Tra cứu thông tin kiến nghị cử tri
Tìm kiếm
 

Trong thời gian qua, tình hình biển Đông diễn biến hết sức phức tạp. Vì vậy, cử tri đề nghị Đảng, Nhà nước cần có quyết sách đúng đắn, hợp lòng dân để bảo vệ chủ quyền biển, đảo và an ninh biên giới quốc gia.

  

Kỳ họp: Kỳ họp thứ 5   

Địa phương: Thừa Thiên Huế   

Đơn vị xử lý: Bộ ngoại giao   

Lĩnh vực: Bộ ngoại giao   

Trả lời:

Tại công văn số 3239/BNG-Ttra ngày 27/8/2013

Ngày đăng: 10/06/2014

Về việc bảo vệ chủ quyền Việt Nam trên các vùng biển, hải đảo, ngăn chặn các hành động gây hấn của Trung Quốc:

Trước các hành động vi phạm chủ quyền Việt Nam của Trung Quốc trên Biển Đông trong thời gian vừa qua, ta đã nhanh chóng triển khai đồng bộ hàng loạt biện pháp đấu tranh kiên quyết trên mặt trận ngoại giao và dư luận để bảo vệ lợi ích hợp pháp của Việt Nam theo Luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982. Ngay sau khi xảy ra các vụ việc, Bộ Ngoại giao đã khẩn trương trao công hàm phản đối. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam và các tổ chức xã hội nghề nghiệp của nhân dân Việt Nam đã có những Tuyên bố phản đối và yêu cầu Trung Quốc hủy bỏ các quyết định phi pháp liên quan. Cụ thể như vụ việc Trung Quốc bắn cháy cabin tàu cá của ta (ngày 20/3/2013) và việc Trung Quốc công bố bản đồ toàn quốc mới trong đó thể hiện hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam và yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý, ngày 25/3/2013 người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã ra Tuyên bố phản đối, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội trao Công hàm phản đối; ngày 24/4/2013 Người phát ngôn Bộ Ngoại giao đã phản đối việc Trung Quốc phát hành bản đồ toàn quốc mới.

Bên cạnh đó, ta cũng đẩy mạnh tuyên truyền trên báo chí Việt Nam về chủ quyền của ta ở Biển Đông, đấu tranh phản bác hành động của nước ngoài vi phạm chủ quyền của ta; về Luật Biển Việt Nam, cơ sở pháp lý cho việc bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của ta ở Biển Đông. Ngoài ra còn tranh thủ phóng viên nước ngoài, báo chí cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong tuyên truyền về chủ quyền Việt Nam ở Biển Đông (tổ chức cho 5 đoàn phóng viên nước ngoài đi thực tế đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi viết bài về chủ quyền của ta đối với Hoàng Sa và Trường Sa).

Đồng thời, ta cũng tiến hành thông báo, vận động các nước góp chung tiếng nói, phản đối các hành động sai trái của phía Trung Quốc. Kết quả là trong thời gian qua, nhiều nước trong và ngoài khu vực đã lên tiếng bày tỏ quan điểm trong vấn đề Biển Đông. Trong khuôn khổ ASEAN, ta đã tích cực phối hợp và tham vấn chặt chẽ với các nước ASEAN và đối tác liên quan để phát huy vai trò trong việc củng cố đoàn kết, đồng thuận trong ASEAN. Trong các chuyến thăm và gặp gỡ với các nước của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, ta đã chủ động làm rõ thực trạng tình hình Biển Đông, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của bạn bè quốc tế đối với quan điểm chủ trương của ta trong vấn đề Biển Đông.

Tại các Diễn đàn đàm phán về các vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc (như đàm phán về vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, đàm phán về hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển), ta luôn khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia đối với các vùng biển Việt Nam. Kiên quyết bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò”, không chấp nhận bất kỳ sự thỏa hiệp nào trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam; mong muốn thông qua các biện pháp hòa bình giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông trong khuôn khổ luật pháp quốc tế, đặc biệt Công ước về Luật Biển năm 1982 của Liên hợp quốc. Đồng thời, ta tiếp tục duy trì sự hiện diện hợp pháp trên biển, thúc đẩy phát triển kinh tế biển, đảm bảo các hoạt động dầu khí, nghề cá… diễn ra bình thường trên biển.

Các biện pháp đấu tranh của ta dựa trên chính nghĩa và luật pháp quốc tế, được cộng đồng quốc tế ủng hộ và đánh giá cao, tạo cơ sở thuận lợi về pháp lý và dư luận đối với công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo trong thời gian tới. Tuy nhiên, công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo là lâu dài và hết sức khó khăn do tranh chấp Biển Đông là tranh chấp phức tạp nhất, có nhiều bên tham gia. Vì vậy, chúng ta cần kiên trì, bền bỉ và linh hoạt trong quá trình đấu tranh nhằm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của đất nước.

Các câu hỏi cùng lĩnh vực:
Các câu hỏi cùng địa phương: