Đề xuất nghiên cứu thêm các biện pháp kiểm soát tình trạng thừa cân, béo phì

22/11/2024

Đóng góp ý kiến vào dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, các ĐBQH, chuyên gia cho rằng, cần cân nhắc lợi ích và chi phí khi bổ sung nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam, có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế cũng như đề xuất nghiên cứu thêm các biện pháp kiểm soát tình trạng thừa cân, béo phì cho phù hợp…

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe Hybrid

Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá: Đảm bảo hài hòa lợi ích nhà nước - doanh nghiệp - xã hội

Theo chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 22/11, Quốc hội thảo luận ở Tổ về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Một trong những nội dung nhận được sự quan tâm của các ĐBQH, giới chuyên gia đối với dự án Luật này là nội dung bổ sung nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam, có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế TTĐB.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết: Đa số ý kiến trong Ủy ban nhất trí với việc bổ sung sản phẩm trên vào diện chịu thuế TTĐB; đồng thời đề nghị Chính phủ làm rõ nội dung “theo Tiêu chuẩn Việt Nam” vì quy định này có thể dẫn đến vướng mắc trong thực hiện đối với các sản phẩm nhập khẩu không được sản xuất theo Tiêu chuẩn Việt Nam song vẫn có hàm lượng đường trên 5g/100ml.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh

Một số ý kiến đề nghị giải trình rõ hơn về khả năng đạt được mục tiêu của chính sách này trong việc góp phần bảo vệ sức khỏe người dân; bổ sung các thông tin liên quan đến kinh nghiệm quốc tế; đánh giá kỹ tác động trên khía cạnh bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Với mục tiêu góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng thì việc chỉ đề xuất bổ sung nước giải khát có đường vào diện chịu thuế là chưa bao quát toàn diện các sản phẩm có thể ảnh hưởng tới sức khỏe người dùng vì nước giải khát có đường không phải là sản phẩm duy nhất có hàm lượng đường, người tiêu dùng vẫn có thể tiêu thụ đường với hàm lượng cao hơn từ các sản phẩm khác (như các sản phẩm bánh, kẹo,...). Đồng thời, việc thu thuế đối với đồ uống có đường chưa hẳn đã đạt được mục tiêu hạn chế tiêu dùng do người dân có nhiều lựa chọn khác để thay thế như sử dụng các sản phẩm có đường được pha chế tại chỗ theo yêu cầu của khách hàng, đây là những sản phẩm rất khó để kiểm soát hàm lượng đường và cơ quan quản lý thuế cũng không có căn cứ để thu thuế đối với các sản phẩm đồ uống này.

Một số ý kiến đề nghị cân nhắc việc bổ sung nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế TTĐB vì: Thứ nhất, nước giải khát có đường không phải là nguyên nhân chính và duy nhất gây ra bệnh thừa cân béo phì. Kinh nghiệm của một số quốc gia cho thấy, để hạn chế tình trạng thừa cân béo phì, việc sử dụng các giải pháp khác như đẩy mạnh việc truyền thông, giáo dục về chế độ ăn uống và dinh dưỡng, tăng cường hoạt động thể chất, quy định giới hạn các nội dung được phép quảng cáo liên quan đến sản phẩm có đường,... có thể sẽ mang lại hiệu quả cao hơn trong bảo vệ sức khỏe người dân.

Thứ hai, việc bổ sung đồ uống có đường vào diện chịu thuế TTĐB không chỉ tác động không thuận tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp sản xuất nước giải khát mà còn có thể ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp phụ trợ, đồng thời, có thể gia tăng việc sử dụng các mặt hàng đồ uống được sản xuất không chính thức hoặc các sản phẩm sản xuất thủ công.

Không chỉ tác động trực tiếp lên ngành đồ uống mà còn tác động lan tỏa tới 25 ngành trong nền kinh tế 

Đóng góp vào nội dung trên, đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật xem xét lại một cách toàn diện về đề xuất bổ sung mặt hàng nước giải khát có đường theo Tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế TTĐB. Vì hiện nay còn nhiều ý kiến trái chiều từ các cơ quan quản lý Nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia cũng như người tiêu dùng.

Đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc 

Về tác động sức khỏe, cơ quan soạn thảo đã đưa ra trong Báo cáo đánh giá tác động những số liệu về tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ em tăng nhanh trong 10 năm qua. Tuy nhiên, cần xem xét cả bối cảnh tỷ lệ suy dinh dưỡng, thấp còi, nhẹ cân ở trẻ em, đặc biệt ở miền núi nước ta cũng vẫn còn rất cao. Theo số liệu Tổng điều tra dinh dưỡng quốc gia năm 2019-2020, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi, nhẹ cân ở trẻ em dưới 5 tuổi là 19,6% (cao hơn cả tỷ lệ thừa cân, béo phì) và có sự chênh lệch rất đáng kể giữa các vùng miền nhất là giữa miền núi, nông thôn với thành thị. Ví dụ, tỷ lệ trẻ em dân tộc thiểu số suy dinh dưỡng, nhẹ cân nhiều hơn gấp 2,5 lần so với trẻ em là người Kinh. Việc tăng thuế đối với nước giải khát có đường có thể sẽ không làm trẻ em ở khu vực thành thị giảm tiêu thụ sản phẩm này vì sự chênh lệch về giá thành trước và sau khi áp thuế so với thu nhập bình quân đầu người ở khu vực thành thị là không đáng kể, nhưng đối với khu vực vùng sâu, vùng xa hay ở khu vực dân tộc thiểu số, việc tăng giá dù không đáng kể cũng sẽ khiến cho trẻ em ở đây vốn đã ít có cơ hội được uống nước giải khát sẽ càng khó tiếp cận các mặt hàng này hơn.

Về tác động đối với thu ngân sách, Báo cáo đánh giá tác động cho thấy, nếu áp thuế TTĐB theo phương án đề xuất 10% bắt đầu từ năm 2026 thì sẽ làm tăng thu ngân sách khoảng 2.400 tỷ đồng năm đầu tiên, nhưng số thu các năm sau sẽ giảm, nhưng báo cáo không cung cấp thông tin về mức độ giảm là bao nhiêu. Theo báo cáo đánh giá tác động kinh tế của TTĐB đối với nước giải khát có đường do Viện quản lý kinh tế Trung ương thực hiện và công bố vào tháng 10 vừa qua thì nếu áp mức thuế TTĐB 10% đối với nước giải khát thì thu ngân sách từ năm thứ hai trở đi mỗi năm sẽ giảm khoảng 4.978 tỷ đồng từ thuế gián thu, chưa kể đến mức giảm tương ứng từ thuế trực thu. Ngoài ra, trong Báo cáo cũng chỉ ra rằng, chính sách thuế này sẽ không chỉ tác động trực tiếp lên ngành đồ uống mà còn tác động lan tỏa tới 25 ngành trong nền kinh tế và dẫn đến sụt giảm GDP gần 0,5% GDP, tương ứng 42.570 tỷ đồng. Do vậy, Viện quản lý kinh tế Trung ương đề xuất chưa áp dụng thuế TTĐB đối với nước giải khát có đường.

Về kinh nghiệm quốc tế, theo Báo cáo đánh giá tác động của cơ quan soạn thảo, hiện nay đã có ít nhất 107 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới áp dụng thuế TTĐB đối với nước giải khát có đường. Tuy nhiên, một báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phát hành ngày 05/12/2023 và đang đăng tải trên trang tin của tổ chức này cho biết thêm rằng, một nửa trong số các quốc gia này cũng áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với cả nước uống, mặc dù nước uống là mặt hàng được Tổ chức Y tế thế giới khuyến khích tiêu dùng. Vì vậy, Tổ chức Y tế thế giới cho rằng, không phải quốc gia nào cũng áp dụng chính sách thuế này vì mục đích sức khỏe mà chỉ đơn thuần là đưa tất cả các loại đồ uống vào diện chịu thuế.

Chính vì vậy, đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung cho rằng, cần nghiên cứu thêm đối với nội dung này để từ đó đề xuất các biện pháp kiểm soát tình trạng thừa cân, béo phì và các bệnh không lây nhiễm khác cho phù hợp. Ví dụ như, có những quốc gia như Ấn Độ, Mexico, Thái Lan, Philippines đã áp thuế TTĐB với đồ uống có đường nhiều năm nhưng tỷ lệ thừa cân, béo phì thì lại vẫn tiếp tục tăng, mặc dù tiêu thụ nước giải khát có đường giảm. Trong khi đó các quốc gia khác như Nhật Bản, Singapore hay Trung Quốc không áp dụng chính sách thuế này thì tỷ lệ thừa cân, béo phì lại được kiểm soát tốt.

Theo đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung, công cụ thuế này không hiệu quả trong việc làm thay đổi hành vì người tiêu dùng, đặc biệt là khi các đối tượng tiêu dùng mặt hàng nước giải khát có đường phần lớn là trẻ em. Các cơ quan nên tập trung vào các biện pháp tuyên truyền và giáo dục trong gia đình và trường học để các em thay đổi nhận thức và từ đó thay đổi hành vi tiêu dùng.

Do còn nhiều ý kiến khác nhau về tính hiệu quả cả về sức khỏe và kinh tế của đề xuất bổ sung nước giải khát có đường vào diện chịu TTĐB, theo tinh thần của Chủ tịch Quốc hội là chỉ có những vấn đề “đã chín, đã rõ thì sửa, cái gì chưa rõ thì phải tiếp tục nghiên cứu", đại biểu Thái Quỳnh Mai Dùng đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu thêm về vấn đề này và chưa đưa vào dự thảo mặt hàng còn nhiều tranh cãi này.

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà - Phó Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội

Đồng thuận với quan điểm trên, đại biểu Trần Thị Nhị Hà - Phó Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội cho rằng, việc áp thuế cần hướng tới điều tiết hành vi của người tiêu dùng hơn là tăng thu ngân sách. Việc áp thuế nước giải khát có đường thực chất là điều chỉnh lượng đường đưa vào cơ thể cho hợp lý chứ không làm giảm thừa cân béo phì. Do đó cần bổ sung thêm đánh giá tác động tới sức khỏe, bởi đây là vấn đề rất được quan tâm nhưng dự thảo lại thiếu đánh giá về y tế.

"Nếu chúng ta đánh thuế TTĐB với nước giải khát có đường thì cũng cần nghiên cứu kỹ xem áp thuế theo tiêu chuẩn Việt Nam hay tiêu chuẩn nào trên cơ sở khoa học”- đại biểu Trần Thị Nhị Hà bày tỏ.

Cân nhắc lợi ích, chi phí và sự ảnh hưởng

Đứng ở góc độ chuyên gia, cung cấp thông tin cho phóng viên Cổng TTĐT Quốc hội, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm- nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Việt Nam cho biết: Tỷ lệ thừa cân béo phì ở trẻ từ 5 - 19 tuổi tại nước ta đã tăng gấp đôi trong giai đoạn 2010 - 2020, từ mức 8,5% lên 19%. Dù vậy, vẫn thấp hơn nhiều so với tỷ lệ trung bình khu vực ASEAN là 33,96% (năm 2021).

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng thừa cân béo phì ở trẻ, bao gồm: khẩu phần ăn và dinh dưỡng không cân bằng các chất, hoạt động thể lực kém, yếu tố di truyền, yếu tố kinh tế - xã hội, ngủ ít, suy dinh dưỡng thấp còi lúc nhỏ. Khảo sát của Viện Dinh dưỡng Quốc gia trong giai đoạn 2018 - 2021 cho thấy, những thực phẩm được trẻ em ở cả thành thị và nông thôn tiêu thụ thường xuyên nhiều nhất là ngũ cốc - tinh bột (trên 97%), rau củ quả (trên 90%), chất đạm (trên 85%), chất béo (trên 65%)…; đồ uống có đường trên đường phố, đồ uống bổ sung có đường và nước ngọt chiếm tỷ lệ thấp nhất, với mức tối đa là 24,6%.

PGS.TS Nguyễn Thị Lâm - nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Việt Nam

Nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng Quốc gia cũng chỉ ra, tỷ lệ thừa cân béo phì không tương ứng với mức độ tiêu thụ nước ngọt thường xuyên. Theo đó, ở thành thị, tỷ lệ thừa cân béo phì là 41,9%, trong khi tiêu thụ nước ngọt là 16,1% và tiêu thụ bánh kẹo là 51,1%. Ở nông thôn, tỷ lệ thừa cân béo phì 17,8%, trong khi tiêu thụ nước ngọt là 21,6% và tiêu thụ bánh kẹo là 56,4%.

