Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam: Cần đánh giá kỹ tác động sinh thái

14/11/2024

Cơ bản nhất trí với chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam, các đại biểu Quốc hội cho rằng, cần đánh giá kỹ tác động của việc xây dựng dự án đối với môi trường, cảnh quan, hệ sinh thái của các vùng lân cận, đồng thời cần ưu tiên sử dụng lao động tại các địa phương để gắn bó, bảo vệ công trình và phục vụ cho dự án khi hoàn thành và vận hành.

Nghiên cứu kết nối đường sắt cao tốc với hệ thống giao thông hiện hữu

Đánh giá kỹ các tác động sinh thái

Đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam, đại biểu Ma Thị Thúy, Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang đồng tình nhất trí cao với Chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam. Đại biểu cho rằng xây dựng đường sắt cao tốc Bắc – Nam là mong ước từ lâu của cử tri và Nhân dân, dự án sẽ tác động to lớn đến phát triển kinh tế xã hội của cả nước.

Để dự án phát huy hiệu quả cao nhất, đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm đánh giá tác động đến các chỉ tiêu an toàn nợ công khi thực hiện đồng thời các dự án quan trọng quốc gia khác trong giai đoạn 2025-2035. Đảm bảo nguồn vốn, hạn chế tình trạng phải điều chỉnh lại chủ trương nhiều lần như một số công trình, dự án quan trọng quốc gia. Về đất sử dụng cho dự án là rất lớn (khoảng 10.827 ha), trong đó đất trồng lúa khoảng 3.655 ha; đất lâm nghiệp khoảng 2.567 ha...Dự án sẽ có những tác động đáng kể đến việc thực hiện Quy hoạch sử dụng đất quốc gia nên cần được rà soát để đảm bảo việc chuyển đổi phù hợp.

Đại biểu Ma Thị Thúy, Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang phát biểu

Bên cạnh đó, đại biểu cũng lưu ý, việc chuyển đổi đất trồng lúa cần được xem xét kỹ lưỡng để đảm bảo phù hợp với mục tiêu bảo vệ đất lúa, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Dự án sẽ phải chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, cần báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định để bảo đảm tính toàn diện, phù hợp quy định pháp luật của Dự án. Đồng thời, đại biểu kiến nghị bổ sung đánh giá kỹ hơn các tác động sinh học, hệ sinh thái; có phương án trồng rừng thay thế, quan tâm đến sinh kế ổn định cho người dân làm nghề rừng. Đặc biệt, một số địa phương có nhu cầu chuyển đổi sử dụng đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất liên quan đến dự án cần rà soát, đánh giá tác động quy hoạch sử dụng đất, chú trọng các biện pháp bảo vệ và phục hồi rừng, phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Dự án tác động trực tiếp đến khoảng trên 120 nghìn người, do đó đại biểu đề nghị đánh giá kỹ hơn các tác động về mặt xã hội và văn hóa, đặc biệt là khu vực có đồng bào dân tộc thiểu số, sinh sống bằng nông nghiệp, lâm nghiệp, cần tạo việc làm, chuyển đổi nghề, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc; quan tâm đến hộ gia đình người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, hộ cận nghèo trong thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư.

Đối với các chính sách đặc thù, đặc biệt được đề xuất áp dụng cho dự án, đại biểu Ma Thị Thúy nhấn mạnh đường sắt tốc độ cao là một dự án trọng điểm, chiến lược, với việc quy định cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để triển khai dự án là phù hợp, góp phần đẩy nhanh tiến độ, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. Tuy nhiên đại biểu băn khoăn về chính sách khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ Dự án quy định tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phục vụ Dự án không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy phép khai thác; không phải lập dự án đầu tư khai thác khoáng sản và không phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Theo đại biểu, việc bỏ qua thủ tục cấp phép khai thác sẽ dẫn đến thiếu cơ sở pháp lý để kiểm soát khối lượng, phạm vi khai thác, có thể dẫn đến lợi dụng khai thác, tập kết vật liệu cho mục đích khác, ảnh hưởng đến công tác quy hoạch và quản lý tài nguyên khoáng sản của địa phương… ngoài ra Dự án giao hướng dẫn mà không có các tiêu chí, quy trình cụ thể về phương pháp đánh giá, nội dung đánh giá và cách thức kiểm tra, giám sát có thể dẫn đến tình trạng không thống nhất trong tổ chức thực hiện tại mỗi địa phương.

Bổ sung phương án sử dụng lao động tại các địa phương

Tham gia thảo luận, đại biểu Lò Thị Việt Hà, Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang cho rằng việc xây dựng đường sắt cao tốc đã được phê duyệt từ 2010, nhưng vì nhiều lý do, dự án chưa triển khai được. Đại biểu nhấn mạnh, đến nay việc xây dựng đường sắt cao tốc trục Bắc – Nam là hết sức cần thiết, dự án đường sắt cao tốc với những ưu điểm như thân thiện với môi trường, an toàn, giảm tải cho các loại hình vận tải khác, là phương thức vận tải chủ đạo trên các hành lang vận tải có khối lượng lớn của đất nước, khai thác hết tiềm năng, phát huy được vai trò, vị thế của vận tải đường sắt các sẽ góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế xã hội của cả nước.

Đại biểu Lò Thị Việt Hà, Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang

Để hoàn thiện chủ trương đầu tư, đại biểu đề nghị đề nghị Chính phủ tiếp tục đánh giá và bổ sung phương án sử dụng lao động tại các địa phương để gắn bó, bảo vệ công trình và phục vụ cho dự án khi hoàn thành và vận hành. Bên cạnh việc thực hiện Dự án cũng có nguy cơ phát sinh các tác động tiêu cực tới cộng đồng dân cư như: Dự án có nhu cầu giải phóng mặt bằng rất lớn đặt ra thách thức trong việc chuyển đổi đất nông nghiệp, đất thổ cư và chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân bị thu hồi đất sản xuất.

Từ căn cứ này, đại biểu cho rằng cần có phương án chính sách hỗ trợ chuyển dịch việc làm đối với người lao động ở khu vực nông thôn bị giải phóng mặt bằng, chính sách việc làm công đối với các địa phương dự án đi qua. Việc thu hút một lượng lao động lớn để thi công công trình dọc tuyến cũng có thể tiềm ẩn nguy cơ làm lây lan các bệnh dịch truyền nhiễm, tiếng ồn, khói bụi, môi trường sống… cần có giải pháp ngay từ đầu. Về môi trường, đại biểu cho rằng cần hoàn thổ và trồng lại rừng, tạo cảnh quan phù hợp với đời sống mỗi địa phương.

Tính toán lưu lượng khách, đầu tư trọng tâm, tránh lãng phí

Cho ý kiến về chủ trương đầu tư dự án này, đại biểu Nguyễn Thanh Phương, Đoàn ĐBQH Tp. Cần Thơ tán thành với những phương án mà Cơ quan soạn thảo trình ra Quốc hội. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng cần có sự tính toán, cân đối lưu lượng hành khách di chuyển bằng tàu cao tốc trong tổng thể lưu lượng khách của toàn ngành giao thông. Đồng thời, đại biểu đề nghị Cơ quan soạn thảo giải trình rõ, tới đây vấn đề kết nối đường sắt từ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tới các ga của đường sắt tốc độ cao sẽ được thực hiện như thế nào? Nếu bức tranh tổng thể về các tuyến đường kết nối được làm rõ thì sẽ tạo được ấn tượng hơn với hành khách. Bên cạnh đó, cần nhận thức rõ, đầu tư vào các tuyến đường kết nối là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả của việc di chuyển bằng đường sắt tốc độ cao.

Đại biểu Nguyễn Thanh Phương, Đoàn ĐBQH Tp. Cần Thơ phát biểu

Quan tâm đến nội dung dự báo về nhu cầu vận tải, đại biểu Lê Hoàng Hải, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai nêu rõ, Báo cáo tiền khả thi cho biết, trong 05 năm đầu đưa vào khai thác 50%, 05 năm tiếp theo là 60%, những năm tiếp theo là 70%. Đại biểu cho rằng, việc dự báo nhu cầu vận tải cần nghiên cứu kinh nghiệm triển khai thực hiện phương thức vận tải đường sắt tốc độ cao của các quốc gia đi trước cũng như khắc phục những hạn chế, bất cập khi triển khai các dự án BOT trong thời gian qua, tránh gây lãng phí nguồn lực.

Đồng thời, đại biểu đề nghị Chính phủ cần làm rõ dự kiến tiến độ đến năm 2035 là cơ bản hoàn thành dự án là hoàn thành những hạng mục nào? Những hạng mục nào là chưa hoàn thành, từ đó đề xuất cụ thể mốc thời gian hoàn thành để Quốc hội có cơ sở quyết định. Thời gian qua, việc triển khai các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh liên tục phải điều chỉnh tiến độ, dẫn đến tăng tổng mức đầu tư. Đại biểu cho rằng, bất cứ dự án đầu tư nào, quá trình thực hiện sẽ khó khớp với kế hoạch ban đầu bởi khá nhiều hạng mục chúng ta chưa thể tự chủ. Do đó, đề nghị cần đánh giá kỹ lưỡng về tiến độ giải ngân, nguồn cung vật liệu và giá nguyên vật liệu trong toàn bộ quá trình thực hiện Dự án, việc chuyển giao công nghệ, việc quản lý vận hành, khai thác, bảo trì, bảo dưỡng khi tổ chức vận hành, dự trù các rủi ro có thể xảy ra để có giải pháp kịp thời, khả thi, hiệu quả, giảm thiểu thất thoát, lãng phí.

Hồ Hương

Các bài viết khác