật pháp quốc tế. Trong vấn đề Biển Đông và xử lý quan hệ với Trung Quốc, chủ trương của Đảng và Nhà nước ta là rất rõ ràng và nhất quán. Một mặt, ta tăng cường quan hệ láng giềng hữu nghị, ổn định và lành mạnh với Trung Quốc; phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, bình đẳng, cùng có lợi để phục vụ yêu cầu phát triển của đất nước. Mặt khác, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Trước các hành vi xâm phạm chủ quyền lãnh thổ, ta luôn kiên quyết, kiên trì đấu tranh bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế như đấu tranh chính trị, ngoại giao, dư luận ở nhiều cấp, dưới nhiều hình thức: giao thiệp, trao công hàm, cho lưu hành công hàm tại Liên hợp quốc, phát biểu phản đối… và tại nhiều diễn đàn khác nhau (song phương và đa phương).
Trong thời gian qua, ta đã và đang triển khai nhiều biện pháp để đấu tranh với việc Trung Quốc quân sự hóa các cấu trúc tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Về song phương, một mặt ta đấu tranh trực diện với Trung Quốc, phản đối, thẳng thắn nêu quan ngại về các hoạt động tôn tạo, quân sự hóa tại Biển Đông trong các cuộc hội đàm, diễn đàn đàm phán giữa hai nước; mặt khác, ta tích cực trao đổi, tham vấn, phối hợp lập trường với các quốc gia có lợi ích trong và ngoài khu vực cùng lên tiếng phản đối mạnh mẽ các hoạt động quân sự hóa hoặc triển khai các biện pháp nhằm bảo đảm an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông. Về đa phương, trong khuôn khổ khu vực, ta đã chủ động, tích cực duy trì vấn đề Biển Đông, cập nhật các diễn biến mới trong chương trình nghị sự, văn kiện và tuyên bố, phản ánh và ghi nhận quan ngại của các nước về hoạt động tôn tạo, nhấn mạnh tầm quan trọng của không quân sự hóa và kiềm chế. Tại các diễn đàn trong khuôn khổ Liên hợp quốc, đặc biệt là tại Hội nghị các nước thành viên Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, ta đã phát biểu yêu cầu các nước tuân thủ đầy đủ quy định của Công ước, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý; không thực hiện các hành vi đơn phương, trong đó có hoạt động quân sự hóa các cấu trúc tại Biển Đông.
Trong thời gian tới, Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan đấu tranh trước các vi phạm của nước ngoài, bảo đảm việc giữ vững các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của ta, duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.
8. Cử tri tỉnh Trà Vinh kiến nghị: Đề nghị sớm ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Biển Việt Nam năm 2012.
Trả lời: (Tại Công văn số 2885/BNG-UBBG ngày 7/8/2018 của Bộ Ngoại giao)
Vận dụng các quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, trên cơ sở tham khảo các thông lệ quốc tế và thực tiễn của các nước, ta đã xây dựng Luật Biển Việt Nam, từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo môi trường pháp lý cho công tác quản lý biển và các hoạt động kinh tế biển, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hội nhập quốc tế và tăng cường hợp tác với các nước vì hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới.
Kể từ khi ban hành và có hiệu lực đến nay, Luật Biển Việt Nam 2012 đã và đang là căn cứ quan trọng cho việc ban hành các Nghị định, văn bản liên quan đến quản lý biển như:
- Nghị định số 102/2012/NĐ-CP ngày 29/11/2012 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của kiểm ngư;
- Nghị định số 104/2012/NĐ-CP ngày 05/12/2012 của Chính phủ quy định đối với tàu quân sự nước ngoài đến nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
- Nghị định số 128/2013/NĐ-CP ngày 15/10/2013 của Chính phủ về xử lý tài sản chìm đắm trên tuyến đường nội địa, vùng nước cảng biển và vùng biển Việt Nam;
- Nghị định số 162/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trên các vùng biển, đảo và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
- Nghị định số 51/2014/NĐ-CP ngày 21/5/2014 của Chính phủ quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển;
- Nghị định số 41/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết việc cấp phép cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam;
- Quyết định số 06/2014/QĐ-TTg ngày 20/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế phối hợp tìm kiếm, cứu nạn trên biển và trong vùng nước cảng biển.
Trong thời gian tới, Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành liên quan ban hành các quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các điều, khoản được giao trong Luật nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực quản lý biển.
9. Cử tri tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu kiến nghị: Cử tri cho rằng vấn đề Biển Đông cần được đấu tranh, không thể để Trung Quốc tung hoành, ngang nhiên xuyên suốt từ năm này đến năm khác được. Đề nghị có các ngành chức năng có biện pháp đảm bảo an toàn cho ngư dân yên tâm bám biển.
Trả lời: (Tại Công văn số 2885/BNG-UBBG ngày 7/8/2018 của Bộ Ngoại giao)
Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm sát sao đến việc bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của ngư dân ta, qua đó giúp ngư dân ta vững tin hơn khi vươn khơi, bám biển, tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Với vai trò là cơ quan đối ngoại của Chính phủ, trong những năm qua, Bộ Ngoại giao đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan kịp thời đấu tranh ngoại giao, hỗ trợ ngư dân ta trong các hoạt động nghề cá trên biển.
Cụ thể, ngay sau khi nhận được thông tin về vụ việc vi phạm, Bộ Ngoại giao đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong nước để xác minh thông tin các vụ việc. Đối với các vụ việc nghiêm trọng và có đủ bằng chứng, Bộ Ngoại giao đều kiên quyết đấu tranh ngoại giao bằng nhiều hình thức/biện pháp như triệu đại diện Đại sứ quán lên để phản đối, trao công hàm, yêu cầu điều tra, xác minh các vụ việc, nghiêm khắc xử lý cá nhân có hành vi vi phạm, không để tái diễn những hành động tương tự, đồng thời bồi thường thỏa đáng các thiệt hại cho ngư dân Việt Nam.
Từ đầu năm 2018 đến nay, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tiến hành bảo hộ 24 vụ/28 tàu/190 ngư dân bị Trung Quốc trấn áp, lấy đi ngư cụ và tài sản ở Hoàng Sa.
Trong thời gian tới, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng liên quan để đấu tranh, bảo vệ ngư dân, tàu cá hoạt động trên các vùng biển và tại khu vực hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của ta.
10. Cử tri tỉnh An Giang kiến nghị: Việc bảo vệ chủ quyền ở Biển đông cũng như ở Hoàng Sa, Trường Sa cần có biện pháp hiệu quả hơn, căn cứ vào Luật Biển năm 1982 có thể khởi kiện ra Tòa án Quốc tế hoặc liên minh với một số nước để đấu tranh sự xâm phạm chủ quyền của nước khác.
Trả lời: (Tại Công văn số 2885/BNG-UBBG ngày 7/8/2018 của Bộ Ngoại giao)
Thời gian qua, Đảng và Chính phủ đã kiên trì thúc đẩy giải quyết các tranh chấp liên quan đến biên giới, lãnh thổ với các nước bằng biện pháp hòa bình, trong đó ưu tiên đàm phán, trên cơ sở luật pháp quốc tế và đạt được nhiều kết quả. Ta cũng kiên quyết đấu tranh đối với các hành vi xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích hợp pháp trên biển của ta; tích cực phối hợp lập trường với các nước lên tiếng về những diễn biến phức tạp tại Biển Đông, phản đối những hành động đơn phương vi phạm, đe dọa đến quyền và lợi ích hợp pháp của các nước trong khu vực, các hoạt động làm thay đổi nguyên trạng, quân sự hóa ở Biển Đông. Hiện nay, ta cũng đang tích cực và chủ động cùng các nước ASEAN và Trung Quốc đàm phán xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC) để tạo thêm cơ sở vững chắc cho công tác đấu tranh bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của ta ở Biển Đông, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, góp phần vào việc duy trì hòa bình, ổn định và thúc đẩy hợp tác, phát triển tại Biển Đông.
Giải quyết tranh chấp tại các cơ quan tài phán quốc tế là một biện pháp hòa bình quan trọng đã được ghi nhận trong Hiến chương Liên hợp quốc. Lập trường nguyên tắc của ta là giải quyết vấn đề Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế và diễn biến tình hình ở khu vực Biển Đông.
[1] Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (01/2017), Chủ tịch nước Trần Đại Quang (5/2017), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (11/2017), nêu với Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
[2] Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh nêu với Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì trong khuôn khổ phiên họp lần thứ 10 Ủy an Chỉ đạo hợp tác song phương Việt - Trung (4/2017), Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị (tháng 4 và tháng 8/2018).
[3] Thứ trưởng Lê Hoài Trung nêu với Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Khổng Huyễn Hựu trong khuôn khổ cuộc gặp Thứ trưởng Ngoại giao hai nước (2/2018).