Từ thống kê đó, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm cho rằng, nếu chỉ giảm tiêu thụ nước giải khát có đường thì không giải quyết thừa cân béo phì và các bệnh không lây nhiễm (huyết áp, tim mạch, ung thư, đái tháo đường…). Để phòng chống thừa cân béo phì và các bệnh không lây nhiễm, cần tăng cường truyền thông về dinh dưỡng và sức khỏe. Cùng với đó, sử dụng hợp lý các nguồn thực phẩm; chế độ ăn cần tăng cường sử dụng rau quả, chất xơ; tăng cường các hoạt động thể chất...

Còn theo TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế, số liệu trên quy mô toàn cầu về tỷ lệ người thừa cân béo phì tại thời điểm năm 2016 và 2024 của Liên đoàn Bệnh béo phì Thế giới (WOF) cho thấy, việc đánh thuế đường chưa chắc giúp tỷ lệ người mắc bệnh thừa cân béo phì giảm xuống. Cụ thể, vẫn có trên 20 quốc gia với tỷ lệ người thừa cân béo phì tăng trong giai đoạn 2016 - 2024 dù đã đánh thuế đường nhiều năm. Ví dụ, Mỹ đánh thuế đường từ năm 2016, tỷ lệ thừa cân béo phì tăng từ 42,1% lên 42,7%, cao thứ 5 thế giới; Brunei đánh thuế đường từ năm 2017, tỷ lệ thừa cân béo phì tăng từ 14,1% lên 23,2%, đứng thứ 24 thế giới…

TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế

Trong khi đó, cùng giai đoạn, có 65 quốc gia dù chưa bao giờ đánh thuế đường, nhưng tỷ lệ người thừa cân béo phì lại giảm. Chẳng hạn, Trung Quốc giảm từ 6,2% (2016) còn 6,1% (2024); Indonesia giảm từ 6,9% còn 6,1%... Đáng chú ý, Nhật Bản không đánh thuế đường nhưng tỷ lệ người thừa cân béo phì luôn giữ ổn định trong 9 năm qua, ở mức 4,3% và nằm trong nhóm thấp nhất thế giới. Vì vậy, có nên đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường để điều chỉnh hành vi tiêu dùng ở Việt Nam, nhất là với nhóm trẻ 5 - 19 tuổi, đang là câu hỏi lớn đòi hỏi nghiên cứu kỹ. Theo cơ quan soạn thảo dự án Luật, nếu đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt 10% với nước giải khát có đường sẽ tăng thu ngân sách khoảng 2.400 tỷ đồng/năm. Tuy vậy, bài toán chi phí và lợi ích cần được cân nhắc thêm.

TS. Cấn Văn Lực phân tích, toàn bộ thuế tiêu thụ đặc biệt chiếm 8,8% tổng thu ngân sách Nhà nước. Nếu tăng thu 2.400 tỷ đồng từ áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường cũng chiếm một tỷ lệ rất nhỏ, chỉ dưới 2% trong tổng thu thuế mỗi năm. Trong khi đó, giả sử việc đánh thuế sẽ điều chỉnh hành vi khiến tiêu thụ nước giải khát có đường giảm, như vậy số thu 2.400 tỷ đồng chắc chắn sẽ không đạt. Chưa kể, để thu đúng, thu đủ số thuế này cũng là vấn đề không đơn giản bởi không loại trừ tình trạng lách thuế.

Dẫn nghiên cứu mới nhất của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), TS. Cấn Văn Lực cho biết, việc bổ sung thuế tiêu thụ đặc biệt 10% đối với nước giải khát có đường sẽ làm tác động tiêu cực đến 9 ngành giải khát và 24 ngành liên quan, làm thiệt hại khoảng gần 28.000 tỷ đồng (tương đương 0,5% GDP năm 2022), làm giảm thuế gián thu 5.400 tỷ đồng/năm và giảm thuế trực thu 3.300 tỷ đồng/năm do tiêu thụ và sản xuất nước giải khát sẽ có xu hướng giảm./.

Bích Lan